
DALLAS – Hôm thứ Ba (11/2), Cơ quan Điều tra Liên bang (FBI) loan báo vừa phát hiện thêm 2,400 hồ sơ mới liên quan đến vụ ám sát cố Tổng thống John F. Kennedy trong lúc đang ráo riết đẩy nhanh mức độ giải mật hàng ngàn tài liệu theo sắc lệnh hành pháp Trump ban hành hồi tháng trước, theo APNews.
FBI cho biết họ đang chuyển giao toàn bộ số tài liệu mới này cho Văn khố Quốc gia (National Archives and Records Administration, NARA) để chính thức đưa vào quy trình giải mật theo quy định.
Từ đầu những năm 1990, chính phủ liên bang đã quy định rằng tất cả các tài liệu liên quan đến vụ ám sát Kennedy ngày 22 tháng 11 năm 1963 phải được tập hợp và lưu trữ trong một bộ hồ sơ duy nhất tại Văn khố Quốc gia. Mặc dù phần lớn bộ hồ sơ khổng lồ này – tổng cộng hơn 5 triệu trang tài liệu – đã được công khai rộng rãi, giới nghiên cứu vẫn ước tính rằng còn khoảng 3,000 tài liệu chưa được công bố, dù là một phần hay toàn bộ.
FBI không tiết lộ cụ thể về nội dung của các hồ sơ mới được phát hiện này. Tuy nhiên, vào năm 2020, cơ quan đã thành lập Trung tâm Tổng hợp Hồ sơ (Central Records Complex, CRC), nhằm tập trung quản trị hồ sơ từ các văn phòng hiện trường trên khắp Hoa Kỳ. Kể từ đó, FBI dành nhiều năm để tập trung vận chuyển, lập danh mục kiểm kê trên mạng điện tử và lưu trữ các vụ án đã đóng hồ sơ. Nhờ vào quy trình kiểm kê hồ sơ toàn diện cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, cơ quan có thể tra cứu và xác định hồ sơ nhanh chóng hơn.
Jefferson Morley, Phó chủ tịch của Mary Ferrell Foundation – tổ chức chuyên lưu trữ giấy tờ, tài liệu liên quan đến vụ ám sát JFK – gọi việc FBI công khai tài liệu mới là một hành động “rất đáng hoan nghênh.”
Morley cũng là biên tập viên của trang blog JFK Facts, cho biết: “Điều này cho thấy FBI đang thực sự nghiêm túc trong việc minh bạch thông tin.” Ông cũng cho rằng đây có thể sẽ trở thành tiền lệ để các cơ quan liên bang khác làm theo, chủ động rà soát và cung cấp các tài liệu vẫn chưa được chuyển giao cho NARA.
Vào tháng trước, Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp chỉ đạo Giám đốc Tình báo Quốc gia và Bộ trưởng Tư pháp lên kế hoạch giải mật các tài liệu liên quan đến vụ ám sát Kennedy. Một phát ngôn viên của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia xác nhận rằng kế hoạch này đã được đệ trình theo yêu cầu, nhưng không tiết lộ nội dung cụ thể và mốc thời gian dự kiến để công bố các tài liệu này.
Toàn bộ hồ sơ về vụ ám sát Kennedy đáng lẽ phải được công khai vào năm 2017, trừ những tài liệu được tổng thống đương nhiệm giữ lại với lý do đặc biệt. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump từng tuyên bố sẽ công bố tất cả các tài liệu còn lại, nhưng sau đó đã quyết định giữ lại một số hồ sơ, với lý do rằng việc công khai có thể gây nguy hại đến an ninh quốc gia. Đến thời Tổng thống Joe Biden, một số tài liệu tiếp tục được giải mật, nhưng vẫn còn nhiều hồ sơ vẫn chưa được tiết lộ.
Vụ ám sát Kennedy đã trở thành nguồn cơn của hàng loạt thuyết âm mưu kéo dài dai dẳng suốt hàng thập niên. Cố Tổng thống Kennedy bị bắn chết ngay trung tâm thành phố Dallas, khi đoàn xe hộ tống ông đi ngang qua Tòa nhà Texas School Book Depository. Hung thủ gây án được xác định là Lee Harvey Oswald, 24 tuổi, đã phục kích từ tầng sáu của tòa nhà này và thực hiện vụ ám sát.
Chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Kennedy qua đời, Jack Ruby, chủ một hộp đêm ở Dallas, đã bắn chết Oswald khi đang trên đường di lý.
Ủy ban Warren (Warren Commission), do Tổng thống Lyndon B. Johnson thành lập ngay sau vụ ám sát Kennedy, đã kết luận rằng Lee Harvey Oswald hành động đơn độc và không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy sự tồn tại của một âm mưu đằng sau sự việc. Tuy nhiên, kết luận này không thể dập tắt những lời đồn và hàng loạt giả thuyết được đựng lên và tồn tại suốt nhiều thập niên sau đó.
Gerald Posner, tác giả của cuốn sách “Case Closed,” cũng đồng tình với kết luận rằng Oswald không có đồng phạm và không chịu sự giật dây từ bất kỳ tổ chức nào. Trước thông tin FBI phát hiện 2,400 tài liệu mới liên quan đến vụ ám sát, ông tin rằng các hồ sơ này có thể chỉ là bản sao của những tài liệu đã có trong NARA, chứ không phải những tài liệu hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, theo Posner, nếu những hồ sơ này thực sự chưa từng được công bố trước đây, điều đó sẽ làm dấy lên nhiều nghi vấn: Vì sao các tài liệu này lại bị bỏ sót suốt ngần ấy năm trời? Có ai đó cố tình giữ kín thông tin không? Và quan trọng nhất, liệu nội dung của chúng có thể thay đổi cách nhìn nhận về vụ án hay không?
Trong những năm gần đây, các tài liệu được công bố từ bộ hồ sơ đồ sộ về vụ ám sát Kennedy đã hé lộ nhiều thông tin về cách thức hoạt động của các cơ quan tình báo vào thời điểm đó. Chúng bao gồm nhiều bản điện tín và bản sự kiện của CIA, trong đó có đề cập đến việc Oswald từng đến ĐSQ Liên Xô và Cuba ở Mexico City, chỉ vài tuần trước khi Tổng thống Kennedy bị ám sát. Oswald vốn là một cựu lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ, nhưng đã đào tỵ sang Liên Xô một thời gian trước khi quay trở lại Texas.
Theo Morley, cách CIA giám sát Oswald đã trở thành “câu chuyện nổi bật và thu hút nhiều sự chú ý nhất trong khoảng 5 đến 10 năm trở lại đây.” Ông cũng đoán rằng, rất có thể các tài liệu mới sẽ chứa đựng những thông tin giá trị liên quan đến việc này.