Trong buổi họp báo tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gây chấn động khi bất ngờ đề nghị là Hoa Kỳ nên “tiếp quản” Dải Gaza và tái định cư vĩnh viễn gần hai triệu người Palestine đang sống ở đó sang các nước láng giềng.
Trước đó, Trump đã nhiều lần kêu gọi Ai Cập và Jordan tiếp nhận dân tị nạn Palestine, nhưng cả hai quốc gia này đều cương quyết từ chối.
Lời đề nghị mới của Trump – cùng với viễn cảnh Hoa Kỳ trực tiếp nhúng tay can thiệp vào một vùng lãnh thổ có chủ quyền – ngay lập tức vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội, và làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính hợp pháp của đề nghị này theo luật quốc tế.
Khi được hỏi Hoa Kỳ sẽ dựa vào cơ sở pháp lý nào để làm điều này, Trump không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng. Ông chỉ nhấn mạnh rằng đây sẽ là một “vị thế sở hữu lâu dài,” và cũng không loại trừ lựa chọn dùng tới quân đội để đạt được mục tiêu. Vậy, luật pháp quốc tế nói gì về ý tưởng này?
Hoa Kỳ có thể tiếp quản một vùng lãnh thổ có chủ quyền không?
Câu trả lời ngắn gọn là không – Trump không thể tự ý chiếm lãnh thổ của người khác.
Kể từ sau Thế Chiến II năm 1945, luật pháp quốc tế đã nghiêm cấm việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm lãnh thổ. Đây là một trong những nguyên tắc cốt lõi của hệ thống pháp luật quốc tế từ khi Liên Hiệp Quốc (LHQ) được thành lập.
Theo luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ chỉ có thể tiếp quản Gaza nếu có sự đồng thuận từ chính quyền hợp pháp của vùng lãnh thổ này. Nhưng vấn đề là Israel không có quyền chuyển giao Gaza cho Hoa Kỳ. Bởi vì Tòa án Quốc tế (International Court of Justice, ICJ) đã tuyên bố rằng Gaza là một vùng lãnh thổ bị chiếm đóng – và việc chiếm đóng này là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Vì vậy, nếu muốn hợp pháp hóa quyền kiểm soát Gaza, Trump sẽ cần có cái gật đầu của chính quyền Palestine và người dân Palestine – việc này gần như là bất khả thi.
Còn việc di dời dân cư?
Điều 49 của Hiến Ước Geneva (Geneva Conventions) quy định rằng một cường quốc chiếm đóng không được phép cưỡng ép di dời hoặc chuyển người dân khỏi vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát.
Luật pháp quốc tế cũng quy định rằng không quốc gia nào được phép hỗ trợ một lực lượng chiếm đóng vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Điều đó có nghĩa là, nếu Hoa Kỳ muốn di dời toàn bộ dân số Gaza bằng vũ lực, Israel không thể ra tay giúp đỡ. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng không thể tiếp tay cho Israel làm chuyện đó.
Tuy nhiên, một ngoại lệ: cường quốc chiếm đóng có thể tạm thời di dời dân cư vì lý do an toàn.
Trump và các cố vấn của mình, trong đó có phái đoàn Trung Đông vừa đến thăm Gaza, liên tục nhấn mạnh rằng khu vực này quá nguy hiểm để sinh sống. Trump cứ hỏi “sao mà họ vẫn muốn ở lại đây?” “không còn cách nào khác,” họ “phải rời đi thôi.” Nhưng dù có thể lấy lý do an toàn mà di dời họ đi chỗ khác, thì họ vẫn có quyền hồi hương ngay khi tình hình đã ổn định.
Nếu người dân tự nguyện rời đi thì sao?
Việc di dời dân cư chỉ hợp pháp nếu có sự đồng thuận. Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là toàn bộ người dân Palestine ở Gaza phải đồng ý rời đi. Hoa Kỳ không thể ép buộc bất kỳ ai rời đi nếu họ không muốn.
Hơn nữa, theo luật quốc tế, một chính phủ – chẳng hạn như Chính quyền Palestine – không thể thay mặt toàn bộ dân số để đưa ra quyết định này. Mỗi cá nhân có quyền tự quyết, tức là quyền được quyết định tương lai của chính mình.
Một thí dụ điển hình là di cư. Nếu một người tự nguyện rời khỏi đất nước để tìm kiếm cuộc sống mới, đó là quyền hợp pháp của họ. Nhưng nếu họ bị ép buộc rời đi, đó là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Ngoài ra, việc sử dụng lời đe dọa để buộc người ta rời khỏi quê hương cũng không thể coi là sự đồng thuận. Nếu ai đó nói rằng: “Ở lại đồng nghĩa với cái chết, vì chiến tranh sẽ không kết thúc. Nhưng nếu rời đi, sẽ có cơ hội sống trong yên bình.” Đây không phải là đưa ra lựa chọn, mà là một hình thức đe dọa
Việc ép buộc người dân rời khỏi Gaza có phải là hành vi thanh lọc sắc tộc không?
Khái niệm “thanh lọc sắc tộc” (ethnic cleansing) chưa từng được định nghĩa chính thức trong bất kỳ thỏa ước hay hiệp định quốc tế nào.
Nhưng hầu hết các chuyên gia luật quốc tế đều dựa vào định nghĩa do Ủy ban Chuyên gia về cựu Nam Tư đưa ra trong phúc trình gửi Hội đồng Bảo an LHQ vào năm 1994. Phúc trình này mô tả thanh lọc sắc tộc là: “Biến một khu vực trở nên thuần nhất về sắc tộc bằng cách dùng vũ lực hoặc đe dọa để trục xuất các nhóm dân cư ra khỏi nơi đó.”
Dựa trên định nghĩa này, những gì Trump đề nghị hoàn toàn có thể bị xem là thanh lọc sắc tộc – tức là buộc người Palestine rời khỏi Gaza bằng cưỡng ép hoặc đe dọa.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trump thực hiện kế hoạch này?
Nếu Trump thực sự cố gắng thực hiện kế hoạch này, ông ta sẽ vi phạm một trong những nguyên tắc tối cao của luật pháp quốc tế, được gọi là jus cogens (các quy tắc nền tảng, bao gồm cấm xâm lược lãnh thổ, cấm diệt chủng, cấm tội ác chiến tranh và các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng).
Luật pháp quốc tế cũng quy định rằng không quốc gia nào được phép bắt tay với quốc gia khác vi phạm những nguyên tắc này. Tất cả các quốc gia khác phải cố gắng ngăn chặn hoặc từ chối hợp tác, bao gồm áp đặt các biện pháp trừng phạt như cấm vận mậu dịch hoặc đóng băng tài sản; ngừng cung cấp hỗ trợ quân sự hoặc kinh tế, chẳng hạn như từ chối bán vũ khí hoặc cung cấp viện trợ tài chánh.
Một thí dụ điển hình về cách luật pháp quốc tế phản ứng với hành động vi phạm jus cogens là trường hợp Nga sát nhập bất hợp pháp Crimea vào năm 2014. Khi đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều từ chối công nhận Crimea thuộc về Nga. Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào năm 2022, hàng loạt lệnh trừng phạt đã được áp đặt, bao gồm đóng băng các tài sản của Nga và nhiều biện pháp kinh tế khác nhằm gây áp lực lên chính phủ Moscow.
Nếu Trump vẫn cố chấp thực hiện kế hoạch này, ông ta cũng có thể bị truy tố cá nhân theo luật hình sự quốc tế. Nếu bị xác định là người chủ mưu hoặc ra lệnh thực hiện hành vi cưỡng ép di dời dân cư, Trump có thể bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy tố.
ICC thực ra đã ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Israel và một chỉ huy của Hamas vì các tội danh liên quan đến xung đột tại Gaza.
Nguy cơ từ những phát ngôn của Trump
Một trong những tác động nguy hiểm từ những lời lẽ của Trump là khiến cho đối phương không được xem là con người.
Những giọng điệu như: “Nghĩ coi hàng thập niên qua, Gaza chỉ toàn là chết chóc,” và đem người dân đi tái định cư “cho họ có một mái nhà an ổn,” thay vì ở đó để “bị giết.” Cách nói này tạo ra một hình ảnh méo mó rằng tình trạng ở Gaza là do bản chất “không văn minh” của người dân Palestine, chứ không phải là hậu quả của lịch sử xung đột kéo dài hàng thập niên.
Ngay cả khi Trump chỉ nói mà không làm, thì chỉ những lời lẽ như thế cũng đã khiến người Palestine bị coi là kém cỏi, không quan trọng, có thể đặt đâu ngồi đó. Điều đó có thể làm gia tăng các hành vi vi phạm luật chiến tranh và luật nhân đạo quốc tế, vì những kẻ vi phạm sẽ cảm thấy mình chẳng mang tội lỗi gì nặng nề khi tấn công hoặc đàn áp họ.
Cách Trump thảo luận về những vấn đề quan trọng như tiếp quản lãnh thổ và di dời dân cư một cách hời hợt, thiếu trách nhiệm cũng làm cho tình hình trở nên nguy hiểm hơn. Bởi vì ông ta đang tạo ra ấn tượng rằng các quy tắc luật pháp quốc tế có thể dễ dàng bị phá vỡ dù có thực sự làm vậy hay không.
Nguồn: “Trump wants the US to ‘take over’ Gaza and relocate the people. Is this legal?” được đăng trên trang TheConversation.com.