Hôm nay,  

Khi Sắc Lệnh Của Tổng Thống Thách Thức Nguyên Tắc Lập Quốc: Ai Mới Được Coi Là “Công Dân Hoa Kỳ”?

31/01/202500:00:00(Xem: 2961)

cong dan
Sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Trump về vấn đề nhập cư đã tạo nên một làn sóng tranh cãi khi trực tiếp nhắm đến nguyên tắc hiến pháp tồn tại lâu đời về quyền có quốc tịch theo nơi sinh. (Nguồn: pixabay.com)

Một trong những sắc lệnh hành pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là một đòn tấn công trực diện vào nguyên tắc hiến pháp lâu đời về quyền có quốc tịch theo nơi sinh (birthright citizenship). Quyền này được quy định trong Tu Chính Án Thứ 14 của Hiến pháp Hoa Kỳ, ghi rõ rằng bất kỳ ai sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều đương nhiên trở thành công dân Hoa Kỳ, không phân biệt nguồn gốc hay tình trạng nhập cư của cha mẹ.
 
Nhưng theo sắc lệnh mới của Trump, chính quyền liên bang sẽ ngừng cấp các giấy tờ tùy thân quan trọng như thẻ An sinh Xã hội và hộ chiếu cho trẻ sơ sinh, trừ khi trẻ có ít nhất một trong hai phụ huynh (cha hoặc mẹ) là công dân Hoa Kỳ hoặc “thường trú nhân hợp pháp.” Chính sách này không chỉ từ chối cấp giấy tờ cho con của những người không có giấy tờ hợp pháp, mà còn áp dụng đối với trẻ sơ sinh có cha mẹ là người nhập cư hợp pháp nhưng chỉ có thị thực lao động, du học, hoặc du lịch. Nhiều tiểu bang đã đệ đơn kiện để ngăn chặn sắc lệnh này.
 
Nhìn lại lịch sử: tranh cãi suốt 200 năm về quyền công dân Hoa Kỳ
 
Quyết định của Trump không phải là điều mới lạ trong lịch sử Hoa Kỳ, mà là một phần của cuộc tranh luận kéo dài gần 200 năm về câu hỏi “Ai có quyền được công nhận là công dân Hoa Kỳ?
 
Từ những ngày đầu lập quốc, các cuộc tranh luận về quyền công dân không chỉ xoay quanh việc ai đủ điều kiện mang quốc tịch Hoa Kỳ, mà còn liên quan đến loại quyền công dân mà họ có. Những tranh luận này luôn gắn liền với các vấn đề về chủng tộc và sắc tộc. Lịch sử đã cho thấy tình trạng này qua các sự kiện như người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Phi từng bị tước bỏ quyền công dân, dù họ sinh ra trên đất Mỹ. Tương tự, dân nhập cư Trung Quốc cũng bị gò bó và kỳ thị không ít.
 
Cuối thế kỷ 19, mặc dù môi trường chính trị ở Hoa Kỳ mang nặng tính phân biệt chủng tộc, Tối Cao Pháp Viện (TCPV) vẫn ủng hộ một quan điểm tiến bộ về quyền có quốc tịch theo nơi sinh. Năm 1898, một phán quyết của tòa án tuyên bố rằng mọi đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều là công dân Hoa Kỳ, bất kể cha mẹ của chúng có nguồn gốc từ đâu hay tình trạng nhập cư của họ.
 
Phán quyết này đã trở thành nền tảng cho luật pháp về quyền công dân hiện đại, nhưng cũng tạo ra các tranh cãi kéo dài đến nay. Hiện tại, một số chính trị gia như TNS Tom Cotton (Arkansas), Marsha Blackburn (Tennessee) và Phó Tổng thống JD Vance đã công khai ý định thay đổi luật pháp liên bang đã có hơn một thế kỷ này, xóa sổ quyền được có quốc tịch theo nơi sinh.
 
Quyền được có quốc tịch theo nơi sinh
 
Phần lớn người Mỹ sinh ra trên đất Mỹ chứ không phải nhờ nhập tịch. Trước Nội Chiến, Hoa Kỳ theo thông lệ của Anh, công nhận quyền công dân cho người sinh ra trên lãnh thổ của mình.
 
Tuy nhiên, bước ngoặt đầu tiên xuất hiện vào năm 1857 với phán quyết trong vụ kiện Dred Scott, khi Chánh án Roger Taney tuyên bố người gốc Phi – dù là dân tự do hay nô lệ, và bất kể sinh ra ở đâu – đều không phải là công dân Hoa Kỳ. Chỉ sau Nội Chiến, Quốc hội quyết tâm bác bỏ hoàn toàn phán quyết trên bằng cách thông qua luật mới và soạn thảo Tu Chính Án Thứ 14, được chuẩn thuận vào năm 1868. Tu chính án này ghi rõ: “… tất cả các cá nhân sinh ra hoặc nhập tịch tại Hoa Kỳ, và thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, đều là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ cư trú.
 
Quy định này không chỉ áp dụng cho người được giải phóng khỏi chế độ nô lệ mà còn mở rộng cho các nhóm không phải người da trắng, như di dân nhập cư TQ và những người được gọi là “Gypsies” thời đó.
 
Vẫn còn một số người bị gạt ra bên lề
 
Mặc dù Tu Chính Án Thứ 14 đã mở rộng quyền có quốc tịch theo nơi sinh, nhưng vẫn tồn tại những phần còn mơ hồ, đặc biệt là cụm từ “thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ.” Năm 1884 chứng kiến thử thách đầu tiên với vụ kiện John Elk – một người Mỹ bản địa muốn được công nhận là công dân Hoa Kỳ, đã rời khỏi bộ lạc và ghi danh bầu cử.
 
Tòa án phán quyết rằng dù ông này sinh ra ở Hoa Kỳ, nhưng lại trong khu vực thuộc thẩm quyền của một bộ lạc người Mỹ bản địa chứ không phải của Hoa Kỳ. Vì vậy, ông không được công nhận là công dân Hoa Kỳ. Năm 1887, Quốc hội thông qua một đạo luật tạo điều kiện cho một số người Mỹ bản địa trở thành công dân. Nhưng phải đến năm 1924, tất cả người Mỹ bản địa sinh ra ở Hoa Kỳ mới được công nhận là công dân Hoa Kỳ.
 
Cuối thế kỷ 19, Tu Chính Án Thứ 14 tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt khi Quốc hội và TCPV tìm cách giải quyết vấn đề quyền công dân đối với di dân nhập cư người TQ. Năm 1882, Quốc hội thông qua luật loại trừ người TQ, không cho phép dân nhập cư TQ ở Hoa Kỳ trở thành công dân thông qua nhập tịch. Tuy nhiên, vào năm 1884, một tòa án California đã xác định rằng con cái của họ, nếu sinh ra tại Hoa Kỳ, vẫn được hưởng quyền công dân theo quy định của Tu Chính Án Thứ 14.
 
Năm 1898, trong vụ kiện United States v. Wong Kim, TCPV đã đưa ra một phán quyết quan trọng về quyền có quốc tịch theo nơi sinh. Tòa tuyên bố rằng theo Tu Chính Án Thứ 14, trẻ em sinh ra tại Hoa Kỳ sẽ được coi là công dân Mỹ ngay từ khi chào đời, miễn là cha mẹ của chúng không đóng vai trò chính thức như đại diện của một chính phủ nước ngoài (thí dụ như nhà ngoại giao) hoặc không thuộc quân đội của một lực lượng xâm lược.
 
Phán quyết này được đưa ra trong thời điểm làn sóng bài xích người Hoa ở Mỹ đang ở đỉnh điểm cao trào, cả Quốc hội cũng đã hợp pháp hóa việc coi một số hình thức nhập cư là phạm pháp. Trước đó, trong các phán quyết khác, tòa án đã công nhận quyền hạn rộng rãi của Quốc hội trong việc quản trị và kiểm soát vấn đề nhập cư.
 
Nhưng trong phán quyết vụ Wong Kim Ark, TCPV không hề đề cập đến bất kỳ sự khác biệt nào giữa con cái của những người nhập cư hợp pháp và bất hợp pháp. Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ đều tự động được công nhận là công dân Hoa Kỳ.
 
Tầm ảnh hưởng của vụ kiện Wong Kim Ark
 
Kể từ phán quyết vụ kiện Wong Kim Ark, các quy định về quyền có quốc tịch theo nơi sinh không thay đổi nhiều – nhưng vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Vấn đề này trở nên rõ nét khi áp dụng cho các vùng lãnh thổ như American Samoa.
 
Năm 1900 và 1904, các nhà lãnh đạo của một số hòn đảo Thái Bình Dương – hiện nay là American Samoa – đã ký thỏa ước trao toàn bộ thẩm quyền quản trị cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những thỏa ước này lại không nhắc đến vấn đề cấp quốc tịch Hoa Kỳ cho cư dân sống trên các đảo đó.
 
Theo luật liên bang năm 1952 và chính sách của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, người dân American Samoa được xác định là “non-citizen nationals” (có quốc tịch nhưng không có quyền công dân), được tự do sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ nhưng không có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tiểu bang và liên bang.
 
Năm 2018, một nhóm cư dân American Samoa đệ đơn kiện, yêu cầu được cấp quốc tịch Hoa Kỳ theo Tu Chính Án Thứ 14, lập luận rằng bất kỳ ai sinh ra “bên trong” (within) lãnh thổ Hoa Kỳ đều là công dân Hoa Kỳ. Tòa án quận ban đầu phán quyết có lợi cho nhóm nguyên đơn, nhưng Tòa Phúc Thẩm Khu vực 10 (10th U.S. Circuit Court of Appeals) đã đảo ngược quyết định này, cho rằng chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền công nhận quyền công dân đầy đủ cho người dân tại các vùng lãnh thổ như American Samoa.
 
Hiện tại và tương lai
 
Hiện tại lại nổ ra một cuộc tranh luận mới về việc liệu Quốc hội có quyền thay đổi nguyên tắc quyền có quốc tịch theo nơi sinh hay không. Thậm chí, vấn đề còn mở rộng đến việc liệu Tổng thống có thể sử dụng quyền hạn của mình để thay đổi quy định này không, chẳng hạn như thông qua sắc lệnh hành pháp hoặc chỉ đạo Bộ Ngoại Giao không công nhận một số người là công dân Hoa Kỳ. Những nỗ lực nhằm thay đổi quyền có quốc tịch theo nơi sinh đã nhanh chóng vấp phải thách thức pháp lý.
 
Trump không phải chính trị gia đầu tiên phản đối việc người nhập cư từ Mỹ Latinh, dù vào Hoa Kỳ trái phép, vẫn có thể sinh con tại đây và những đứa trẻ này được công nhận là công dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, hầu hết các học giả pháp lý, kể cả những người bảo thủ, đều cho rằng việc thay đổi quy tắc này là không có cơ sở pháp lý.
 
Tính đến nay, các tòa án vẫn giữ vững nguyên tắc quyền có quốc tịch theo nơi sinh, một truyền thống pháp lý đã tồn tại suốt hàng thế kỷ, từ trước cả khi Hiến pháp ra đời và những phán quyết đầu tiên của tòa án Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề này sẽ sớm (lại) được đưa lên TCPV để xem xét, và khái niệm “công dân Hoa Kỳ” đang lơ lửng trước một tương lai bất định.

Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Trump executive order attacks long-standing American principle of birthright citizenship” được đăng trên trang TheConversation.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
"Tự do tư tưởng và tìm kiếm sự thật, cùng với sự cam kết lâu đời của chính phủ trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền này, đã giúp các trường đại học đóng góp một cách thiết yếu cho xã hội tự do và cuộc sống lành mạnh, thịnh vượng hơn cho mọi người ở khắp các mọi nơi. Tất cả chúng ta đều có chung lợi ích trong việc bảo vệ sự tự do đó. Như lệ thường, chúng ta tiến bước lúc này với niềm tin rằng việc theo đuổi chân lý can đảm và không bị ràng buộc sẽ giải phóng nhân loại, và với niềm tin vào lời cam kết bền bỉ mà các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ đã gìn giữ cho quốc gia và thế giới của chúng ta."
Phải làm gì với một Tổng thống Hoa Kỳ không tôn trọng luật pháp của chính quốc gia mình? Vấn đề này nổi lên sau vụ việc chính quyền Trump phớt lờ phán quyết của tòa án liên bang, vẫn để các chuyến bay trục xuất người Venezuela khởi hành đến El Salvador dù tòa đã ra lệnh đình chỉ toàn bộ các chuyến bay đó. Hành động này cho thấy sự thách thức công khai đối với quyền lực tư pháp, và phản ánh sự thiếu hiểu biết (hoặc cố tình phớt lờ) nguyên tắc tam quyền phân lập, vốn là nền tảng của thể chế Hoa Kỳ. Theo Hiến pháp, một tổng thống không có quyền bác bỏ hay phớt lờ phán quyết của tòa án.
Lệnh hành pháp khi được công bố luôn tạo nhiều dư luận trái chiều. Lệnh càng ảnh hưởng nhiều người thì tranh cãi càng kéo dài. Gần đây trong một buổi họp mặt, một người bạn của tôi thốt tiếng than: “Chẳng hiểu thành viên Quốc hội Mỹ của cả hai đảng bây giờ làm gì mà cứ im lìm để tổng thống muốn ra lệnh gì thì ra”. Người khác thắc mắc, nếu tổng thống dùng lệnh hành pháp để đưa ra những quyết định không đúng luật, hay trái với hiến pháp, thì cơ quan nào sẽ có trách nhiệm can thiệp? Bài viết này không phân tích một lệnh hành pháp cụ thể nào, mà chỉ nhằm giải thích cách vận hành của Executive Order, quy trình thách thức nếu cần, cũng như những giới hạn của một mệnh lệnh do tổng thống ban hành.
Medicaid đang trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của chính quyền Trump trong chiến dịch cắt giảm ngân sách liên bang. Là chương trình bảo hiểm y tế do liên bang và tiểu bang phối hợp thực hiện, Medicaid cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hơn 72 triệu người dân Hoa Kỳ, bao gồm những người có thu nhập thấp, trẻ em và người tàn tật. Ngoài ra, Medicaid cũng góp phần hỗ trợ chi phí chăm sóc lâu dài cho người cao niên.
Gần đây, nhiều hình ảnh và video lan truyền trên mạng xã hội đã khiến dư luận quốc tế kinh hoàng: hàng loạt sà lan quân sự khổng lồ của TQ – loại phương tiện chuyên dụng cho các chiến dịch đổ bộ từ đất liền ra biển – lần đầu tiên lộ diện. Ngay sau đó, vào ngày 1 tháng 4 năm 2025, Bắc Kinh tiến hành cuộc tập trận quân sự kéo dài hai ngày ở eo biển Đài Loan. Điều này càng làm dấy lên lo ngại: Liệu TQ có đang chuẩn bị một cuộc xâm lược kiểu D-Day vào Đài Loan?
Khi nhìn lại nửa thế kỷ Phật giáo Việt Nam hiện diện trên miền đất hứa, Hoa Kỳ, ta thấy con đường chánh niệm tỉnh thức không khởi nguồn từ một dự tính định sẵn, mà từ sự kết tinh của hoàn cảnh, của tâm nguyện và của những bước chân tìm về cõi an trú giữa bao biến động. Bởi nó như một dòng suối len lỏi qua những biến động của thời cuộc, chảy về một phương trời xa lạ, rồi hòa vào biển lớn. Từ những hạt giống gieo xuống trong lặng lẽ, rồi một ngày trổ hoa giữa lòng những đô thị phương Tây, nơi mà có lúc tưởng chừng như chỉ dành cho lý trí và khoa học, cho tốc độ và tiêu thụ, cho những bộ óc không còn kiên nhẫn với những điều mơ hồ. Nhưng rồi, giữa cái đa đoan của thế giới ấy, những lời dạy về chánh niệm, về thở và cười, về sự trở về với chính mình đã nảy mầm và lan rộng như một cơn mưa đầu hạ, làm dịu đi những khô cằn của tâm hồn.
Kể từ ngày biến cố lịch sử 30/4/75, 50 năm trôi qua, đã có không biết bao nhiêu sách vở nói về cái ngày bi thương đó của dân tộc Việt Nam, nhưng có lẽ không gì trung thực và sống động cho bằng chính những bản tường trình trên báo chí vào đúng thời điểm đó từ những phóng viên chiến trường tận mắt chứng kiến thảm cảnh chưa từng có bao giờ của hàng trăm ngàn người, dân cũng như quân, liều mình xông vào cõi chết để tìm cái sống. Năm 2025, đánh dấu 50 năm biến động lịch sử đó, Việt Báo hân hạnh được đăng tải loạt bài viết của ký giả Đinh Từ Thức ghi lại chi tiết từng ngày, đôi khi từng giờ, những điều xảy ra trong mấy tuần lễ trước và sau ngày 30/4/75 để chúng ta có cơ hội cùng sống lại những giờ khắc bi thảm và kinh hoàng ấy đã xảy ra như thế nào.
Năm Carlton Terry 12 tuổi, hệ thống trường học tại Quận Prince Edward, bang Virginia, bất ngờ đóng cửa đối với tất cả trẻ em người da đen. Nhớ lại năm đầu tiên ấy, ông kể: “Tất cả những gì tôi biết là tôi không được đến trường, và tôi biết lý do tại sao. Tôi nhận ra rằng hệ thống pháp luật được tạo ra không phải để bảo vệ tôi. Tôi nhớ những ngày ngồi nhà, sững sờ trước màn hình TV, xem chương trình Amos ’n’ Andy. Mỗi ngày, tôi đọc báo để xem liệu có gì thay đổi hay không.”
Ngày 3 tháng 4, 2014 là ngày mất của nhà đấu tranh Ngô Văn Toại. Mời đọc lại bài phóng sự SV Ngô Vương Toại bị Việt Cộng bắn tại trường Văn Khoa SG hôm tổ chức đêm nhạc Trịnh Cộng Sơn - Khánh Ly tháng 12, năm 1967, Sài Gòn.
Theo thời gian, từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, số lượng Tăng, Ni đến định cư ở Mỹ ngày càng đông, theo diện vượt biển và vượt biên tị nạn Cộng Sản (từ 1975 đến 1989), theo Chương Trình Ra Đi Trật Tự (Orderly Departure Program - ODP) và Chiến Dịch Nhân Đạo (The Humanitarian Operation - HO) (từ 1980 đến 1997), hay theo diện hỗ trợ sinh hoạt tôn giáo được các chùa, các tổ chức Phật Giáo ở Mỹ bảo lãnh kể từ đầu những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3. Các vị Tăng, Ni này định cư ở Mỹ dù thuộc diện nào thì đều mang theo mình sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp của Đức Phật, duy trì và phát huy truyền thống văn hóa của Dân Tộc và Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Đây là động lực chính hình thành các cộng đồng Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ trải dài nửa thế kỷ qua.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.