Hôm nay,  

Cuối Năm, Mời Ăn Món Thời Gian.

24/01/202500:04:00(Xem: 2661)
Capture
Ngày cuối năm Giáp Thìn đã đến gần. Hầu hết mọi người Việt đều chuẩn bị đón Tết, dĩ nhiên, rộn rã, tưng bừng. Cùng một lúc là thời gian bùi ngùi lại vãng những chuyện xưa. Hầu hết những ai nhạy cảm về đời sống đều có chung một cảm tưởng với những cảm giác sâu lắng của “tàn niên” tâm sự...

Thời gian là thực phẩm dài hạn cho người sống. Không thể từ chối. Hoặc chúng ta hưởng thụ nó. Hoặc chúng ta chịu đựng nó. Món ăn này đôi lúc sung sướng để nhai. Đôi lúc mệt mỏi, phiền hà để gặm. Đôi lúc nuốt xuống mắc nghẹn. Đôi lúc nuốt không kịp thở. Đã làm người thì nhất định phải biết sử dụng thời gian. Nếu ai không biết, thì thời gian sẽ sử dụng người đó.

Ngày cuối năm Giáp Thìn đã đến gần. Hầu hết mọi người Việt đều chuẩn bị đón Tết, dĩ nhiên, rộn rã, tưng bừng. Cùng một lúc là thời gian bùi ngùi lai vãng những chuyện xưa. Hầu hết những ai nhạy cảm về đời sống đều có chung một cảm tưởng với những cảm giác sầu lắng của “tàn niên tâm sự.”

Những nỗi buồn pha chế những thứ vui là nỗi buồn nhớ lại những bạn bè đã qua đời. Mỗi đứa bạn, mỗi cá tính, nhiều kỷ niệm. Cái nỗi thân tình mày tao đó không bao giờ có thể quên. Chúng không ghê gớm lắm, không nặng nề, nhưng kêu réo. Khi loanh quanh trong cõi sống, bất chợt một tiếng nói quen, một cảnh quen, một người quen nào đó, tự dưng nghe kêu réo tên người bạn cũ, chiếu lại những tấm hình, những khúc phim ngắn những lúc bên nhau. Ừ, thật êm đềm mà châm chích, như bàn tay đang xoa dịu chợt véo vài cái thật đau. 

Những nỗi buồn phai nhạt theo thời gian nhưng mỗi lần nhớ lại, nhất là những ngày cuối năm cúng giỗ hoặc đọc kinh cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, chúng hiện lên rõ ràng, dường như có vẻ trách móc dù hình ảnh nào trên bàn thờ cũng mang nụ cười tha thứ. Hầu hết làm người là bất hiếu, không nhiều thì ít. Cái bất hiếu này theo nước mắt chảy xuôi, con gái thì ít, con trai thì nhiều.

Mẹ có lẽ là người được nhớ nhiều nhất. Nhớ đến mẹ là nuốt từng ngụm thời gian dịu dàng, sung sướng, thương yêu từ ấu thơ cho đến khi không còn mẹ. Tôi không tin có một ai hiểu và cảm nhận hết nỗi bao la của tình mẹ dù chúng ta thường xuyên vẫn tưởng mình đã biết. Chuyện mẹ hy sinh cho con không cách nào diễn tả bằng chữ, kể cả lời nói. Nhiều người mẹ sẵn sàng hy sinh mạng sống cho con, có mấy đứa con chịu hy sinh mạng sống cho mẹ? Thậm chí có mấy đứa con dám hy sinh chồng vợ cho mẹ? Tôi không thể làm mẹ, nhưng tôi cảm được nỗi buồn của bà. Tôi đã từng chứng kiến cảnh con chim mẹ đẩy chim con ra khỏi đầu cành cây để chim con tập bay. Rồi một hôm, nó bay luôn không trở về. Nếu không phải bất hiếu, thì là cái gì?

Nhạc sĩ Y Vân viết, Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào, Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào, Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào.” Không sai một chút nào. Nếu ai đã từng đứng giữa đồng lúa, giữa mùi thơm của bông, nghe gió đẩy đưa lúa dập dìu nhẹ nhẹ trong gió, cụm chữ “rì rào” vô cùng chính xác với lời mẹ ru con, dạy con theo năm tháng.

Cha cũng là một người được nhớ đến nhiều. Nỗi nhớ có phần kém dịu dàng nhưng sâu sắc. Không có đứa con nào không nhớ một ít lời cha dạy. Những đứa con ít bất hiếu, nhớ nhiều lời hơn. Nhiệm vụ lớn nhất của cha là trao lại cho con, nhất là con trai, những gì ông nội đã trao cho cha. Trời à, “những gì” này thường xuyên rất khó thực hiện, nếu dễ, ông nội đã làm rồi. Hy vọng những thế hệ sau thực hiện những gì thế hệ trước không làm được là một lý tưởng, lý thuyết đáng ngưỡng mộ, đáng khâm phục, nhưng cũng đáng thương cho người trẻ vì không mấy ai có thể làm nên đành mang trong sâu thẳm nội tâm một chút gì bất hiếu.


Những lúc nhớ cha tôi lại nghĩ đến câu chuyện Hòn Vọng Phu với những ý nghĩ lý luận như một biện minh:

Cầm chiếc gươm chinh phụ di truyền
Chàng bế con trao lại gươm bền
Rồi chỉ vào sơn hà biến cố
Trao nó đi gây lại cơ đồ

Cha trao lại chiếc gươm của ông nội, dặn dò con gây lại cơ đồ. Tác giả dùng cụm từ “gươm bền”, thật là khó xử. Chiếc gươm này hứa hẹn không bao giờ gãy, không mòn, không biến mất. Lỡ như sau thời chinh chiến, đất nước hòa bình, đứa con làm gì với thanh gươm? Mang đi lui đi tới, trông có vẻ hù dọa. Rút gươm thời bình trái pháp luật, sẽ bị bắt. Thậm chí, có thể bị khép tội làm loạn. Thôi thì, cất gươm với nỗi niềm riêng.

Tôi đang ngồi với buổi chiều lạnh cuối năm, đêm nay thời tiết xuống dưới trừ mươi hai độ, một loại đêm ít có cho thành phố Houston, nơi nổi tiếng khạc ra nắng nóng.

Tôi đang ăn món thời gian Giáp Thìn sắp cạn, chỉ còn ít muỗng nữa là hết. Hưởng thụ hay chịu đựng món ăn này là tùy vào ruột gan miệng lưỡi của mỗi người. Nếu lòng cay đắng, món ăn thời gian sẽ đắng cay. Nếu lòng chua chát, món ăn sẽ chát chua. Nếu lòng rộng mở, món ăn sẽ thú vị. Nếu lòng thẩm thấu, món ăn sẽ diệu kỳ.

Dù muốn hay không, thời gian sẽ tự động nhét vào miệng. Người biết thưởng thức sẽ nhâm nhi lúc bận rộn và ngấu nghiến lúc nhàn rỗi.

Năm rồi năm nữa, thời gian không dừng chỉ có người bỏ cuộc. Trong khi còn chơi chúng ta nên hưởng thụ thời gian hơn là chịu đựng. Nói như vậy không có nghĩa là cổ động việc vui chơi vật chất mù mịt, thậm chí cũng không cần phải quá độ giải trí tinh thần. Hưởng thụ: Bất kỳ hưởng thứ gì tốt hay xấu nhiều quá cũng trở thành nỗi đau.

Tôi đọc báo tìm thấy câu chuyện ba chị em lúc trẻ, chụp hình ở bãi biển năm 1980. Bốn mươi năm sau, trở lại bãi biển này, cũng mặc bikini nhưng ngày còn eo co uốn lượn, chụp lại kiểu hình xưa. Nhìn hai tấm hình, tôi cảm thấy bồi hồi.

Đẹp, hầu hết thiếu nữ nào cũng đẹp. Thời gian biến dạng họ thành các bà đẹp theo kiểu Picasso, nhiều đường thẳng hơn đường cong.

Xin lỗi các bà Mỹ nghen, tôi không có ý định trêu ghẹo mấy bà, chỉ muốn chứng minh một chút tình thời gian dâu bể.

Nhìn họ, nghĩ đến mình. Tôi chắc rằng nếu so sánh hai tấm hình của tôi sau bốn mươi năm, sẽ thấy được ngày xưa các đường thẳng Picasso nay đã trở thành cong, thêm vào sự mờ nhạt, mơ hồ theo phái Ấn Tượng, impressionism. Thưởng thức muỗng thời gian này gây chút vui nhuốm chút ngậm ngùi.

Bạn đọc biết không, viết đến đây tôi nghiệm ra một điều. Thời gian chứa đựng toàn bộ niềm vui nỗi buồn của một người. Trí nhớ trong mỗi hoàn cảnh, trạng thái, vào thời gian lôi ra những chuyện lúc buồn lúc vui. Tuy nhiên, tại sao những chuyện vui thường kèm theo nỗi bùi ngùi? À thì ra, không mấy liên quan đến niềm vui nỗi buồn, mà liên quan đến thời gian đã mất. Khi mất, thời gian hoàn toàn biến mất, không thể lấy lại. Sự mất vĩnh viễn này kéo theo nhiều cái mất khác gắn chặt với thời gian. Mất là cái làm chúng ta ngậm ngùi.

Có lẽ, phải nói rằng, món thời gian dù ngon hay dở, vui hay buồn, sung sướng hay thảm thiết, đều để lại cho chúng ta nỗi bùi ngùi, buồn buồn, một chút tiếc pha một chút thương. Món thời gian Giáp Thìn sắp cạn, sắp hết, bắt đầu lạnh. Hâm nóng lại, mời nhau một chút ngậm ngùi.
 
Ngu Yên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thương nhớ. Cảm động. Ngậm Ngùi. Và ước mơ một ngày quê nhà sẽ có dân chủ, khi đó Sài Gòn sẽ được hồi phục tên cũ. Đêm nhạc Trần Chí Phúc với chủ đề Sài Gòn Một Thoáng 50 Năm vào chiều Thứ Bảy 19/4/2025 đã chạm rất ngọt ngào và cay đắng vào trái tim của những người con Sài Gòn.
“Năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, là cột mốc 50 năm kể từ ngày những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Hoa Kỳ. Nửa thế kỷ kiên cường, dựng xây và tái định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Trong suốt hành trình đó, nghệ thuật kể chuyện đã đóng một vai trò thiết yếu—lưu giữ lịch sử, mở rộng tương lai, và thắt chặt cộng đồng. Chính vì thế, chúng tôi vô cùng tự hào được mang đến cho quý vị VietBook Fest năm nay—không chỉ một lễ hội sách, mà một không gian để kết nối, đối thoại và tôn vinh Bản Sắc Người Việt 50 Năm.”
Ngày Thứ Bảy 29 tháng 3 năm 2025 tại Citadel Art Gallery, một buổi Ra Mắt Thơ kèm thêm Triển Lãm đã được tổ chức rầm rộ và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của khách thưởng ngoạn. Buổi hội ngộ văn học, nghệ thuật hy hữu này có sự góp mặt của nhiều tác giả với nhiều hình thái nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, văn, thơ, sách, và âm nhạc. Gần 200 quan khách hiện diện đã làm bầu không khí nghệ thuật bừng sáng.
Sự ra đi lặng lẽ của họa sĩ Nguyễn Đồng là một một dư vang trầm mặc trong ký ức nghệ thuật Miền Nam – một miền nghệ thuật từng sống động, tự do, nơi mà hội họa được đặt ngang hàng với văn học, triết học, và cả chính trị. Ông không những là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thời Đệ Nhị Cộng Hòa, mà còn là nhân chứng của một nền văn hóa từng rực rỡ trước khi bị chôn vùi dưới lớp bụi chiến tranh và chính trị hóa nghệ thuật.
Buổi ra mắt tuyển tập "Nguyễn Thị Khánh Minh, Bằng hữu & Văn chương – Tạp chí Ngôn Ngữ ấn bản đặc biệt" cho thấy sự đóng góp, quý trọng của nhiều nhà văn, nhà thơ đối với nhà thơ nữ này. Độ dày sách này là 544 trang, dày gấp nhiều lần các thi tập trước kia của nhà thơ nữ này. Nơi đây cũng lưu giữ những ký họa, tranh bìa, thủ bút, thơ tặng, bình luận từ hơn 40 văn nghệ sĩ cho Nguyễn Thị Khánh Minh, trong đó có các tên tuổi lớn như Thầy Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Đinh Cường, Đinh Trường Chinh, Trịnh Cung, Trương Đình Uyên, Lê Thánh Thư, Đỗ Hồng Ngọc, và nhiều người khác.
Họa sĩ Hồ Thành Đức sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Sài Gòn, sáng lập viên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1968-1975), Giáo sư hội họa Viện Đại Học Vạn Hạnh (1969-1975), Khoa trưởng ngành Họa Thực Tiễn tại Đại Học Phương Nam (1974-1975). Ông đã có rất nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Tranh của ông cũng có mặt tại nhiều viện bảo tàng danh tiếng trên thế giới trong đó phải kể đến Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian tại thủ đô Washington. Tranh của ông được đánh giá cao bởi nhiều cây bút phê bình hội họa trong và ngoài nước..
“Để có thể nối kết đồng cảm ý nghĩa và tình tự của một ca khúc với người nghe, người hát cần hiểu ca từ sâu sắc và rung động với tâm tình trong lời và nhạc.”
Một lần tôi bất chợt nghe Khánh Ly hát: Ta không thấy em từ bấy lâu nay, mùa mưa làm rừng đước dâng đầy/trên cao gió hát mây như tóc/tràm đứng như em một dáng gầy. Mỗi con lạch là mỗi xót xa, mỗi giòng sông là mỗi tuổi già, thành phố đâu đây khuất hình khuất dạng, cuộc chiến già nua theo mỗi tiếng ca…. (Thơ U Minh- Nguyễn Tiến Cung, Phạm Duy phổ nhạc.) Tiếnh hát của chị rời rạc, kể lể. Bài hát không có tiếng súng tiếng bom nào cả, nhưng qua cái giọng nhừa nhựa chẫm rãi của chị ta thấy như những trang sách viết về chiến tranh đang lật từng tờ và người lính đó đang bì bõm trong rừng đước U Minh. Anh không bao giờ còn gặp lại người yêu nữa. Anh tử trận hay người yêu đã bỏ đi xa? Kết thúc nào cũng buồn cả. Tôi nghe đi nghe lại nhiều lần đoạn hát giản dị này và lúc nào nghe cũng ứa nước mắt.
Lần đầu tiên tôi có cơ hội được một mình ngồi trò chuyện với cô Khánh Ly là một ngày của Tháng 3 cách đây tròn 15 năm – khi được sếp phân công phỏng vấn viết bài về sự có mặt của cô trong một đêm nhạc mang tên “Du Mục” của nhóm The Friends. Tôi vẫn nhớ như in lần đầu gặp gỡ đó – giữa Khánh Ly – người được xem như một trong những huyền thoại của làng âm nhạc Việt Nam, và tôi – một phóng viên mới bước vào nghiệp cầm bút chưa đầy 2 năm. Nơi cô hẹn tôi là quán phở Nguyễn Huệ của chú Cảnh ‘Vịt’ (chú Cảnh đã bỏ trần gian đi rong chơi ở chốn xa lắc xa lơ nào cũng đã vài năm). Hôm đó, chồng cô, nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, chở cô tới. Trong hơn một tiếng đồng hồ, tôi đã hỏi cô nhiều câu – phần lớn chả ăn nhập gì đến chương trình cô sắp tham gia – mà chỉ là những câu hỏi tôi tò mò muốn biết về Khánh Ly – một người được bao người ngưỡng mộ, bao người mơ ước được gặp mặt – lại đang ngồi đối diện tôi, cùng tôi uống cà phê trong quán phở, và làm tôi bị say thuốc lá
Người đàn bà ấy, đứng trên sân khấu với mái tóc buông dài, đôi chân trần và một ánh mắt không có gì ngoài sự thản nhiên. Người ta gọi bà là "nữ hoàng chân đất," nhưng bà không phải là hoàng hậu của bất cứ điều gì ngoài nỗi buồn nhân thế. Đó là sự thản nhiên của một người đã thấy hết những gì cuộc đời có thể mang lại: những đỉnh cao, những vực sâu, những ngày tháng của ánh hào quang và những đêm dài của sự cô đơn tuyệt đối. Nếu có một người nào hát về sự mất mát mà không làm cho nó trở nên ủy mị, nếu có một người nào hát về những điều tan vỡ mà không cần phải gào thét lên, thì đó là Khánh Ly.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.