Y học ngày nay tin rằng một tinh thần lạc quan là chỗ dựa vững chắc để giúp cơ thể vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo. Thân và tâm con người có mối liên hệ mật thiết, hỗ tương. Cùng một căn bệnh nan y, nhưng người có niềm tin, có tinh thần mạnh mẽ sẽ có xác suất chiến thắng bệnh tật cao hơn. Cũng vì thế, tạo cho bệnh nhân một niềm hy vọng cũng được xem như một liều thuốc trị liệu bổ sung.
Vào đúng ngày Giáng Sinh 24/12/2024, trang mạng The Washington Post có đăng một bài viết cảm động, đầy ý nghĩa của tác giả Drea Cornejo. Vào năm 2022, Drea 26 tuổi, được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn 4; ung thư đã di căn từ xương, lan khắp cả hai lá phổi, lên não. Cô được tiên liệu chỉ còn sống thêm ba tháng nữa.
Drea cảm thấy sợ hãi. Cô cần một thứ gì đó, bất cứ thứ gì, để bám víu vào. Cô cố gắng tìm những bệnh nhân khác cũng đã vượt qua được căn bệnh hiểm nghèo này. Vài tháng sau, người anh trai giới thiệu cho cô một cộng đồng trên mạng gồm những bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh sau 5 năm, 10 năm kể từ khi được chẩn đoán ung thư di căn. "Những người chiến thắng ung thư" này giúp cô nhận ra rằng những tiến bộ gần đây trong y học đã làm tăng đáng kể khả năng sống chung với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Niềm hy vọng của Drea được xác nhận bởi nhiều bác sĩ chuyên khoa ung thư. Lidia Schapira, giám đốc Chương Trình Sống Sót Sau Ung Thư của Stanford, cho biết hiện nay liệu pháp miễn dịch (immunotherapy) đang làm một cuộc cách mạng đầy triển vọng cho những người mắc bệnh ung thư di căn. Ngoài ra còn có những liệu pháp chính xác khác, thí dụ như liệu pháp tế bào và mục tiêu (cellular and target). Emily Tonorezos, giám đốc Văn Phòng Sống Sót Sau Ung Thư tại Viện Ung Thư Quốc Gia cũng đồng tình với quan điểm trên. Y học đang thay đổi, đang tiến nhanh và xa hơn so với một vài thập niên trước.
Tính đến năm 2018, Viện Ung Thư Quốc Gia ước tính có 623,405 người ở Hoa Kỳ đang sống chung với sáu loại ung thư di căn phổ biến nhất. Con số này dự kiến sẽ tăng lên gần 700,000 vào năm 2025.
Tính đến cuối năm 2024, Drea đã sống hơn 2 năm rưỡi kể từ chẩn đoán gây chấn động cuộc đời vào năm 2022. Cô vẫn đang chiến đấu. Cô tiếp xúc với một số những người chiến thắng ung thư. Khi lắng nghe câu chuyện của những người chung sống lâu dài với căn bệnh, cô cảm thấy tinh thần được vực dậy. Cô muốn chia sẻ lại những câu chuyện này, với hy vọng những bệnh nhân mới được chẩn đoán khác sẽ có được niềm hy vọng mà lẽ ra cô nên có vào năm 2022.
Giancarlo Oviedo - 32 tuổi, Union City, N.J.
Giancarlo Oviedo vừa tốt nghiệp trung học vào năm 2009, cũng là thời điểm bắt đầu bị ho dai dẳng. Anh được cho uống thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng cơn ho vẫn tiếp diễn. Sau nhiều xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị ung thư phổi giai đoạn cuối.
Oviedo chưa bao giờ hút thuốc. Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư phổi ở những người không hút thuốc đã tăng lên trong những thập niên gần đây.
Được chẩn đoán mắc ung thư phổi ở tuổi 18, Oviedo cảm thấy như căn bệnh ung thư đã cướp đi tuổi trẻ của mình. Anh dành phần lớn quãng đời thanh niên để trải qua các liệu pháp điều trị ung thư như hóa trị, liệu pháp miễn dịch và xạ trị. Nhưng đó cũng là cơ hội để anh đến gần Chúa hơn.
Vào năm 2016, một số tin tốt lành đã đến. Xét nghiệm sinh học cho thấy Oviedo có đột biến gen dương tính với ROS1 có thể được điều trị bằng một hình thức điều trị mục tiêu mới. Crizotinib giống như một phương thuốc kỳ diệu, giúp anh lấy lại được cuộc sống cũ. Năm 2019, Oviedo lập gia đình với Amanda Mutio, người trở thành một "chiến binh cầu nguyện" cho anh mỗi khi anh đi tái khám. Vài năm sau, họ chào đón một cậu con trai, Josiah.
Những viên thuốc hàng ngày giúp căn bệnh ung thư ổn định. Giữa những lo âu về bệnh tật vẫn luôn có những điểm sáng hy vọng. Oviedo cho rằng người bệnh ung thư như anh cần phải liên tục thích nghi với điều kiện mới.
Hiện nay Oviedo làm việc toàn thời gian cho một tổ chức phi lợi nhuận Thiên Chúa Giáo. Thời gian rảnh rỗi, anh chơi đùa với cậu con trai mới 1 tuổi, hoặc đi hát thánh ca trong ca đoàn. Anh trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc sống. Mặc dù sức khỏe vẫn còn thử thách, nhưng anh cảm thấy thật may mắn. Đối với Oviedo, cuộc sống là một món quà vô giá.
Andrea Zuber - 39 tuổi, Mentor, Ohio
Andrea Zuber bắt đầu bị đau vai dữ dội vào cuối mùa đông năm 2017, chỉ vài tháng sau khi sinh con trai thứ hai. Ở tuổi 32, cô chưa từng trải qua cơn đau nào dữ dội như vậy. Cô cũng bị huyết áp tăng đột biến không rõ nguyên nhân. Bác sĩ gia đình của cô dường như không quá lo lắng về những triệu chứng này; cô được cho thuốc điều trị chứng lo âu. Cô đã phải tự tìm kiếm chẩn đoán cho mình. Sau khi gặp nhiều bác sĩ khác nhau, vào năm 2019, cô được phát hiện mình bị ung thư mô Ewing, một loại ung thư xương và mô mềm hiếm gặp.
Cô cảm thấy tức giận và thất vọng với hệ thống y tế của mình, lẽ ra phải giúp cô phát hiện căn bệnh sớm hơn. Zuber quyết định tự tìm tòi, chọn lọc nhóm bác sĩ điều trị. Sau 5 năm rưỡi điều trị, cô nghĩ rằng mình đã không thể còn sống nếu không biết cách tự lo cho bản thân. Cô cảm thấy yên tâm với Pete Anderson, một bác sĩ ung thư tại phòng khám Cleveland chuyên về ung thư mô Ewing. Ông coi trọng việc hình thành “liên minh trị liệu” với bệnh nhân của mình, mời họ trở thành người biết tự chăm sóc bản thân.
Phương pháp điều trị ban đầu của Zuber bao gồm hóa trị toàn thân, sáu tuần xạ trị liều cao và phẫu thuật... Mặc dù hiện tại sức khỏe đã ổn định, Zuber vẫn luôn ở trong tình trạng cảnh giác cao. Tuy nhiên, cô không để căn bệnh ung thư đánh bại tinh thần của mình. Cô xem bệnh ung thư giống như một đối thủ cạnh tranh mà cô có thể vượt qua.
Giờ đây, Zuber trân trọng những “điều tầm thường nhất” trong cuộc sống, như thưởng thức một tách cà phê với chồng, hoặc khám phá thiên nhiên ngoài trời với các con. Mới đây, cô thành lập một nhóm hỗ trợ trên mạng, giúp đỡ thông tin cho những người bệnh nhân có cùng căn bệnh với mình. Theo Zuber, có kiến thức là một sức mạnh quan trọng.
Raymond Kurdziel - 66 tuổi, Thành phố New York
Raymond Kurdziel được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng vào năm 2009, ở tuổi 51. Trước đó, ông không có một triệu chứng nào. Bác sĩ ung thư đầu tiên của ông nói rằng ông sẽ phải hóa trị trong suốt quãng đời còn lại. Nhưng sau một thời gian, Kurdziel nhận ra đó không phải câu trả lời hoàn toàn đúng. Ông đã đổi sang điều trị tại Trung Tâm Ung Thư Memorial Sloan Kettering, một trong những bệnh viện nghiên cứu ung thư hàng đầu của quốc gia. Tại đó, ông được đề nghị phẫu thuật và liệu pháp cắt bỏ, sử dụng nhiệt độ nóng hoặc lạnh để tiêu diệt khối u. Theo ông, việc chọn được cho mình một bác sĩ điều trị phù hợp là quan trọng.
Lúc đầu, Kurdziel mong có thể được chữa lành căn bệnh ung thư. Nhưng theo thời gian, suy nghĩ của ông bắt đầu thay đổi, coi căn bệnh là thứ có thể cùng tồn tại. Căn bệnh ung thư là một chướng ngại vật, nhưng ông không muốn nó ngăn cản những gì mình dự định sẽ sống. Ông yêu nghệ thuật, yêu cộng đồng và những người thân yêu. Hiện nay, Kurdziel vẫn tiếp tục cuộc sống mà mình yêu thích. Ông tận hưởng thời gian bên người chồng của mình. Ông tiếp đón bạn bè và gia đình tại một ngôi nhà nghỉ cuối tuần ở phía Bắc New York. Ông không còn tràn đầy năng lượng như trước, nhưng vẫn sống trọn vẹn theo điều kiện cho phép.
Câu chuyện kể của những người chiến thắng căn bệnh ung thư di căn là thế. Hiện nay, không có tài liệu chính thức nào nói về cách để sống lâu với căn bệnh ung thư di căn. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ hiện nay đồng ý rằng ung thư giai đoạn 4 không phải lúc nào cũng là bản án tử hình tức thì.
Schapira, bác sĩ ung thư dẫn đầu chương trình hỗ trợ bệnh nhân vượt qua ung thư của Stanford, cho biết bác sĩ thường chuẩn bị cho bệnh nhân về những tình huống xấu trước khi đưa ra những niềm hy vọng. Ngày nay, với các liệu pháp mới hơn, bệnh nhân ung thư có thể có cùng triển vọng như một người mắc bệnh mãn tính.
Tonorezos thuộc Viện Ung Thư Quốc Gia (NCI) nói: "Ung thư là một câu lạc bộ mà không ai muốn tham gia. Nhưng một khi đã trở thành một thành viên của câu lạc bộ đó, việc tìm những người khác để kết nối và trao đổi kinh nghiệm là thực sự hữu ích.” Bà cho biết chuyên mục về câu chuyện của những người vượt qua căn bệnh ung thư trên trang web của Văn Phòng Hỗ Trợ Bệnh Nhân Ung Thư của NCI là chuyên mục được nhiều người xem nhất.
Riêng đối với tác giả bài viết Drea Cornejo, trong khi cô vẫn đang học cách để chiến thắng căn bệnh, kinh nghiệm từ những người đã đi qua con đường này giúp cô rất nhiều. Họ cho cô niềm hy vọng. Niềm hy vọng, cho dù vẫn còn mong manh, rằng việc sống sót sau căn bệnh ung thư di căn rồi đây có thể trở thành điều bình thường.
Mỗi khi giao mùa, “cúm” lại trở thành một chủ đề quen thuộc. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu rõ về căn bệnh phổ biến này, cũng như những biến thể nguy hiểm như cúm gia cầm? Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện, từ những kiến thức cơ bản đến những thông tin chuyên sâu, giúp quý độc giả phân biệt, phòng ngừa và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo quan trọng.
Theo Seth Berkley, cựu giám đốc Gavi (2011-2023), kế hoạch cắt tài trợ cho các chương trình tiêm chủng toàn cầu của Trump có thể khiến Hoa Kỳ tự chuốc lấy hiểm họa về y tế và kinh tế. Những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh y tế của người dân Hoa Kỳ hiện nay là gì? Có không ít mối nguy đang rình rập chúng ta: cúm gia cầm không chỉ lây lan ở chim và gia súc mà còn ở hơn 50 loài động vật hữu nhũ khác; bệnh sởi đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia; COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành và có thể biến đổi thành chủng nguy hiểm hơn; Uganda vẫn đang chật vật với dịch Ebola, còn Mpox đã có mặt ở 127 quốc gia.
Có thể các bạn đã từng nghe rằng trên khuôn mặt chúng ta có một khu vực được gọi là “tam giác nguy hiểm” hay “tam giác tử thần”, và nặn mụn ở chỗ này có thể bị nhiễm trùng nặng, dẫn đến nguy hiểm. Và tuy trường hợp bị nhiễm trùng nặng ở vùng tam giác nguy hiểm thực sự rất hiếm, việc chúng ta chú ý, cẩn trọng hơn với thói quen nặn mụn vẫn là một điều tốt.
Vừa chật vật kiểm soát đợt bùng phát sởi nghiêm trọng ở Tây Texas, các viên chức y tế công cộng vừa lo lắng về tình trạng người dân vẫn cứ tin dùng những phương thức điều trị mà Bộ trưởng Y tế Robert F. Kennedy Jr. ủng hộ (dù chưa được kiểm chứng khoa học đàng hoàng). Hậu quả là nhiều người chần chừ không chịu đi bác sĩ cho đến khi bệnh tình trở nặng. Trước nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, trong tuần này, các bệnh viện và cơ quan y tế đã loan tin cảnh báo, hướng dẫn người dân nhận biết các triệu chứng sởi cần được điều trị khẩn cấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
Dù được tuyên bố là đã bị xóa bỏ ở Hoa Kỳ từ 25 năm trước, bệnh sởi (measles) đang quay trở lại với tốc độ đáng báo động. Chỉ trong hai tháng, đã có 146 trường hợp mắc bệnh sởi đã được ghi nhận tại tây bắc Texas, trong đó có một trẻ nhỏ đã tử vong. Ngoài Texas, các đợt bùng phát nhỏ hơn cũng xuất hiện tại New Mexico, California, Georgia, New Jersey, Rhode Island và một số tiểu bang khác
Một nghiên cứu mới đã mang đến cái nhìn chưa từng có về cách các tế bào thần kinh trong não bộ thay đổi hoạt động trong quá trình từ trước đến sau khi trẻ chào đời. Nhóm nghiên cứu sử dụng 184 ảnh brain scan từ 140 thai nhi và trẻ sơ sinh thuộc độ tuổi thai từ 25 đến 55 tuần sau thụ thai. Thai kỳ thông thường chỉ kéo dài khoảng 40 tuần, nên với những dữ liệu này, các khoa học gia có thể so sánh những thay đổi của não bộ trước và sau khi trẻ chào đời.
Trong ba thập niên qua, thói quen sử dụng thuốc bổ sung (supplements) của mọi người đã thay đổi mạnh mẽ, từ một lựa chọn dinh dưỡng trở thành một khuynh hướng phổ biến đến mức ám ảnh. Hiện nay, hơn một nửa số người lớn ở Hoa Kỳ sử dụng supplements với hy vọng có thể chữa trị hầu hết mọi vấn đề về sức khỏe, từ thể chất đến tâm thần.
Trí nhớ kém, cơ thể mất kiểm soát, những lỗ thủng bí ẩn hình thành trong não bộ – tất cả đều là dấu hiệu của một căn bệnh hiếm nhưng đáng sợ: Bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD), tương tự như bệnh bò điên. Đây là một trong những căn bệnh gây thoái hóa não tàn khốc nhất, với tốc độ tiến triển nhanh chóng và không thể cứu chữa. CJD là một bệnh về não hiếm gặp, được đặt theo tên của hai bác sĩ người Đức, Hans Creutzfeldt và Alfons Jakob, những người đầu tiên mô tả về căn bệnh vào những năm 1920. Dù hiếm gặp và ít được biết đến so với Alzheimer hay Parkinson, CJD đáng sợ ở chỗ nó khiến não bộ bị “ăn mòn” theo đúng nghĩa đen.
Khi con gái ba tuổi của Colleen Henderson cho biết cô bé bị đau khi đi vệ sinh, các bác sĩ đã không quan tâm đến và cho rằng đó là nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc táo bón, những căn bệnh thường gặp trong những năm trẻ con ở giai đoạn tập đi vệ sinh. Sau khi hãng bảo hiểm y tế của cô Henderson thông báo họ không trả cho cô chi phí siêu âm, Henderson đã bị trừ $6.000 vào thẻ tín dụng của cô. Rồi một hung tin xảy ra: Trong bàng quang của con gái nhỏ của cô có một khối u to bằng quả bưởi.
Vắc-xin (Vaccines) đã thay đổi vận mệnh của loài người. Trong thế kỷ 20, bệnh đậu mùa (smallpox) đã cướp đi sinh mạng của hơn 300 triệu người trên toàn thế giới, còn bệnh bại liệt (polio) khiến nửa triệu người tử vong hoặc bị liệt mỗi năm. Nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ vắc-xin, bệnh đậu mùa đã hoàn toàn biến mất khỏi hành tinh, và bệnh bại liệt cũng đã được kiểm soát tại nhiều quốc gia.
LTS: Mời quý vị nghe bài phát biểu của Dân Biểu Liên Bang Derek Trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ sáng thứ Ba 29 tháng Tư, 2025 về Dấu Mốc 50 Năm Tháng Tư Đen.
*** Kính thưa Ngài Chủ Tịch Hạ Viện,
Hôm nay tôi xin được phép phát biểu trong vài phút để chia sẻ một điều rất quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại.
Tháng Tư Đen – không chỉ là một ngày buồn trong lịch sử, mà còn là dấu mốc nhắc nhở chúng ta về một ngày tang thương, khi chúng ta mất tất cả – mái ấm, quê hương, cuộc sống, và cả tương lai ở mảnh đất mà ta từng gọi là tổ quốc.
Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam rơi vào tay chế độ cộng sản. Khi đó, Mỹ đã di tản khoảng 6.000 người, bao gồm cả người Mỹ và người Việt, đến nơi an toàn. Rồi hàng trăm ngàn người Việt khác cũng lần lượt vượt biển ra đi, không biết phía trước là gì, chỉ biết phải rời đi để tìm sự sống.
Những người còn ở lại đã phải chịu cảnh sống ngày càng khắc nghiệt dưới chế độ cộng sản. Nhiều người bị đưa vào trại cải tạo – không chỉ mất nhà cửa, mà mất cả tự do, nhân phẩm, và không ít người mất luôn cả mạng sống.
Đây là một ngày đau buồn. Một ngày để chúng ta tưởng niệm, suy ngẫm, và để nhìn lại tất cả những gì đã mất.
Có hơn 58.000 lính Mỹ và hơn 250.000 binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh. Những người này đã chiến đấu và ngã xuống vì tự do. Họ xứng đáng được chúng ta biết ơn mãi mãi. Chúng ta tưởng niệm không chỉ những người lính, mà còn hàng triệu người dân vô tội đã chết trong chiến tranh, những người bị đàn áp sau ngày 30 tháng 4, và những người bỏ mạng trên biển trong hành trình vượt thoát.
Chúng ta có trách nhiệm sống xứng đáng với sự hy sinh của họ — bằng cách sống trọn vẹn và sống có ý nghĩa trong cuộc đời mới này.
Tôi là một trong hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt được sinh ra trong những gia đình tị nạn – những người cha, người mẹ ra đi tay trắng, chỉ mang theo niềm hy vọng. Nhưng họ không để hành trình khổ cực ấy định nghĩa cuộc đời mình ở Mỹ. Họ xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, thành công, và luôn giữ gìn bản sắc, lịch sử dân tộc.
Và hôm nay, sau 50 năm, chúng ta không chỉ tưởng niệm mà còn tự hào về những gì cộng đồng người Việt đã làm được. Từ tro tàn chiến tranh, chúng ta đã đứng dậy và vươn lên.
Chúng ta có những người gốc Việt làm tướng, đô đốc trong quân đội Mỹ, có nhà khoa học đoạt giải thưởng lớn, doanh nhân thành công, giáo sư, bác sĩ, nghệ sĩ – ở mọi lĩnh vực. Từ người tị nạn, chúng ta đã viết nên câu chuyện thành công chỉ trong vòng năm mươi năm.
Nhiều người trong số họ là con em của thuyền nhân – hoặc chính là những người vượt biển. Họ là minh chứng sống động cho tinh thần không chịu khuất phục, không ngừng vươn lên của người Việt.
Riêng tôi, là người Mỹ gốc Việt đầu tiên đại diện cho cộng đồng Little Saigon ở Quận Cam trong Quốc Hội. Tôi rất vinh dự và cảm thấy trách nhiệm nặng nề khi mang theo câu chuyện lịch sử của chúng ta. Little Saigon – nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất thế giới – là biểu tượng sống động cho nghị lực, cho hy vọng, và cho tinh thần vượt khó.
Tôi nối bước những người đi trước – những lãnh đạo người Việt ở California và khắp nước Mỹ – những người đã mở đường để thế hệ chúng tôi có thể tiếp bước. Tôi là người thứ ba gốc Việt được bầu vào Quốc hội, sau Dân biểu Joseph Cao ở Louisiana và Nữ dân biểu Stephanie Murphy ở Florida. Tôi không quên rằng mình đang tiếp nối di sản mà bao người đã hy sinh để giữ gìn.
Mỗi ngày, tôi đều nhắc mình rằng: Chúng ta phải giữ gìn câu chuyện này, phải kể lại trung thực, để không ai – kể cả chế độ cộng sản – có thể viết lại lịch sử của chúng ta.
Tôi mong các đồng nghiệp trong Quốc Hội hãy cùng tôi không chỉ tưởng nhớ những nỗi đau mà chúng tôi đã trải qua, mà còn tôn vinh tinh thần bất khuất của người Việt Nam. Hãy vinh danh các cựu chiến binh – cả Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa – những người đã hy sinh cho tự do.
Và trong ngày kỷ niệm đau thương này, hãy cùng nhau nhắc lại cam kết: giữ vững các giá trị quan trọng nhất – dân chủ, nhân quyền, và khát vọng sống tự do.
Xin cảm ơn quý vị, tôi xin kết thúc phần phát biểu. Derek Trần
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.