Đây là chuyện tình yêu xưa, xa xưa lắm rồi, nhưng dư âm vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến thế hệ chúng ta hôm nay… hình như con người sống nương tựa rất nhiều vào tình yêu… tình yêu cho con người nhiều ý nghĩa thiêng liêng, nhiều gia vị đậm đà đáng sống. Nếu hỏi tại sao là vậy, thì thưa rằng bên cạnh tình yêu và cuộc mưu sinh, ta còn có những gì? Bầu cử ư, bầu cử đã qua rồi, ngã ngũ rồi, không còn gì để bàn nữa. Nhưng nếu bạn muốn theo dõi hậu bầu cử, đó cũng là ưu điểm, coi thế sự cuộc đời sẽ diễn tiến ra sao những ngày sắp tới. Trước mắt, bên cạnh, xung quanh còn vây phủ đe dọa đầy chiến tranh tàn khốc hủy diệt đe dọa sự sống còn của nhân loại bằng những vũ khí của khoa học hiện đại tân tiến, cộng với lòng ác độc của tham vọng, của chính trị không phương giải quyết.
Nếu chiến tranh cứ kéo dài mãi thì trái đất không còn một sinh vật nào sống sót, hiện hữu, trái đất này sè là một đồng khô cỏ cháy với bừa bộn những xác người bị nướng khô…
Bỏ qua những điều tưởng tượng sợ hãi kinh dị mà trở về với một chút gì dễ chịu tươi mát hơn, là tình yêu, một tình yêu xa xưa, nhưng vẫn luôn mang giá trị vĩnh cửu, không đàn áp không tấn công như một hơi thở, như nhẹ nhàng êm ái điều hòa cuộc sống cho quân bằng.
Xin kể ra đây là một tình yêu của một bậc trưởng thượng, mẫu nghi thiên hạ, coi như khuôn vàng thước ngọc của chung hết thẩy mọi người chúng ta.
Thưa đó là chuyện của cụ Nguyễn Công Trứ. Nói về cụ Nguyễn Công Trứ, thì đúng là một đề tài xa xưa, không mới mẻ mà ai ai là người Việt Nam, đa phần cũng biết cụ. Cụ sống vào khoảng 1778-1859 đời nhà Nguyễn thế kỷ 19.
Năm Gia Long thứ II, cụ đã dâng vua kế sách quản trị an ninh, hành chánh và kinh tế. Tuy nhiên vì thi cử lận đận, mãi năm Gia Long thứ 18, cụ mới thi đậu Giải Nguyên và được ra xuất chính làm quan. Thời còn học trò, cụ sống hàn vi nghèo khó, gia cảnh đạm bạc, nên khi ra đời và trong suốt cả cuộc sống, cụ thành công và nổi tiếng với triết lý sống: biết đủ.
Tri túc tiện túc đại túc hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn đại nhàn hà thời nhàn.
Triết lý tri túc tri nhàn luôn có giá trị vượt thời gian mãi mãi là một bài học đứng đắn cho mọi thế hệ sau.
Thuyết “tri túc“ như còn giúp cho cá nhân sống quân bình và giúp xã hội tránh được tội ác, tội và tội phạm đầy rẫy có thể xẩy ra bất kể lúc nào.
Ngoài triết lý sống đúng và thoải mái đó, cụ còn là một người có tài văn chương, như một nhà mô phạm canh chừng răn đe cho các phạm trù nghiêm minh của khổng giáo.
Dưới các thời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức, cụ giữ chức Thị Lang Bộ Hình. Kể là Thượng Thư, cột trụ lo việc nước, về quân sự, cụ cùng binh tướng dẹp yên giặc Phan Bá Vành, Nông Văn Vân và bình định chiến tranh Việt-Xiêm La.
Cụ còn có nhiều tài kinh bang tế thế, đi khai khẩn đất hoang, làm thành các làng xã, cho dân vô gia cư đến sinh sống lập nghiệp, cụ thành lập các xã huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) Ninh Cường Giao Thủy ở Bắc Việt, vì nhớ công ơn vỡ đất của cụ, sau này nhiều nơi đã thờ tự ghi ơn cụ, coi như cụ là vị thần Hoàng làng.
Nhờ tài ba và siêng năng hoạt động, cụ có sức khỏe tốt, tâm hồn phóng khoáng và sống thọ so với những người đồng thời. Lại nửa bản chất là người khẳng khái, tính tình cương trực, nên đã có lúc đi làm quan mà cũng bị phát vãng, đến phải thốt lên lời:
Ra trường danh lợi vinh liền nhục,
Vào cuộc trần ai khóc lẫn cười.
Thuở còn hàn vi, lận đận thi cử, mãi tới năm 41 tuổi cụ mới vào hoạn lộ. Bên cạnh tính tình cương trực, cụ vẫn là người đầy tình cảm lãng mạn, khi nghèo khó, người đã thích đi xem hát ví, hát ả đào, gửi lòng vào cung thương lầu bực ngũ âm.
Khi còn là học trò nghèo, cụ không có tiền mà vẫn thích đi coi ké các vương tôn công tử nhà giầu tổ chức ca hát, cụ nghe hát ví, hát ả đào và say mê tiếng trống chầu, say mê lời nhạc câu ca, say mê luôn các con hát, gọi là cô đầu hay ả đào. Chữ ả đây không có nghĩa gì xấu, mà chỉ là để gọi một người đi hát. Có lần đó, cụ đứng dòm và nghe từ cổng và cụ lỡ phải lòng ngây ngất một cô đào thanh sắc vẹn toàn, rồi buồn vì không biết làm sao gặp lại người đẹp, cụ liền nghĩ ra một cách là xin đi theo sách đàn và trống, cặp táp cho cô nàng. May quá cụ được nhận làm việc ấy vì cô đào Tám biết cụ là học trò. Cụ cung cúc tận tụy đi theo ca sĩ như một tài xế thuở nay.
Rồi có một ngày, cô đào Tám được quan viên mời đi hát ở một nơi khá xa. Cùng đi với cô, có một tiểu đồng theo hầu, và có cả cụ Nguyễn Công Trứ tháp tùng mang đàn và tráp bên vai. Đi được vài dặm đường, cụ Nguyễn báo động là lỡ quên cây đàn nhị và song loan để gõ nhịp.
Làm sao bây giờ? Rồi cô đào miễn cưỡng cùng với cụ vào nghĩ chân tạm dưới một gốc thông già rộng lớn, tọa lạc ven Đường. Cô chủ nhờ tiểu đồng quay về nhà lấy dụng cụ.
Khi còn lại chỉ hai người giữa đồng ruộng mênh mang, cụ Nguyễn xúc động và rồi ra sức tán tỉnh cô đào, nhưng tâm trí cô còn để cả vào buổi hát chầu sắp tới, nên cô chỉ “ừ hử ừ hử“ cho qua chuyện. Rồi mọi chuyện qua đi, chuyện tình cảm yêu đương ngắn ngủi rồi cũng qua mau, vì mỗi người bận một công việc riêng tư.
Cụ quay lại con đường học trò, vả lại là người có lý trí mạnh, nên tiếp tục vùi đầu vào đèn sách, lo học lo thi cử một cách dũng mãnh rắn rỏi:
« Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,
Có giang sơn thì sĩ đã có tên
Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý.
Miền hương đẳng đã coi là hiếu nghị
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường
Khí hạo nhiên chí đại chí cương
So chánh khí chất đầy trong trời đất»
Con người đầy tình cảm luyến ái đam mê, nhưng cùng lúc người cũng giầu nghị lực vượt thoát thường tình.
Rồi tới ngày đại đăng khoa, cụ Nguyễn thi đậu và bước vào công danh sự nghiệp. Nhân một dịp lễ hội hát chầu văn thơ với bạn bè, với các cô ả đào. Tấp nập tới.
Trong số các ả đào được mời đến, hiện diện cô Tám là cố nhân lúc cụ còn hàn vi… mà cụ đã từng say mê đắm đuối, nhưng cụ vô tình chưa hay biết, thì người xưa đã hát lên rằng:
“Giang sơn một gánh giữa đồng
Thuyền quyên ừ hự anh hùng nhớ chăng?“
Nghe câu hát, cụ giựt mình, sửng sốt nhìn ra người xưa, cụ xúc động và đọc một bài thơ tặng nàng:
“Liếc trông đáng giá mấy mười mươi
Đem lòng vàng để cạnh tiếng cười
Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết
Hoa tàn nhưng nhụy vẫn vui tươi
Chia đôi duyên nợ đà hơn một
Mà nét xuân sơn vẹn cả mười
Ví chút tình duyên nên đằm thắm
Khéo làm cho bận khách làng chơi.“
Sau đó, cụ nhờ người đi mua sắm phẩm vật kính biếu và trao tiền vàng bội hậu làm quà kỷ niệm cho người xưa. Sử liệu không ghi rõ, rồi sau, cuộc tình này đi về đâu.
Trong số các cô đào hát đó, có nhiều người có học, họ thông minh và ứng xử văn chương đối đáp rất tài tình. Cụ cũng kể lại rằng, trước lúc gặp cô đào Tám, cụ có gặp cô đào Nhi thông minh đĩnh ngộ, cụ cũng say mê theo đuổi nghe hát nhiều ngày, mà kẹt là một dịp đó, cụ đang tìm vầng thơ để tán tỉnh nàng thì nàng đã lanh trí hỏi cụ một lô câu hỏi:
“Hỏi anh hà tỉnh, hà danh?
Hà châu, hà huyện, niên canh kỷ hà?“
Thiệt là một câu hỏi, hỏi nhiều thứ: năm sanh, quê quán, tỉnh nào, huyện nào, châu nào, bao nhiêu tuổi? Cụ Nguyễn chới với vì làm sao mà trả lời bằng ấy ý trong một câu thơ lục bát như của nàng? Cụ liền phải nói đi ngả khác, không chuẩn ý:
“Trước Lam Thủy, sau Hồng Sơn
Người nào đọc sách, gẩy đàn là anh”
Đã đối không xong thì phải trốn đi xa nàng thôi. Tuy vậy không phải thi nhân chỉ biết làm thơ tán đào, mà khi đứng tuổi, đã yên bề gia thất, có những lúc xa gia đình, người cũng nhiều lần nhớ nhung người vợ ở xa một cách đắm đuối:
“Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẻ mà chơi vẻ được nào?
Khi đứng khi ngồi khi nói chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào
Một nước một non người cách biệt
Tương tư không biết cái làm sao!"
Người vợ ấy thương chồng lặn lội đi thăm, đường xa muôn dặm vất vả, nhìn dáng đi siêu siêu vẹo vẹo của người vợ luống tuổi, cụ Nguyễn cảm thương mà thốt lên lời:
“Đành nhẽ bút nghiên mà kiếm mã
Thương ơi kim chỉ cũng phong trần!”
Tình yêu thương như đang nghiêng ngả về cuối đường, nhiều thương hơn yêu, nặng nghĩa hơn tình. Cho hay qua năm tháng, qua bao niên kỷ, tình yêu tự nhiên vẫn gắn kết với ý niệm thiêng liêng ” ái nên ơn, tình nên nghĩa.”
Trích phỏng lược Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện của nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế
Chúc Thanh