Bối cảnh
Kể từ khi Nga tấn công Ukraine vào năm 2022, chính giới phương Tây và các chuyên gia an ninh tranh luận sôi nổi về vấn đề liệu Nga có đe dọa khối NATO và khởi chiến chống châu Âu không.
Cho dù đến nay, một cuộc tấn công như vậy chưa xảy ra, nhưng dựa theo tinh thần hiếu chiến và khả năng tiến hành chiến tranh của Nga tại Ukraine, chính giới và công luận cho là Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thử thách sức mạnh quân sự của phương Tây bằng cách tấn công vào một trong các quốc gia ở sườn phía đông của khối NATO. Theo các kịch bản được suy diễn thì diễn biến có thể sẽ hình thành trong 5 đến 8 năm tới.
Trước tình thế đổi thay nghiêm trọng, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Đức Boris Pistorius (SPD) đã lên tiếng yêu cầu là Đức phải “sẵn sàng ứng chiến”. Bruno Kahl, Giám đốc Cơ quan Tình báo Liên bang Đức nhận định là Nga luôn coi Đức là kẻ thù và Quân đội Nga có thể sẽ gây chiến nhắm vào khối NATO muộn nhất là vào cuối thập niên này.
Để ứng phó, khối NATO cũng đang cân nhắc các đe dọa của Nga một cách nghiêm túc. Bằng chứng là trong cuộc tập trận “Steadfast Noon” vào tháng 10 năm 2024, liên minh NATO đã thử nghiệm các khả năng phòng thủ bằng vũ khí hạt nhân. Các máy bay chiến đấu có khả năng vận chuyển bom hạt nhân của Mỹ đồn trú ở châu Âu cũng tham gia cuộc thao diễn này.
Trong bối cảnh đầy biến động khôn lường hiện nay, liệu Nga có giao chiến với khối NATO tại châu Âu không và chiến tranh thế giới thứ ba sẽ bùng nổ không là một vấn đề trọng đại.
Nguy cơ chiến tranh theo quan điểm Nga
Kể từ khi bắt đầu xâm lược Ukraine, Nga đã nhiều lần đưa ra những lời tuyên bố trái ngược nhau về các kế hoạch quân sự.
Một mặt, Nga cho rằng việc chính giới phương Tây hoang mang lo sợ về một cuộc tấn công của Nga là không có cơ sở thực tế, vì các nhận định này dựa trên các nguồn tin sai lệch.
Ngược lại, chính phương Tây mới là mối đe dọa thường trực cho Nga. Trước đây, Putin đã cảnh báo về một cuộc chạy đua mới về vũ trang hạt nhân và đề nghị các cường quốc nên đàm phán để tìm các sáng kiến giải trừ.
Mặt khác, Nga liên tục đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Ukraine và khối NATO. Tháng 11 năm 2024, Putin đã phê chuẩn một chủ trương mới về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo học thuyết này, một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân giờ đây cũng có thể được sử dụng nhằm để đáp trả các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường nếu nó xuất phát từ một cường quốc hạt nhân.
Với sự thay đổi quan điểm, Nga muốn nhắm phản đối Mỹ và Anh, khi cả hai cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa nhắm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga. Sergei Naryshkin, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo nước ngoài của Nga tuyên bố là sẽ trừng phạt những quốc gia của phương Tây nào cho phép tấn công bằng vũ khí tầm xa trên lãnh thổ Nga. Hành vi xâm lược của từng quốc gia riêng biệt cũng sẽ bị coi là trực tiếp xâm lược của toàn bộ liên minh.
Mối đe dọa của Nga theo quan điểm của phương Tây
Các chuyên gia về an ninh quốc tế của phương Tây cùng có một lập luận chung là Nga có ý định muốn công khai phá hủy trật tự thế giới đã được hình thành từ thời Chiến tranh Lạnh để nhằm lập ra một trật tự thế giới mới do Nga thống trị. Do đó, nhìn chung, Nga đang là mối đe dọa quân sự đối với khối NATO và châu Âu.
Cụ thể, Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố về quyền bá chủ châu Âu mà tối hậu thư gửi tới các quốc gia thuộc khối NATO từ tháng 12/2021 là một ví dụ. Trong đó, Nga kêu gọi khối NATO không nên thu nhận hai quốc gia Ukraine và Georgia vào liên minh.
Ngoài ra, Nga còn yêu cầu khối NATO rút quân ra khỏi các quốc gia không thuộc khối NATO trước năm 1997, chủ yếu là các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây.
Nhìn trong toàn cảnh, mối đe dọa của Nga gây sốc chung cho phương Tây, vì đây không phải là việc hù dọa đơn thuần, mà cuộc chiến Ukraine cho thấy là Nga đã tiến hành để đạt được mục tiêu xâm lược và đồng thời Nga đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn phương Tây hỗ trợ cho Ukraine.
Sau khi Donald Trump tái thắng cử, vấn đề an ninh phòng thủ trở nên khẩn thiết hơn. Giới hoạch định chính sách của châu Âu lo sợ là Tổng thống Trump sẽ không thực hiện các nghĩa vụ hỗ trợ cho khối NATO; do đó, đã đến lúc phải tự mình lo liệu việc chế tạo bom hạt nhân để đơn phương răn đe Nga.
Nguy cơ tổn thương
Các quốc gia có nhiều kinh nghiệm với Nga hiện nay đồng thanh lên tiếng báo động về nguy cơ tổn thương nếu bị Nga tấn công. Suy diễn chung cho rằng các nước Ba Lan, vùng Baltic, Cộng hòa Séc, Phần Lan và Đan Mạch sẽ là nạn nhân đầu tiên. Các quốc gia khác sẽ bị Nga lần lượt tấn công trong vòng 3 đến 5 năm sau.
Tình hình thay đổi nhanh hay chậm hoàn toàn tuỳ thuộc vào phương cách Nga vận hành nền kinh tế phục vụ cho chiến tranh. Mặt khác, ngân sách của Nga có thể tài trợ chiến phí được bao lâu, hai vấn đề này không ai có thể trả lời chính xác.
Nhưng Nga quan tâm đến khía cạnh tâm lý, đặc biệt là việc phát động xung lực quân sự và chờ đợi các bất đồng chính trị trong khối NATO và Liên Âu bộc phát.
Thí dụ như Nga tung tin nhằm các thao túng tâm lý, như liệu binh sĩ Đức và Pháp có sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ lãnh thổ cho các nước khác ở phía Đông không, trong khi đó Nga ráo riết sản xuất trang thiết bị quân sự để chuẩn bị tấn công trong khoảng từ 5 đến 9 năm tới.
Tương quan lực lượng
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga đầu tư 16% công chi cho quốc phòng, nghĩa là, gần 6% tổng sản phẩm quốc nội. Trong khối NATO còn nhiều tranh chấp về công chi cho quốc phòng trong nhiều năm qua, vì một số quốc gia thành viên không đạt đến mức chi 2% tổng sản phẩm quốc nội như mục tiêu đã đề ra.
Hiện nay, về cơ bản, khối NATO có tổng số 3,3 triệu binh sĩ tại ngũ, đạt ưu thế hơn quân đội Nga, trong khi Nga có khoảng 1,2 triệu binh sĩ và đang bị tổn thất nặng nề trong cuộc chiến Ukraine.
Theo tình báo Anh ước lượng chung, có khoảng 689. 040 binh sĩ Nga tử thương và bị thương. Còn tình báo Mỹ ước tính khác hơn, khoảng 120.000 binh lính Nga thiệt mạng và 180.000 bị thương. Dĩ nhiên, các số lượng này không ai có thể kiểm chứng là khả tín.
Vì cạn kiệt về nguồn nhân lực, nên Putin ra sắc lệnh là quân đội Nga phải tăng thêm 180.000 quân và huy động hơn 10.000 binh sĩ Bắc Hàn cho chiến trường, hai biện pháp này cho thấy là khả năng về quân số Nga đã bị hạn chế nghiêm trọng.
Về việc thiệt hại vũ khí cũng bi quan không kém. Nga đã mất khoảng 3.000 xe tăng chiến đấu, hàng nghìn xe thiết giáp, hơn 100 chiến đấu cơ và một phần đáng kể của Hạm đội Biển Đen. Do đó, Nga phải mất rất nhiều năm mới có thể khôi phục được các tổn thất, ngay cả khi ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù Nga vẫn tiếp tục gia tăng sản xuất, nhưng nói chung, vũ khí kém chất lượng và buộc phải nhập khẩu thêm các đạn pháo từ nước láng giềng thậm chí còn lạc hậu hơn Triều Tiên.
Ngược lại, tình báo Ukraine đã có được các tài liệu của Nga cho thấy là Nga muốn xin hòa đàm vào cuối năm 2025 vì lý do kinh tế. Những rào cản về tài chính, công nghệ và dân số mà Nga phải đối mặt còn ghê gớm hơn những gì mọi người thường hiểu. Cuộc chiến Ukraine đã đi vào lịch sử Nga với hai kết quả là tàn khốc và cạn kiệt.
Trong khi đó, về tổng thể, quân đội Đức được trang bị với những thiếu sót nhất định, nhưng những khiếm khuyết này thường bị truyền thông phóng đại và cũng có ở nhiều quân đội nước khác. Quân đội Đức không bị đánh giá là suy yếu nghiêm trọng vì chủ trương tiết kiệm sai lầm trước đây.Thực ra, Đức có ngân sách quân sự lớn vào hàng thứ bảy trên thế giới.
Khả năng gây chiến của Nga
Các chuyên gia nghiên cứu về lịch sử Nga đồng quan điểm là Nga còn mang tư tưởng đế quốc, đang có tham vọng tái khôi phục quyền lực và tinh thần ứng chiến cao độ.
Hiện nay, tương lai Nga bị ràng buộc với cuộc chiến Ukraine. Nhưng dù với kết quả nào đi nữa, thắng, thua hay cầm cự, thì Nga cũng vẫn tiến hành nền kinh tế phục vụ cho chiến tranh qua việc gia tăng sản xuất các loại xe tăng, tên lửa và các trang thiết bị khác.
Khả năng phòng thủ của khối NATO
Khối NATO hiện muốn tái vũ trang ồ ạt và các cuộc diễn tập quân sự cũng nhằm giúp duy trì và nâng cao khả năng phòng thủ. Sau Hoa Kỳ, khối NATO và Liên Âu đang tích cực hỗ trợ cho Ukraine về mặt tài chính và quân viện. Sức mạnh quân sự của khối NATO cũng đã được mở rộng hơn ở sườn phía đông và quân đội Đức cũng tham gia.
Quân đội Đức đang có biện pháp nhằm chống lại mối đe dọa của Nga qua “Kế hoạch hành quân của Đức”. Kế hoạch này nhằm tổ chức lại việc cung cấp cho quân đội NATO và bảo vệ lãnh thổ của Đức.
Một trong số những biện pháp chính gồm có việc cung cấp “Binh đoàn an ninh nội địa”. Đây là lực lượng tổng hợp các binh sĩ trừ bị, mà nhiệm vụ chính là để bảo vệ các cơ sở hạ tầng và dân chúng trong trường hợp lâm nguy. Nếu Nga tấn công vào một nước trong liên minh NATO, số lượng binh sĩ chính quy Đức có thể sẽ không thể đảm bảo thỏa đáng cho nhu cầu này, bởi vì hầu hết phải tập trung chiến đấu cho tiền tuyến, nghĩa là, sườn phía đông của liên minh NATO.
Đức bị tấn công?
André Bodemann,Trung tướng Chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh Lãnh thổ Quân đội Đức, người chịu trách nhiệm bảo vệ Đức, cho biết là trong giai đoạn hiện nay, Đức chưa có chiến tranh, nghĩa là, chưa có về mặt pháp lý, nhưng Đức đã không có hòa bình trong một thời gian dài, vì Đức phải đối phó với bốn loại hành vi gây hấn đang diễn ra liên tục hằng ngày, đó là tấn công trên không gian mạng, tung thông tin sai lệch có chủ đích (đặc biệt là qua mạng xã hội), hoạt động gián điệp (ví dụ như do tàu gián điệp của Nga ở Biển Baltic) và phá hoại.
Điển hình nhất là các cuộc tấn công vào tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí lỏng LNG, nhưng Đức cũng không thể chứng minh được là các cuộc tấn công đều xuất phát từ Nga.
Cập nhật các diễn biến
Nga leo thang chiến tranh
Ngay trong đêm hôm 20 qua ngày 21/11/2024, quân đội Nga đã dùng tên lửa đạn đạo chiến lược mang đầu đạn hạt nhân để tấn công Ukraine. Đây là một loại vũ khí tầm trung có tầm bắn hơn 5.500 km được cải biên. Sau đó, tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng khẳng định vũ khí được sử dụng là "tên lửa đạn đạo tầm trung" (IRBM) đang trong giai đoạn còn thử nghiệm, mang tên "Orechnik". Với việc sử dụng này, Nga không những chỉ muốn chứng tỏ là trả đũa mà còn leo thang chiến tranh.
Theo Nga, đối phương đã vượt qua lằn ranh đỏ nên muốn cấp thời răn đe là Nga sẽ không loại trừ khả năng sử dụng vũ khí với đầu đạn hạt nhân, nếu diễn biến chiến trường không lạc quan.
Trước đó, Ukraine đã dùng các tên lửa chiến thuật tầm xa do Mỹ (ATACMS) và Pháp, Anh viện trợ (Storm Shadow), với tầm bắn có thể lên đến 300km, để tấn công vào đất Nga.
Thực ra, Nga không nhắm răn đe đối với Mỹ, vì tổng thống Nga Vladimir Putin đang có tình giao hảo với tổng thống tân cử Donald Trump và Mỹ đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tổng thống.
Ngược lại, mục tiêu của Nga là nhắm vào châu Âu vì không biết phải làm gì trong tình hình nghiêm trọng này vả sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Một mặt, châu Âu đang hoang mang cực độ vì không còn tin tưởng là Trump sẽ tiếp tục hỗ trợ; mặt khác, châu Âu đang ở vị thế suy yếu, vì nội bộ không thể đoàn kết để lèo lái châu Âu, nhất là Đức đang gặp cơn khủng hoảng chính quyền.
Vấn đề khác là Anh và Pháp có sẵn sàng dùng hệ thống vũ khí hạt nhân để bảo vệ châu Âu không. Với sự mâu thuẫn cố hữu về chủ quyền quốc gia, nên thiện chí hợp tác của hai nước cho mục tiêu này sẽ khó thành tựu.
Tổng thư ký khối NATO gặp Trump
Mark Rutte, tân Tổng thư ký khối NATO đang hội kiến với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tại Florida. Trong thời gian làm Thủ tướng Hà Lan, Rutte có biệt danh là “Người thì thầm Trump” vì đã cố gắng làm xoa dịu tình hình lúc bấy giờ.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump, mối quan hệ của Mỹ với khối NATO rất căng thẳng. Trump cáo buộc các đối tác của khối NATO đầu tư quá ít vào công chi cho quốc phòng.
Trong chiến dịch tranh cử hồi mùa xuân, Trump khẳng định sẽ không hỗ trợ cho khối NATO nếu bị tấn công và khuyến khích Nga làm “bất cứ điều gì mà họ muốn”. Do đó, trong nhiệm kỳ mới, với tính khi cố hữu, Trump sẽ gây nhiều thử thách không thể lường đoán đối với khối NATO.
Dù vậy, công luận đang hy vọng là cuộc hội kiến này sẽ làm xoa dịu được ít nhiều trong mối quan hệ hai bên. Đề tài được thảo luận là các vấn đề an ninh toàn cầu mà khối NATO đang đối mặt, nhưng không một chi tiết hay một thỏa thuận nào được công bố.
Thực ra, mâu thuẫn về chính sách của hai bên vẫn còn tồn tại. Trong khi Rutte cam kết là khối NATO sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine; ngược lại, Trump công khai phản đối việc quân viện lên đến hàng tỷ đô la cho Ukraine và muốn kết thúc cuộc chiến một cách nhanh chóng, nhưng chưa cho biết cụ thể.
Theo mọi suy đoán, có lẽ sau ngày nhậm chức, Trump sẽ cử một đặc sứ chuyên trách về đàm phán với những phương án khả thi, nhưng chủ yếu là sẽ buộc Ukraine phải nhượng bộ một phần lãnh thổ đã bị Nga chiếm đóng, đó là điều kiện tiên quyết để đàm phán.
Diễn biến chiến trường
Nhìn về tương lai, các diễn biến tình hình rất khó lường đoán. Mối quan hệ giữa khối NATO và Nga tuỳ thuộc vào tin vui của chiến trường và triển vọng của nghị trường.
Về chiến trường; Tình hình thuận lợi hơn cho Nga sau khi công khai sử dụng loại vụ khí Orechnik. Nga đã chiếm thêm khoảng 500 km2 lãnh thổ của Ukraine, nâng tổng số diện tích chiếm đóng lên trên 27% . Chiều hướng này sẽ còn gia tăng.
Hiện nay, các lo ngại về mối an nguy của Ukraine cảng ngày nhiều hơn. Một số sứ quán tại Kiev đã đóng cửa khi đã nhận được tin báo động là một cuộc tổng oanh kích lớn sẽ diễn ra mà việc Nga tấn công thành phố Dnipro bằng một loại tên lửa mới là bằng chứng.
Thuận lợi của Ukraine là sẽ có khả năng tấn công sâu vào nội địa Nga mà hậu quả là khoảng 255 cơ sở hậu cần của Nga gần biên giới Ukraine sẽ bị tê liệt hoạt động và gây trở ngại cho việc Nga tiếp tục tiến công.
Bất lợi cho Ukraine là về mặt tâm lý. Dân chúng hoang mang sau khi Trump thắng cử và triển vọng quân viện của Mỹ không còn. Dù tinh thần chiến đấu của binh sĩ vẫn còn cao độ, nhưng theo một ước lượng, khoảng 1/3 dân chúng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi về triển vọng thắng trận và hy vọng nhiều hơn về giải pháp đàm phán. Nhưng việc đàm phán lại lệ thuộc vào sự thu xếp của Mỹ và Nga và mọi việc còn phải chờ đợi diễn tiến sau ngày Trump nhậm chức.
Về hoà đàm: Những người Việt có kinh nghiệm về hoà đàm Paris năm 1973 và việc thất thủ của Việt Nam Cộng Hoà năm 1975 sẽ có cơ hội nhận ra rằng lịch sử Việt Nam sẽ tái diễn tại Ukraine.
Lại một lần nữa, Mỹ cúp viện trợ, nên Ukraine không còn phương tiện chiến đấu và phải chịu vào bàn đàm phán và ký kết hoà ước trong vị thế suy yếu như Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng sau đó, giống như Cộng sản Bắc việt, Nga sẽ vi phạm hoà ước và tấn công để chiếm trọn lãnh thổ Ukraine. Lúc đó, dân chúng Ukraine sẽ vỡ mộng như dân chúng miền Nam trong niềm tin là “Mỹ không thể bỏ Việt Nam” và châu Âu mới thực sự lâm nguy.
Để đối phó, Ukraine không còn cách nào khác hơn là cần phải tuyển mộ thêm khoảng 300.000 tân binh cho chiến trường và chuẩn bị tấn công Nga vào năm 2025. Với mục tiêu này, Ukraine sẽ duy trì tình trạng vừa chiến đấu và vừa đàm phán càng lâu càng tốt, nhất là sẽ cầm chân quân Nga và tránh cảnh cuộc chiến sẽ lan rộng sang các nước khác. Đây cũng là một lợi điểm cho khối NATO.
Cuối cùng, có thể suy luận là hiện nay cuôc giao chiến trực diện giữa Nga và khối NATO chưa xảy ra.
– Đỗ Kim Thêm
Gửi ý kiến của bạn