Lịch sử của Lễ Tạ Ơn đã bị hiểu sai, bác bỏ, và viết lại qua nhiều thời kỳ, nhưng đây là lý do tại sao mỗi năm chúng ta lại nướng gà tây và nghiền khoai.
Mỗi thứ Năm tuần thứ tư của tháng 11, người Mỹ lại quây quần bên bàn tiệc với gà tây, khoai nghiền, sốt cranberries, nhân gà tây và nhiều món ăn đệm khác. Trong bữa tiệc, họ chia sẻ cùng nhau lòng biết ơn, cảm kích những ân huệ họ đã nhận được trong suốt năm. Một số người khác đón mừng ngày lễ bằng cách xem cuộc diễu hành Ngày Lễ Tạ Ơn của Macy, xem trận bóng bầu dục, hoặc thậm chí tham gia các cuộc chạy đua.
Nhưng Lễ Tạ Ơn không phải lúc nào cũng được tổ chức như vậy. Ngày lễ và các truyền thống xung quanh nó đã thay đổi—từ một bữa tiệc thu hoạch được thần thoại hóa vào năm 1621 giữa những người đi hành hương và bộ tộc Wampanoag, đến cuộc tụ họp nêu cao tinh thần yêu nước và niềm tin tôn giáo thời hậu Nội chiến, và cuối cùng là ngày lễ hiện đại tập trung vào món ăn ngon và thời gian quây quần bên gia đình.
Nguồn gốc thật sự của Lễ Tạ Ơn đầu tiên
Các nhà sử học từ lâu đã cho rằng Lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào năm 1621, khi những người hành hương trên tàu Mayflower, những người đi thôn tính thuộc địa, tại Plymouth ở Massachusetts, dùng bữa ba ngày với bộ tộc Wampanoag. Tuy nhiên, bữa tiệc đó không phải là biểu tượng hòa bình có ý nghĩa như cách nó được miêu tả sau này—thực tế, nó có lẽ chỉ là một lễ hội thu hoạch thông thường của người Anh.
Hình minh họa về Lễ Tạ Ơn đầu tiên miêu tả một bữa tiệc thân thiện giữa những người hành hương và Wampanoag năm 1621. Nhưng bức tranh tươi đẹp đó che giấu một lịch sử đầy bạo lực: chỉ trong vài năm, những người hành hương đến định cư ở đây đã khởi chiến với các bộ lạc lân cận và cuối cùng tàn sát họ.
Năm 1841, nhà xuất bản ở Boston, Alexander Young, đã in một cuốn sách chứa bức thư của người hành hương Edward Winslow, mô tả bữa tiệc:
"Vụ mùa của chúng tôi được thu hoạch, thống đốc của chúng tôi đã cử bốn người đi săn, để chúng tôi có thể cùng nhau ăn mừng... Có nhiều người bản địa đến với chúng tôi, trong đó có Vua Massasoit với 90 người, và chúng tôi đã tiếp đãi họ trong ba ngày."
Winslow không gọi bữa tiệc là “Lễ Tạ Ơn,” vì thời đó, “Thanksgiving” được xem là một khoảng thời gian nhịn ăn cầu nguyện. Tuy nhiên, khi Young xuất bản bức thư, ông gọi bữa tiệc là “Lễ Tạ Ơn đầu tiên” trong một chú thích, và tên gọi đó đã gắn liền đến ngày nay.
Nhưng đối với nhiều người Mỹ bản địa, ngày lễ gợi lại nỗi đau bị đối xử bằng bạo lực, ngược đãi và diệt chủng. Vào những năm 1970, ngay sau lễ kỷ niệm hai trăm năm của Hoa Kỳ, người bản địa bắt đầu tập hợp vào ngày lễ để tổ chức một ngày tang thương - một truyền thống được gọi là Ngày Không Tạ Ơn.
Lễ Tạ Ơn trở thành ngày lễ hiện đại như thế nào
Qua nhiều năm, từ “thanksgiving” đã thay đổi ý nghĩa. Ban đầu là một truyền thống Anh, ngày Tạ Ơn thường được đánh dấu bằng các buổi lễ tôn giáo để cảm ơn Chúa hoặc mừng vụ mùa bội thu.
Ngày lễ tôn giáo Tạ Ơn đầu tiên được ghi nhận ở Plymouth diễn ra hai năm sau bữa tiệc năm 1621, nhằm mừng kết thúc đợt hạn hán kéo dài hai tháng. Sau này, những ngày Tạ Ơn thường kỷ niệm chiến thắng quân sự dẹp người bản địa.
Tổng thống Abraham Lincoln chính thức biến Lễ Tạ Ơn thành một ngày lễ quốc gia trong Nội chiến, đánh dấu sự chuyển đổi từ những ngày lễ ngẫu nhiên sang một ngày lễ toàn quốc. Lincoln được thuyết phục bởi Sarah Josepha Hale, biên tập viên của tạp chí Godey’s Lady Book, người đã vận động cho một ngày lễ Tạ Ơn hàng năm. Nhưng ở miền Nam, Lễ Tạ Ơn lúc đó không được phổ biến vì bị coi là ngày lễ của người miền Bắc.
Gà tây trở thành biểu tượng như thế nào
Bữa tiệc thu hoạch năm 1621 có thực đơn gồm thịt hươu, ngô, hải sản, đậu, hạt, quả khô, bí ngô, và đúng vậy, có cả gà tây. Gà tây, một loài chim bản địa, dễ dàng được săn bắt, nhanh chóng trở thành nguồn thực phẩm quan trọng cho những người Mỹ định cư đầu tiên.
Từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19, sự xuất hiện của nhiều loại thịt trong bữa ăn là biểu tượng cho một bữa tiệc. Tuy nhiên, gà tây đã trở thành trung tâm của Lễ Tạ Ơn, đặc biệt sau Thế chiến II nhờ chiến dịch tiếp thị quy mô lớn. Ngày nay, người Mỹ tiêu thụ hơn 690 triệu pound gà tây vào dịp Lễ Tạ Ơn.
Phong tục bẻ xương ức của gà tây, mang lại may mắn cho người nhận được nửa lớn hơn, có thể truy nguyên từ thời La Mã. Đây chắc chắn là một truyền thống phổ biến ở Anh vào thời điểm những người hành hương mang nó đến Mỹ.
Thực đơn Lễ Tạ Ơn đã thay đổi ra sao
Nhân bánh, bí ngô, và quả cranberries là những món có thể đã xuất hiện trong các bữa tiệc thu hoạch ban đầu. Tuy nhiên, khoai tây nghiền, nước sốt cranberries đóng hộp, và các món hiện đại khác chỉ mới được thêm vào thực đơn trong những thế kỷ gần đây.
Mỗi gia đình giờ đây cũng đưa những món ăn đặc trưng của văn hóa hoặc truyền thống gia đình mình vào bữa tiệc. Ví dụ, người miền Nam thường dùng bánh khoai lang hoặc bánh hồ đào, trong khi nhiều gia đình khác có món tamales, mì phô mai, hoặc các món đặc trưng khác.
Dù bàn ăn ngày lễ của bạn có món gì, điều quan trọng là chúng ta cần hiểu rõ lịch sử thật sự của ngày lễ này, vốn đã bị bóp méo qua nhiều năm, để không chỉ mừng ngày lễ mà còn trân trọng ý nghĩa gia đình và lòng biết ơn.
Cung Đô biên dịch/sưu tầm
Nguồn: https://www.nationalgeographic.com/history/artice/how-the-traditional-thanksgiving-feast-has-evolved-over-centuries