Nghệ thuật và khán giả
Nó ra đời là một trái chuối, giá thấp nhất 25 cent. Số phận của nó là một thứ hoa quả dùng làm thức ăn cho các loài động vật, trong đó có con người.
Thế rồi một ngày của năm 2019, cùng với một miếng keo dán màu xám, nó xuất hiện trên tường cuộc triển lãm Art Basel ở Galerie Perrotin, Miami, với cái tên “Nghệ Sĩ Hài” (Comedian). Ba phiên bản được bán với giá từ $120.000 đến $150.000 cho mỗi phiên bản. Phiên bản thứ tư được tặng cho một viện bảo tàng.
Năm năm sau, ngày 20/11/2024, phiên bản Comedian thứ năm tạo ra một cơn địa chấn lớn hơn trong giới nghệ thuật khi nó được bán với giá $6,2 triệu. Giá khởi điểm là $800.000.
Người thắng đấu giá để sở hữu Comedian là doanh nhân Justin Sun, người sáng lập nền tảng tiền điện tử. Thông báo trên Twitter, Justin Sun nói: “Tôi rất vui mừng chia sẻ rằng tôi đã mua tác phẩm mang tính biểu tượng của Maurizio Cattelan, Comedian với giá $6,2 triệu. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật; nó đại diện cho một hiện tượng văn hóa kết nối thế giới nghệ thuật. Tôi tin rằng tác phẩm này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều suy nghĩ và thảo luận hơn trong tương lai và sẽ trở thành một phần của lịch sử. Tôi rất vinh dự, tự hào được sở hữu quả chuối này và mong muốn nó sẽ khơi dậy thêm cảm hứng và tác động cho những người đam mê nghệ thuật trên toàn thế giới.”
Có lẽ vì quá tự hào và vinh dự nên Justin Sun cũng thông báo anh sẽ ăn hết quả chuối.
Nghệ thuật và tác giả
Thế giới nghệ thuật rung chuyển vì Comedian – trái chuối dán băng keo của nghệ sĩ đương đại người Ý Maurizio Cattelan, một người theo chủ nghĩa phi lý. Ông nổi tiếng với các tác phẩm mang tính châm biếm, khiêu khích, thách thức các chuẩn mực truyền thống của nghệ thuật.
Cái tên “Nghệ sĩ hài” cũng đủ cho thấy Cattelan đã chủ động đặt vào đó một sự hài hước, châm biếm. Nên nhớ, nhìn hình ảnh quả chuối, người ta thường liên tưởng đến loài khỉ. Cattelan đang đẩy lùi ranh giới về mức độ dễ bị tổn thương của khán giả – khi chiêm ngưỡng một tác phẩm, là một trái chuối gắn vào tường bằng miếng keo dán, mang ra đấu giá khởi điểm là $800.000, giá bán cuối cùng là $6.2 triệu.
Với tác phẩm sắp đơn giản đến không thể đơn giản hơn, thông điệp của “Comedian” thực tế lại sâu sắc hơn nhiều đối với những ai sẵn sàng đào sâu những câu hỏi thâm sâu hơn về bản chất của nghệ thuật, giá trị và cả vai trò của khán giả.
Maurizio Cattelan đã trả lời với tờ báo La Repubblica: “Đây là một sự khiêu khích mời gọi chúng ta suy ngẫm về giá trị của nghệ thuật và động lực của thị trường, thúc đẩy đặt câu hỏi về việc tác phẩm này nói gì về chúng ta với tư cách là người xem.”
Nghệ thuật và sự lừa dối
Những người đã mua Comedian không thực sự mua tác phẩm đó. Đơn giản vì nó là một quả chuối. Nó sẽ tàn héo. Họ mua “giấy chứng nhận nghệ thuật” – mua một ý tưởng chứ không phải một vật thể. Khi quả chuối bị hư, hoặc chủ sở hữu ăn xong, họ có thể thay bằng một quả chuối khác, theo hướng dẫn của nghệ sĩ. Nó mãi mãi là một tác phẩm của Maurizio Cattelan.
Người đại diện của Cattelan, Emmanuel Perrotin, đã làm việc với nghệ sĩ trong hơn ba thập kỷ, cho biết giá trị to lớn của Comedian đạt được là do nó “đã định hình kỷ nguyên của loài người và sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho cuộc tranh luận, phản ảnh trong nhiều năm tới.”
Không sai. Một tuần lễ qua, thế giới “lên cơn sốt” vì quả chuối dán băng keo. Sự xuất hiện của Comedian làm cho người ta đua nhau tạo nên hàng loạt hình ảnh “meme”. Chỉ có điều, dù họ dán lên tường một chục nải chuối thì giá trị không bằng 0.1% của Comedian.
Với Comedian, Maurizio Cattelan đã thách thức cả một khái niệm “Nghệ thuật có thể là cái gì? Giá trị thế nào?” Bằng cách sử dụng một quả chuối và băng keo, Cattelan khai màu cuộc chiến về giá trị và ý nghĩa thật của nghệ thuật. Nhiều phản ứng trái chiều dành cho Comedian. Một số người cho rằng tác phẩm này tầm thường hóa thế giới nghệ thuật, trong khi những người khác coi đó là một bình luận sâu sắc về văn hóa đương đại.
Nhưng Cattelan đã tuyên bố rằng, tác phẩm này “đóng vai trò phản ảnh những gì chúng ta coi trọng trong xã hội.” Comedian là tiếng cười chống lại một nhịp độ xã hội mệt mỏi, là lời mời gọi khám phá lại sức mạnh của những điều trớ trêu và sự tối giản.
Bằng cách đặt một vật thể bình thường đến trần trụi, dễ hư hỏng, trong phòng trưng bày sang trọng, hào nhoáng, ông buộc người xem phải đối mặt với những câu hỏi khó chịu về giá trị đồng tiền của nghệ thuật và các biến đổi trong xã hội chung quanh nó. Cattelan muốn nói rằng, “Comedian là một phần của xã hội hiện đại.” Trong xã hội đó, những thứ nhỏ nhất, tầm thường nhất, dễ tàn úa nhất, vẫn có thể bị thương mại hóa. Quả chuối trong Comedian đại diện cho một xã hội, nơi các giá trị bị bóp méo, bào mòn bởi chủ nghĩa tiêu thụ.
Nếu không có khán giả, Comedian chẳng là gì cả. Nếu quả chuối đó nằm ở cửa ra vào của một siêu thị hay một chợ đêm, nó cũng chẳng là gì cả. Nó chỉ là một món ăn sáng bình thường của loài người…và loài khỉ. Nhưng nó là Comedian trị giá từ $120.00 đến $6.2 triệu khi được trưng bày ở phòng triển lãm và phòng đấu giá Sotheby ở New York. Điều này cho thấy quyền lực vô song của thị trường nghệ thuật hiện tại, tồn tại trong một xã hội của chủ nghĩa tiêu thụ hiện đại. Giá trị của Comedian được quyết định không phải từ quả chuối, vì nó sẽ được thay thế bằng vô vàn quả chuối khác trong tương lai. Giá trị $6.2 triệu của Comedian đến từ ý tưởng “không giống ai”; hình ảnh bình thường của trái chuối và danh tiếng của Maurizio Cattelan.
Justin Sun và ba người kia đã mua danh tiếng của Maurizio Cattelan, về treo trong nhà.
Và nhân loại, thời gian qua, đã chạy theo tiếng vang như sấm rền của con số $6.2 triệu, cùng hình ảnh bình thường, nực cười của quả chuối dán băng keo dính vào tường. Họ không nhìn thấy đằng sau con số ấy là sự phân cực giàu, nghèo; trò chơi nghệ thuật của tầng lớp tài phiệt dùng số tiền khổng lồ để mua một trái chuối, để rồi cảm thấy tự hào, vinh dự vì đã sở hữu một kiệt tác nghệ thuật.
“Tôi đi đến bất cứ nơi nào cũng nghe người ta nói về trái chuối. Nó đã trở nên một cái gì đó to lớn hơn cả tôi,” Cattelan nói.
Cattelan đã tạo ra một ánh trăng lừa dối trong chính nghệ thuật của ông – Comedian, để tạo ra một hiện tượng xã hội, kích thước tranh luận, mở toang cửa sau của xã hội hiện đại. Và ông chủ ý làm như thế, để thể hiện một chủ nghĩa phi lý mà ông đã theo đuổi trong cuộc đời nghệ thuật.
Cuối cùng, khi giá trị đồng tiền định dạng một nghệ thuật dù là “ánh trăng lừa dối” thì nó cuối cùng vẫn là nghệ thuật, trong vai trò cốt yếu của nó. Nhưng nếu giá trị, sức mạnh của đồng tiền dùng để phá vỡ những nguyên tắc đạo lý, luật pháp quốc gia, tạo ra sự hỗn loạn, phân cực trong xã hội, thì đó là bóng đêm của nhân loại.
Kalynh Ngô
Gửi ý kiến của bạn