(Ngày 25 tháng 11, Bloomberg) – Liên Âu (EU) đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt lên một loạt các công ty TQ bị cáo buộc hỗ trợ Nga phát triển máy bay điều khiển từ xa (drone), loại dùng để tấn công. Các drone này đã được Nga sử dụng trong cuộc chiến tại Ukraine.
Ủy ban Âu châu (EC) cũng đang cân nhắc hạn chế hoạt động của các tàu chở dầu Nga, nhằm ngăn chặn Moscow lách luật, tránh né các biện pháp trừng phạt hiện tại. Theo các tài liệu mà Bloomberg được xem, đây là một phần trong việc cố gắng siết chặt kiểm soát và làm suy yếu nguồn tài chính của Nga dùng phục vụ chiến tranh.
Đề nghị trừng phạt này được đưa ra khi các ngoại trưởng của Nhóm G7 đang họp tại Ý trong tuần này. G7 dự kiến sẽ cam kết áp dụng “các biện pháp thích hợp” đối với cả TQ và các quốc gia đang hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Nga. Tuy nhiên, để các biện pháp trừng phạt này có hiệu lực, cần có sự đồng thuận từ toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU. Đây là một yêu cầu không hề dễ dàng khi tình hình lợi ích kinh tế và chính trị giữa các quốc gia Âu châu không thống nhất.
Theo đề nghị, các biện pháp trừng phạt không chỉ dành cho các công ty mà còn nhắm đến cá nhân và tổ chức từ nhiều quốc gia khác nhau. Danh sách bao gồm:
- Một cá nhân là người TQ, điều hành một công ty bị cáo buộc vi phạm các lệnh cấm mậu dịch của EU.
- Một công ty ở Hồng Kông, được cho là đã cung cấp các linh kiện vi điện tử bị cấm cho các công ty quân sự Nga.
- Các viên chức quốc phòng Bắc Hàn liên quan đến việc triển khai binh lính tiếp tay cho Nga trong cuộc chiến Ukraine.
Tập Cận Bình vẫn luôn xây dựng hình ảnh Bắc Kinh trung lập trong cuộc chiến Ukraine, đồng thời thúc đẩy quan hệ quốc tế nhằm hỗ trợ nền kinh tế nội địa đang gặp khó khăn. TQ cũng đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây, và khẳng định sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột.
Tuy nhiên, vào tháng 7, tờ Bloomberg từng đưa tin rằng các công ty TQ và Nga đang hợp tác phát triển một mẫu drone tấn công, tương tự như drone của Iran đã được sử dụng tại Ukraine. Điều này làm đấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ cung cấp viện trợ quân sự sát thương cho Kremlin, như các viên chức phương Tây đã cảnh báo.
Gói trừng phạt lần thứ 15 của EU kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra sẽ thêm hơn 50 cá nhân và gần 30 công ty, tổ chức vào danh sách trừng phạt, với các biện pháp như đóng băng tài sản và lệnh cấm đi lại. Gói trừng phạt mới cũng sẽ nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất quân sự của Nga, cùng với một số công ty TQ bị cáo buộc cung cấp linh kiện quan trọng như động cơ dùng cho các drone tấn công. Bên cạnh đó, EU sẽ cấm hơn 45 tàu chở dầu Nga tiếp cận các cảng và dịch vụ Âu châu nhằm ngăn chặn các hoạt động vận chuyển có nguy cơ cao.
Ngoài ra, EU cũng đang tăng cường hạn chế mậu dịch đối với khoảng ba chục tổ chức bị cho là giúp Moscow tiếp cận các công nghệ bị cấm, sử dụng trong các loại vũ khí được tìm thấy tại Ukraine hoặc cần thiết để sản xuất chúng. Danh sách này trải dài từ các công ty tại Nga, TQ, Hồng Kông, Iran, Ấn Độ, Thái Lan, đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Đáng chú ý, EU sẽ cho phép các trung tâm lưu ký chứng khoán của Âu châu bỏ phong tỏa một phần số tiền mặt đang bị đóng băng, để đối phó với các vụ kiện tụng đang gia tăng từ phía Nga.