Năm 2006, Nghiệp Đoàn Thiên Văn Học Quốc Tế (International Astronomical Union, IAU) đã hạ cấp phân loại Diêm vương tinh từ hành tinh (planet) xuống hành tinh lùn (dwarf planet), gây bất ngờ cho nhiều người, kể cả một số khoa học gia. Thậm chí nhiều năm sau, một số nhà thiên văn học vẫn muốn điều chỉnh lại định nghĩa về “hành tinh” để làm rõ những tiêu chí phân biệt hành tinh với các thiên thể khác trong không gian.
Vậy tại sao Diêm vương tinh lại không còn được coi là hành tinh? Câu chuyện bắt đầu từ định nghĩa về hành tinh – hay có thể nói là do định nghĩa về hành tinh chưa được rõ ràng.
Trước năm 2006, chưa có tiêu chuẩn cụ thể nào để xác định một thiên thể có phải là hành tinh hay không. Thay vào đó, hành tinh được coi là những thiên thể lớn hơn tiểu hành tinh và quay quanh Mặt trời. Thí dụ, có hơn mười thiên thể mà ngày nay chúng ta coi là tiểu hành tinh lại từng được xem là hành tinh vào giữa thế kỷ 19.
Diêm vương tinh trở thành hành tinh khi nào?
Năm 1930, Clyde Tombaugh phát hiện ra Diêm vương tinh khi ông đang giúp các nhà khoa học tìm kiếm một thiên thể chưa được biết đến, để giải thích một số bất thường trong quỹ đạo của Thiên vương tinh (Uranus).
Tombaugh, một nhà thiên văn trẻ tại Đài quan sát Lowell ở Arizona, được giao nhiệm vụ tìm kiếm thiên thể này. Sau nhiều tháng quan sát, ông tìm thấy một thiên thể đá, tròn, và nằm ngoài quỹ đạo của Thiên vương tinh. Ông nghĩ rằng thiên thể này có thể là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến quỹ đạo của Thiên vương tinh. Thiên thể được coi như một hành tinh mới, và được đặt tên là Pluto (Diêm vương tinh) theo tên vị thần cai quản địa ngục trong thần thoại La Mã. Mặc dù nhỏ hơn nhiều so với một số mặt trăng đã biết, Diêm vương tinh khi ấy vẫn được xem là đủ lớn để được công nhận là hành tinh.
Tuy nhiên, các phát hiện tiếp theo đã làm thay đổi nhận định này. Không lâu sau đó, các nhà khoa học phát hiện rằng Diêm vương tinh không đủ lớn để tạo ra lực hấp dẫn cần thiết để ảnh hưởng đến quỹ đạo của Thiên vương tinh. Đến những năm 1990, các nhà thiên văn nhận ra Diêm vương tinh nằm trong Vành đai Kuiper – vùng không gian chứa nhiều thiên thể có kích thước tương tự, nằm ở rìa ngoài của Thái dương hệ, sau quỹ đạo của Sao Hải Vương.
Cuộc tranh cãi về vị trí của Diêm vương tinh trong danh sách các hành tinh nổ ra, và đạt đỉnh điểm tại một buổi họp năm 2006 ở Prague.
Diêm vương tinh không được coi là hành tinh nữa?
Năm đó, IAU đã thành lập một tiểu ban với nhiệm vụ đưa ra định nghĩa cụ thể về “hành tinh.” Họ đã chốt ba tiêu chí như sau:
1. Hành tinh phải quay quanh Mặt trời.
2. Hành tinh phải có đủ khối lượng để tự nén mình thành dạng hình tròn.
3. Hành tinh phải “dọn sạch” các thiên thể nhỏ khác khỏi quỹ đạo của mình, ngoại trừ vệ tinh của nó.
Xét đến tiêu chí thứ ba, Diêm vương tinh không còn đủ điều kiện để được gọi là hành tinh vì nằm trong Vành đai Kuiper đông đúc, nơi có hàng ngàn thiên thể ngoài quỹ đạo Hải vương tinh. Do đó, Diêm vương tinh không phải là thiên thể có lực hấp dẫn mạnh nhất trong khu vực để “dọn sạch” quỹ đạo của mình. Vậy là theo định nghĩa mới, Diêm vương tinh không phải là hành tinh.
Nhưng tiêu chuẩn này ngay lập tức bị chỉ trích. Theo khoa học gia về hành tinh tại UCLA Jean-Luc Margot, định nghĩa của IAU là “không đầy đủ” vì đã loại trừ các hành tinh bên ngoài Thái dương hệ (exoplanets), hay còn gọi là ngoại hành tinh. Ông cũng cho rằng rất khó xác định khi nào một thiên thể đã dọn sạch quỹ đạo của mình – đúng là Diêm vương tinh chưa làm được điều này, nhưng xét ở một số khía cạnh, ngay cả Hỏa tinh cũng chưa hoàn toàn dọn sạch quỹ đạo của mình.
Quyết định hạ cấp Diêm vương tinh cũng gây tranh cãi về cách tái phân loại. Nhà vật lý về hành tinh Philip Metzger, từng tham gia vào Sứ mệnh New Horizons của NASA khám phá Diêm vương tinh, cho rằng IAU chưa đưa định nghĩa mới về hành tinh ra để cộng đồng khoa học rộng lớn hơn cùng thảo luận và biểu quyết. Vì vậy, định nghĩa mới về hành tinh có thể được xem là “danh bất chính thì ngôn bất thuận.”
Ngoài ra, đối với nhiều người, vấn đề không chỉ là khoa học mà còn là tình cảm. Từ nhỏ đến lớn, họ đã quen coi Diêm vương tinh là một hành tinh, và cảm thấy gắn bó với suy nghĩ này.
Cuối cùng, dù được gọi là hành tinh hay hành tinh lùn, Diêm vương tinh vẫn luôn là một phần hấp dẫn của Thái dương hệ, với “trái tim” khổng lồ màu trắng là nitơ đóng băng, và ẩn bên dưới bề mặt có thể là những “siêu núi lửa” phun băng.
Margot nói. “Diêm vương tinh vẫn vậy mà thôi. Vẫn đầy thú vị, không có gì thay đổi.”
Cung Đô sưu tầm
Nguồn: “Why is Pluto not considered a planet?” được đăng trên trang Livescience.com.
Gửi ý kiến của bạn