Kể từ khi Donald Trump tái đắc cử vào ngày 5.11, những suy đoán về việc nhiệm kỳ tổng thống của ông ta sẽ có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine đã trở thành những cơn sốt nóng bỏng, trong khi cuộc chiến này hiện đã bước sang ngày thứ 1.000.
Chúng ta có thể hoài nghi lời khẳng định trong chiến dịch tranh cử của Trump rằng ông ta sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 24 giờ ngay cả trước khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2025. Nhưng mọi dấu hiệu đều chỉ rõ hướng đi của một nỗ lực ngoại giao nghiêm túc của ông ta nhằm buộc Moscow và Kyiv phải đồng ý ngừng bắn với một hiệp ước bao quát.
Bất kể kết quả thỏa thuận của Trump là gì, nó sẽ có những hậu quả cần được xem xét nghiêm túc và chuẩn bị. Theo quan điểm của Ukraine, quốc gia này sẽ mất các vùng lãnh thổ hiện đang bị Nga chiếm đóng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, và sẽ phải từ bỏ khát vọng trở thành thành viên NATO. Điều này rất khó chấp nhận đối với Ukraine.
Tuy nhiên, xét những tiến triển gần đây của Nga trên các tuyến đầu ở cả miền đông Ukraine và các khu vực do Ukraine nắm giữ ở vùng Kursk trong nước Nga, Kyiv khó có thể tiếp tục cuộc chiến. Điều này càng đúng nếu Trump thực hiện lời đe dọa cắt giảm mọi hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelensky, đã thừa nhận điều này vào ngày 16.11 khi ông nói rằng Kyiv “phải làm mọi thứ để cuộc chiến này kết thúc vào năm tới… thông qua các biện pháp ngoại giao”. Điều này một phần là sự đồng tình với Trump, cho thấy Ukraine sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực hòa giải do Hoa Kỳ có thể làm trung gian. Nhưng đó cũng là sự chấp nhận rằng những triển vọng dài hạn của Ukraine trong cuộc chiến đã bị lu mờ từ ít lâu nay..
Trong vài tháng qua, quân đội Nga đã chiếm đất nhanh hơn so với bất kỳ thời điểm nào, kể từ những ngày đầu của cuộc xâm lược. Viện Nghiên cứu Chiến tranh
Trước động lực quân sự liên tục của Moscow, có một số nghi ngờ rằng tổng thống Nga Vladimir Putin không muốn nhanh chóng đạt tới một giải pháp. Ông ta đã tỏ ra cởi mở đối với các cuộc đàm phán, nhưng Nga nổi tiếng là hay kéo dài thời gian, đưa ra các yêu cầu và điều kiện bổ sung, và chỉ ký kết thỏa thuận khi đã đạt được những nhượng bộ tối đa.
Trong thực tế, ngay cả khi đó, việc thực hiện hữu hiệu khó là điều hiển nhiên, và khả năng chiến tranh leo thang trở lại là rất cao – như các thỏa thuận Minsk về Ukraine vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015 đã minh họa quá rõ ràng.
Một cảnh báo thứ ba hiếm khi được cân nhắc là, mặc dù Trump ban đầu có thể sẽ hoàn toàn dấn thân xây dựng một thỏa thuận, nhưng ông ta có thể đơn giản bỏ cuộc nếu mốc thời gian của ông và Putin không trùng khớp. Đây chính là điều đã xảy ra khi sự nhiệt tình ngắn ngủi của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đối với một thỏa thuận với Kim Yong-Un của Triều Tiên, đã tan biến và rồi ông ta đơn giản quay đi với bàn tay trắng.
Trong khi đó một số cuộc đàm phán lại đã diễn ra, quan trọng là không hề với sự tôn trọng các đồng minh (của Hoa Kỳ) như Hàn Quốc và Nhật Bản. Để cuối cùng, việc không đạt được thỏa thuận giữa Trump và Kim đã trở thành một trong những yếu tố cho phép chương trình hạt nhân của Triều Tiên tiến triển nhiều hơn và mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Moscow đã tăng chặt chẽ.
Bất kể Trump có gây sức ép với Ukraine để đạt được một thỏa thuận tồi tệ hay không, Nga có từ bỏ thỏa thuận do Trump làm trung gian vào thời điểm sau đó, hay Trump từ bỏ nỗ lực chấm dứt chiến tranh, thì các đồng minh Âu châu của cả Ukraine và Hoa Kỳ đều phải lên kế hoạch cho thời gian sau lễ nhậm chức của Trump
Điều này có nghĩa là, trên hết, Âu châu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho nền an ninh của chính mình, như thủ tướng Ba Lan, Donald Tusk, đã nói một cách ngắn gọn trước cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Nói thì dễ hơn làm, vì không rõ quỹ đạo quan hệ giữa những người chủ chốt sẽ như thế nào. Nhưng cũng có một số điều đã rõ ràng, và chúng có thể ngay lúc này, cung cấp các thông số cho kế hoạch của Âu châu
Âu châu nên lập kế hoạch về những mặt nào?
Trước hết, phần lớn hỗ trợ quân sự cho Ukraine sẽ không còn đến từ Hoa Kỳ nữa. Các đồng minh Âu châu của Kyiv sẽ phải gánh vác phần lớn công việc nặng nhọc này trong tương lai. Điều này có nghĩa là cung cấp tài chính để mua vũ khí và đạn dược, và đầu tư dài hạn vào các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Âu châu và của Ukraine.
Thứ hai, điều này có nghĩa là kịp thời cung cấp cho Ukraine những gì họ cần. Tuy nhiên, các yêu cầu của Ukraine sẽ phải phù hợp với một chiến lược quân sự thiết thực - chứ không phải là một giấc mơ chiến thắng nhằm khôi phục quyền kiểm soát đối với tất cả các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng. Điều này đã trở thành những giấc mơ từ thời điểm cuộc phản công năm 2023 của Ukraine thất bại.
Điều cần thiết phải là một kế hoạch khả thi bảo vệ các khu vực mà Ukraine kiểm soát tại thời điểm ngừng bắn, dọc theo các tuyến đầu và không phận của Ukraine. Điều này sẽ đảm bảo một phần an ninh hầu chống lại sự tráo trở trong tương lai của Nga, cũng như làm tăng khả năng của các khu vực do Kyiv kiểm soát có thể được xây dựng lại dần dần và bền vững.
Thứ ba, bất kỳ chiến lược quân sự nào để bảo vệ Ukraine cũng sẽ cần đóng vai trò là trụ cột của một nền an ninh trật tự Âu châu trong tương lai, với chức vụ kiểm soát và ngăn chặn hữu hiệu chủ nghĩa phiêu lưu của Nga có thể diễn ra. Đó là lý do tại sao Kyiv không thể bị bỏ mặc với khả năng của riêng mình trong các cuộc đàm phán trong tương lai. Trong các cuộc đàm phán chỉ có sự tham gia của Trump, Putin và Zelensky, thì Ukraine sẽ là mắt xích yếu nhất và các lợi ích của Âu châu có thể hoàn toàn sẽ bị bỏ qua.
Đây không phải là đề nghị sự tái diễn hình dạng - Nga, Ukraine, Pháp và Đức- mà đã từng thất bại khi giám sát các thỏa thuận Minsk. Thay vào đó, với giả định là Âu châu sẽ phải tiến lên làm người bảo lãnh chính cho chủ quyền của Ukraine, thì EU và NATO với tư cách đối tác của Kyiv cần có một số đóng góp vào các cuộc đàm phán.
Cuộc điện thoại bất ngờ mà thủ tướng Đức, Olaf Scholz, gọi cho Putin ngày 14.11 là một dấu hiệu cho thấy điều này đã được nghĩ tới. Cuộc điện đàm này là cuộc thảo luận đầu tiên giữa Putin và một nhà lãnh đạo đương nhiệm của một quốc gia lớn phương Tây, kể từ năm 2022.
Một kênh truyền thông Âu châu sẽ rất quan trọng để làm rõ là có một sự hiểu biết chung của các đồng minh Âu châu về những làn ranh giới đỏ và về hậu quả nếu Kremlin vượt qua chúng - cũng như những lợi ích nếu Kremlin tôn trọng chúng. Cả hậu quả lẫn lợi ích đều liên quan đến chế độ trừng phạt của phương Tây, đã được nêu rõ trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo G7 ủng hộ Ukraine vào ngày
16.11, trong đó tái khẳng định "cam kết áp đặt những tổn phí nghiêm trọng lên Nga thông qua các lệnh trừng phạt".
Do đó, Âu châu cũng cần phải làm việc với Trump và có các kênh liên lạc với chính quyền của ông ta. Cuộc điện đàm của Scholz với Trump vào ngày 10.11 được báo cáo là "một cuộc trao đổi rất chi tiết và tốt đẹp", bao gồm cả về Ukraine. Sự hoài nghi của Âu châu về Putin như một đối tác đáng tin cậy trái ngược với tầm nhìn của Trump về việc đạt được thỏa thuận với Putin để "chia rẽ" Nga và Trung Quốc. Một cách tiếp cận chung xuyên Đại Tây Dương với vấn đề hóc búa này là có thể, nhưng nó phụ thuộc vào một giải pháp khả thi và bền vững liên quan đến Ukraine.
Sau 1.000 ngày đối đầu quân sự tàn khốc nhất trên mảnh đất Âu châu, kể từ Thế chiến thứ hai, đã đến lúc phải chấp nhận rằng không có gì liên quan đến Âu châu mà có thể không có sự hiện diện của Âu châu. Nếu đúng là Trump và Putin tôn trọng sức mạnh và coi thường sự yếu đuối, thì con đường duy nhất để truyền đạt quan điểm này tới Washington, Moscow và Kyiv là thông qua việc theo đuổi lợi ích và sự tự khẳng định của Âu châu bằng sự mạnh mẽ.
Thục Quyên lược dịch
Bài của Stefan Wolff đăng trên tờ The Conversation ngày 18 tháng 11, 2024.
Nguồn: https://theconversation.com/ukraine-after-1-000-days-of-war-europe-must-prepare-for-a-trump-brokered-peace-deal-by-asserting-its-own-interests-243877.
Stefan Wolff là tác giả và biên tập viên của hai mươi bốn cuốn sách và gần một trăm bài viết trên các sách báo. Ông là Giáo sư An ninh Quốc tế tại Đại học Birmingham, Vương quốc Anh. Là một nhà khoa học chính trị, ông chuyên về Quản lý các thách thức an ninh đương đại, đặc biệt là trong việc ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc và nội chiến, và trong việc tái thiết hậu xung đột, xây dựng hòa bình và xây dựng nhà nước trong các xã hội bị chia rẽ sâu sắc và chiến tranh tàn phá. Chuyên môn của ông cũng bao gồm địa chính trị và đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các cường quốc ở Âu Á.