Các Khoa Học Gia Sử Dụng Máy Quét CT Để Nghiên Cứu Xác Ướp Ai Cập Cổ Đại
22/11/202400:00:00(Xem: 283)
Các khoa học gia tại Bảo tàng Field ở Chicago đang tiến hành một nghiên cứu chuyên sâu về các xác ướp Ai Cập bằng cách sử dụng một loại máy chụp cắt lớp CT (chụp cắt lớp) di động. Đầu năm nay, nhóm nghiên cứu đã dành bốn ngày để chụp CT kỹ lưỡng 26 xác ướp trong bộ sưu tập của bảo tàng. Kết quả vẫn đang được phân tích, nhưng những khám phá ban đầu đã làm sáng tỏ nhiều bí ẩn về các nghi thức chôn cất cổ xưa.
Stacy Drake, quản trị viên bộ phận bảo quản hài cốt người của Field Museum, cho biết: “Từ góc độ khảo cổ học, rất hiếm khi chúng ta có cơ hội nghiên cứu hoặc khám phá lịch sử từ góc độ của một cá nhân cụ thể. Đây là cách tuyệt vời để chúng ta tìm hiểu về những con người này – không chỉ là những thứ họ làm ra hay những câu chuyện chúng ta tưởng tượng về họ, mà là chính những con người bằng xương bằng thịt đã sống trong thời đại đó.”
Theo J.P. Brown, chuyên viên bảo quản cấp cao của bảo tàng, nhóm nghiên cứu cũng hy vọng có thể tìm hiểu thêm về quy trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại. Cho đến nay, các nhà sử học hiện đại vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ được quy trình bí ẩn này.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện hàng ngàn lượt chụp CT với các xác ướp. Sau đó, họ xếp chồng các hình ảnh lại với nhau để tạo ra các hình ảnh 3D hoàn chỉnh của từng xác ướp mà không gây bất kỳ tổn hại nào đến mẫu vật.
Kỹ thuật này hoàn toàn khác biệt so với cách các khoa học gia từng sử dụng để nghiên cứu xác ướp cổ xưa. Theo Ashley Strickland của CNN, trong thế kỷ 19, các nhà nghiên cứu sẽ phải tháo gỡ hết lớp vải bọc xác ướp mới xem được bên trong. Cách làm này thường vô tình phá hỏng hoàn toàn các lớp trang phục và đồ tùy táng mà xác ướp mặc khi được chôn cất.
Một thí dụ cụ thể là xác ướp có tên Harwa, một ông khoảng 45 tuổi, sống trong thời Ai Cập cổ đại và qua đời khoảng 3,000 năm trước. Năm 1939, Bảo tàng Field ở Chicago đã gửi xác ướp Harwa đến New York để trưng bày tại Hội chợ Thế giới New York. Nhưng khi đưa xác ướp quay trở lại bảo tàng, Harwa bị gửi nhầm đến San Francisco thay vì Chicago.
Drake nói với CNN: “Cách làm này có lẽ không còn phù hợp với các chuẩn mực đạo đức ngày nay. Đối với người Ai Cập cổ đại, một trong những điều thiêng liêng là làm sao để tiếp tục “sống” sau khi chết. Vì vậy, câu chuyện của Harwa không chỉ đơn thuần là về một xác ướp, mà còn là một phần quan trọng trong hành trình tâm linh của ông ấy.”
Giờ đây, các hình ảnh chụp cắt lớp CT mang đến thêm nhiều chi tiết mới về câu chuyện của những người được chôn cất thời Ai Cập cổ đại. Thí dụ, Lady Chenet-aa, một phụ nữ quyền quý sống trong thời Vương triều thứ 22. Thi thể của Lady Chenet-aa được đặt trong một chiếc quan tài vừa khít với cơ thể, nhưng điều kỳ lạ là quan tài không có đường nối nào ở hai bên, chỉ có một khe hở rất nhỏ ở phía chân. Điều này khiến các nhà nghiên cứu bối rối, vì không thể lý giải làm cách nào mà người ta đưa được xác của bà vào bên trong quan tài.
Sau khi nghiên cứu hình ảnh chụp cắt lớp CT, các khoa học gia phát hiện một đường nối ở mặt sau quan tài. Theo giả thiết từ bảo tàng, người Ai Cập cổ có thể đã trực tiếp đúc quan tài bao quanh cơ thể của Lady Chenet-aa khi bà được giữ ở tư thế thẳng đứng rồi đóng đường nối lại. Bên cạnh đó, họ còn vẽ thêm đôi mắt “bổ sung” vào hốc mắt của bà, nhằm đảm bảo bà vẫn có “thị lực” tốt ở thế giới bên kia.
Người Ai Cập cổ đại có quan niệm rất cụ thể về thế giới bên kia, tương tự như quan điểm của chúng ta về việc dành dụm tiền cho lúc nghỉ hưu. Brown giải thích: “Những vật phẩm hoặc biểu tượng bổ sung này rất cụ thể và thực tế. Nếu một người muốn có đôi mắt, thì trong quan tài phải có mắt, hoặc ít nhất là biểu tượng, hình ảnh tượng trưng cho mắt.”
Các hình ảnh chụp CT cũng tiết lộ thêm nhiều điều mới về Harwa, người từng làm công việc gác cửa cho một kho thóc ở Ai Cập cổ đại. Xem hình chụp CT, các nhà nghiên cứu nhận thấy xương sống của Harwa không có dấu hiệu tổn thương do lao động nặng nhọc, có thể suy ra ông đã có một cuộc sống khá thoải mái. Hơn nữa, răng của Harwa cũng còn tốt, chứng tỏ chuyện ăn uống của ông cũng không quá kham khổ.
Nghiên cứu sẽ tiếp tục cho đến hết năm 2025. Drake hy vọng rằng dự án sẽ giúp thay đổi cách nhìn nhận của khách tham quan bảo tàng đối với các xác ướp. Trong văn hóa đại chúng, xác ướp thường gắn liền với các câu chuyện huyền bí, bộ phim kinh dị. Drake cho biết: “Đây là những con người từng sống, từng có tên, có tuổi và những câu chuyện riêng. Chúng tôi đang sử dụng công nghệ chụp CT để hiểu thêm về họ và những câu chuyện của họ.”
Cung Đô sưu tầm
Nguồn: “Scientists Are Using CT Scanners to Reveal the Secrets of More Than Two Dozen Ancient Egyptian Mummies” được đăng trên trang Smithsonianmag.com.
Gửi ý kiến của bạn