Cuộc chuyển giao quyền lực sau bốn năm một lần của nước Mỹ sắp bắt đầu. Và sự thật không thể thay đổi, cho đến bây giờ, là Donald Trump sẽ quay lại Tòa Bạch Ốc. Những cáo buộc tội trạng hình sự, những cuộc điều tra âm mưu lật đổ bầu cử, những âm mưu bán bí mật quốc gia, tất cả đều dừng lại. Đây là bước “lật bài” thảm khốc về bản chất thực sự của nước Mỹ, trái ngược với hình ảnh tự do, dân chủ của một đất nước mà rất nhiều người hy vọng nó có thể trở lại.
Một tuần lễ qua, báo chí vẫn làm nhiệm vụ của nó xưa nay, phân tích thắng và thua, nguyên nhân và kết quả, khen ngợi và chỉ trích. Nancy Pelosi chỉ trích Joe Biden rút lui quá muộn. Bernie Sanders chỉ trích đảng Dân chủ. Các chính trị gia chúc tụng nhau. Ngay cả cựu dân biểu gốc Việt Stephanie Murphy, người từng ngồi trong Ủy Ban 6 Tháng Giêng, cũng chúc mừng chiến thắng của người mà bà ta từng điều tra vụ tấn công Capitol Hill. Nikki Haley bị Trump đã lạnh lùng gạt bỏ bên lề đường sự nghiệp cũng vuốt mặt chúc mừng Trump thành công. Tất cả những gì thuộc về hậu bầu cử đã diễn ra như bản chất cố hữu của chính trị.
Chiến thắng của tội phạm Donald Trump – chiến bại của Phó tổng thống Harris – là điều không bất ngờ, nếu ai hiểu rõ bản chất nước Mỹ. Nhưng ngược lại, là một sự bẽ bàng, hụt hẫng, đối với tầng lớp cấp tiến, lạc quan và tin vào nền tảng đạo đức người lãnh đạo sẽ làm nên giá trị của một đất nước.
Đó là điểm son, mà cũng là tử huyệt của chiến dịch Kamala Harris.
Sau cuộc tranh luận tổng thống hồi tháng 9, chiến dịch của Harris thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ ở phía Tây Pennsylvania, bao gồm hàng chục người đã bỏ phiếu cho Trump vào năm 2016 và Joe Biden vào năm 2020, và những cử tri vẫn chưa quyết định. Khi được đề nghị dùng 1 từ để nói về Trump và đảng Cộng hoà; Harris và Dân chủ, một người phụ nữ đã gọi Cộng hoà là “điên khùng” và Dân chủ là “rao giảng.” Sau đó, khi được hỏi “cảm tình với bên nào hơn” thì người phụ nữ trả lời: “Tôi không thấy mình bị coi thường vì sự ‘điên khùng’ nhưng với ‘rao giảng’ thì có.”
Không thể trách người phụ nữ này. Vì đó là bản chất của một nhóm người – tự ti, độc tài và có cả phần ích kỷ, nghĩa là khó chấp nhận một người cũng phận di dân, cũng hàng nữ nhi, nhưng giỏi hơn mình.
Khi cựu xướng ngôn viên Don Lemon phỏng vấn một người đàn ông Latino, hỏi lý do đã bỏ phiếu cho Trump, anh ta trả lời “vì bà Harris làm cho tôi cảm thấy mình bị mất giá trị.”
Cuộc khảo sát sau bầu cử cho thấy 54% nam giới Latino đã bỏ phiếu cho Trump, 44% bầu cho Kamala Harris. Ngược lại, 61% nữ giới Latino chọn Harris và 37% chọn Trump.
Nền Dân chủ của nước Mỹ quá non trẻ, chỉ hơn hơn 200 năm. Quyền của người phụ nữ càng non nót hơn. Có ai còn nhớ, mãi đến năm 1974, tức nửa thế kỷ tỵ nạn của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, thì người phụ nữ ở Mỹ mới có thể một mình mở một trương mục ngân hàng mà không cần người chồng bảo hộ. Nói như thế để cho thấy, dù Kamala Harris và ngọn lửa bà truyền đến cho người dân trong 107 ngày ngắn ngủi vừa qua, là một lịch sử chưa từng có, nhưng để bước qua sự chấp nhận của một dân tộc da trắng thượng đẳng mới hơn 200 năm tuổi, là đoạn trường gian nan. Nếu để ý sẽ nhận thấy, trong 107 ngày đó, Kamala Harris đã kể lại hành trình cuộc đời gia đình di dân của bà, nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến yếu tố của một phụ nữ da đen và gốc Nam Á. Điều này, có thể được ngầm hiểu bà tạm giữ lại một phần trải nghiệm của chính mình trong chính trường nước Mỹ?
Trong suốt ba tháng rưỡi, di chuyển không ngừng khắp các tiểu bang chiến trường, những bài phát biểu của Kamala Harris thật sự có lửa. Bà đã chỉ ra cho toàn quốc thấy viễn cảnh Trump 2.0 là một cơn ác mộng của Project 2025. Thông điệp của bà Harris luôn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của cuộc bầu cử này. Bà liên tục nói về: sức mạnh giá trị của tầng lớp lao động; Và giảm chi phí cho các nhu cầu hàng ngày như chăm sóc sức khỏe, nhà ở; NATO và với Ukraine; chấm dứt chiến tranh Gaza, bảo vệ quyền tự vệ của Israel; lên án chế độ độc tài; bảo vệ an sinh xã hội và Medicare.
Tuy nhiên, hàng triệu cử tri ở các tiểu bang quan trọng nhất đã chọn Trump. Cuối cùng, lời lẽ kích động, dối trá của Trump về nhóm người nhập cư, ngôn ngữ “dơ bẩn” đối với đối thủ nữ; lời lẽ kích động về viễn cảnh nội chiến nếu Trump thua cuộc, đã không làm số đông cử tri Mỹ bận tâm. Tất cả những điều đó đã bị lấn át bởi điều duy nhất: Kinh tế.
Cử tri của Trump đã chọn nỗi sợ về một vỉ trứng gà tăng khoảng $2, một bữa buffet bị giảm đi vài phần ăn, một lần đổ nhiên liệu mất thêm vài cent, hơn là nỗi sợ về một tương lai sẽ gánh thuế thu nhập cho các tỷ phú, hoặc người thân, bạn bè của họ sẽ bị trục xuất bất cứ lúc nào.
Kamala Harris đã tổ chức cuộc vận động tranh cử đầu tiên của mình tại một phòng tập thể dục của trường trung học ở vùng ngoại ô Milwaukee vào ngày 23/7 và kết thúc chiến dịch ở trường đại học Howard University, nơi bà tốt nghiệp. Nhiều nhận định nói rằng chiến dịch của Kamala nhắm vào tầng lớp “educated people” mà quên đi một số đông không nhỏ các cử tri ở vùng nông thôn, những người không xem truyền hình, không “chạm” đến được những thông điệp Kamala Harris đưa ra trong suốt 107 ngày tranh cử. Một dữ liệu nghiên cứu của Politico dẫn ra: 70% người bầu cho Dân chủ biết tin tức bầu cử qua báo giấy; 21% còn lại bầu cho Trump. 55% người bầu cho Trump chủ yếu xem YouTube, 53% xem đài truyền hình địa phương, 46% xem qua các mạng xã hội.
Đây là lý do hàng trăm người vừa rời bỏ mạng xã hội X của Elon Musk đã lý giải cho nguyên nhân chiến thắng của Trump: truyền thông cánh hữu.
Donald Trump xuất hiện trong suốt ba cuộc tranh cử 2016, 2020, 2024. Donald Trump có cả một thập kỷ tầng suất hiện diện trên báo chí, truyền thông cùng những lời kích động sự thù hận và chiếm dụng niềm tin dai dẳng từ những người đã một lần chọn Trump. Donald Trump có đến BỐN năm để chuẩn bị cho cuộc tranh cử 2024 và chiếm sóng trên Twitter – mạng xã hội đang có chiều hướng trở thành “state – media” sau bầu cử này. Và Donald Trump có sự ủng hộ tuyệt đối của truyền thông cánh hữu.
Ngày nay, phương tiện truyền thông cánh hữu—Fox News (và toàn bộ News Corp.), Newsmax, One America News Network, mạng lưới các đài phát thanh và truyền hình và báo chí Sinclair, iHeart Media (trước đây là Clear Channel), Bott Radio Network (đài phát thanh Cơ đốc giáo), Twitter của Elon Musk, các podcast lớn như của Joe Rogan, và nhiều hơn nữa – đặt ra chương trình nghị sự tin tức ở Mỹ. Và họ cung cấp cho khán giả của họ một chế độ “dinh dưỡng” thông tin thiên vị và bóp méo đưa Trump đến chiến thắng.
Cách truyền thông cánh hữu đưa tin và cách Trump vận hành cuộc tranh cử đã đáp ứng đúng nhu cầu của số đông cử tri Mỹ, những người chấp nhận bản năng của Trump. Không cần những bài phát biểu được chuẩn bị kỹ lưỡng. Không cần những ngôn từ cao đẹp, nhân văn, thổi ngọn lửa hy vọng. Mà nó như người phụ nữ mà nhóm của bà Harris đã phỏng vấn: dù điên khùng nhưng không làm cho bà ấy cảm thấy bị xem thường.
Đầu tháng 11/2024, khi người dân Mỹ chỉnh đồng hồ lùi lại một giờ, thì cũng là lúc họ kéo đất nước lùi lại nhiều thế hệ và ngọn hải đăng dân chủ chìm vào bóng tối. Sau 2020, người Mỹ đã chọn một Donald Trump già hơn, tục tĩu hơn, thù hận hơn. Cho dù Trump sẽ là một trong những người phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và bài ngoại nhất trong lịch sử hiện đại, nhưng quan trọng là qua hình ảnh của Trump, cử tri đã nhìn thấy chính họ.
Dù ánh trăng có sáng vằng vặc trải khắp dòng sông, người chọn Trump vẫn không thể nhìn thấy ánh trăng dưới đáy hồ, vì Donald Trump chỉ muốn họ nhìn thấy quốc gia này là một “thùng rác của thế giới”, đầy bụi và bụi.
Ngược lại, trong 107 ngày tranh cử, Kamala Harris có “rao giảng” hay không, thì hơn 70 triệu cử tri bỏ phiếu cho bà đã có câu trả lời cho riêng họ. Niềm vui, sự hy vọng, và cả sức mạnh đấu tranh mà Kamala mang lại cho cử tri của bà trong ba tháng qua: “Có” và “Không” như ánh trăng dưới nước. Nếu có niềm tin, sẽ không bỏ cuộc. Không chiến thắng, không có nghĩa là thất bại.
Cuối cùng, vẫn là câu nói tạm biệt của Kamala: “Chỉ khi thật sự trong bóng tối, chúng ta mới thấy những vì tinh tú.”
Kalynh Ngô
Tháng 11, 2024