Lời người dịch: Theo tờ New York Times, nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đã chuẩn bị các sắc lệnh hành pháp và tuyên bố về việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, đồng thời thu hẹp quy mô một số di tích quốc gia để cho phép khoan và khai thác dầu khí nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo dõi tin tức tại các tiểu bang cho thấy bảy chiến thắng tích cực về bảo vệ thiên nhiên và khí hậu cũng vừa được quyết định tại Hoa Kỳ trong những ngày qua.
Các nhà hoạt động đang bận rộn tổ chức các cuộc biểu tình và nhắc nhở chúng ta rằng quá trình chuyển đổi năng lượng đã và đang diễn ra tốt đẹp.
Điều gì sẽ xảy ra? Đó là câu hỏi mà nhiều nhà lãnh đạo khí hậu, nhà vận động và những tiếng nói “xanh” đã bắt đầu đặt ra trong thời điểm được mô tả là ”thời điểm đau buồn”. Và từ những suy ngẫm này đã xuất hiện những lời kêu gọi tập hợp, đoàn kết và cam kết dấn thân.
Trên thực tế, nền tảng truyền thông lớn nhất thế giới về hành động vì khí hậu “ We Don’t Have Time” (Chúng ta không còn thời gian) , đã ra đời vào đêm Trump giành chiến thắng trong cuộc tranh cử đầu tiên của ông ta cách đây tám năm. Tổng giám đốc điều hành cũng là người đồng sáng lập Ingmar Rentzhog cho rằng chiến thắng mới nhất củaTrump có thể là "lời cảnh tỉnh vô cùng cần thiết cho chúng ta. Nhiều người vẫn chọn cách phớt lờ cuộc khủng hoảng khí hậu, hành động như thể việc nhắm mắt làm ngơ là một giải pháp. Nhưng sự thiếu hiểu biết sẽ không cứu được chúng ta mà cứu chúng ta là Hành động. Phải có một bước ngoặt. Luôn luôn bóng tối sẽ dày đặc nhất trước bình minh. Hãy biến tình trạng hiện nay thành điểm thấp nhất mà từ đó chúng ta cùng nhau thăng tiến. Chúng ta phải bắt đầu nâng đỡ nhau, hỗ trợ nhau trong cuộc tranh đấu vì hành tinh của chúng ta".
Euronews Green đã tập hợp những lời kêu gọi đoàn kết từ một số tiếng nói truyền cảm hứng nhất trong phong trào khí hậu. Hãy đọc tiếp để biết những gì cần xảy ra tiếp theo.
1. Đã đến lúc phải hợp lực
Có vẻ như nỗi đau đang nhanh chóng biến thành hành động.
Tại Brussels sáng sớm nay, các nhà hoạt động đang bận rộn dựng một tấm áp phích lớn bên ngoài Nghị viện Âu châu kêu gọi các chính trị gia không được can thiệp làm yếu luật bảo vệ rừng.
“Tôi rất đau buồn - nhưng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu phải tiếp tục và chưa bao giờ quan trọng hơn lúc này”, Sophia Kianni, nhà sáng lập trẻ và chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Climate Cardinals chia sẻ trên LinkedIn. “Bất chấp kết quả của ngày hôm nay, động lực hướng tới nền kinh tế phi carbon toàn cầu vẫn không dừng lại. Những người ủng hộ dầu khí sẽ tụt hậu trong quá trình chuyển dịch toàn cầu hướng tới tính bền vững. Các công nghệ năng- lượng- sạch sẽ tiếp tục cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch. Công việc của chúng ta- của bạn!-trong các cộng đồng trên toàn cầu, sẽ thổi luồng sinh khí mới vào mục tiêu của chúng ta.
Sau khi chúng ta hết đau buồn, hãy cùng nhau gom lại những mảnh vỡ, vực dậy tinh thần và nỗ lực hơn nữa, vì thế giới mà chúng ta tin tưởng”.
Các kế hoạch cho một cuộc tụ họp lớn để bảo vệ khí hậu tại Washington D.C. cũng đang được tiến hành.
“Hôm nay, chúng ta đau buồn. Ngày mai, chúng ta tổ chức. Và trong tương lai không xa… Chúng ta chiến thắng” Người sáng lập Force for Nature, tổ chức giúp những người trẻ tuổi biến nỗi lo lắng về sinh thái thành hành động vì khí hậu, Clover Hogan, hôm qua cho biết “Hy vọng là một lựa chọn mong manh và chúng ta phải nêu lên mỗi ngày, ngay cả khi khó khăn - vì nếu chúng ta không làm, thì ai sẽ làm?”
2. Lãnh đạo chính trị chỉ là một mặt của đồng tiền khí hậu.
Chris Kaiser, một người ủng hộ các giải pháp năng lượng sạch, đã nhắc nhở : “Chúng ta đang sống trong một thị trường tự do. Chúng ta có xu hướng đồng thời đánh giá qúa thấp hoặc qúa cao tác động của Tổng thống Mỹ trên các chính sách năng lượng sạch. Mọi người sẽ tiếp tục mua xe điện. Điều này không có nghĩa là sản lượng dầu và khí đốt sẽ giảm… Những mặt hàng đó vẫn được bán trên thị trường thế giới và người ta có thể nhìn vào một quốc gia như Na Uy để thấy cách nhà sản xuất dầu lớn nhất Âu châu cũng lại là quốc gia dùng xe điện lớn nhất Âu châu. Đây không phải là một trò chơi có tổng bằng 0!”
James Murray, biên tập viên của Business Green, cũng có chung quan điểm khi đăng trên X với tư cách cá nhân: “Nếu bạn đang tìm một khía cạnh tích cực thì đó là sự cạnh tranh của nhiều công nghệ sạch hiện nay. Quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 là chiến lược công nghiệp của Trung Quốc và Âu châu, lần cuối khi Trump rút khỏi Thỏa thuận chung Paris thì những nước khác đã vào cuộc và người biện hộ lớn tiếng nhất cho Trump (Elon Musk) đang bán xe điện”.
Christiana Figueres, người đồng hướng dẫn chương trình podcast hàng đầu về khí hậu Outrage + Optimism, thừa hiểu rõ ý nghĩa sự chiến thắng của Trump vì bà là một trong những kiến trúc sư của Thỏa thuận Paris, nhưng bà cũng dựa vào thị trường tự do trong những tính toán của mình. “Các công nghệ năng-lượng-sạch sẽ tiếp tục cạnh tranh với nhiên liệu hóa thạch, không chỉ vì chúng lành mạnh hơn, nhanh hơn, sạch hơn và dồi dào hơn, mà còn vì chúng đánh vào điểm yếu của nhiên liệu hóa thạch : không bền vững và kém hiệu quả”
3. Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo về khí hậu xuất hiện trên khắp thế giới
Có nhiều điều nhắc nhở chúng ta là Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất có thể dẫn đầu về các giải pháp khí hậu - và rằng vẫn còn nhiều không gian cho các nhà lãnh đạo khác nổi lên.
Có nhiều nhà lãnh đạo có xu hướng xanh, chẳng hạn như Claudia Sheinbaum Pardo, một nhà khoa học về khí hậu đã đưa các mục tiêu về khí hậu vào đề tài tranh cử để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mexico trong năm nay.
Thêm vào đó, còn có những người tương tự như Mia Mottley, thủ tướng nổi trội của Barbados.
Hiện tại cũng có 53 dân biểu đại diện cho Đảng Xanh Âu châu được bầu và Liên minh Xanh/Tự do châu Âu (EFA).
Kiến trúc sư của Thỏa thuận Paris, Christina Figueres, một học trò của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đặc biệt nêu cao sức mạnh của người dân: "Công việc quan trọng đang diễn ra trong các cộng đồng ở khắp mọi nơi để tái tạo hành tinh sẽ tiếp tục, thấm nhuần một tinh thần mới, thậm chí còn quyết tâm hơn ngày hôm nay."
"Có mặt ở Nam Phi để tham dự Giải thưởng Earthshot cho thấy rõ rằng có một loại thuốc giải độc cho sự diệt vong và tuyệt vọng: đó là hành động thực địa và nó đang diễn ra ở mọi ngóc ngách trên Trái đất."
4. Tính bền vững có bản chất tích cực
Joel Makower, người sáng lập Trellis Group (trước đây là GreenBiz), cho biết chúng ta cần phải nỗ lực hết mình và biến mọi dự án và quan hệ đối tác thành hiện thực.
“Làm việc trong lĩnh vực bền vững vốn có tính tích cực và là những ngành nghề có kết qủa. Chúng ta hoạt động mỗi ngày với tầm nhìn về một tương lai tươi sáng và một thế giới tốt đẹp hơn, và chúng ta nỗ lực phát triển và chia sẻ phương cách chúng ta đạt được điều đó.” “Không có tổng thống nào - dù với phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính hay thiếu hiểu biết - có thể lấy đi sự lạc quan đó khỏi chúng ta. Nếu muốn tránh chúng ta khuất phục trước những thế lực hiện tại muốn đưa nước Mỹ lùi lại phía sau một tương lai bất định và bất ổn, chúng ta phải làm mọi cách có thể, để duy trì sự lạc quan đó và tinh thần “Có thể làm được” của chính chúng ta, đồng nghiệp, công ty, gia đình và cộng đồng của chúng ta.”
5. Giữa sự tuyệt vọng, đã và sẽ luôn có những chiến thắng về khí hậu.
Nhà khoa học khí hậu hàng đầu Katherine Hayhoe, người từng là tác giả chính của chương trình “Đánh giá khí hậu quốc gia” dưới thời chính quyền Trump trước đây, là một trong những người đầu tiên nêu lên bảy chiến thắng tích cực về thiên nhiên và khí hậu vừa được quyết định tại Hoa Kỳ. Bao gồm trái phiếu khí hậu trị giá 10 tỷ đô la (9,27 tỷ euro) tài trợ cho khả năng phục hồi khí hậu ở California, việc gia hạn quỹ môi trường và tài nguyên thiên nhiên trong 25 năm tới ở Minnesota và quan trọng hơn cả là Đạo luật cam kết khí hậu của tiểu bang Washington vẫn tiếp tục.
Thục Quyên lược dịch
Nguồn: bài của Jennifer Marsden 07/11/2024 đăng trên Euronews, gốc: https://www.euronews.com/green/2024/11/07/dont-lose-hope-climate-experts-on-how-to-keep-your-head-up-after-trump-victory
Ngoài ra (1)
Colorado: Gỡ bỏ mức giới hạn nguồn tài trợ nước khỏi khoản thuế hiện hành đối với doanh thu trò chơi thể thao, khoản thuế này sẽ tạo ra thêm 2 đến 5 triệu đô la.
Louisiana: Chuyển hướng doanh thu liên bang mà tiểu bang nhận được từ sản xuất năng lượng (như gió, mặt trời, thủy triều, sóng và các nguồn năng lượng thay thế hoặc tái tạo khác) vào Quỹ Bảo vệ và Phục hồi Bờ biển.
Maine: Trái phiếu trị giá 30 triệu đô la sẽ tài trợ cho chương trình tài trợ bốn năm nhằm mục đích nâng cao và mở rộng mạng lưới đường mòn của tiểu bang.
Rhode Island: Trái phiếu môi trường trị giá 53 triệu đô la sẽ tài trợ cho nhiều chương trình khác nhau, bao gồm không gian mở và công viên, khả năng phục hồi ven biển, quản lý và phục hồi rừng, bảo vệ đất nông nghiệp, cải tạo đất hoang và nâng cấp cơ sở cảng để hỗ trợ phát triển năng lượng gió ngoài khơi.
Gửi ý kiến của bạn