Đối với nhiều người, thật khó để có đủ đầy năng lượng hoàn thành hết các công việc trong một ngày. Và với một phần ba người trưởng thành bị thiếu chất sắt (iron deficiency) ở Hoa Kỳ, mỗi ngày của họ trôi qua còn mệt mỏi hơn nhiều.
Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 2 tỷ người đang bị thiếu sắt theo nhiều kiểu khác nhau. Sắt là một loại khoáng chất rất cần thiết cho nhiều chức năng sinh học quan trọng trong cơ thể. Thiếu sắt thường khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, chóng mặt, đau đầu, và thậm chí có thể ảnh hưởng đến tim mạch.
Tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt phổ biến hơn ở các thai phụ và một số nhóm khác. Nếu không được điều trị, thiếu sắt dễ dẫn đến thiếu máu (anemia), hay còn gọi là tình trạng thiếu hụt tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra thiếu máu, vì thiếu sắt dẫn đến thiếu hụt hemoglobin, khiến quá trình sản sinh tế bào hồng cầu bị chậm lại.
Theo Irogue Igbinosa, giảng viên chuyên về y học chăm sóc mẹ-thai (maternal-fetal medicine) tại Đại học Stanford, dù là trong thời gian ngắn hay về lâu dài, thì thiếu sắt đều sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Vì vậy, những ai có nguy cơ thiếu sắt nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện kịp thời những thay đổi về lượng sắt trong cơ thể.
Bà giải thích: “Khi cơ thể đã bị thiếu máu, thường thì đó là dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu sắt đã kéo dài một thời gian. Cơ thể cần năng lượng để hoạt động bình thường và khỏe mạnh, và thiếu sắt có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mà khoa học hiện vẫn đang tìm hiểu.”
Những ai dễ bị ảnh hưởng bởi thiếu sắt và thiếu máu?
Thiếu sắt có thể khiến cơ thể chịu nhiều tổn hại nặng nề. Sắt là thành phần thiết yếu để tạo nên hemoglobin, một loại protein quan trọng trong các tế bào hồng cầu, giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Khi cơ thể thiếu sắt, lượng hemoglobin giảm, nên các cơ quan, bắp thịt và mô không nhận được đủ oxy để hoạt động mạnh mẽ.
Mặc dù hầu hết mọi người có thể nạp đủ lượng sắt từ thực phẩm, nhưng vẫn có một số trường hợp mà thức ăn không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết. Thiếu sắt hiếm khi gây tử vong trực tiếp, nhưng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mãn tính như bệnh thận và bệnh gan. Ngoài ra, thiếu sắt cũng làm chậm quá trình hồi phục sau khi cơ thể bị nhiễm trùng hay bị chấn thương, vì cơ thể cần oxy để tái tạo tế bào.
Trước tuổi dậy thì, lượng sắt được khuyến nghị hàng ngày cho nam và nữ là giống nhau, dao động từ 7-10 mg. Tuy nhiên, từ độ tuổi 19 đến 50, nhu cầu sắt hàng ngày của phụ nữ tăng lên 18 mg, sau đó tăng mạnh đến 27 mg khi mang thai và giảm còn 9 mg khi cho con bú. Trong khi đó, đối với nam giới, tuy vào độ tuổi mà nhu cầu sắt dao động trong khoảng 8-11 mg mỗi ngày.
Theo Igbinosa, bệnh thiếu máu do thiếu sắt thường diễn ra từ từ, nhưng phụ nữ dễ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới vì tình trạng này còn phải chịu thêm tác động từ chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Mỗi kỳ kinh nguyệt làm mất đi một lượng máu, nhất là với các quý chị em, quý cô có chu kỳ kéo dài hoặc ra nhiều máu hơn bình thường, lượng sắt trong cơ thể vốn đã ít ỏi lại còn bị giảm thêm nữa.
Bà nói thêm: “Nếu đã không có đủ lượng sắt tối thiểu cho cơ thể, mà lại bị mất thêm mỗi tháng nữa, thì theo thời gian, bị thiếu sắt cũng là điều dễ hiểu.” Sự thiếu hụt sắt trong cơ thể còn ảnh hưởng đến não bộ, gây ra các triệu chứng như khó tập trung, hay quên và thậm chí là các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều đáng lo ngại là những triệu chứng này có thể bị nhầm lẫn là do tình trạng căng thẳng đầu óc (stress) hay do các yếu tố khác.
Thiếu máu cũng khiến cho thai kỳ trở nên nguy hiểm hơn, vì lượng sắt trong cơ thể người mẹ bị giảm có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sống sót của cả mẹ và con. Thiếu máu còn làm tăng nguy cơ mất máu nhiều hơn trong quá trình sinh nở và rất có thể sẽ cần phải sinh mổ.
Igbinosa giải thích: “Thiếu máu làm tăng nguy cơ bị các bệnh hậu sản cho người mẹ, nhưng mức độ nghiêm trọng còn tùy vào chủng tộc và sắc tộc.” Đối với trẻ sơ sinh, mẹ bị thiếu máu có thể dẫn đến nguy cơ thai chết lưu (stillbirth), sinh non (prematurity), cân nặng sơ sinh quá thấp (low birth weight) và thậm chí có thể khiến não bộ và thần kinh chậm phát triển hơn bạn bè đồng lứa.
Cho đến nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ gốc da đen, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ bản địa thường có tỷ lệ mắc bệnh thiếu máu cao hơn, và cũng dễ gặp nhiều vấn đề sức khỏe sau khi sinh hơn so với phụ nữ thuộc các chủng tộc khác. Dù vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân, nhưng có thể là do các yếu tố môi trường, di truyền, hoặc các yếu tố xã hội khác mang tính quyết định đối với sức khỏe (như nơi sinh sống, thu nhập, văn hóa hoặc được ăn uống, sinh hoạt lành mạnh).
Thiếu sắt và sức khỏe hệ tim mạch
Dù cảm giác mệt mỏi hay uể oải do thiếu sắt có vẻ không đáng ngại, nhưng nếu không điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ khiến sức khỏe suy giảm theo thời gian, gây ra nhiều phiền toái không đáng có.
Theo Biykem Bozkurt, giáo sư y khoa-tim mạch học tại Đại học Y khoa Baylor, việc theo dõi các dấu hiệu của thiếu sắt là rất quan trọng, “ngay cả khi thiếu sắt chưa phát triển thành thiếu máu, tình trạng này cũng đã có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.”
Thiếu sắt có thể làm cho các bệnh như tiểu đường (diabetes), mỡ máu cao (high cholesterol) hay huyết áp tăng (hypertension) trở nên nguy hiểm hơn và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính về sau. Hơn nữa, các triệu chứng giống với thiếu sắt như cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực vận động và sức chịu đựng kém, có thể là những dấu hiệu cho thấy tim đang gặp vấn đề.
Bozkurt cho biết: “Tim giống như một chiếc máy bơm, đưa máu đến các bộ phận của cơ thể, bao gồm cả các cơ tim. Nếu bị thiếu oxy do thiếu máu hoặc thiếu sắt, tim sẽ gặp khó khăn trong việc tự cung cấp dưỡng chất và oxy cần thiết.”
Các bác sĩ thường đánh giá mức độ khỏe mạnh của hệ tim mạch ở bệnh nhân bằng cách đo chỉ số VO2, tức là lượng oxy tối đa mà cơ thể có thể sử dụng khi vận động mạnh.
Khi cơ thể có đủ hemoglobin, oxy được phân phối hiệu quả, giúp các bắp thịt và các cơ quan hoạt động tốt hơn. Nếu bị thiếu sắt, cơ thể sẽ sản sinh ít hemoglobin, oxy được vận chuyển và phân phối kém đi, khiến mức VO2 cũng giảm xuống.
Các bác sĩ còn dựa vào chỉ số VO2 để dự đoán nguy cơ mắc các bệnh tim mạch về sau. Đặc biệt, khi bệnh nhân phải vào bệnh viện, bác sĩ sẽ xem mức VO2 cao nhất của họ là bao nhiêu để đánh giá tình trạng sức khỏe và lên kế hoạch điều trị. Thí dụ, nếu chỉ số VO2 của bệnh nhân quá thấp, bác sĩ có thể sẽ cân nhắc các biện pháp điều trị như cấy ghép tim.
Mặc dù việc điều trị thiếu sắt ở bệnh nhân suy tim chỉ là một phần nhỏ của các phương pháp chăm sóc sức khỏe, nhưng có nghiên cứu cho thấy dù bệnh nhân có bị thiếu máu hay không, việc bổ sung sắt có tác động tích cực lên sức khỏe tim mạch, giúp giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Đối với những người bị thiếu máu do thiếu sắt ở mức nhẹ, việc điều trị dễ dàng hơn và thường chỉ cần uống thuốc bổ sung (supplements) chất sắt hoặc ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt. Tuy nhiên, không phải ai cũng cần sử dụng supplements, để xác định phương pháp tốt nhất và an toàn nhất, quý vị nên nói chuyện với bác sĩ để có được liệu trình phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của mình.
VB biên dịch
Nguồn: “Why iron deficiency is more common—and more serious—than you think” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn