Trong bài viết này, tác giả Sadie Dingfelder chia sẻ câu chuyện và những suy ngẫm của mình khi phải sống chung với căn bịnh khó nhận biết và phân biệt các khuôn mặt trên tạp chí National Geographic.
Trên bờ sông Platte, miền trung Nebraska, mười lăm đôi mắt chăm chú vào khoảng không lờ mờ lúc chiều buông. Được khoảng một tiếng đồng hồ, thì có người nhìn thấy một làn khói mỏng manh xa xa phía chân trời. Khi làn khói ấy tiến lại gần hơn, hóa ra đó là những con hạc xám (sandhill cranes) đang sải cánh, mang bộ lông xám nhạt tựa màu mây lúc trời chuyển mưa cùng phần lông đỏ nổi bật trên đầu. Chúng bay vòng quanh nơi chúng tôi đang quan sát, được cải tạo từ một kiện chứa hàng của tàu xuyên đại dương, rồi nhẹ nhàng hạ cánh theo từng nhóm nhỏ khoảng hai, ba hoặc năm con.
Hướng dẫn viên của Tổ chức bảo vệ loài hạc Crane Trust giải thích: “Nhìn có vẻ như là một đàn chim lớn đang bay cùng nhau, nhưng thực ra chúng luôn bay theo nhóm gia đình của mình trong suốt hành trình di cư.”
“Chúng làm thế nào để nhận ra bạn đời của mình?” Tôi hỏi.
Một chị mặc áo xanh trả lời: “Mình thì thấy con nào cũng như con nào vậy chứ chắc mấy con hạc tự có cách nhận biết nhau á.” Tôi quay lại nhìn chị này. Trên mặt chị hai con mắt cách nhau khá xa, mũi hơi cong và hếch lên, và tóc ngắn màu xám. Liệu đây có phải là cái chị đã cùng trò chuyện trên xe và cho tôi xem ảnh về những con chó của mình không?
Chị này đứng kế hai chị khác, cả ba người phụ nữ đều trông giống nhau. Và cả ba đều đi cùng với một nửa của họ – ba người đàn ông trung niên và da trắng, trông cũng na ná nhau luôn. Sau khi những con hạc biến mất vào màn đêm, chúng tôi lặng lẽ rời khỏi nơi quan sát, cuốc bộ qua một đầm lầy giữa tiếng ếch nhái râm ran tứ bề.
Trở lại phòng ăn, mọi người ngồi im lặng, có người cảm động muốn khóc trước vẻ đẹp vừa được chứng kiến. Sau một lúc, khi mọi người bắt đầu nói về cảm nhận của mình, một số người gọi tên tôi. Cũng không có gì lạ bởi vì chúng tôi đã ở chung một chỗ 6 tiếng đồng hồ, nói chuyện với nhau, sắp xếp chỗ ở, và ngồi chung xe với nhau. Nhưng dù cố gắng thế nào, tôi cũng không thể nhớ được khuôn mặt hay tên của bất kỳ ai.
Trong mắt tôi, mọi người đều giống nhau, cũng giống như khi nhìn những con hạc. Mãi đến thời gian gần đây, tôi mới biết được lý do tại sao. Tôi mắc chứng bệnh xáo trộn về thần kinh, gọi là prosopagnosia, hay còn gọi là chứng khó nhận biết, phân biệt khuôn mặt (bịnh này còn được gọi là ‘face blindness’ hiểu nôm na là ‘mù khuôn mặt’). Có hai nguyên nhân chính dẫn đến chứng bịnh này. Một số người bị bịnh do não bộ bị chấn thương, nhưng hầu hết các trường hợp bị prosopagnosia là do di truyền, được gọi là “developmental prosopagnosia” (bịnh khó nhận biết khuôn mặt phát triển) và ảnh hưởng đến khoảng 2 - 2.5% dân số. Chứng bịnh này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bệnh nhân, từ việc hẹn hò, giao lưu kết bạn, đến tạo dựng các mối quan hệ. Tuy nhiên, bịnh prosopagnosia thường không được chẩn đoán, vì bệnh nhân thường cho rằng người khác cũng nhìn thế giới theo cách giống như mình: khó nhận biết và phân biệt các khuôn mặt.
Thí dụ, Bill Choisser, người đã đặt ra thuật ngữ “mù khuôn mặt” (face blind) vào cuối những năm 90, từng hỏi vợ mình là “Sao trong các chương trình truyền hình người ta cứ thích để mấy cảnh quay cận cảnh khuôn mặt diễn viên chi vậy? Không thấy được trang phục của họ thì làm sao mà biết được ai là ai?”
Từ khi còn nhỏ, tôi đã biết mình khó mà kết bạn với ai. Mới hôm trước còn nói chuyện thân thiết với nhau, qua hôm sau gặp lại tôi đã trở mặt xa lạ với người ta. Đây là điều mà mãi sau này tôi mới nghe bạn bè kể lại; cũng hợp lý khi họ nghĩ tôi là đứa thất thường, lúc nóng lúc lạnh. Để đỡ cô đơn, tôi tìm vui với sách, cứ vùi đầu đọc miết thôi, và thường đọc những bộ tuyện như The Baby-Sitters Club hoặc Sleepover Friends. Tôi thèm có bạn bè, thật nhiều người bạn. Tôi khát khao cái cảm giác an toàn khi ở trong một nhóm bạn bè, bảo vệ lẫn nhau.
Lên đại học, tôi quyết định thay đổi hoàn toàn cách ứng xử, không còn coi mọi người như người lạ nữa mà gặp ai cũng sẽ coi như bạn bè, người quen. Trong trường, bất kỳ ai nhìn nhìn tôi nhiều một chút là tôi sẽ đứng lại nói chuyện với họ. Tôi cho rằng đây là một tiến bộ rất lớn. Và cứ như thế trong suốt 20 năm tiếp theo. Tôi quen biết rất nhiều người mà lại chẳng biết ai, ngoại trừ một số ít bạn thân và người yêu. Họ đều có ngoại hình nổi bật, hoặc ít ra cũng có tính cách rất sôi nổi, ồn ào. Tôi luôn nghĩ cuộc sống của mình hết sức bình thường.
Không lâu sau khi bước sang tuổi 39, tôi bắt đầu viết, ghi lại những câu chuyện hài hước trong cuộc sống với mục tiêu hoàn thành một cuốn sách trước khi bước sang tuổi 40. Lúc đó, tôi đang làm việc tại tờ báo Washington Post và đã gửi bản thảo cho bạn bè đồng nghiệp, là những nhà báo từng đạt được các giải thưởng danh giá. Họ đã hỏi tôi mấy câu đại loại như: Sao bà hay bị lạc đường quá vậy? Sao bà hay bị lơ mơ không biết mình đang nói chuyện với ai vậy? Sao đời sống của bà nhiều thứ lộn tùng phèo quá vậy?
Nếu là người khác, có thể họ đã chạy đi kiếm một vị bác sĩ thần kinh rồi. Nhưng tôi là một cây bút chuyên về các đề tài khoa học, thay vì gặp bác sĩ, tôi gặp các nhà nghiên cứu. Tôi đã tham gia một nghiên cứu tại Harvard, họ chụp quét não bộ để nghiên cứu cấu trúc bộ não, rồi sau đó, tôi được tham gia vào chương trình huấn luyện khả năng nhận biết khuôn mặt kéo dài gần 30 giờ. Dù trong chương trình huấn luyện này, điểm số của tôi có cải thiện, nhưng các kỹ năng được học lại không mấy hữu ích trong cuộc sống thực tế. Rồi tự dưng tôi tìm ra cách giải quyết phù hợp với bộ não đặc biệt của mình. Đây cũng là phương pháp của những người khác bị bịnh giống như tôi. Chúng tôi tìm cách thích nghi.
Cũng giống như loài hạc xám phải thích nghi với những thay đổi trong môi trường sống của mình. Ban đầu, hạc xám thường sinh sống ở các vùng đất ngập nước. Nhưng khi con người biến các vùng đất này thành nông trại, hạc xám đã phải học cách ăn những loại thức ăn mới để sống sót. Chúng bắt đầu ăn các loại cây trồng do con người trồng, chẳng hạn như bắp, thay vì các loại thức ăn trong tự nhiên trước đây. Tuy nhiên, hạc xám không thể thay đổi hoàn toàn mọi thứ về môi trường sống của mình. Chúng vẫn cần những nơi có mặt nước rộng và nông để trú ngụ. Đó là lý do tại sao trong suốt nhiều năm, các nhân viên của Crane Trust phải thường xuyên chặt bỏ bớt cây con và dọn sạch bụi rậm dọc theo bờ sông. Nhờ đó, số lượng hạc xám đã tăng đều đặn mỗi năm.
Hiện tại, cuộc sống của tôi không cần quá nhiều sự giúp đỡ, chỉ có thỉnh thoảng, trong một số dịp đặc biệt sẽ cần phải nhờ mọi người đeo bảng tên để tôi dễ nhận biết. Nhưng điều tôi lo lắng là những đứa trẻ cũng bị bịnh giống tôi và cả những chứng bịnh khác về thần kinh, những con người phải sống cuộc đời khó khăn và cô đơn, lầm lũi. Liệu xã hội chúng ta có thể làm gì để thế giới này dễ sống, dễ thở hơn với những người có thần kinh và tâm trí khác biệt với mọi người? Chúng ta nên “trồng” cây gì, và “dọn cây cỏ” ở đâu đây?
Khi chúng tôi quay lại cabin, trời đã khuya, nhưng tôi vẫn còn tò mò về những con hạc. Trước khi ngủ, tôi tìm đọc qua một số tài liệu và phát hiện ra rằng có thể trong mắt những con hạc xám, chúng cũng khó phân biệt được nhau. Nhưng tiếng kêu của hạc xám thì rất khác biệt. Tiếng kêu của mỗi con hạc đều là âm thanh đặc trưng của riêng chúng, và có thể vang xa hàng dặm. Đây là cách mà những con hạc giữ liên lạc với gia đình mình trong suốt quá trình di cư – không dùng mắt mà dùng tai.
Lẽ ra tôi phải biết rõ điều đó. Dù những con hạc trông có vẻ giống nhau, tôi đã chú ý đến một con đặc biệt, vươn cái cổ dài ra và kêu to, nhìn như một chiếc kèn clarinet đang tức giận. “Có vẻ như bạn ấy không hài lòng với chỗ nghỉ mà nhà bạn ấy chọn đáp xuống,” chị áo xanh nhận xét lúc chiều. Mặc dù không chắc chắn lắm, nhưng tôi nghĩ chị ấy đúng. Thế giới này vừa đa dạng sắc màu vừa phong phú âm thanh, mỗi cá thể, mỗi sinh vật đều có cách nhìn nhận và cảm nhận riêng của mình. Nhưng đôi khi, nếu đủ nhạy bén và chịu lắng nghe cẩn thận, chúng ta vẫn có thể kết nối được với một cá thể khác giữa những ồn ào ngoài kia. Đêm đó, tôi chìm dần vào giấc ngủ cùng cảm giác gắn bó sâu sắc với loài hạc xám, thấy vững lòng yên tâm rằng dù khả năng nhận biết và phân biệt của tôi bị hạn chế, sự tò mò sẽ luôn giúp tôi khám phá và hiểu thêm về thế giới này.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “What life is like when your brain can't recognize faces” được đăng trên trang Nationalgeographic.com
Gửi ý kiến của bạn