Hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sự thật là quan trọng trong các hoạt động như tranh luận, thảo luận và tường thuật. Khi các dữ kiện thật được thu thập, xác minh và phổ biến, việc đưa ra các quyết định dựa trên thông tin và hiểu biết có thể là bước kế tiếp trong các hoạt động quan trọng, chẳng hạn như bầu cử.
Nhưng điều gì xảy ra khi những sự thật quan trọng, đã được xác minh, được công bố và phổ biến rộng rãi, nhưng tác động của chúng lại không đáng kể – thậm chí vô nghĩa? Điều gì xảy ra một khi các sự thật quan trọng không tác động được đến công chúng nữa?
Đây là vấn đề mà báo chí Mỹ đối mặt sau ngày 5 tháng 11 năm 2024.
Là một cựu nhà báo và một học giả, giáo sư về lịch sử tác động của truyền thông, Michael J. Socolow, trên tờ The Conversation, từ kinh nghiệm và nghiên cứu của Ông, đã chỉ ra rằng ngay cả những thông tin bài vở chính đáng, theo đúng căn bản đạo lý và chính xác theo sự thật cũng chỉ có ảnh hưởng hạn chế. Các nhà phê bình và học giả thường cho rằng cung cấp những gì họ cho là “đúng” thông tin, trong khi cẩn thận kiểm soát “thông tin sai lệch,” có thể giải quyết các thách thức thông tin trong quản trị dân chủ. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.
Có rất nhiều ví dụ trong lịch sử về việc người đọc/nghe tin tức ở Mỹ tuy đã được cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu xác minh sự thật về các nhân vật hoặc sự kiện gây tranh cãi, nhưng những thông tin chính đáng, đúng sự thật này lại có rất ít hoặc chẳng có tác động gì đến suy nghĩ, quyết định của họ.
Có vẻ như phàn nàn gay gắt - và vô căn cứ
Trước cuộc chiến ở Iraq năm 2003, chẳng hạn, một cơ quan thông luận đã nổi bật với một loạt bài điều tra đặt nghi vấn về việc liệu Iraq có sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt như chính quyền Bush đã khẳng định hay không.
Mặc dù cách tiếp cận cẩn thận, xác đáng và chính xác của họ, có rất ít bằng chứng cho thấy các phóng viên của Knight-Ridder đã thuyết phục được sếp của họ hay khán giả/độc giả của họ hoặc các chính trị gia trong nước rằng cách tiếp cận, câu chuyện và bằng chứng của họ đưa ra đối với các vấn đề này là chính xác hơn so với các câu chuyện giật gân và cuối cùng đã bị bác bỏ trên tờ The New York Times. Nhìn lại, các sự thật đã bị phớt lờ, và thông tin sai lệch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công chúng.
Câu hỏi về chất lượng báo chí và tác động hoặc ảnh hưởng của nó trong các sự kiện hiện tại lại tái phát từ chiến thắng của Donald Trump vào ngày 5 tháng 11 năm 2024.
Nhiều nhà phê bình và học giả ngành truyền thông đã cho rằng báo chí Mỹ đã không đủ khả năng đưa thông tin đầy đủ cho người dân về sự bất chính của Trump và mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu của ông đối với hiến pháp và nền dân chủ Mỹ. Một số phàn nàn gay gắt rằng “các phương tiện truyền thông truyền thống” đã đồng lõa trong việc “bình thường hóa không ngừng” sự “cực đoan, điên rồ và xấu xí” của Trump. Những người khác đổ lỗi cho thất bại này là do báo chí đã không “thuyết phục được cử tri về dân chủ” khi đối mặt với “chương trình nghị sự cực đoan, độc tài” của Trump.
“Tin tức kiểu ‘cuộc cá cược đua ngựa’ đã trở lại toàn diện,” James Risen của The Intercept viết vào tháng 8, “và mối đe dọa mà Trump đặt ra đối với nền dân chủ giờ đây với công chúng chỉ là một suy nghĩ bâng quơ.”
Tuy nhiên, hai tháng trước khi Risen viết điều đó, The New York Times đã xuất bản một danh sách chi tiết các chính sách, cương lĩnh của Trump và giải thích cụ thể cách chúng vi phạm các chuẩn mực cơ bản của hiến pháp và dân chủ như thế nào. Ngay cả nhà phê bình báo chí Margaret Sullivan, từng là nhà phê bình báo chí của Times, cũng ghi nhận tờ báo đã xuất bản những báo cáo chi tiết và cụ thể đầy ấn tượng.
Nhưng Sullivan cũng lập luận rằng “quá thường xuyên, việc đưa tin về Trump là một sự thất bại đáng xấu hổ – làm hợp lý hóa sự điên rồ của ông, so sánh sai ông với các đối thủ truyền thống của mình, hoặc coi ông như một màn biểu diễn hài hước.”
‘Được tường thuật và phổ biến rộng rãi’
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy các bài báo tường thuật chính xác và dựa trên sự thật về Trump suốt mùa thu năm 2024.
Nhiều bài báo và chương trình phát sóng đã xuất hiện, từ USA Today, cảnh báo độc giả chỉ ba ngày trước cuộc bầu cử về tham vọng của Trump trong việc triển khai quân đội Hoa Kỳ để chống lại “kẻ thù bên trong,” đến ABC News World News Tonight, đã loan báo nhiều khía cạnh độc tài và vi hiến trong kế hoạch của Trump nếu thắng cử, bao gồm tuyên bố của Trump rằng ông sẽ trở thành “nhà độc tài vào ngày đầu tiên” nếu đắc cử.
Và trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, hành vi của Trump – và những hành vi bất hợp pháp của ông – đã được đưa tin rộng rãi. Công chúng Mỹ đã biết rằng ông can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Georgia, không trả thuế đúng quy định hoặc không nộp các giấy tờ quy định phù hợp; ngoại tình và trả tiền bịt miệng một diễn viên phim khiêu dâm, kích động cuộc bạo loạn 6 tháng Một nhằm ngăn chặn quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình, né tránh nhập ngũ trong Chiến tranh Việt Nam bằng cách viện cớ đau chân, xúc phạm những anh hùng hy sinh trong chiến tranh ở châu Âu, và bị buộc tội vi phạm pháp luật khi lấy cắp các tài liệu mật quốc gia và giấu chúng trong nhà riêng ở Florida, cùng những hành vi phạm pháp khác.
Trump cũng bị kết tội tấn công tình dục, và ông trước đó đã bị ghi âm lại nói về việc sàm sỡ phụ nữ.
Tất cả thông tin này về tổng thống đắc cử đã được báo cáo và phát sóng rộng rãi bởi các tổ chức tin tức có uy tín, chuyên nghiệp ở Hoa Kỳ. Những báo cáo chính đáng và chuyên nghiệp này đã góp phần khiến luật sư của ông và một quan chức tài chính cấp cao tại công ty của ông bị kết tội và phải ngồi tù, với hàng loạt báo cáo nối tiếp liên tục trong loạt vụ kiện đã diễn ra trong hai năm qua. Chúng ta có thể đoán rằng gần như mọi người Mỹ đều biết rằng Trump hiện là một trọng tội.
Các cơ quan truyền thông đã làm tốt công việc của mình
Mặc dù thông tin về sự thật và con người thật của Donald Trump được phổ biến liên tục và rộng rãi như vậy, vẫn không làm giảm mức độ ưa chuộng công chúng Mỹ dành cho Trump. Đối với một số nhà phê bình, đây được coi là bằng chứng rõ ràng về sự thất bại của báo chí; vì chắc chắn rằng nếu công dân nhận ra “sự thật” về Trump, sự nghiệp của ông đã kết thúc.
Tuy nhiên, đó không phải là cách mà quá trình đưa tin hoạt động.
Giờ đây, khi Trump đã nhận được hơn 70 triệu phiếu bầu vào ngày 5 tháng 11 năm 2024, bạn có thể chắc chắn rằng hàng triệu người Mỹ, những người biết rằng Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ và quản trị hiến pháp, vẫn quyết định bỏ phiếu cho ông.
Rất có thể phụ nữ từng bị tấn công tình dục đã bỏ phiếu cho ông, biết rằng ông đã tấn công tình dục phụ nữ. Các chủ doanh nghiệp trả thuế và tuân thủ các quy định pháp luật biết rằng Trump đã né tránh cả hai nghĩa vụ đó – và vẫn bỏ phiếu cho ông. Các quân nhân, những người biết Trump đã nói gì về các anh hùng đã hy sinh của họ và những người như John McCain vẫn bỏ phiếu cho ông.
Hàng triệu người Mỹ có kiến thức, đạo đức, luân lý và tuân thủ pháp luật, những người biết rõ về hành vi, sự bất chính và những hành vi vi phạm pháp luật của Trump, và mối đe dọa của ông đối với nền dân chủ và hiến pháp, vẫn bỏ phiếu cho ông.
Bằng cách nào đó, mặc dù đã đọc và tiếp nhận các sự thật đã được xác minh và các báo cáo chính xác về Trump, lá phiếu của họ vẫn không ảnh hưởng bởi kiến thức của họ.
Đó không phải là lỗi của các cơ quan truyền thông. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Có lẽ Tháp Nhu Cầu của Maslow giải thích tốt nhất tại sao nhiều người tiêu thụ tin tức, mặc dù đã được thông tin về hành vi bất chính của Trump, vẫn bỏ phiếu cho ông. Đây là cách mà hệ thống nhu cầu này hoạt động, Maslow lý luậ rằng: Lâu trước khi chúng ta có thể thỏa mãn mong muốn sống một cách đạo đức, có ý nghĩa tinh thần, các nhu cầu cơ bản – ví dụ, thực phẩm và chỗ ở, an ninh và an toàn, công việc và sức khỏe – phải được đáp ứng trước.
Với hệ quả của đại dịch COVID-19 đe dọa sức khỏe và an ninh việc làm, giá cả thực phẩm, thuốc men và nhà ở tăng cao gây bất ổn đến cảm giác an toàn của con người, việc xem xét nghiêm túc hành vi hoặc đạo đức của Trump, hoặc cách ông ấy dường như đe dọa nền dân chủ và trật tự hiến pháp gần bốn năm trước, dường như là một sự xa xỉ đối với những gia đình không thể mua được một căn nhà xuống cấp hay một chiếc xe cũ quá đắt.
Đối với hầu hết người Mỹ, Washington, D.C., xa xôi so với cửa hàng tạp hóa địa phương của họ, và mặc dù lạm phát đã giảm, nhiều người Mỹ dường như đã bỏ phiếu dựa trên ký ức về thế giới ít tốn kém hơn từng tồn tại trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
Đặt thấp kỳ vọng
Có lẽ bài học hữu ích nhất mà một nhà báo có thể học là sự khiêm tốn.
Việc thực tế hơn và khiêm tốn về ảnh hưởng của bất kỳ báo cáo minh chứng sự thật nào – dù có giật gân hay quan trọng đối với an ninh quốc gia đến đâu – có thể giúp giảm bớt thất vọng khi khán giả/độc giả không tiếp nhận tin tức như mong đợi và không hành động tương ứng.
Sau cùng thì người ta có thể dẫn một con ngựa đến dòng nước, nhưng không thể buộc nó uống. Các cơ quan truyền thông có thể nhiều lần công bố, phổ biến vô số sự thật bất chính về một chính trị gia, nhưng họ không thể đảm bảo ngăn cản việc người đó đắc cử. Các nhà báo cần hiểu rằng việc phân phối thông tin đúng đắn và hữu ích ra thế giới là một việc làm đúng lương tâm nghệ nghiệp và do đó thích đáng và nên làm – bất kể điều gì xảy ra tiếp theo.
Cuối cùng, Tu chính án thứ nhất bảo vệ quyền của các nhà báo trong việc tường thuật, phổ biến và phát sóng, nhưng không thể buộc công dân phải đọc, lắng nghe, tiếp nhận và suy nghĩ tương ứng. Điều này cũng có nghĩa truyền thông báo chí đã không coi nhẹ chúng ta – mà chính chúng ta, những khán giả/độc giả, đã coi nhẹ họ.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: Bài của Michael J. Socolow, đăng trên tờ The Conversation ngày 8 tháng 11. Đường dẫn: https://theconversation.com/what-should-journalists-do-when-the-facts-dont-matter-243197
Gửi ý kiến của bạn