WASHINGTON – Hôm Chủ Nhật (10/11), tờ Reuters loan tin rằng trong chiến dịch tái tranh cử vừa qua, Donald Trump đã công khai tuyên bố sẽ thanh lọc quân đội, loại bỏ những tướng lĩnh theo khuynh hướng “tỉnh thức” (woke) – từ này được hiểu theo cách của Trump là những người ủng hộ các vấn đề công bằng xã hội, như bình đẳng sắc tộc và bình đẳng phái tính, thường bị phe bảo thủ coi là có tư tưởng tiến bộ quá mức, khó lòng chấp nhận.
Giờ thì Trump đã đắc cử, câu hỏi lớn đang được đặt ra tại Ngũ Giác Đài là liệu ông có thực hiện những nước đi mạnh bạo không.
Nhiệm kỳ thứ hai của Trump được dự đoán sẽ mang tính đối đầu gay gắt với giới lãnh đạo quân sự, đặc biệt sau những bất đồng trước đây về các vấn đề như NATO hay việc sử dụng quân đội để kiểm soát biểu tình trong nước. Mối quan hệ căng thẳng này càng trở nên trầm trọng khi nhiều cựu tướng lĩnh và bộ trưởng quốc phòng dưới quyền Trump đã công khai chỉ trích ông, thậm chí gọi ông là “phát xít” và “không đủ tư cách làm tổng thống.” Cay cú trước những chỉ trích này, Trump đã dọa sẽ cho truy tố tội phản quốc và xử tử cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley.
Theo các viên chức Hoa Kỳ, trong nhiệm kỳ thứ hai, Trump sẽ đặt sự trung thành lên hàng đầu và loại bỏ những người được cho là không trung thành, cả trong quân đội cũng như công chức. Jack Reed, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện, lo lắng nói rằng: “Thành thật mà nói, ổng sẽ phá banh Bộ Quốc phòng. Ổng sẽ sa thải sạch những tướng lĩnh dám đứng lên bảo vệ Hiến pháp.”
Một lý do khác có thể dẫn đến các cuộc sa thải là những vấn đề liên quan đến “chiến tranh văn hóa.” Khi được Fox News phỏng vấn vào tháng 6, Trump khẳng định sẵn sàng sa thải các tướng lĩnh được mô tả là “tỉnh thức” – những người ủng hộ công bằng chủng tộc và xã hội nhưng thường bị phe bảo thủ chỉ trích.
Hiện nay, nhiều người đang lo ngại rằng nhóm của Trump sẽ nhắm vào Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân đương nhiệm, Air Force General C.Q. Brown – từng là phi công chiến đấu cơ và chỉ huy quân sự xuất sắc, đáng kính và giữ lập trường trung lập, không muốn dây dưa vào chính trị. Là người Hoa Kỳ gốc Phi, Tướng Brown đã đăng một đoạn clip nói về nạn phân biệt đối xử trong quân đội sau vụ George Floyd bị cảnh sát sát hại vào tháng 5/2020, và thể hiện quan điểm ủng hộ sự đa dạng trong lực lượng quân sự Hoa Kỳ.
Phát ngôn viên của ông, Đại úy Hải quân Jereal Dorsey, cho biết: “Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cùng với tất cả các quân nhân trong lực lượng vũ trang vẫn tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quốc phòng của đất nước, và sẽ luôn như vậy, đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ cho chính quyền sắp tới của Tổng thống mới đắc cử Trump.”
Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance, người từng bỏ phiếu phản đối việc bổ nhiệm Brown làm người đứng đầu quân đội Hoa Kỳ vào năm ngoái, cho rằng: “Nếu những người trong chính phủ không tuân lệnh tổng thống, thì cần phải loại bỏ họ và thay thế bằng những người sẵn sàng làm những việc mà tổng thống đang muốn làm.”
Trong chiến dịch tranh cử, Trump hứa hẹn sẽ khôi phục tên của một tướng trong Liên minh miền Nam cho một căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ, đảo ngược việc đổi tên căn cứ này kể từ sau cái chết của Floyd. Ông cũng đặc biệt nhắm vào những quân nhân chuyển giới, từng cấm họ phục vụ trong quân đội và đăng quảng cáo tranh cử trên X (Twitter cũ) chê bai họ yếu kém, kèm theo lời hứa “CHÚNG TA SẼ KHÔNG CÓ MỘT QUÂN ĐỘI TỈNH THỨC!”
Trump từng gợi ý rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng trong nhiều chính sách ưu tiên của ông, từ việc huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia và có thể cả quân đội chính quy để giúp trục xuất hàng loạt những người nhập cư không có giấy tờ, thậm chí có thể triển khai quân đội nhằm kiểm soát tình trạng bất ổn trong nước. Nhiều chuyên gia quân sự lo ngại trước những đề nghị này, vì việc triển khai quân đội trên đường phố Hoa Kỳ sẽ không chỉ vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ khiến dân chúng quay lưng lại với quân đội, vốn vẫn luôn là hình ảnh đáng kính trong lòng người dân.
Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Lloyd Austin đã nhấn mạnh rằng quân đội sẽ tuân thủ “tất cả các mệnh lệnh hợp pháp” từ chính phủ dân sự. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo rằng Trump có quyền diễn giải pháp luật khá rộng, và quân đội Hoa Kỳ không thể từ chối những mệnh lệnh hợp pháp, ngay cả khi họ cho rằng những mệnh lệnh đó có vấn đề về đạo đức.
Kori Schake, thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ, cho biết: “Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng quân đội có thể từ chối thi hành các mệnh lệnh vô đạo đức. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này không chính xác vì quân đội vẫn phải thi hành những mệnh lệnh hợp pháp, ngay cả khi chúng có thể bị cho là vô đạo đức.”
Schake cũng cảnh báo rằng nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể xảy ra rất nhiều vụ sa thải các viên chức cấp cao. Tình hình sẽ rất hỗn loạn vì các chính sách gây tranh cãi mà ông muốn thực thi và vì những người mà ông sẽ bổ nhiệm vào các vị trí để thực hiện các chính sách đó.
Tuy nhiên, một viên chức quân đội Hoa Kỳ ẩn danh lại cho rằng những lo ngại này là quá mức. Theo vị này, việc gây ra hỗn loạn trong hệ thống chỉ huy quân đội để theo đuổi chính sách mới có thể vấp phải sự phản đối quyết liệt từ công chúng và từ chính trị gia khác; và Trump không nhất thiết phải làm căng tới mức đó.
Vị này còn nói thêm rằng: “Quân nhân họ thường tập trung vào nhiệm vụ chiến đấu hơn là chính trị. Tôi cho là Trump sẽ sớm nhận ra và chấp nhận điều này – hoặc cuối cùng ổng sẽ phải nhận ra mà thôi.”
Theo rất nhiều viên chức, những công chức dân sự lâu năm tại Ngũ Giác Đài có thể sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra lòng trung thành. Các đồng minh của Trump đã công khai ủng hộ việc sử dụng sắc lệnh hành pháp và thay đổi quy định để thay thế hàng ngàn công chức bằng những người có quan điểm bảo thủ và trung thành với ông.
Đặc biệt quan ngại về tương lai của đội ngũ công chức dân sự tại Ngũ Giác Đài, một viên chức cấp cao ẩn danh cho biết có nguy cơ Trump sẽ thanh lọc hàng loạt viên chức dân sự lâu năm trong bộ máy. Đội ngũ này chiếm gần 950,000 nhân viên không mặc quân phục đang làm việc trong quân đội Hoa Kỳ, đa số đều có kinh nghiệm chuyên môn lâu năm.
Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã hứa sẽ tự trao cho mình quyền cải tổ toàn bộ lực lượng công chức liên bang. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đã đưa ra một số ý tưởng gây tranh cãi, như việc phóng phi đạn vào Mexico để phá hủy các cơ sở sản xuất ma túy, nhưng đề nghị này chưa bao giờ được thực hiện do vấp phải sự phản đối từ Ngũ Giác Đài.
Một viên chức nhận xét: “Lần này có thể sẽ còn căng thẳng hơn nhiều so với năm 2016, và điều đáng lo ngại là Trump có thể sẽ làm suy yếu đội ngũ nhân sự và nguồn lực chuyên môn trong quân đội, gây ra những tổn thất không thể cứu vãn cho Ngũ Giác Đài.”
VB biên dịch
Gửi ý kiến của bạn