Một con cá mập bị chứng xáo trộn sắc tố hiếm gặp vừa được phát hiện gần bờ biển Albania. Đây là loài cá mập có gương mặt giống con heo, người ta hay gọi là cá mập mặt heo (hoặc còn gọi là cá mập Angular, tên khoa học là Oxynotus centrina), hiện được xếp vào loại vô cùng nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Con cá mập này bị mắc vào lưới của một tàu cá thương mại gần đảo Sazan ở độ sâu khoảng 200 mét. Đảo Sazan là một hòn đảo quân sự không có người ở.
Đây là cá thể đầu tiên của loài cá mập Angular được phát hiện mắc chứng leucism, tình trạng di truyền bị xáo trộn làm gián đoạn quá trình sản sinh melanin, khiến cho cơ thể bị thiếu hụt sắc tố. Leucism khác với bệnh bạch tạng (albinism). Với bệnh bạch tạng, cơ thể động vật hoàn toàn không có melanin và võng mạc thường sẽ có màu đỏ. Con cá mập mắc chứng leucism vẫn giữ được sắc tố bình thường ở võng mạc dù phần cơ thể màu trắng bệch.
Nghiên cứu được công bố ngày 16 tháng 10 trên Tạp chí Journal of Fish Biology, là nghiên cứu đầu tiên mô tả chứng leucism ở loài cá mập Angular, và cũng lần đầu tiên xuất hiện trường hợp bệnh xáo trộn sắc tố (pigment disorder) trong họ cá mập Oxynotidae.
Andrej Gajić, tác giả chính của nghiên cứu và là giám đốc của Sharklab ADRIA ở Albania, cho biết: “Trong trường hợp mắc chứng leucism, cơ thể vẫn sản xuất melanin được, nhưng sẽ bị thiếu hụt ở một số chỗ hoặc cũng có thể là toàn bộ cơ thể.” Và con cá mập này bị leucism chứ không phải bạch tạng, vì nó “có màu da nhạt với các mảng trắng ở đuôi, trong khi mắt vẫn giữ sắc tố bình thường.”
Thông thường, cá mập mặt heo có màu nâu xám đậm hoặc đen toàn thân, với các mảng màu tối ở đầu và hai bên để dễ dàng ngụy trang. Tuy nhiên, con cá đặc biệt này lại có màu nhợt nhạt với những mảng trắng xám. Và có vẻ như sức khỏe của nó hoàn toàn bình thường, chỉ có màu da khác lạ.
Gajić cho biết: “Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu hụt sắc tố có thể khiến con vật dễ bị kẻ săn mồi hoặc con mồi phát hiện, làm giảm cơ hội sống sót của chúng.” Tuy nhiên, theo phát hiện này, cùng với những ghi nhận khác về những con cá mập bị xạo trộn sắc tố, màu da bất thường không ảnh hưởng quá nhiều đến việc săn mồi, tránh kẻ thù hoặc sinh sản của chúng.
Theo Gajić, các bệnh xáo trộn sắc tố rất hiếm gặp ở cá mập, đặc biệt là ở những loài sống sâu dưới biển, và mới chỉ có 15 trường hợp được ghi nhận cho đến nay. Ông cũng giải thích rằng leucism chủ yếu là do xáo trộn di truyền, có thể bắt nguồn từ những bất thường trong quá trình sản xuất hoặc phân phối melanin.
“Trong quá trình phát triển phôi thai, nếu có bất kỳ gián đoạn nào xảy ra, phôi có thể phát triển các mẫu sắc tố bất thường trên cơ thể,” Gajić nói thêm. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể khiến con vật có màu sắc bất thường như tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm, nhiệt độ môi trường tăng cao, sự thay đổi hormone trong quá trình phát triển, và giao phối cận huyết trong các quần thể sống cô lập. Nhưng những nguyên nhân này vẫn cần được nghiên cứu thêm.
Các khoa học gia cũng đang tìm hiểu về tác động của những mối đe dọa từ con người, chẳng hạn như ô nhiễm và đánh bắt cá, đến sức khỏe và tỷ lệ mắc các bệnh khác của cá mập.
Vlorë, nơi phát hiện con cá mập mặt heo, có thể là một khu vực quan trọng cho các loài cá mập và cá đuối. Nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng khác cũng được phát hiện tại vùng biển này, chẳng hạn như cá mập Gulper miệng nhỏ (Centrophorus uyato) và cá đuối bướm gai (Gymnura altavela). Gajić cho biết: “Một số loài này, thí dụ như cá đuối bướm gai, chưa từng thấy xuất hiện ở biển Adriatic trong thế kỷ này.”
Nguồn: “Incredibly rare, ghostly white shark discovered off Albania” được đăng trên trang Livescience.com.
Gửi ý kiến của bạn