PARIS/VIENNA – Hôm thứ Tư (13/11), các cường quốc Âu Châu đang nỗ lực thúc đẩy một nghị quyết mới tại cơ quan giám sát nguyên tử của Liên Hiệp Quốc nhằm gây áp lực lên Iran, khi Tổng thống đắc cử Donald Trump đang chuẩn bị quay trở lại Tòa Bạch Ốc, theo Reuters.
Nghị quyết này có thể làm tăng thêm căng thẳng ngoại giao với Tehran. Trước đây, họ đã đáp trả các nghị quyết và chỉ trích từ Ban Thống đốc gồm 35 quốc gia của IAEA bằng cách đẩy mạnh các hoạt động phát triển nguyên tử, và cấm các thanh tra cấp cao của IAEA. Điều này làm dấy lên lo ngại của các quốc gia phương Tây về mục đích thật sự của Iran.
Theo nghị quyết mới, IAEA sẽ phải lập một bản “phúc trình về mọi mặt” liên quan đến các hoạt động phát triển nguyên tử của Iran, bổ sung vào các phúc trình hàng quý. Phúc trình này sẽ đi sâu hơn vào chi tiết và tập trung vào các vấn đề chưa được Iran giải thích, chẳng hạn như dấu vết uranium tại các địa điểm không khai báo.
Mục tiêu của nghị quyết là buộc Iran trở lại bàn đàm phán để thảo luận về các hạn chế nguyên tử mới, đổi lại sẽ được gỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, các hạn chế này sẽ không toàn diện như trong thỏa ước nguyên tử năm 2015 – Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi thỏa ước này vào năm 2018.
Thỏa thuận năm 2015 buộc Iran phải chấp nhận các giới hạn nghiêm ngặt và các cuộc thanh tra quốc tế chặt chẽ hơn, nhằm giảm thiểu nguy cơ xung đột giữa Iran và các quốc gia đối địch trong khu vực.
Một nhà ngoại giao Âu Châu cho biết: “Hầu như ai cũng biết đến việc chúng tôi rất lo ngại về hoạt động nguyên tử của Iran. Đây là thời điểm thích hợp để yêu cầu IAEA đưa ra một phúc trình chi tiết để làm cơ sở đối phó với Iran.” Hiện tại, Pháp, Anh, và Đức đang tích cực thúc đẩy nghị quyết này.
Các nước phương Tây đã cố gắng đàm phán với Iran để đạt được một thỏa ước mới trước thời điểm hết hạn của thỏa ước cũ vào tháng 10 năm sau. Việc này chủ yếu dựa trên giả định rằng Kamala Harris sẽ đắc cử, bởi Trump không muốn đàm phán với Iran.
Âu Châu sẽ phải thúc đẩy nghị quyết này mà không có sự chỉ đạo chính từ Hoa Kỳ, dù rằng Washington có thể sẽ ủng hộ nghị quyết mới, như đã ủng hộ một nghị quyết gần đây vào tháng Sáu. Pháp, Anh, và Đức, còn được gọi là nhóm “E3,” đang thảo luận dự thảo nghị quyết này với chính quyền Biden.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi tỏ vẻ không mấy hứng thú với ý tưởng lập một phúc trình toàn diện về chương trình nguyên tử của Iran, vì ông đang tập trung vào nỗ lực ngoại giao để nhận được các giải thích kịp thời từ Tehran và thuyết phục họ cho phép IAEA giám sát sâu hơn.
Trong một cuộc họp báo vào tháng 9, khi được hỏi về việc lập phúc trình toàn diện, Grossi trả lời: “Thực tế là chúng tôi đã cung cấp những thông tin này rồi. Cách tiếp cận của tôi là cố gắng giải quyết các vấn đề ngay, chứ không phải hướng tới các biện pháp trừng phạt sau này. Ý tưởng của tôi là đạt được sự hợp tác với Iran ngay bây giờ.”
Căng thẳng gia tăng
Hôm thứ Tư, Grossi đã đến Tehran để đàm phán với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Ông hy vọng cuộc gặp này sẽ giúp phá vỡ thế bế tắc lâu nay.
Một viên chức cấp cao của Iran nhấn mạnh: “Nếu nghị quyết gây áp lực lên Iran được thông qua, Tehran có thể phản ứng bằng cách hạn chế hợp tác về mặt ngoại giao và kỹ thuật với IAEA.”
Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Trump có sẵn lòng đàm phán một thỏa ước ít ràng buộc hơn so với thỏa ước năm 2015 hay không.
Các bên hiện đang rất quan tâm và theo dõi sát sao xem Grossi sẽ đạt được những gì với Iran, vì điều đó sẽ cho thấy mức độ sẵn sàng đàm phán của Tehran.
Pezeshkian khẳng định Iran không thể làm ngơ trước kẻ địch lớn nhất là Hoa Kỳ, và cần “giải quyết kẻ địch bằng lòng kiên nhẫn.” Trump trước đó cũng từng cho hay: “Tôi không muốn gây hại cho Iran, nhưng họ không được phép sở hữu vũ khí nguyên tử.”