Liệu chiến thắng của Donald Trump có phải là ngọn roi quất mà Âu châu cần, để tăng cường đáng kể sự đoàn kết và ít phụ thuộc hơn vào người bảo vệ vĩnh cửu bên kia Đại Tây Dương?
Chiến thắng II của Donald Trump, cũng là chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa biệt lập, đã đẩy phần lớn các nhà lãnh đạo Âu châu vào trạng thái tê liệt vì sợ. Trong suốt cuộc tranh cử, chiến thắng của Kamala Harris là điều mà Âu châu đã hy vọng, mong muốn và cổ vũ. Chỉ có các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa “hoài nghi Âu châu” của Lục địa già, do Viktor Orban đứng đầu, là hoan nghênh việc ứng cử viên Cộng hòa được bầu làm Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.
Việc Trump trở lại Nhà Trắng, cùng lúc với đảng Cộng hòa giành được Thượng viện và khả năng họ tiếp tục giữ vai trò là đảng dẫn đầu tại Hạ viện, báo trước việc triển khai, trong bốn năm tới, một chương trình chính trị và ngoại giao trái ngược với các chính sách của Âu châu trong mục tiêu khí hậu, hợp tác quốc tế và liên kết xuyên Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, từng được “soi sáng” bởi nhiệm kỳ tổng thống I của Trump và giáo huấn bởi các cuộc khủng hoảng hiện tại, Âu châu có đủ phương cách để khai thác những cơ hội được mở ra bởi nhiệm kỳ tổng thống II của Trump.
Miễn là chúng ta cùng nhau hành động và hành động nhanh chóng!
Âu châu không hề bị kết án phải chấp nhận đau khổ. Âu châu có thể biến nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo của Mỹ thành cơ hội cho sự tự chủ chiến lược của mình.
Với những điều kiện nhất định.
Trong tiền sảnh của “Nỗi sợ hãi Âu châu”.
Việc Donald Trump đắc cử chắc chắn có thể trở thành cơn ác mộng của Âu châu.
Nhiệm kỳ đầu tiên và những tuyên bố của ông ta trong chiến dịch tranh cử cho thấy rõ một số mục tiêu chung xuyên Đại Tây Dương sẽ không cầm cự được khi ông ta trở lại nắm quyền. Mối liên kết xuyên
Đại Tây Dương sẽ lại sớm trở thành cán cân quyền lực mang tính giao dịch: đối với Donald Trump, các liên minh lịch sử vĩ đại của Hoa Kỳ xuất phát từ Thế chiến thứ hai, tại châu Âu và châu Á, vừa là gánh nặng vừa là đòn bẩy hành động để đòi những nhượng bộ kinh tế từ Âu châu .
Chẳng phải ông ta đã liên tục cáo buộc Nhật Bản, Đức và NATO nói chung, đã lợi dụng chính sách bảo hiểm địa chính trị của Mỹ một cách quá mức sao? Thay vì tăng cường quan hệ đối tác, ông ta sẽ tìm cách gây lo lắng, chia rẽ và khiêu khích Âu châu, những người mà ông sẽ coi như khách hàng chứ không phải là đồng minh. Và Liên minh Âu châu (EU) có nguy cơ chứng kiến sự chia rẽ nội bộ đáng kể ngày càng gia tăng giữa những người muốn giành được sự ủng hộ của Trump II và những người muốn chống lại nó với cái giá phải trả là áp lực kinh tế và chính trị tàn khốc.
Âu châu hãy nhớ: Trump II sẽ không có đồng minh nữa mà chỉ có những người chịu ơn thường xuyên bị đe dọa.
Điều này sẽ có tác động trực tiếp đến những gắn kết hiện nay giữa NATO và EU: hỗ trợ kinh tế, quân sự và ngoại giao cho Ukraine.
Ứng cử viên Trump đã rất rõ ràng về ý định của mình: cắt viện trợ cho Ukraine (80 tỷ đô la kể từ năm 2022), tự nhận làm trung gian hòa giải với Nga và đạt được hòa bình dựa trên sự trao đổi bao gồm việc Ukraine từ bỏ các vùng lãnh thổ phía đông để đổi lấy sự kết thúc cuộc xâm lược của Nga.
Ở đây một lần nữa, văn hóa cân bằng quyền lực sẽ nhường chỗ cho những hoạt động của hệ thống đồng minh. An ninh và sự yên bình của Âu châu sẽ ít được đảm bảo hơn rất nhiều ở sườn phía đông và phía nam của lục địa bởi nhiệm kỳ tổng thống II của Trump.
Nhiệm kỳ tổng thống II của Trump sẽ tự cho rằng không có trách nhiệm phải đảm nhận mà chỉ có những lợi ích để thúc đẩy.
Sự liên kết của phương Tây cũng sẽ bị suy yếu trong các tổ chức quốc tế tạo ra từ Thế chiến thứ 2. Trump II sẽ tiếp tục thể hiện mối quan hệ của mình với các nhà lãnh đạo đã cắt đứt quan hệ với Âu châu: Vladimir Putin, Recep Tayyip Erdogan, Benjamin Netanyahu, v.v. Đây sẽ là sự kết thúc của mặt trận thống nhất tại Liên Hiệp Quốc về Iran, về Triều Tiên và thậm chí về khí hậu. Giống như trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của Trump. Và Âu châu có nguy cơ bị cô lập, phải đối phó với các cuộc chiến phía sau để bảo tồn những gì còn lại của các cơ chế hợp tác quốc tế mà nhóm Nam bán cầu đang chống đối trong các diễn đàn khác nhau của họ (G20, BRICS, OCS, v.v.)
Về mặt thương mại, sẽ được đánh dấu bằng việc tăng thuế hải quan đối với cả đối tác Trung Quốc và đồng minh Âu châu: Donald Trump sẽ đặt họ ngang hàng do thâm hụt thương mại lớn đối với cả hai bên. Những rủi ro tiềm tàng trong nhiệm kỳ tổng thống II của Trump rất lớn và tức thời đối với Âu châu: thông tin sai lệch, đe dọa, mất đoàn kết, cô lập và mất an ninh biên giới sẽ là “thức ăn hàng ngày” cho Âu châu trong những năm tới. Hơn nữa, những mối nguy hiểm này còn tăng cao bởi sự suy yếu của các nhà lãnh đạo các nước lớn như Pháp và Đức - những quốc gia đã chận đứng trận sóng thần Trump đầu tiên.
Vậy thái độ cam chịu có phù hợp không?
Đừng bỏ lỡ cơ hội lịch sử
Trong địa chính trị cũng như kinh tế, một cuộc khủng hoảng có thể trở thành một cơ hội nếu nó được dự đoán, nhìn nhận trước, chuẩn bị và giải quyết. Đây là điều mà Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk vừa làm khi mô tả chiến thắng của Donald Trump như một bài điếu văn cho tình trạng hợp đồng phụ về “địa chính trị”. Cú sốc của Trump II có thể là cứu cánh nghịch lý cho Âu châu. Nhưng phương pháp sốc tiềm năng này chỉ có thể thành công trong những điều kiện nhất định rất khó đáp ứng.
Âu châu hãy quên đi trong giây lát những nỗi sợ hãi chính đáng và sự thất vọng cay đắng của mình!
Để khai thác cuộc khủng hoảng địa chính trị hiện đang bị kích động bởi chiến thắng của ứng cử viên MAGA công khai theo chủ nghĩa dân tộc, Âu châu phải áp đặt kỷ luật sắt lên sự phối hợp trong các vấn đề an ninh chính (Ukraine, Israel), các vấn đề kinh tế (AI, năng lượng, thuế hải quan) và ngoại giao (trừng phạt, đối thoại với nhóm Nam bán cầu, các tổ chức đa phương). Sai sót nhỏ nhất trong sự phối hợp này sẽ là thảm họa vì nó sẽ bị Washington, Moscow và Bắc Kinh cùng lúc khai thác.
Cơ chế phối hợp đang hiện hữu, dù rằng chúng hoạt động chậm chạp.
Các nhà lãnh đạo vẫn tại vị bất chấp gót chân Achilles của họ, cho dù đó là Mark Rutte tại NATO hay Ursula von der Leyen tại EU... Lợi thế này được củng cố bởi sự chênh lệch thời gian trong lịch bầu cử: EU đang trong giai đoạn khởi động nhiệm vụ mới của mình trong khi chính quyền mới của Trump sẽ không nhậm chức cho đến tháng Giêng năm sau. Âu châu có một vài tuần để xác định trước lập trường về mọi vấn đề bất đồng.
Lợi thế khác của Âu châu nằm ở nội dung lợi ích của họ. Đối với Ukraine, tới lượt Âu châu thay thế Mỹ, đặc biệt là việc viện trợ quân sự, đồng thời nhanh chóng đề xuất kế hoạch ngừng bắn và đàm phán, để khiến chính quyền Trump bất ngờ và cắt ngắn các kế hoạch hòa bình vốn rất có lợi cho Moscow, được tăng cường bởi nhóm Nam bán cầu. Trong quan hệ với Trung Quốc, họ nên đề xuất một con đường khác hơn cuộc chiến thuế quan do Trump tuyên bố. Duy trì đường lối cứng rắn nhưng ít hiếu chiến hơn Washington cuối cùng sẽ đưa đến tình trạng thoải mái hơn với Bắc Kinh: EU chỉ là đối tác chứ không phải đối thủ của Trung Quốc.
Trong quan hệ với nhóm Nam bán cầu, Âu châu phải chơi con bài mới lạ: không ngần ngại đưa ra phương án khác Mỹ, dám cạnh tranh với Mỹ ở Trung Đông thông qua đối đầu với Israel, một lần nữa kêu gọi kiểm soát thông qua đàm phán Chương trình hạt nhân của Iran, v.v. Uy tín của Âu châu đối với nhóm miền Nam sẽ được ủng hộ một cách khách quan bởi sự mất uy tín mà Hoa Kỳ có thể phải gánh chịu ở những khu vực này dưới thời Trump II.
Cuối cùng, đối mặt với một chính quyền Mỹ không đắn đo trong việc đe dọa các đối tác Âu châu của mình, cần phải xác định những điểm không thể nhượng bộ: về quản lý dữ liệu, về AI, về đa dạng hóa các nguồn năng lượng.
Ngày nay, với sự phối hợp được tăng cường và chương trình nghị sự Âu châu được xác định rõ ràng, Âu châu không chỉ có khả năng chống lại mà còn có thể áp lực chính quyền Trump II.
Trong thời gian chờ đợi Trump
Đối với Âu châu, giai đoạn chuyển tiếp cho đến ngày 20/1/2025 sẽ là một bài kiểm tra về sự liên kết, tốc độ hành động và tính “máu lạnh”. Trong hai tháng này, chính quyền Biden sẽ bàn giao cho chính quyền Trump. Và, trong thời gian này, tổng thống đắc cử nhưng chưa phải là tổng thống theo đúng nghĩa, sẽ tự định vị với những tuyên bố rầm rộ nhưng chưa thành hiện thực. Âu châu phải đi trước ông ta và đặt mình vào vị thế đối với Ukraine, Trung Đông, thương mại quốc tế và các tổ chức đa phương.
Đi bước trước và đối lập với Donald Trump.
Đừng lãng phí thời gian: việc ông ta đắc cử có thể đẩy nhanh sự trưởng thành của Âu châu.
Thục Quyên lược dịch
Bài của Cyrille Bret ( Géopoliticien/ Sciences Po/ Institut Jacques Delors)
Bài gốc: https://www.sciencespo.fr/fr/actualites/la-victoire-de-trump-une-bonne-nouvelle-paradoxale-pour-les-europeens/