Bước vào thế kỷ 21, chúng ta thấy cơ chế dân chủ trên thế giới nói chung và Mỹ nói riêng đang bị đe doạ trầm trọng. Đặc biệt tại Mỹ với thể chế Liên Bang, cơ chế tam quyền phân lập và sinh hoạt chính trị lưỡng đảng tưởng chừng như khuôn mẫu lý tưởng đã cho thấy những khuyết điểm từ những viện nghiên cứu, tổ chức vô vụ lợi, các khuynh hướng tôn giáo, các thế lực tư bản, đại công ty, kỹ nghệ đã tạo những thế lực vô hình ảnh hưởng đến các hoạt động của chính quyền đã làm rạn nứt các nguyên tắc, nề nếp được sắp đặt bởi những người sáng lập nước Mỹ. Các nhà học giả, triết gia đang đi tìm một sự cải cách nền dân chủ cho nhân loại. Tuy có những điểm khá gần với Duy Dân (Lý Đông A) nhưng vẫn còn khá xa so với những gì Lý Đông A (LĐA) đề nghị 80 năm trước. Trong cơn lốc hỗn loạn của thế giới đều trông chờ vào nước Mỹ góp phần giải quyết thì nay chính nước Mỹ bước vào cơn lốc dân chủ. Theo cách nhìn của LĐA thì tương quan "Nhiên-Nhân-Dân" hay là "tự nhiên-con người-xã hội" đã mất sự tương quan cần thiết về con người và cơ chế xã hội trong hoàn cảnh thiên nhiên thay đổi.
Con người
Khi tiến bộ kỹ thuật giúp con người giao thông, thông tin, trao đổi hàng hóa nhanh hơn thì những người dân đa số đã không theo kịp đà tiến trong các lãnh vực văn hóa, giáo dục, chính trị, kinh tế... Ngay cả luật pháp cũng không theo kịp để kiểm soát sự thao túng thị trường. Các nước nghèo càng cố chạy theo các nước giàu thì lại càng rơi vào tham nhũng, hỗn loạn dẫn đến độc tài. Trong khi các nước giàu cũng rơi vào hỗn loạn khi giới tư bản khống chế các cơ cấu dân chủ: giới truyền thông, quốc hội, các viện nghiên cứu, đại học, các tổ chức vô vụ lợi, khai thác tài nguyên tới mức cạn kiệt, gây ô nhiễm dẫn đến xung đột giữa phe bảo vệ môi sinh và giới lao động cần việc làm. Điều kiện căn bản sinh sống của con người vẫn như cũ nhưng nếp sống văn minh khiến con người đòi hỏi nhiều hơn trong khi dân số tăng và tài nguyên cạn kiệt dần. Tôn giáo muốn tăng thêm tín đồ. Chính trị muốn thêm quyền lực trên số dân cai trị. Lòng tham khiến mọi thủ đoạn được sử dụng.
Nước Mỹ
Về lịch sử: là quốc gia dân chủ, tụ họp nhiều sắc dân, tôn giáo, khuynh hướng chính trị và có tiềm năng ảnh hưởng đến các biến cố thế giới. Cơ cấu liên bang Mỹ được coi là bền vững qua sự góp sức của các nhà lập quốc rút kinh nghiệm từ Âu Châu. Nước Mỹ đã góp phần cứu thế giới qua hai cuộc chiến và lãnh đạo khối tự do chống lại khối cộng sản trong chiến tranh lạnh 1947-1991. Nhưng chính tại Mỹ, cuộc tranh đấu cho dân chủ vẫn tiếp diễn: phụ nữ được quyền bỏ phiếu 1920. Người da màu được quyền công dân sau nội chiến 1861-1865 đã phải chờ tới 1965 mới được quyền bỏ phiếu. Người di dân Á Châu được quyền công dân 1952. Những điều trên cho thấy sự kỳ thị tại Mỹ ảnh hưởng nặng nề trong sinh hoạt xã hội, chính trị và tất nhiên kinh tế cho dù trên mặt văn hóa giáo dục và tôn giáo đã cổ võ rất nhiều về bình đẳng.
Về địa lý: nước Mỹ trải rộng từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Hai vùng duyên hải dựa lưng vào hai dãy núi Rocky phía Tây và Appalachian phía Đông, ở giữa là bình nguyên. Khác biệt địa lý đã tạo nên các tiểu bang Đỏ (đảng Cộng Hòa) trong khi hai bên bờ đại dương được coi như các tiểu bang Xanh (đảng Dân Chủ). Sau thế chiến, dân Mỹ coi như công dân cường quốc, hãnh diện đứng đầu thế giới về kinh tế và quân sự, bảo vệ hòa bình thế giới và thịnh vượng. Sau cuộc chiến tại Việt Nam, tâm lý người dân Mỹ thay đổi khi giới lãnh đạo Mỹ thay đổi từ Kennedy đến Nixon, Carter đến Reagan.
Người dân: là quốc gia của những người di dân. Các lớp người di dân hợp pháp được du nhập vào Mỹ hàng năm với con số hạn chế. Trong cùng thời gian đó, các người di dân bất hợp pháp vẫn đến qua biên giới. Khi kinh tế Mỹ phát triển thuận lợi thì không ai để ý đến chuyện di dân nhưng khi kinh tế suy thoái thì các nhà chính trị lôi người dân ra làm vật hy sinh: di dân là gánh nặng, phá rối xã hội, gây tội ác... Người dân Mỹ quen hưởng thụ, bình yên và muốn tiếp tục như vậy (khuynh hướng bảo thủ) nên thường có khuynh hướng chống di dân. Tuy rằng nền kinh tế Mỹ dựa trên giới tiểu thương (small business) nhưng chính giới tiểu thương đã dựa vào người di dân để phát triển vì đó là nguồn nhân công sẵn sàng làm việc với giả rẻ mạt mà người Mỹ không muốn làm. Phải chăng nhân quyền của công dân Mỹ khác nhân quyền của người di dân? Chúng ta đều biết nạn kỳ thị tại Mỹ khi người da trắng nghĩ họ "có quyền" hơn người da màu. Vậy khi nước Mỹ kêu gọi nhân quyền cho thế giới thì đó là "cái gì"?
Về tôn giáo: đa số dân Mỹ theo Tin Lành hay Thiên Chúa Giáo bắt nguồn tứ Âu Châu. Một số nhỏ theo Do Thái Giáo, Hồi Giáo. Đa số các nhà thờ có mặt khắp các thành phố Mỹ có khuynh hướng giúp người di dân, thiểu số và thường bao bọc, che chở sự đàn áp của chính quyền. Vậy tín đồ của họ sẽ ủng hộ hay chống đối người di dân? Chúng ta sẽ thấy sự mâu thuẫn xảy ra khắp nơi mọi lãnh vực, cấp độ và hậu quả ảnh hưởng lẫn nhau khiến sự tìm kiếm giải pháp càng khó khăn khi mọi người đánh mất đầu mối sự việc.
Niềm tin vào tôn giáo hay đảng (khuynh hướng) chính trị khiến người dân "tin" theo "lãnh đạo" và quay ra chống lẫn nhau thay vì trực tiếp thảo luận để quy trách nhiệm về tầng lớp "lãnh đạo". Người (lãnh đạo) tốt thì không muốn đụng tới kẻ xấu. Trong khi kẻ xấu thì cấu kết với nhau để bảo vệ ngôi vị và thao túng cơ cấu. Người dân Mỹ muốn giữ niềm tin và không muốn chấp nhận sai lầm và chỉ muốn tiến tới (move forward) bỏ rắc rối sau lưng mà quên rằng "nó" sẽ tái diễn trong tương lai. Khi các nhà truyền đạo ngăn cản sự tham dự của phụ nữ trong sinh hoạt xã hội, tôn giáo, chính trị... thì việc đối xử với người di dân, nghèo, bệnh tật phải chăng chỉ là trò hề nhân danh Thượng Đế để dụ dỗ tín đồ khi chính bản thân họ vi phạm những lời dạy từ kinh điển.
Về chính trị: cơ chế liên bang và hiến pháp phân biệt giáo quyền và chính quyền nhưng lại cùng tin vào Thượng Đế (In God we trust). Viên chức chính quyền khi nhậm chức phải đặt tay trên Thánh kinh và tuyên thệ phục vụ tổ quốc. Khi các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trong sạch thì không sao nhưng khi người dân nhắm mắt chọn kẻ xấu thì mọi chuyện nổ tung. Khi luật cho phép tự do tôn giáo có nghĩa là nhiều tôn giáo được truyền đạo tại Mỹ. Vậy thì nếu các chính trị gia hay ông Tòa dựa vào một tôn giáo A để giải thích hành động X của mình thì các tôn giáo khác sẽ nghĩ sao? Đến khi hành động Y được giải thích theo tôn giáo B thì xã hội sẽ như thế nào? Các chính trị gia (hay ông tòa) có thể nói Thượng đế A hay B đúng?
Về thông tin: tự do thông tin cũng là biểu hiện dân chủ. Nhưng khi giới truyền thông chỉ đi theo một chiều thì sẽ hướng dẫn dư luận đi về đâu? Khi 10 ngàn người biểu tình tấn công Quốc Hội ngày 1/6 thì có ai quan tâm đến ý kiến của 300 triệu dân Mỹ? Khi người dân tin mù quáng vào kẻ nói láo mà giới truyền thông không giải độc "nói láo" nhưng lại tiếp tục loan tin từ kẻ nói láo mà không truy xét sự thật khi luật cho phép tìm nguồn tin (Freedom of Information Act). Tai hại của mạng xã hội là tin tức (biến cố chung) bị xét theo ý kiến cá nhân vô trách nhiệm vì không đi qua thảo luận nhóm tại địa phương. Nếu xảy ra tại địa phương A mà giới chức chính quyền và dân không giải quyết được thì xã hội rối loạn từ đây. Ngay từ trong gia đình nếu cha mẹ không trách nhiệm với nhau về con cái thì xã hội, trường học, chính quyền chỉ là bãi chiến trường của những cá nhân vô kỷ luật.
Về hiến pháp: hiến pháp Mỹ được thực hiện bởi các nhà lập quốc có lý tưởng dân chủ, tin tưởng những người di dân sẽ đóng góp xây dựng một quốc gia tốt đẹp với cơ chế chính quyền được phối hợp bởi 3 ngành Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp cùng với giáo quyền tách ra khỏi chính quyền để tránh sai lầm đã xảy ra tại Âu Châu. Tuy hiến pháp Mỹ được củng cố bởi các tu chính án nhưng vẫn còn nhiều sơ hở ngay từ căn bản khi tạo cơ hội cho người dân nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm từ cá nhân đến tập thể. Khi thịnh vượng thì mọi người đều vui nhưng khi suy thoái thì quay ra cấu xé vì kỳ thị. Để giải quyết khủng khoảng không phải dễ vì nền tảng hiến pháp đã như vậy và lòng kiêu hãnh đại cường đã khiến nhiều người dân Mỹ không muốn nhận sai lầm mà chỉ muốn tiến tới? Các nhà sáng lập nước Mỹ đã lạc quan khi viết hiến pháp đã không nhìn tới khía cạnh xấu. Họ tưởng rằng người di dân sẽ luôn luôn làm (tốt) cho nước Mỹ được hùng mạnh mà quên sự giàu sang sẽ làm hư hỏng con người và kẻ đi trước sẽ bóc lột kẻ đến sau. Kẻ khôn ngoan, giàu có sẽ bóc lột người ngu, nghèo. Kẻ gian lận, xảo quyệt sẽ lấn hiếp người lương thiện thì làm sao cải thiện hiến pháp khi dân Mỹ coi như "thánh kinh": bất khả xâm phạm.
Dân chủ: ai cũng hiểu dân chủ là từ dân nhưng khi qua tầng lớp trung gian thì biến chất, lũng đoạn. Nếu cách mạng là sự thay đổi thường trực, liên tục thì người dân muốn bảo vệ nền dân chủ cũng phải tham dự thường trực, liên tục với mọi thay đổi xã hội. Nếu người dân muốn quy trách nhiệm cho các cấp lãnh đạo thì hãy khởi đầu với trách nhiệm từ chính họ. Đời sống tinh thần thì người dân giao cho lãnh đạo tôn giáo. Đời sống vật chất thì giao cho lãnh đạo chính trị. Tự do và dân chủ chỉ là sáo ngữ khi chính nghĩa và chính kiến không còn nơi tôn giáo lẫn chính trị. Nhìn vào sinh hoạt chính trị Mỹ, người dân tham dự ứng cử viên vòng loại (primary). Một khi chọn ai lầm thì ai chịu trách nhiệm với quần chúng. Khi tranh luận về các nhu cầu cần thay đổi như điều kiện chọn ứng cử viên thì sẽ theo thứ tự nào? Làm sao biết đúng, sai? Hay chỉ vì ứng cử viên nói trúng tâm lý? Người dân địa phương sẽ giải quyết như thế nào giữa nhu cầu địa phương, quốc gia và thế giới? Nếu ai cũng vì "cái tôi" trước (me first) thì còn gì là quốc gia? Nếu dựa trên số đông (kỳ thị) thì còn gì là "hợp chủng quốc"? Nếu dựa trên tôn giáo thì đâu là bình đẳng? Nếu bảo là luật pháp ghi (hay tòa phán quyết) như vậy (hay chưa xác định) thì có gọi là công bằng? Khi công lý từ ông tòa A phán X tại tiểu bang mà xanh (dân chủ) ông Tòa B phán Y tại tiểu bang đỏ (cộng hòa) thì "công lý" là gì?
Nếu mọi người dân Mỹ muốn giải quyết khó khăn thì hãy trở về căn bản dân chủ: họp làng xã (townhall meeting). Từ cấp làng xã (hạ tầng cơ sở) để cùng nhau đối diện vấn đề, tìm ra giải pháp chung, nhận diện ai là kẻ phá hoại. Khi người dân làm luật (lập pháp) thi hành luật (hành pháp) và phán quyết đúng-sai (tư pháp) qua sự đối thoại (thông tin) thì mọi ngộ nhận sẽ sáng tỏ, mọi âm mưu phá phoại sẽ chấm dứt và những kẻ lợi dụng, vô trách nhiệm sẽ bị khai trừ. Nhưng lòng tự hào về đại cường thế giới qua hai thế chiến, với địa lý thuận lợi khiến dân Mỹ rơi vào hưởng thụ và lơ là trách nhiệm dân chủ.
Thời gian với tiến hóa đối lập thống nhất (Lý Đông A). Khi khoa học kỹ thuật Mỹ tiến bộ lôi kéo thế giới chạy theo. Cạnh tranh kinh tế xảy ra. Dân số tăng gia. Trật tự thế giới thay đổi. Tư bản Mỹ tham giàu, đầu tư vào các nước nghèo. Dân Mỹ mất việc làm. Lưỡng đảng Mỹ không còn hợp tác mà quay ra chống phá lẫn nhau. Thất bại của lãnh đạo Mỹ khiến xã hội Mỹ rối loạn vì di dân, phá thai, bảo hiểm y tế, việc làm khan hiếm vì lương bổng tăng...
Cùng lúc đó áp lực thế giới tăng vì xung đột tôn giáo, kinh tế, di dân khiến các chế độ độc tài có cơ hội phát triển gây chiến tranh đe dọa các cơ chế dân chủ thế giới. Với sự thay đổi khí hậu và môi sinh thì nhân loại ý thức sự tồn vong của loài người dựa vào thiên nhiên. Kiến thức con người đóng góp qua Liên Hiệp Quốc không đủ để xây dựng hòa bình thế giới khi nhân quyền của con người còn bị phân hóa bởi tham vọng chính trị. Nhân loại cần mở con đường mới. Người dân có thể lấy lại quyền làm chủ trong sinh hoạt hàng ngày hay vẫn sẽ giao phó cho tầng lớp ưu tú (elite). Ngược lại tầng lớp ưu tú sa lầy trong kiến thức chuyên môn đã đánh mất tương quan về con người và xã hội. Giới lãnh đạo quên căn bản Nghĩa giữa tự nhiên-con ngươi-xã hội, quên căn bản Học giữa triết học-khoa học-sử học, quên luôn cả căn bản Luận, nhận thức luận, phương pháp luận thì khó mà tìm ra kết quả hữu hiệu cho quần chúng. Thêm vào đó tôn giáo ngày càng trở nên mối họa hơn là ích lợi cho con người khi giới lãnh đạo tôn giáo, giáo hội suy thoái, biến chất như một tổ chức chính trị độc tài biến tín đồ thành những kẻ cuồng tín mở đường cho chiến tranh diệt chủng.
Thế giới
Sự thông tin mạng giúp thế giới gần nhau hơn. Trật tự thế giới là trật tự chung không riêng gì cho một quốc gia áp chế lên các nước khác. Một cương thường chung sẽ giúp Liên Hiệp Quốc hoạt động thuận lợi hơn. Nhưng cương thường chỉ được chấp thuận khi mỗi quốc gia có một trật tự riêng thích hợp với cái chung của thế giới. Thí dụ: nhân quyền. Từ "quyền" đi đến "lợi". Phân "quyền" cần hợp lý thì phân "lợi" cũng phải hợp lý. Nhưng muốn có "lợi" thì phải có "công". Ai sẽ phân công ngoài chính quyền. Trở lại "phân quyền" thì làm sao tránh lạm quyền? Mà theo dân chủ thì "quyền" từ dân giao phó cho đại diện dân cử để có "thế lực" thi hành. Nếu họ làm không xong thì dân phải lấy lại (thu hồi) quyền đó. Nguồn gốc của quyền dân chủ từ dân, từ họp làng xã như đã xảy ra tại VN từ ngàn xưa. Liệu người dân (Mỹ gốc Việt) có đủ can đảm để chấp nhận vai trò "dân chủ" hay vẫn chạy theo hưởng thụ và bán cái cho kẻ khác (cộng sản hay tư bản) thống trị.
Kết
Muốn thay đổi không khó khi tìm ra lý thuyết. Cái khó là "lòng người ngại núi, e sông" khi có được lý thuyết mà không muốn sử dụng vì: Ngã si, Ngã ái, Ngã kiến, Ngã mạn. Trở ngại không còn là ngôn ngữ, giao thông, tôn giáo, sắc tộc... hay mục đích về hòa bình, hạnh phúc cũng không khác nhau mấy. Cái khó là làm sao cho cả thế giới chấp nhận một cương thường chung rồi từ đó mỗi quốc gia, dân tộc thực hiện theo điều kiện riêng để tiến tới cái chung đó. Theo Lý Đông A thì đó là tu dưỡng vì giáo dục là khởi điểm và chung điểm của chính trị. Mà chính trị là điều hành và xây dựng nhân sinh, kinh tế. Coi có vẻ giản dị nhưng rất khó vì đại đa số sợ sẽ mất địa vị (job) đang có và sẽ tìm cách gây rối như cuộc bầu cử Mỹ 2024 đang xảy ra. Khi "quyền" trả lại cho dân có nghĩa người dân sẽ phải nắm lấy và hành xử (như trung tâm hội nghị cấp xã) để thường xuyên kiểm soát các "đại diện dân" có làm đúng ý dân hay tìm cách lũng đoạn. Quyết định từ dân sẽ xác định tính dân chủ của chế độ chứ không phải từ giai cấp lãnh đạo nếu được gọi là "đầy tớ của nhân dân" tức là chỉ thi hành những gì dân quyết định khi làn "sóng đáy" thành hình (Lý Đông A).
Trần Công Lân
*Bài trong mục Quan Điểm là quan điểm của người viết, không nhất thiết là quan điểm của Việt Báo.