Hôm nay,  

Không Thể Ngừng Nghĩ Về Đồ Ăn? Làm Sao Cưỡng Lại “Tiếng Gọi của Thức Ăn”

08/11/202400:00:00(Xem: 608)
ngung an
Tiếng gọi thức ăn là tình trạng suy nghĩ dai dẳng, khó kiểm soát, khiến người ta căng thẳng đầu óc và khó tập trung vào những việc khác. (Nguồn: pixabay.com)
Gần đây, thuật ngữ “food noise”, hay “tiếng gọi thức ăn” xuất hiện khắp nơi. Nghe qua cụm từ này, nhiều người có thể nghĩ đó là những âm thanh như tiếng giòn khi ta nhai khoai tây chiên, hay tiếng dầu sôi xèo xèo khi nấu ăn. Thực ra, đó là tình trạng khó kiểm soát về thức ăn khi người ta nghĩ hoài về thức ăn khiến đầu óc căng thẳng khó tập trung vào các hoạt động khác. Có thể tạm hiểu “food noise” là ‘sự bận tâm, thèm thuồng về đồ ăn’ hay ‘tiếng gọi của thức ăn.’ Trong một chương trình truyền hình đặc biệt gần đây, Oprah đã nhắc đến hiện tượng này khi nói về các loại thuốc giảm cân như OzempicWegovy.
 
Dù không phải là khái niệm mới hay bệnh lý chính thức, “sự bận tâm với đồ ăn” ngày càng thu hút sự chú ý, đặc biệt khi các loại thuốc giảm cân GLP-1 như Ozempic và Wegovy trở nên phổ biến. Ngoài công dụng giảm cân, nhiều người dùng cho biết các loại thuốc này còn giúp giảm, thậm chí loại bỏ hoàn toàn, hiện tượng suy nghĩ thèm thuồng về thức ăn.
 
Robert Kushner, bác sĩ chuyên khoa về béo phì và giáo sư về giáo dục y khoa tại Trường Y Feinberg, Đại học Northwestern, cho biết: “Nhiều bệnh nhân dùng thuốc GLP-1 thường cho biết rằng họ cảm thấy đầu óc yên tĩnh hơn và bớt bị ám ảnh về đồ ăn. Điều đó khiến tôi chú ý hơn về khái niệm ‘food noise.’
 
Theo Rachel Goldman, nhà tâm lý học chuyên về hành vi ăn uống và giảng sư tại Trường Y Grossman, Đại học NYU, văn hóa ăn kiêng hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra ‘tiếng gọi thức ăn.’ Người ta thường bắt gặp những thông điệp về việc nên ăn gì và không nên ăn gì, khiến cho những suy nghĩ về chuyện ăn uống cứ lởn vởn trong đầu óc. Mãi cho đến khi những mối bận tâm đó biến mất, người ta mới nhận ra tâm trí mình đã bị ‘quấy nhiễu’ đến mức nào.
 
Tác hại khi thường nghĩ về đồ ăn
 
Cần phải giải thích rõ rằng food noise không liên quan đến cảm giác đói hay thiếu thốn thực phẩm. Lawrence Cheskin, giáo sư về dinh dưỡng và nghiên cứu thực phẩm tại Đại học George Mason, giải thích rằng đó là những suy nghĩ và cảm giác thôi thúc liên tục về thức ăn mà không nhất thiết có liên quan đến nhu cầu thực sự của cơ thể.
 
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nutrients năm 2023, food noise được mô tả là trạng thái suy nghĩ ám ảnh và rối rắm về đồ ăn, có thể xuất hiện do các tín hiệu bên trong (như cảm giác đói cồn cào hay nghĩ về chuyện ăn uống) hoặc từ các yếu tố bên ngoài (như nhìn thấy hay ngửi thấy mùi thơm của đồ ăn). Những tín hiệu này có thể khơi dậy những suy nghĩ liên quan đến thức ăn và cứ lặp đi lặp lại
 
Mức độ và ảnh hưởng của “tiếng gọi thức ăn” có thể khác nhau: với một số người, đó là những suy nghĩ không ngừng về việc ăn gì, khi nào ăn, hoặc ăn bao nhiêu, khiến họ bị xao nhãng và căng thẳng đầu óc. Họ thậm chí có thể nghĩ về bữa ăn tiếp theo trong khi đang ăn bữa hiện tại.
 
Bác sĩ Susan Albers từ Cleveland Clinic cho biết: “Để dễ hình dung, chúng ta dùng biểu đồ hình tròn tượng trưng cho những suy nghĩ diễn ra trong một ngày. Hãy nhớ lại xem quý vị thường dành bao nhiêu thời gian trong ngày để nghĩ về chuyện ăn uống? Với những người bị ám ảnh nặng nề bởi chuyện ăn uống, họ có thể dành tới 80-90% thời gian trong ngày để nghĩ về đồ ăn.
 
Goldman nói thêm: “Nếu ở mức nặng, food noise còn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ khi ăn uống, hoặc bồn chồn lo lắng, khiến người ta khó hoạt động hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày.” Ngược lại, những người chỉ bị nhẹ có thể còn chẳng nhận ra là mình đang bị phiền nhiễu với hiện tượng này.
 
Ai dễ bị ‘suy nghĩ ám ảnh về đồ ăn’? Tại sao?
 
Bất kỳ ai cũng có thể gặp phải hiện tượng này, nhưng những người thừa cân hoặc béo phì thường gặp nhiều hơn, khiến việc giảm cân trở nên khó khăn. “Nếu ai đó cứ liên tục nghĩ về thức ăn, họ thường sẽ ăn nhiều hơn,” Cheskin giải thích.
 
Theo một nghiên cứu trên tạp chí Obesity Reviews, phản ứng mạnh với các tín hiệu liên quan đến thức ăn thường gây cảm giác thèm ăn và ảnh hưởng đến hành vi ăn uống, làm tăng nguy cơ tăng cân.
 
Phúc trình của Weight Watchers và STOP Obesity Alliance năm 2024 cũng chỉ ra rằng “hơn một nửa số người thừa cân hoặc béo phì bị ám ảnh với những suy nghĩ về đồ ăn, khiến họ khó tuân thủ chế độ dinh dưỡng lành mạnh hoặc vận động, tập thể dục.
 
Những người mắc chứng hỗn loạn ăn uống (eating disorder) hoặc ăn uống không điều độ cũng dễ bị ảnh hưởng. Goldman giải thích: “Nếu quý vị thường nhịn ăn, bỏ bữa, cơ thể sẽ phát ra tín hiệu đòi ăn nhiều hơn, làm tăng sự ám ảnh về thức ăn.
 
Ngoài ra, những ai có quá nhiều quy tắc nghiêm ngặt, khắt khe về chuyện ăn uống hoặc đã ăn kiêng nhiều năm, cũng có thể gặp phải hiện tượng ám ảnh về đồ ăn. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Appetite năm 2024, food noise rất phổ biến ở những người mắc chứng orthorexia nervosa (chứng ám ảnh về việc ăn uống lành mạnh), tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc ăn kiêng và luôn bận tâm về sự tinh khiết của thực phẩm.
 
Albers cho biết: “Food noise không chỉ gây khó chịu mà còn tạo ra cảm giác xấu hổ hoặc tự phán xét về thói quen ăn uống của mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội và làm giảm hứng thú với các hoạt động khác trong cuộc sống.
 
Các loại thuốc giảm cân như Ozempic làm thế nào để giúp giảm bớt những suy nghĩ về thức ăn?
 
Thật sự là có nhiều người dùng thuốc GLP-1 như Ozempic hoặc Wegovy cho biết họ bớt bị ám ảnh với những suy nghĩ về thức ăn.
 
Theo giáo sư Cheskin, các loại thuốc này tác động lên những thụ thể liên quan đến cảm giác đói và sự thèm ăn trong não bộ và hệ tiêu hóa, giúp giảm bớt một số tác nhân kích thích cảm giác thèm ăn.
 
GLP-1 (viết tắt của glucagon-like peptide 1) là một loại hormone tự nhiên có vai trò kiểm soát đường huyết, cảm giác thèm ăn và tiêu hóa. Các thụ thể GLP-1 phân bố khắp nơi trong não bộ, nhất là ở Vùng dưới đồi (hypothalamus) và các vùng não liên quan đến phản ứng khen thưởng (reward centers). Khi uống thuốc, thuốc sẽ tác động đến các thụ thể GLP-1, giúp giảm bớt các tín hiệu thúc đẩy cảm giác đói hoặc ám ảnh về thức ăn.
 
W. Scott Butsch, giám đốc chuyên khoa béo phì tại Bariatric and Metabolic Institute, Cleveland Clinic, giải thích thêm: “Nói cách khác, các thuốc loại này làm gián đoạn đường dẫn dopamine trong hệ thống phản ứng khen thưởng của não bộ, ngăn chặn hoặc giảm bớt các suy nghĩ ám ảnh về thức ăn. Nên người dùng thuốc sẽ cảm thấy ít nghĩ về thức ăn hơn.
 
Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Addiction chỉ ra rằng các loại thuốc giúp ức chế GLP-1 có thể hỗ trợ cho những người đang phải đối mặt với các chứng nghiện ngập. Cụ thể, những người bị hỗn loạn sử dụng rượu (alcohol use disorder, AUD) có thể kiểm soát thói quen uống rượu tốt hơn 50%, giảm bớt tình trạng say xỉn khi dùng các loại thuốc này. Tương tự, thuốc cũng giúp những người nghiện opioid giảm 40% tỷ lệ quá liều.
 
Butsch cho biết: “Một số người không nhận ra mình đang gặp phải tình trạng food noise cho đến khi bắt đầu dùng các loại thuốc này. Họ nhận thấy rằng suy nghĩ của mình trở nên rõ ràng hơn, có nhiều không gian hơn trong tâm trí, không còn bị chi phối bởi những suy nghĩ về thức ăn. Chúng tôi chưa rõ liệu điều này có ảnh hưởng đến cân nặng hay không, nhưng rõ ràng là tâm trí được thảnh thơi có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.
 
Ngoài thuốc ra còn cách nào khác để bớt bị ám ảnh bởi thức ăn?
 
Những người không dùng thuốc GLP-1 hay thuốc giảm cân khác vẫn có thể áp dụng một số biện pháp để bớt bị ám ảnh với những suy nghĩ về đồ ăn, gồm việc ngủ nghỉ, thói quen ăn uống, tập thể dục và cách kiểm soát căng thẳng đầu óc.
Ngoài ra, việc ghi chép lại các suy nghĩ hoặc tình huống liên quan đến food noise cũng rất hữu ích. Khi đã nhận biết được những yếu tố kích thích hiện tượng này, quý vị có thể tìm cách giảm bớt. Thí dụ, nếu sự bận tâm về thức ăn trở nên mạnh mẽ sau khi đã không ăn gì trong năm giờ, thì quý vị có thể thử ăn chút gì đó trong khoảng ba đến bốn giờ thôi, đừng để quá năm giờ, để giảm bớt cảm giác đói và lo âu.
 
Hãy cố gắng duy trì thói quen ăn uống điều độ, và lựa chọn những món ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe mà bản thân mình cũng thích. Bên cạnh đó, tập thể dục hoặc tham gia các hoạt động thú vị cũng có thể kích thích sản sinh dopamine, giúp làm dịu đi những suy nghĩ ám ảnh về ăn uống.
 
Cuối cùng, sự bận tâm về đồ ăn là một vấn đề rất phổ biến, vì vậy quý vị đừng tự trách mình. Goldman nhấn mạnh: “Cách chúng ta nhìn nhận và nói chuyện với chính bản thân mình rất quan trọng,” mọi người nên suy nghĩ thoáng hơn và biết yêu thương bản thân hơn.

Cung Đô biên dịch
Nguồn: “Can’t stop thinking about your next meal? That’s ‘food noise’—here's how to stop it” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Một nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Investigation, đã đưa ra một phát hiện bất ngờ: bị nhiễm COVID nặng lại có thể giúp thu nhỏ các khối u ung thư. Dù chỉ mới được kiểm nghiệm ở chuột, phát hiện này mang đến những hy vọng mới trong điều trị ung thư và những hiểu biết mới về mối quan hệ phức tạp giữa hệ thống miễn dịch và tế bào ung thư. Tuy nhiên, các khoa học gia cũng cảnh báo rằng điều này không có nghĩa là mọi người nên cố tình để mình bị nhiễm COVID thử cho biết.
Nữ doanh nhân 41 tuổi người Kenya, Wachuka Gichohi, đã sống chung với Covid kéo dài (long Covid) suốt bốn năm qua. Các triệu chứng như mệt mỏi, kiệt quệ, đau đớn và các cơn hoảng loạn (panic attack) khiến cô từng lo sợ mình sẽ không qua khỏi mỗi đêm.
Bệnh tiểu đường loại 1 (Type 1 Diabetes – T1D) từ lâu đã là một thách thức lớn với y học. T1D là một căn bệnh tự miễn dịch, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào sản xuất insulin, khiến cơ thể hoàn toàn không thể sản xuất insulin – hormone quan trọng giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Theo thống kê, T1D có thể khiến bệnh nhân mất trung bình 32 năm sống vui khỏe.
Kẹo có cam thảo thật chứa một hợp chất hóa học gọi là glycyrrhizin. Hợp chất này tác động trực tiếp đến thận, ảnh hưởng đến việc điều chỉnh sự cân bằng nước, natri và kali trong cơ thể. Glycyrrhizin ngăn chặn một enzyme quan trọng ở thận, khiến cơ thể giữ lại quá nhiều nước và natri nhưng lại thải ra quá nhiều kali. Mà Kali là một khoáng chất không thể thiếu để cho tim hoạt động bình thường. Nếu mức kali giảm xuống quá thấp, các chức năng của tim bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm – thậm chí là tử vong.
Hiện nay, có ít nhất bảy loại siêu vi trùng được biết là có thể góp phần vào sự phát triển ung thư ở người, theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Các loại siêu vi trùng này bao gồm siêu vi trùng HPV (Human papilloma siêu vi trùng), siêu vi trùng viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV), Epstein-Barr (EBV), siêu vi trùng Herpes liên quan đến Kaposi’s sarcoma (một bệnh lý ác tính toàn thân thường gặp ở những người bị suy yếu hệ thống miễn dịch, biểu hiện với các tổn thương da, có hoặc không liên quan đến những bộ phận bên trong cơ thể), siêu vi trùng lymphotropic T-cell ở người (liên quan đến một số loại ung thư máu), và siêu vi trùng polyoma Merkel cell.
Đối với nhiều người, thật khó để có đủ đầy năng lượng hoàn thành hết các công việc trong một ngày. Và với một phần ba người trưởng thành bị thiếu chất sắt (iron deficiency) ở Hoa Kỳ, mỗi ngày của họ trôi qua còn mệt mỏi hơn nhiều. Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 2 tỷ người đang bị thiếu sắt theo nhiều kiểu khác nhau. Sắt là một loại khoáng chất rất cần thiết cho nhiều chức năng sinh học quan trọng trong cơ thể. Thiếu sắt thường khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, hụt hơi, khó thở, chóng mặt, đau đầu, và thậm chí có thể ảnh hưởng đến tim mạch.
Kể từ năm 2019, cuộc sống của Edith và Sébastien Pelletier bỗng nhiên bị xáo trộn khi họ phát hiện ba trong số bốn đứa con nhỏ mắc phải một bệnh về mắt hiếm gặp và không thể chữa trị, thường dẫn đến mù lòa. Họ đã bắt đầu chuẩn bị, dạy cho các con những kỹ năng cần thiết để thích nghi với cuộc sống khi lâm vào cảnh mù lòa. Đồng thời, họ cũng tranh thủ đưa các con đi du lịch khắp thế giới để giúp con lưu giữ trong trí nhớ những hình ảnh đẹp đẽ trước khi căn bệnh tiến triển nặng hơn. Hành trình này đã được ghi lại trong bộ phim tài liệu của National Geographic có tên là “Blink,” vừa được ra mắt vào ngày 4 tháng 10.
Năm 2022, vận động viên điền kinh nổi tiếng của Hoa Kỳ Allyson Felix đã công bố một chính sách đổi hàng độc đáo cho thương hiệu giày chạy bộ Saysh của cô: cho phép khách hàng đổi lấy một đôi giày mới nếu sau khi mua giày, chân của họ thay đổi kích cỡ do mang thai.
Bộ não của chúng ta không ngừng sàng lọc thông tin, loại bỏ những kiến thức không còn cần thiết để nhường chỗ cho thông tin mới quan trọng hơn. Tuy nhiên, khi tuổi tác tăng, khả năng này suy giảm, khiến việc tiếp nhận kiến thức mới trở nên khó khăn hơn. Đây là một trong những kết luận quan trọng từ luận án nghiên cứu gần đây của Đại học Örebro, Thụy điển.
Phim kinh dị, ngôi nhà ma ám, và những trò hù dọa nhau vào dịp Halloween thường là các hoạt động giải trí vô hại. Tuy nhiên, nỗi sợ mà chúng tạo ra có thể kích thích phản ứng “chống trả-hay-bỏ chạy” (fight or flight) của cơ thể và gây ra hàng loạt thay đổi sinh lý.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.