Việc Donald Trump sẽ quay lại Tòa Bạch Ốc vào tháng 1 năm 2025, cùng với một Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo, khiến nhiều đồng minh quốc tế của Hoa Kỳ đứng ngồi không yên, còn một số đối thủ thì vỗ tay hoan nghênh. Trong khi các đồng minh dù lo lắng vẫn cố gắng thể hiện sự kiên định, thì những thế lực đối địch của Washington lại khó giấu được niềm vui của mình.
Về cuộc chiến ở Ukraine, Trump có thể sẽ tìm cách gây áp lực để ít nhất buộc hai bên chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn dọc theo các chiến tuyến hiện tại, hoặc thậm chí là thỏa thuận hòa bình lâu dài mà theo đó Ukraine sẽ phải công nhận việc Nga đã kiểm soát một số vùng lãnh thổ, bao gồm cả Crimea (được Nga sáp nhập từ 2014) và các khu vực khác bị chiếm đóng từ tháng 2 năm 2022.
Ngoài ra, Trump cũng có thể sẽ chấp nhận yêu cầu của Putin về việc ngăn cản Ukraine gia nhập NATO trong tương lai. Do Trump đã từng công khai thể hiện sự “khó ở” với NATO, đây cũng sẽ là một áp lực lớn đối với các đồng minh Âu Châu của Kyiv. Trump có thể sẽ lại đe dọa rời khỏi NATO để buộc các quốc gia Âu Châu phải ký kết một thỏa ước với Nga về vấn đề Ukraine.
Về Trung Đông, Trump vốn luôn ủng hộ Israel và Saudi Arabia. Khi quay lại Tòa Bạch Ốc, ông có thể sẽ tiếp tục giữ quan điểm này, thậm chí còn cứng rắn hơn đối với Iran. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu hiện tại của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Netanyahu có vẻ đang quyết tâm tiêu diệt các lực lượng được Iran hậu thuẫn, như Hamas (ở Gaza), Hezbollah (ở Lebanon), và Houthi (ở Yemen), nhằm làm suy yếu năng lực quân sự của Iran. Ông đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, người phản đối cách điều hành chiến dịch ở Gaza. Hành động này có thể vừa để dọn đường cho một cuộc chiến trường kỳ ở Dải Gaza, vừa là bước chuẩn bị cho việc mở rộng chiến dịch quân sự sang Lebanon và một đòn tấn công có thể hủy diệt Iran nếu có thêm bất kỳ cuộc tấn công nào từ Iran vào Israel.
Việc Trump đắc cử sẽ tiếp thêm sức mạnh cho Netanyahu, đồng thời củng cố thêm vị thế của Trump trước Putin. Hiện Putin đang cần sự hỗ trợ từ Iran cho cuộc chiến ở Ukraine, và Trump có thể dùng lời hứa sẽ kiềm chế hành động của Netanyahu làm quân bài mặc cả với Putin, nhằm đạt được một thỏa thuận về vấn đề Ukraine.
Chuyển hướng sang TQ
Trái ngược với các vấn đề liên quan đến Ukraine và Trung Đông, quan hệ với TQ có thể sẽ ổn định hơn và không có quá nhiều thay đổi. Quan hệ với TQ hiện là thách thức chiến lược quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và chính quyền Biden đã duy trì nhiều chính sách mà Trump từng khởi xướng. Trong nhiệm kỳ sắp tới, Trump có thể sẽ tiếp tục và tăng cường những chính sách này.
Sắp tới, Washington rất có thể sẽ tăng cao thuế nhập cảng nhằm gây áp lực lên TQ. Nhưng Trump vẫn có thể sẵn sàng đàm phán, thỏa thuận với Tập Cận Bình nếu điều đó có lợi cho Hoa Kỳ.
Cũng giống như trong quan hệ với các đồng minh Âu Châu trong NATO, cam kết của Trump đối với việc bảo vệ Đài Loan và các đồng minh khác ở Á Châu (bao gồm Philippines, Nam Hàn, và có thể là Nhật Bản) vẫn là một câu hỏi lớn. Trump từng tỏ ra khá hờ hững với các cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh này.
Tuy nhiên, như mối quan hệ “lúc xa lúc gần” của ông với Bắc Hàn trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump cũng có thể sẵn sàng đẩy tình hình đến sát ngưỡng xung đột như vào năm 2017 khi Bắc Hàn thử nghiệm các phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
Với sự khó lường của Bình Nhưỡng, rất có thể tình huống tương tự sẽ tái diễn. Đồng thời, với cái tính sáng nắng chiều mưa, Trump có thể sẵn sàng chấp nhận một Bắc Hàn sở hữu vũ khí nguyên tử nếu điều đó giúp ông đạt được thỏa thuận với Nga.
Vì nếu Trump chấp nhận tình huống đó, ông sẽ có thêm lợi thế trong quan hệ với TQ, vì Bắc Kinh hiện cũng rất gai mắt trước mối quan hệ ngày càng thân giữa Nga và Bắc Hàn.
Chuẩn bị cho Tòa Bạch Ốc dưới thời Trump
Dù là đồng minh hay đối thủ của Hoa Kỳ, họ đều sẽ tận dụng những tháng ngày còn lại trước khi Trump quay lại Nhà Trắng để củng cố vị thế của mình. Ai cũng muốn đạt được các mục tiêu hoặc hoàn thành các việc mà có thể sẽ khó khăn hơn khi Trump lên nắm quyền.
Với dự đoán rằng Trump sẽ đẩy mạnh việc chấm dứt các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông, và để chuẩn bị trước cho việc “giữ nguyên hiện trạng” lúc đó, các bên liên quan có thể sẽ leo thang chiến sự để tranh thủ giành phần hơn. Và đây chẳng phải là chuyện tốt đẹp gì, mà chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở cả Ukraine và Trung Đông.
Căng thẳng quanh bán đảo Hàn Quốc cũng có nguy cơ gia tăng. Bình Nhưỡng có thể sẽ thực hiện thêm các cuộc thử nghiệm phi đạn – và có thể là nguyên tử - để củng cố uy thế của mình.
Chiến sự leo thang ở Âu Châu và Trung Đông, cùng với căng thẳng ở Á Châu, sẽ gây sức ép nặng nề lên mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và các đồng minh trong ba khu vực này.
Tại Âu Châu, mối lo ngại lớn nhất là Trump tự ý thỏa thuận riêng với Nga mà không màng đến ý kiến của các quốc gia EU và trong khối NATO, thậm chí có thể đe dọa bỏ rơi các đồng minh trong vấn đề an ninh. Điều này sẽ khiến bất kỳ thỏa thuận nào giữa Ukraine hoặc Âu Châu với Nga trong tương lai khó duy trì lâu dài. Tình hình khả năng phòng thủ khá yếu của Âu Châu và sự suy giảm lòng tin vào ô dù nguyên tử của Hoa Kỳ sẽ chỉ giúp Putin đẩy mạnh tham vọng bành trướng của mình một khi đạt được thỏa thuận với Trump.
Ở Trung Đông, nếu không bị kiềm chế, Netanyahu sẽ tha hồ “tự tung tự tác.” Một số quốc gia Ả Rập có thể hoan nghênh việc Israel tấn công Iran và các lực lượng thân Iran, nhưng họ cũng sẽ lo ngại về phản ứng của cộng đồng quốc tế và sự phẫn nộ của người dân, đặc biệt nếu những cuộc xung đột này không giải quyết được quyền lợi của người Palestine. Nếu không giải quyết vấn đề Palestine, sự ổn định trong khu vực, chứ đừng nói đến hòa bình, cũng sẽ chỉ là chuyện xa vời.
Ở châu Á, những thách thức lại mang tính chất khác. Vấn đề chính ở đây không phải là việc Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi khu vực, mà là nguy cơ xảy ra leo thang căng thẳng khó lường và ngoài tầm kiểm soát. Dưới thời Trump, Washington và Bắc Kinh sẽ khó tránh khỏi là “bẫy Thucydides” – một lý thuyết cho rằng xung đột giữa một cường quốc đang suy yếu và một đối thủ đang trỗi dậy là điều tất yếu sẽ xảy ra.
Điều này đặt ra câu hỏi: liệu các liên minh của Hoa Kỳ trong khu có thực sự an toàn về lâu dài hay không, và liệu một số đối tác của Hoa Kỳ như Indonesia hay Ấn Độ có cân nhắc chuyển hướng liên minh với TQ hay không.
Theo kịch bản lạc quan nhất, tất cả sẽ chỉ tiến triển tới mức bất ổn hơn một chút, bấp bênh hơn một chút – không chỉ sau khi Trump nhậm chức, mà còn trong những tháng trước đó.
Còn theo kịch bản xấu nhất, điều này sẽ chứng tỏ việc “ai sai chứ tôi không sai” mà Trump tự xưng chỉ là ảo tưởng. Nhưng cho đến lúc Trump và nhóm của ông nhận ra rằng địa lý chính trị phức tạp hơn rất nhiều so với địa ốc, họ có thể đã quậy đục nước – chuyện mà trước đây họ từng đổ hết lên đầu Biden và Harris.
Nguồn: “What Trump’s victory means for Ukraine, the Middle East, China and the rest of the world” được đăng trên trang TheConversation.com.