BERLIN – Hôm thứ Tư (6/11), ngay khi Donald Trump vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, Liên minh cầm quyền của Đức đã tan rã khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải Bộ trưởng Tài chánh Christian Lindner thuộc Đảng Dân chủ Tự do (Free Democrats Party, FDP), mở đường cho cuộc bầu cử sớm và khiến chính trường của nền kinh tế lớn nhất Âu Châu hỗn loạn, theo Reuters.
Với sự ra đi của Lindner, Scholz sẽ phải dựa vào sự ủng hộ từ các đảng khác hoặc từng nhóm nhỏ trong Quốc hội để có đủ phiếu thông qua các dự luật. Dự kiến, Scholz sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội vào ngày 15 tháng 1. Nếu không giành được sự tín nhiệm, Đức có thể sẽ phải tổ chức bầu cử sớm vào cuối tháng 3.
Scholz cũng đã yêu cầu lãnh đạo phe đối lập Friedrich Merz, người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, ủng hộ việc thông qua ngân sách và tăng chi tiêu quốc phòng. Merz sẽ có câu trả lời vào sáng thứ Năm.
Sự sụp đổ của liên minh ba bên do Thủ tướng Scholz lãnh đạo là kết quả của nhiều tháng tranh cãi gay gắt về chính sách ngân sách và định hướng kinh tế của Đức, khi uy tín của chính phủ thì giảm sút còn sự trỗi dậy của các lực lượng cực hữu và cực tả thì ngày càng mạnh.
Scholz giải thích rằng ông phải sa thải Lindner vì ông này liên tục cản trở các cuộc thảo luận ngân sách, đặt lợi ích đảng phái lên trên quốc gia và chặn các dự luật với lý do không chính đáng.
Sự việc diễn ra một ngày sau khi Donald Trump được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, khiến Âu Châu vội vàng chuẩn bị đối phó với các vấn đề mới, từ chính sách thuế của Hoa Kỳ cho đến cuộc chiến Nga-Ukraine và tương lai của NATO.
Đức đang gặp khó khăn với nền kinh tế trì trệ, cơ sở hạ tầng cũ kỹ và quân đội chưa được chuẩn bị đầy đủ. Một cuộc cải tổ chính trị có thể khiến các đảng chính thống càng thêm bất mãn, tạo lợi thế cho các phong trào dân túy trẻ tuổi, đặc biệt là đảng AfD (Alternative for Germany) với lập trường chống nhập cư.
Trong khi đó, chính trị Pháp cũng đang gặp nhiều khó khăn sau cuộc bầu cử sớm trong năm nay. Sự bất ổn của hai nền kinh tế lớn nhất Âu Châu có thể cản trở nỗ lực hội nhập sâu hơn của Liên hiệp Âu Châu, nhất là khi khối này đang phải đối mặt với các thách thức từ cả phía đông và phía tây.
Vấn đề tạm ngừng “thắng nợ” (debt brake)
Liên minh cầm quyền của Đức đã có nhiều bất đồng về giải pháp cho tình trạng suy thoái của nền kinh tế lớn nhất Âu Châu, hiện đang bước sang năm thứ hai. Nền kinh tế Đức đối diện khó khăn từ việc nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga đã bị cắt đứt sau cuộc chiến Ukraine năm 2022, đồng thời phải chịu sức ép cạnh tranh ngày càng tăng từ TQ.
Scholz cho biết ông đã đề nghị áp dụng giới hạn mức giá năng lượng cao nhất cho các công ty để giảm chi phí hoạt động. Ông cũng muốn khai triển một gói hỗ trợ để bảo vệ việc làm trong ngành công nghiệp sản xuất xe đang gặp nhiều khó khăn, đồng thời tăng cường hỗ trợ tài chánh cho Ukraine.
Trong khi đó, FDP đề nghị giảm chi tiêu công, giảm thuế và các quy định để kích thích kinh tế phát triển. Họ cũng muốn làm chậm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải carbon (carbon-neutral economy) để giảm bớt áp lực lên nền kinh tế trong thời điểm khó khăn.
Sau khi Scholz công bố kế hoạch của mình, Bộ trưởng Tài chánh Christian Lindner đã phản đối vì cho rằng thủ tướng đang gây sức ép để buộc ông phá bỏ “thắng nợ” (debt brake) – giới hạn chi tiêu công được quy định trong hiến pháp nhằm ngăn chính phủ vay nợ quá mức. Là người ủng hộ việc kiểm soát ngân sách chặt chẽ, Lindner từ chối ủng hộ ý tưởng đình chỉ “thắng nợ” này vì lo ngại sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách và gia tăng gánh nợ cho quốc gia.
Các nguồn tin của chính phủ Đức cho biết Scholz muốn tăng gói hỗ trợ Ukraine thêm 3 tỷ euro, lên tổng cộng 15 tỷ euro, bằng cách tạm ngừng “thắng nợ.”
Bộ trưởng Tài chánh Christian Lindner nói với các phóng viên: “Olaf Scholz không chịu thừa nhận rằng đất nước chúng ta cần một mô hình kinh tế mới. Olaf Scholz đã tự cho thấy bản thân ông ấy không đủ sức mạnh để đưa đất nước tiến xa hơn.”
Tuy có một số bất đồng về các vấn đề khác, Đảng Xã hội (Social Democrats, SPD) và Đảng Xanh lại cùng đồng ý rằng chi tiêu có mục tiêu từ chính phủ là cần thiết để thúc đẩy kinh tế.
Ba bộ trưởng khác của FDP phụ trách giao thông, tư pháp và giáo dục đã tự nguyện rời khỏi chính phủ. Scholz chỉ trích Lindner quá tập trung vào lợi ích của FDP thay vì quốc gia, và cho biết thêm: “Tôi cảm thấy khó hiểu trước sự ích kỷ này, nhất là khi Hoa Kỳ vừa trải qua cuộc bầu cử tổng thống quan trọng, đòi hỏi Đức phải có lập trường thống nhất và vững mạnh.”
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck từ Đảng Xanh cho biết liên minh không thể đồng thuận về cách lấp đầy thiếu hụt ngân sách cho năm tới. Ông nhận xét: “Tối nay thật sai lầm và gần như là một bi kịch. Thời điểm này, Đức cần thể hiện sự đoàn kết và khả năng hành động ở Âu Châu.”