Gần đây Bắc Hàn và Nga đã thiết lập một mối quan hệ bao gồm các cam kết về hỗ trợ quốc phòng lẫn cho nhau. Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ này đã làm dấy lên nhiều quan ngại trong khu vực và cả trên thế giới, nhất là khi Bắc Hàn bắt đầu gửi hàng nghìn binh sĩ sang Nga để hỗ trợ cuộc chiến tại Ukraine. Câu hỏi cần đặt ra là Kim Jong-un sẽ được lợi gì khi hỗ trợ Nga về mặt quân sự. Tờ Washington Post đã phỏng vấn các chuyên gia và liệt kê một số lợi ích mà Bắc Hàn có thể đạt được từ mối quan hệ này. Theo các chuyên gia, thỏa thuận này mang lại cho Bắc Hàn nhiều lợi ích quan trọng, nhưng cũng đem đến những rủi ro lớn cho an ninh quốc tế.
Một trong những động lực chính khiến Bắc Hàn tham gia vào cuộc xung đột là kinh tế. Trong quá khứ, Bắc Hàn đã gửi công nhân xây dựng và khai thác gỗ sang Nga, thu về khoảng 650 USD/người mỗi tháng, phần lớn số tiền này được chuyển về cho chính phủ. Tuy nhiên, thu nhập từ việc cử binh sĩ ra nước ngoài lại cao hơn rất nhiều, có thể lên tới khoảng 2.000 USD/người mỗi tháng, tạo ra một nguồn ngoại tệ ổn định và đáng kể cho Bình Nhưỡng.
Theo Peter Ward từ Viện Sejong ở Seoul, sự hiện diện của binh sĩ Bắc Hàn tại Nga có thể mang lại cho quốc gia này vài trăm triệu USD mỗi năm, và kết hợp với nguồn thu từ xuất khẩu vũ khí, con số này có thể lên đến hàng tỷ USD.
Một động lực khác là hỗ trợ về kỹ thuật. Theo Nam Hàn, Bắc Hàn có thể sẽ yêu cầu được đền đáp bằng kiến thức kỹ thuật công nghệ tiên tiến cho vũ khí hạt nhân, vệ tinh trinh sát, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo.
Theo chuyên gia vũ khí hạt nhân Robert Peters từ tổ chức Heritage Foundation có trụ sở tại Mỹ, Nga có khả năng hỗ trợ Bắc Hàn phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa. Nam Hàn và Mỹ lo ngại rằng Bắc Hàn có thể nhận được sự trợ giúp để chế tạo các đầu đạn hạt nhân nhỏ hơn, có thể gắn lên tên lửa.
Robert Peters viết trên Washington Post: “Nếu Triều Tiên nhận được kiến thức kỹ thuật này từ Nga, tình hình an ninh ở Đông Bắc Á sẽ thay đổi căn bản, vì Triều Tiên sẽ có khả năng phóng các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu ở Đông Á và Bắc Mỹ.”
Đồng thời, quân đội Bắc Hàn cũng có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực chiến trong chiến tranh hiện đại. Bắc Hàn chưa tham gia vào một cuộc chiến nào kể từ Chiến tranh Triều Tiên, kết thúc bằng một hiệp định đình chiến vào năm 1953.
Niklas Swanström, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách An ninh và Phát triển (ISDP) của Thụy Điển cho rằng lợi ích kinh tế từ việc gửi binh sĩ chỉ là một phần nhỏ so với lợi nhuận từ vũ khí, và không phải là động lực chính của Bình Nhưỡng.Mà điều Swanström lo ngại nhất là về trao đổi kỹ thuật và ý nghĩa của sự hợp tác quân sự ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Hàn và Nga.
Sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Hàn và Nga có thể tạo ra một trục quân sự mới, đe dọa đến an ninh khu vực và toàn cầu.
Theo Swanström, thế giới cần phải thận trọng và tìm cách ngăn chặn các bước tiến của Triều Tiên trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng trở nên ngày càng quyết tâm trong việc nâng cao năng lực quân sự của mình.
“Nếu Bắc Hàn có thể trang bị vũ khí hạt nhân cho tàu ngầm với sự giúp đỡ của Nga, đó sẽ là một bước phát triển công nghệ đáng kể. Khi đó, Bắc Hàn sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm và đòi hỏi thế giới phải tìm cách đối phó nhằm giảm thiểu mối đe dọa này." Swanström nói.
Gửi ý kiến của bạn