Trong cuộc bầu cử năm nay, cả Kamala Harris và Donald Trump đều đề ra các kế hoạch lớn như cắt giảm hoặc tăng thuế, cung cấp nhiều gói hỗ trợ cho người dân, thúc đẩy các chính sách quan trọng liên quan đến những vấn đề như quyền phá thai, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường và viện trợ quân sự nước ngoài. Dù ai đắc cử, tất cả các kế hoạch này đều có một điểm chung: chỉ có thể thành hiện thực nếu được Quốc hội thông qua, bao gồm Thượng viện và Hạ viện.
Trước bầu cử, Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát với tỷ số 51-49, còn Hạ viện đang do Đảng Cộng hòa nắm đa số với tỷ số 220-212. Theo dự báo của trang web tổng hợp và phân tích kết quả thăm dò dư luận FiveThirtyEight, Đảng Cộng hòa rất có thể sẽ giành lại quyền kiểm soát Thượng viện trong cuộc bầu cử năm 2024. Trong khi đó, cuộc đua giành quyền kiểm soát Hạ viện cũng sẽ gay cấn và sát sao hơn.
Với tình hình hiện tại, Thượng viện đang là mối quan tâm lớn của Đảng Dân chủ và là niềm hy vọng mãnh liệt của Đảng Cộng hòa. Đảng Dân chủ có thể sẽ bị mất ghế ở West Virginia – tiểu bang có khuynh hướng nghiêng về Đảng Cộng hòa. Họ cũng có nguy cơ mất thêm ghế ở các bang khác như Ohio, Montana, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Mặc dù Đảng Dân chủ có cơ hội giành ghế mới ở các bang Florida và Texas, nhưng cả hai bang này vẫn đang nghiêng về phía Đảng Cộng hòa.
Kết quả bầu cử Thượng viện sẽ có tác động quan trọng đến quyền lực của tổng thống kế nhiệm, đặc biệt nếu Thượng viện thuộc về đảng đối lập. Trong Thượng viện, có một ‘chiêu bài’ gọi là “filibuster” – đây là cách để trì hoãn hoặc ngăn không cho một dự luật được thông qua bằng cách kéo dài thời gian tranh luận. Điều này khiến cho việc thông qua nhiều luật mới trở nên khó khăn, ngay cả khi đảng nắm quyền có đủ đa số tối thiểu (51 phiếu). Về lý thuyết, đơn giản chỉ cần đa số phiếu (51 phiếu) là đủ để thông qua một dự luật tại Thượng viện. Tuy nhiên, nếu có một TNS sử dụng chiêu bài filibuster, lúc đó sẽ cần tới 60 phiếu để vượt qua sự trì hoãn này.
Dù vậy, việc nắm giữ đa số tại Thượng viện vẫn rất quan trọng, đặc biệt là khi cần tới lá phiếu quyết định. Bởi vì Phó Tổng thống giữ vai trò là chủ tịch Thượng viện, và chỉ có quyền bỏ phiếu khi xảy ra tình huống hòa phiếu.
Dưới đây là bốn khía cạnh mà quyền kiểm soát Thượng viện có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị và chính sách của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của tân Tổng thống:
1. Chương trình lập pháp
Cả chiến dịch của Harris và Trump đều đề ra những chính sách quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế; nhưng để thực hiện những chính sách này, cần có sự ủng hộ từ Thượng viện. Thông thường, để thông qua một đạo luật, cần có ít nhất 60 phiếu ủng hộ để vượt qua ải filibuster. Tuy nhiên, còn có một quy trình gọi là “thỏa hiệp ngân sách” (budget reconciliation), cho phép thông qua một số ngân sách liên quan đến thuế, chi tiêu và mức nợ của quốc gia mà chỉ cần có đa số tối thiểu (51 phiếu).
Kế hoạch của Harris tập trung vào xây dựng “nền kinh tế cơ hội,” với các chính sách hỗ trợ tiền đặt cọc 25,000 MK cho người mua nhà lần đầu, 6,000 MK tín dụng thuế cho các gia đình có trẻ sơ sinh, và cấm tăng giá thực phẩm và các nhu yếu phẩm quá cao. Bà cũng cam kết sẽ nâng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, và đề nghị mức thuế tối thiểu 25% đối với người giàu có thu nhập từ 100 triệu MK trở lên, bao gồm đánh thuế các khoản tăng giá trị tài sản chẳng hạn như cổ phiếu hoặc bất động sản.
Trump thì muốn giữ vững các đợt cắt giảm thuế từ năm 2017 và loại bỏ thuế đối với tiền thưởng, làm thêm, và các phúc lợi an sinh xã hội. Ông cũng cam kết giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%. Một trong những dự định quan trọng của Trump là áp mức thuế nhập cảng từ 10-20% cho mọi hàng hóa nhập cảng vào Hoa Kỳ, và 60% cho hàng hóa nhập cảng từ TQ. Và ý định này có thể được thực hiện đơn phương mà không cần sự đồng ý của Quốc hội.
2. Tối Cao Pháp Viện (TCPV)
Một trong những trận chiến lớn nhất trong bốn năm tới có thể sẽ diễn ra trong và xoay quanh hệ thống tư pháp liên bang. TCPV là cơ quan quyền lực cao nhất của tư pháp, giữ vai trò quan trọng trong việc định hình các chính sách và pháp luật dài hạn của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để bổ nhiệm một thẩm phán vào TCPV, cần phải có sự chuẩn thuận của Thượng viện. Trong nhiệm kỳ 2016-2020, Trump đã bổ nhiệm ba thẩm phán – Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett – giúp củng cố thế đa số bảo thủ với tỷ số 6-3. Trong nhiệm kỳ của mình, Biden chỉ bổ nhiệm một thẩm phán là Ketanji Brown Jackson.
Dù hiện nay không có thẩm phán nào có ý định nghỉ hưu, ai đắc cử Tổng thống cũng sẽ có cơ hội bổ nhiệm tân thẩm phán. Hai thẩm phán cao niên nhất là Clarence Thomas (76 tuổi) và Samuel Alito (74 tuổi), đều theo khuynh hướng bảo thủ. Nếu Trump giành chiến thắng và Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện, họ có thể gây áp lực lên hai vị thẩm phán này để họ từ chức, nhằm bổ sung các thẩm phán trẻ tuổi hơn. Ngược lại, nếu Harris thắng cử và Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện, họ có thể tận dụng cơ hội này để tái định hình lại TCPV, vốn đã thiên về bảo thủ trong nhiều thập niên.
3. Tương lai của filibuster
Một số nghị sĩ cấp tiến trong Quốc hội đã kêu gọi bãi bỏ filibuster trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden. Nước đi quyết liệt này nhằm xóa bỏ một quy tắc của Thượng viện đã tồn tại từ Quốc hội đầu tiên năm 1789. Nếu filibuster bị bãi bỏ, mọi dự luật sẽ chỉ cần đa số đơn giản (51 phiếu) để được thông qua, nhưng đồng thời cũng có thể khiến cho sự chia rẽ đảng phái trầm trọng thêm, không chỉ ảnh hưởng đến nhiệm kỳ tổng thống sắp tới mà còn về lâu dài trong tương lai.
Trong những năm qua, cả hai đảng đã từng thay đổi quy tắc filibuster. Năm 2013, Đảng Dân chủ đã loại bỏ yêu cầu 60 phiếu cho nhiều đề cử thuộc nhánh hành pháp, với lý do là để đối phó với sự cản trở từ Đảng Cộng hòa. Đến năm 2017, Đảng Cộng hòa cũng bỏ filibuster đối với các đề cử Thẩm phán TCPV, cho phép xác nhận thẩm phán chỉ với 51 phiếu.
Nếu đắc cử, Harris từng tuyên bố sẽ ủng hộ việc bỏ filibuster để khôi phục các quyền liên quan đến sinh sản sau khi án lệ Roe v. Wade bị lật ngược. Tuy nhiên, bà ít khi đề cập đến vấn đề này kể từ khi trở thành ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ, và cũng chưa rõ liệu các TNS thiên về trung dung hơn của Đảng Dân chủ có ủng hộ ý tưởng bãi bỏ filibuster hay không.
4. Chính sách đối ngoại
Dù ở Washington, cả hai đảng đều ủng hộ việc viện trợ quân sự cho Israel và giữ lập trường cứng rắn với TQ, nhưng Thượng viện sắp tới mới là yếu tố quyết định trong việc cấp thêm ngân sách viện trợ cho Ukraine.
Với việc lãnh đạo Cộng Hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, một người rất ủng hộ việc giúp đỡ cho Ukraine, nghỉ hưu, chưa rõ liệu sự giúp đỡ nhiệt thành này có còn tiếp tục dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng hòa hay không. Nhưng nếu Harris làm tổng thống hoặc nếu Đảng Dân chủ kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện, họ sẽ tiếp tục thúc đẩy các gói viện trợ cho Ukraine.
Một vấn đề quan trọng khác nhưng ít được nhắc đến là việc chuẩn thuận hiệp ước quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi. Cả chính quyền Trump và Biden đều đã tính đến việc lập ra một thỏa ước để bình thường hóa quan hệ giữa Ả Rập Saudi và Israel, mà sự đảm bảo an ninh từ Hoa Kỳ dành cho Ả Rập Saudi sẽ giúp thúc đẩy thỏa ước này.
Bất kỳ thỏa ước nào sắp tới cũng sẽ cần đa số hai phần ba ở Thượng viện để được thông qua – đây là một ngưỡng khó đạt được. Trong năm 2023, 20 TNS Dân chủ đã bày tỏ lo ngại với Biden về thỏa ước tiềm năng này, trong khi các TNS Cộng hòa đã bỏ phiếu để ngăn chặn kế hoạch của Trump nhằm bán vũ khí cho Ả Rập Saudi vào năm 2019.
Nhìn chung, không chỉ có cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc mới quyết định hướng đi của chính trị Hoa Kỳ, các cuộc đua giành ghế trong Thượng viện cũng sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến các chính sách đối nội và đối ngoại, bất kể người chiến thắng là Harris hay Trump.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: https://theconversation.com/us-election-how-control-of-congress-will-matter-for-the-new-president-242246