CALI, COLOMBIA – Cuộc họp COP16 về môi trường tại Cali, miền tây nam Colombia, là sự kiện thu hút nhiều người tham gia nhất trong lịch sử với gần 25.000 người. Trong COP15 tại Montreal hai năm trước, các quốc gia trên thế giới đã thống nhất một kế hoạch cứu vãn thiên nhiên, gọi là Khung Kunming–Montreal. Tuy nhiên, để kế hoạch này thực sự có hiệu lực phải cần thêm một số thỏa thuận. COP16 hôm Chủ Nhật (3/11) dự kiến sẽ thúc đẩy kế hoạch cứu nguy thiên nhiên mà các quốc gia trên thế giới đã đồng thuận hai năm trước. Nhưng lần này, các quốc gia giàu có không còn sẵn lòng chi nhiều tiền hơn cho việc bảo tồn thiên nhiên toàn thế giới mà chuyển trọng tâm sang thảo luận về việc tìm kiếm nguồn tiền từ khu vực tư nhân để bù đắp sự thiếu hụt, theo Reuters.
Tại COP16, các quốc gia không thể thống nhất cách huy động 200 tỷ MK mỗi năm cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên từ nay đến năm 2030, bao gồm 30 tỷ MK sẽ đến từ các quốc gia giàu có. Khoản tiền này đã được cam kết cách đây hai năm, trong thỏa ước về đa dạng sinh học Kunming-Montreal, nhằm tài trợ cho các hoạt động như phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ các khu bảo tồn động vật hoang dã.
Tuy nhiên, hội nghị vẫn chưa đạt được đồng thuận nào khi các cuộc thảo luận kéo dài đến ngày thứ Sáu, sau đó hàng chục phái đoàn đã rời khỏi hội nghị. Đến sáng thứ Bảy, khi điểm danh thì không còn đủ số lượng quốc gia để có thể thông qua bất kỳ thỏa ước nào, buộc hội nghị phải tạm dừng.
Shilps Gautam, giám đốc công ty tài chính dự án Opna, chia sẻ: “Tôi vừa buồn vừa giận vì hội nghị COP16 không thu hoạch được gì cả. Điều đáng nói là số tiền tài trợ được thảo luận tại hội nghị thật sự rất ít ỏi.”
Nhiều hoạt động của con người như nông nghiệp, khai thác khoáng sản và phát triển đô thị đang đẩy thiên nhiên vào tình trạng khủng hoảng, khiến khoảng một triệu loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng. Chưa hết, biến đổi khí hậu – hậu quả từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch – cũng là yếu tố gieo rắc tai ương cho thiên nhiên, nhiệt độ thì cứ tăng cao còn chu kỳ thời tiết thì bị xáo trộn.
Tuần tới, các quốc gia sẽ tiếp tục gặp nhau tại Azerbaijan trong hội nghị về khí hậu COP29 của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị này sẽ tập trung thảo luận về nhu cầu cấp bách cần có thêm các nguồn tài trợ từ các nước giàu để giúp các nước nghèo hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn tài trợ ít ỏi từ các quốc gia giàu có
Ngay cả trước khi các cuộc đàm phán thất bại, các quốc gia giàu có đã ra dấu hiệu họ không sẵn lòng chi số tiền lớn.
Trong năm qua, các chính phủ Âu Châu như Đức và Hà Lan đã cắt giảm ngân sách viện trợ nước ngoài, trong khi Pháp và Anh cũng thực hiện chính sách cắt giảm tương tự.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development), nguồn tài trợ từ chính phủ dành cho bảo tồn thiên nhiên ở nước ngoài đã giảm từ 4.6 tỷ MK vào năm 2015 xuống còn 3.8 tỷ MK vào năm 2022.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia đóng góp nhiều hơn cho Quỹ vì Đa dạng Sinh học Toàn cầu (Global Biodiversity Framework Fund), nhưng đa số chỉ im lặng. Tổng số tiền được cam kết hiện tại chỉ mới có 400 triệu MK, trong khi mục tiêu đặt ra là 30 tỷ MK vào năm 2030. Hoa Kỳ không tham gia Convention on Biological Diversity nên vẫn chưa có bất kỳ đóng góp nào cho quỹ này.
Florika Fink-Hooijer, tổng giám đốc môi trường của Liên hiệp Âu Châu, cho biết: “Nguồn tiền công đã được tận dụng hết mức có thể. Chúng ta cần tìm kiếm những nguồn tài trợ khác ngoài nguồn ngân sách công.”
Tại hội nghị, các đại biểu đã đồng ý với một kế hoạch nhằm thu phí các hãng dược phẩm và công ty khác khi sử dụng thông tin về di truyền học (genetic information) trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm thương mại mới.
Các công ty dược phẩm như Pfizer, Merck, AstraZeneca và Sanofi chưa bình luận về đề nghị này.
Theo các chuyên gia ước tính, kế hoạch này có thể tạo ra khoảng 1 tỷ MK mỗi năm. Dù vậy, số tiền này vẫn chưa đủ để trang trải cho nhiều kế hoạch bảo vệ các hệ sinh thái, như rừng Amazon hoặc các rạn san hô.
Theo Marcos Neto, giám đốc chính sách toàn cầu tại Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc, cần tìm ra những cách thức để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào các dự án thân thiện với môi trường.
Một số công cụ tài chính có thể được sử dụng bao gồm trái phiếu xanh hoặc hoán đổi nợ lấy thiên nhiên. Trong mô hình này, các quốc gia có thể tái cơ cấu nợ của mình với lãi suất thấp hơn, từ đó sử dụng khoản tiết kiệm được để đầu tư cho công tác bảo tồn. World Economic Forum (WEF) ước tính rằng các hoán đổi nợ này có thể tạo ra khoảng 100 tỷ MK cho các hoạt động bảo tồn thiên nhiên.