Hiện nay, có khoảng 79 quốc gia trên thế giới vẫn đang thi hành các luật cấm báng bổ tôn giáo (blasphemy laws). Đặc biệt, ở một số quốc gia như Afghanistan, Brunei, Iran, Nigeria, Pakistan và Ả Rập Saudi, vi phạm các luật này có thể bị xử án tử hình.
Hoa Kỳ dù không thuộc nhóm các quốc gia này, nhưng cũng có một lịch sử dài về các luật cấm báng bổ tôn giáo. Nhiều thuộc địa của Hoa Kỳ đã ban hành những quy định cấm báng bổ tôn giáo, và về sau chúng trở thành luật của tiểu bang. Mãi đến năm 1952, Tối Cao Pháp Viện (TCPV) Hoa Kỳ mới phán quyết rằng những lời lẽ xúc phạm, bất kính đối với một tôn giáo được coi là quyền tự do ngôn luận và được bảo vệ theo Hiến pháp. Tuy nhiên, quyền này không phải lúc nào cũng được bảo vệ một cách triệt để.
Là một học giả về tôn giáo và chính trị, Giảng sư Kristina Lee tại Đại học South Dakota tin rằng lịch sử các luật cấm báng bổ tôn giáo ở Hoa Kỳ phản ánh cuộc đấu tranh phức tạp cho quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận.
Những luật cấm báng bổ tôn giáo đầu tiên ở Hoa Kỳ
Trong thời kỳ thuộc địa ở Hoa Kỳ, các thuộc địa thường ban hành luật bảo vệ người Kitô giáo trong việc theo đạo, tham gia các nghi lễ, hoạt động liên quan đến tôn giáo của mình. Tuy nhiên, những luật này lại không áp dụng cho những người không theo Kitô giáo.
Chẳng hạn, Đạo luật Khoan dung (Toleration Act) năm 1649 là văn bản pháp lý đầu tiên của Maryland đề cập đến “quyền tự do theo đạo,” được tạo ra để bảo vệ các tín đồ Kitô giáo khỏi bị đàn áp bởi chính quyền. Dù vậy, đạo luật này không áp dụng cho những người không phải Kitô hữu. Trái lại, luật còn quy định rằng bất kỳ ai xúc phạm Thượng Đế, bất kính với Ngài hoặc phủ nhận sự tồn tại của Chúa Giêsu, đều có thể bị kết án tử hình hoặc bị tịch thu tài sản.
Năm 1811, Hoa Kỳ chứng kiến một trong những vụ xét xử tội báng bổ tôn giáo nổi tiếng nhất, vụ People v. Ruggles, tại Tòa án cao nhất bang New York. John Ruggles, một cư dân New York, bị kết án 3 tháng tù giam và phạt 500 MK (khoảng 12,000 MK theo giá trị hiện tại) vì đã công khai miệt thị Chúa Giêsu và Đức Mẹ với những lời lẽ xúc phạm.
Chánh án James Kent khẳng định rằng mọi người có quyền tự do bày tỏ quan điểm tôn giáo, nhưng nếu đó là những quan điểm ác ý đối với Kitô giáo, thì sẽ bị coi là lạm dụng quyền này. Kent còn nhấn mạnh rằng những lời công kích tương tự đối với các tôn giáo khác như Hồi giáo hay Phật giáo sẽ không bị trừng phạt, vì theo ông, “chúng ta là những người theo Kitô giáo,” không dựa trên các giáo lý của “những kẻ mạo danh” từ các tôn giáo khác.
Năm 1824, một thành viên của hội tranh luận ở Pennsylvania bị kết tội báng bổ tôn giáo sau khi tuyên bố rằng “Kinh Thánh chỉ là một câu chuyện hư cấu, đầy mâu thuẫn, có những điều tốt đẹp nhưng cũng đầy rẫy dối trá.” Trong vụ án Updegraph v. Commonwealth, Tòa án cao nhất Pennsylvania đã cho rằng đây là một tuyên bố “thô tục, gây sốc và xúc phạm,” và là tội ác nghiêm trọng, vi phạm đạo đức cộng đồng và gây xáo trộn trật tự xã hội.
Vào cuối thế kỷ 19, phong trào tư tưởng tự do (free thought) bắt đầu xuất hiện, thách thức những quan niệm truyền thống về tôn giáo và luật cấm xúc phạm, bất kính đối với tôn giáo. Các nhà lãnh đạo phong trào này công khai chỉ trích Kitô giáo và phản đối các luật thiên vị Kitô hữu. Họ cho rằng các luật cấm xúc phạm tôn giáo và việc bắt buộc đọc Kinh Thánh trong các trường công lập là vi phạm quyền tự do cá nhân.
Theo nhà sử học Leigh Eric Schmidt, các diễn giả và nhà văn trong phong trào này thường phải đối mặt với những đe dọa về việc bị buộc tội báng bổ tôn giáo. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ngay cả trong những trường hợp đã bị kết án, các thẩm phán đã bắt đầu tỏ ra khoan dung hơn.
Vào năm 1887, C.B. Reynolds, một cựu mục sư trở thành diễn giả nổi tiếng của phong trào tư tưởng tự do, đã bị kết tội xúc phạm tôn giáo ở New Jersey sau khi công khai nghi ngờ sự tồn tại của Thượng Đế. Nhưng thẩm phán chỉ quyết định phạt ông 25 MK cùng với các loại án phí khác.
Lý do vì sao Reynolds được khoan hồng không được nêu rõ; nhà sử học Levy cho rằng có thể thẩm phán lúc bấy giờ không muốn biến Reynolds thành một biểu tượng ‘tử vì đạo’ khiến cho phong trào tư tưởng tự do bùng lên mạnh mẽ hơn.
Bất kính với một tôn giáo được coi như quyền tự do ngôn luận
Trong những năm 1900, phong trào đòi hỏi quyền bình đẳng tôn giáo và tự do ngôn luận ngày càng phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng đáng kể đến các vụ kiện cáo liên quan đến báng bổ tôn giáo.
Chẳng hạn như vào năm 1917, Michael X. Mockus, trước đó từng bị kết tội báng bổ tôn giáo ở Connecticut, đã được tuyên vô tội ở Illinois. Thẩm phán Perry L. Persons cho rằng nhiệm vụ của tòa án không phải là xác định tôn giáo nào là đúng, mà tất cả mọi người phải bình đẳng trước pháp luật, dù đó là “người theo đạo Tin lành, Công giáo, Mặc Môn, Mahammedan, Do Thái, người theo chủ nghĩa tự do, hay vô thần.”
Năm 1952, khi xét xử vụ Joseph Burstyn, Inc. v. Wilson liên quan đến việc New York thu hồi giấy phép của bộ phim “The Miracle,” TCPV đã phán quyết rằng các tiểu bang không có quyền cấm những bộ phim bị coi là phạm thánh (sacrilegious). Tòa cho rằng điều này sẽ vi phạm nguyên tắc tách biệt Tôn giáo và Nhà nước, và cũng là vi phạm quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận theo Hiến pháp.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi TCPV đã ra phán quyết như vậy, nhiều người thỉnh thoảng vẫn bị vướng vào rắc rối pháp lý liên quan đến báng bổ tôn giáo. Nhưng các tòa án về sau đều bác bỏ những cáo buộc kiểu này.
Năm 1968, Irving West, một cựu chiến binh 20 tuổi, đã bị buộc tội gây rối trật tự công cộng và vi phạm luật cấm báng bổ tôn giáo của Maryland sau khi anh ta nói với một cảnh sát viên là “Bỏ cái tay trời đánh thánh đâm của ông ra khỏi người tôi” (Get your goddamn hands off me) sau một cuộc ẩu đả. West kháng cáo, và tòa án phán quyết rằng luật cấm báng bổ tôn giáo này vi phạm Tu chính án Thứ nhất (First Amendment) của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Bất chấp những phán quyết như vậy, vào năm 1977, bang Pennsylvania vẫn ban hành một đạo luật cấm xúc phạm tôn giáo, cấm các công ty, cơ sở kinh doanh sử dụng những tên gọi có tính bất kính, xúc phạm tôn giáo. Mọi sự bắt đầu khi có một ông muốn đặt tên cửa hàng súng của mình là “The God Damn Gun Shop.” Đến năm 2010, Tòa án cao nhất Pennsylvania mới tuyên bố rằng đạo luật này là vi hiến.
Dấu hiệu của tự do dân chủ
Trong cuốn sách “The Myth of American Religious Freedom,” nhà sử học David Sehat đã nhấn mạnh rằng từ khi Hoa Kỳ lập quốc, đã có nhiều tranh cãi về hình thức và nội dung của quyền tự do tôn giáo. Các luật cấm báng bổ tôn giáo là một phần quan trọng trong những cuộc xung đột này.
Nhiều người từng xem các luật này là hợp lý. Một số người cho rằng Kitô giáo cần được bảo vệ và tôn trọng đặc biệt hơn so với các tôn giáo khác. Ngược lại, một số nhà lập quốc như John Adams và Thomas Jefferson lại xem các luật này là vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do tôn giáo được quy định trong Hiến pháp.
Gần đây, chủ nghĩa dân tộc Kitô giáo đang trỗi dậy và thu hút sự chú ý của mọi người với những cuộc tấn công vào quyền tự do ngôn luận, chẳng hạn như hàng loạt lệnh cấm sách và hạn chế các cuộc biểu tình. Nếu muốn tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ, người dân Hoa Kỳ cần phải cần rút ra những bài học từ lịch sử đấu tranh bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tự do ngôn luận.
VB biên dịch
Nguồn: “What the history of blasphemy laws in the US and the fight for religious freedom can teach us today” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn