Hôm nay,  

New Wave: Thế Hệ Người Việt Tị Nạn Trẻ Nổi Loạn Và Hòa Giải

25/10/202400:00:00(Xem: 610)

new-wave-nhận-giải-tai-VIet-Film-Fest
Từ trái:  Trace Le (đạo diễn,, nhạc sĩ, và ca sĩ hát bài "Saigon" của Y Vân trong phim New Wave), Rachel Sine (nhà sản xuất) Mena Dolinh (associate producer), Elizabeth Ai, (đạo diễn, biên kịch và nhà sản xuất phim New Wave) nhận giải Trống Đồng cho phim dài hay nhất từ nữ tài tử Elyse Dinh và đạo diễn Việt Nguyễn, hai trong ba thành viên của Ban giám khảo Viet Film Fest 2024. Hình Việt Báo.
Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ và trên toàn thế giới đang tiến tới một cột mốc quan trọng: 50 năm ly hương kể từ sau biến cố Tháng Tư Đen 1975. Nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật được thực hiện có liên quan đến sự kiện này. Tại đại hội điện ảnh Viet Film Fest 2024 vừa được tổ chức vào đầu tháng 10, bộ phim đoạt giải Trống Đồng dành cho phim dài xuất sắc nhất là New Wave của nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Bộ phim tài liệu này ghi nhận lại một hiện tượng âm nhạc quan trọng của thế hệ người Việt trong thập niên 1980s: dòng nhạc new wave. Thế nhưng bộ phim không chỉ dừng lại ở khía cạnh âm nhạc, mà đào sâu hơn vào mâu thuẫn trong những gia đình Việt Nam trong những ngày đầu định cư ở Mỹ.

Đối với thế hệ người Việt tị nạn thứ nhất, nhạc Việt Nam là những ca khúc tiền chiến, ca khúc trước 1975 của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương…; là những bản nhạc bolero mùi mẫn, ủy mị. Dòng nhạc này theo những người bỏ nước ra đi, trở thành di sản văn hóa của một thế hệ, xoa dịu nỗi niềm hoài hương của những người Việt xa xứ.

Thế nhưng con cháu của thế hệ tị nạn thứ nhất, những người lớn lên hoặc sinh ra ở Mỹ, không phải ai cũng có thể cảm được với những ca khúc thuần Việt này. Không có nhiều liên hệ, gắn bó với quê hương Việt Nam, vào khoảng thập niên 1980s, những người trẻ tuổi gốc Việt đi tìm cho mình một thể nhạc thích hợp hơn. Cũng trong khoảng thời gian đó, dòng nhạc New Wave với Modern Talking, Boney M… chinh phục giới trẻ trên toàn thế giới. Thế hệ trẻ gốc Việt cũng nhập vào trào lưu này. Họ nghe, họ hát, họ nhảy, họ ăn mặc, để tóc, sống theo phong cách nhạc new wave, như để đi tìm tòi bản ngã của chính mình trong một môi trường sống mới xa lạ với nguồn gốc Việt.

Ba nhân vật chính trong bộ phim là những người gốc Việt có cuộc đời gắn bó hay bị ảnh hưởng mạnh bởi dòng nhạc new wave: ca sĩ Linda Trang Đài, DJ Ian Nguyễn và chính nữ đạo diễn Elizabeth Ai. Câu chuyện về đời thật của ba nhân vật này được kể lại xen kẽ trong bộ phim New Wave với một bố cục mạch lạc, để đưa người xem vào một thế giới âm nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách sống của nhiều thanh thiếu niên gốc Việt trong thập niên 1980s. Không phải người lớn nào cũng thích dòng nhạc new wave, cũng chấp nhận lối sống new wave của con em mình. Đối lại, giới trẻ xem new wave là một hình thức nổi loạn, thể hiện sự khác biệt với thế hệ ông bà cha mẹ mình, và khẳng định mình trong xã hội Mỹ.

Linda Trang Đài là ca sĩ Việt hát New Wave hay nhất mọi thời đại. Cô từng là một hiện tượng của âm nhạc Việt tại hải ngoại, là ngôi sao của sân khấu ca nhạc Thúy Nga Paris trong nhiều năm liền. Có nhiều người gọi cô là “Madonna của Việt Nam” vì trang phục sexy, phong cách trình diễn táo bạo trên sân khấu. Cô kể lại rằng ngay khi nghe những bản nhạc new wave đầu tiên, sau khi xem Madonna trình diễn, cô muốn mình sẽ là người Việt đầu tiên hát thể loại nhạc mới mẻ này. Biết rằng cha không thích mình đi hát, Linda tìm cách trốn nhà đi hát mà cha không biết. Cô nói mình đi nhà thờ, rồi thường xuyên trang điểm trên xe sau khi đã rời nhà để bố không biết cô đi hát.

Sự thành công trên sân khấu của Linda Trang Đài với dòng nhạc new wave là không cần bàn cãi. Băng đĩa của cô bán chạy nhất vào thời điểm đó. Khán giả trẻ hâm mộ cô cuồng nhiệt. Họ bắt chước cách ăn mặc, cách nhảy của Linda, tạo thành một làn sóng new wave trong giới trẻ gốc Việt. Tuy nhiên, sự thành công trên sân khấu có cái giá phải trả. Cô không còn thì giờ cho gia đình, đặc biệt là cho cậu con trai cưng của mình. Ngày tốt nghiệp trung học của con cô cũng đến trễ, không chứng kiến được cảnh con mình nhận bằng tốt nghiệp.

Rồi ở giai đoạn cuối sự nghiệp ca hát, cuộc sống đâu có dừng lại. Linda Trang Đài mở tiệm bánh mì Linda Sandwich ở vùng Little Saigon Quận Cam. Phim quay hình ảnh cô ca sĩ từng là một hiện tượng trên sân khấu một thời nay đứng bán bánh mì, từ mình cắt bánh mì nhét thịt bỏ rau cho khách hàng, cũng như biết bao người buôn bán bình thường khác. Thực tế cuộc sống ở Mỹ là như vậy đó. Bận bịu với việc sinh nhai, Linda vẫn không bỏ hẳn sân khấu, vì đó là một niềm đam mê của người ca sĩ. Dù bận rộn, nhưng cô cũng tìm cách xoay sở để có nhiều thì giờ hơn với gia đình, con cái. Người ca sĩ new wave lẫy lừng ngày xưa nay tìm được cách để hoàn thành bổn phận của một người mẹ, người vợ.

Nhân vật thứ hai trong phim New Wave là D.J Ian Nguyen. D.J là công việc chọn và mix nhạc tại các sàn nhảy, gắn bó chặt chẽ với thể nhạc techno, new wave. Ian Nguyen là con của nhà văn nổi tiếng trước 1975, Nguyễn Mộng Giác. Cùng cha vượt biên rồi sang định cư ở Mỹ, thuở nhỏ Ian thường xuyên xung khắc với cha mình về quan điểm sống. Cha anh nghiêm khắc, có vẻ không thông cảm với lối suy nghĩ của thế hệ anh. Không có sự đồng cảm trong gia đình, Ian xem DJ là một lối thoát trong cuộc sống. Khi sự mẫu thuẫn với cha lên đến đỉnh điểm, anh quyết định bỏ nhà ra đi. Kiếm tiền bằng nghề DJ tại các sàn nhảy, rồi trở về khách sạn sống thác loạn với bạn bè, những người cùng xem new wave là lựa chọn trong phong cách sống. Họ nhậu nhẹt, hút sách, làm tình với nhau như cuộc sống không có ngày mai.

Bước ngoặc khiến Ian Nguyen quay trở lại với đời sống bình thường xảy ra ở khách sạn. Vào một đêm, sau khi cả nhóm đều say khước, một người bạn rút một khẩu súng lục ra, chĩa vào một người bạn khác. Cả nhóm sững sờ, không kịp phản ứng. Người bạn bóp cò, súng không nổ. Hắn quay mũi súng chĩa về phía Ian. Anh chết lặng. Bóp cò, nhưng vẫn không có tiếng súng. Rồi người bạn quay mũi súng vào trong họng mình, hệt như cảnh trong phim ảnh. Bóp cò. Lần này thì tiếng súng vang lên chát chúa, thảng thốt… Đó cũng chính là tiếng chuông cảnh báo, để sau đó Ian bình tĩnh nhìn lại cuộc đời mình, rồi quyết định từ bỏ lối sống nổi loạn, trở về với gia đình.

Trước khi cha mất, ông có nói với Ian rằng khi nào có con anh sẽ hiểu ông hơn. Mà quả đúng như thế thật. Hiện nay anh là cha của một cô con gái; mà đối với anh đó là món quà quí nhất trên cuộc đời. Càng thương con, anh càng thông cảm với cha mình ngày xưa. Cha anh mất năm 2012, anh chưa có dịp nói lời xin lỗi. Anh đọc lại những tác phẩm của cha mình, nói chuyện với mẹ để hiểu về cha hơn. Hiện nay Ian vẫn đi chơi DJ, nhưng đã qua rồi cái thời nổi loạn cùng new wave, mà chỉ còn lại niềm đam mê âm nhạc.

Đạo diễn Elizabeth Ai kể lại từ thưở nhỏ, mẹ cùng đại gia đình ông bà ngoại sang định cử ở Mỹ.  Từ lúc trẻ, mẹ đã là trụ cột kinh tế của gia đình. Mẹ mở một tiệm nail để nuôi gia đình của mình; nhưng ông ngoại nói phải làm thêm để lo cho cả những anh chị em còn ở Việt Nam. Thế là mẹ phải mở hết tiệm nail này đến tiệm khác, cả năm làm việc quần quật, không có thì giờ để chăm lo cho con gái. Từ khi còn bé, Elizabeth đã được gởi cho bà dì Myra, em gái của mẹ nuôi. Dì trở thành mẹ, nhưng làm sao thay thế cho tình mẫu tử thực sự được. Được dì chăm sóc, cưng chiều, nhưng cả năm có khi chỉ gặp mẹ vài lần, cô cảm thấy oán hận mẹ. Dì Myra thời còn trẻ là một người mê nhạc new wave, cho nên Elizabeth thuở mới lớn cũng sống theo phong trào new wave, chỉ hẹn hò với những bạn trai có xe hơi để đi chơi cho thỏa thích.

Rồi thời new wave bùng nổ cũng qua. Dì đi lấy chồng, Elizabeth cũng trở thành bà mẹ của một cô con gái. Ngày sắp sinh con, cô hỏi mẹ có muốn chứng kiến cháu ngoại ra đời hay không. Bà nói rất muốn, nhưng cuối cùng vì bận việc nên không thể đến. Bà tiếp tục vắng mặt trong hầu hết những sự kiện quan trọng của con gái, hỏi sao con oán hận cho được!

Rồi con gái của Elizabeth khi bắt đầu biết nói thường xuyên hỏi bà ngoại đâu, và muốn gặp bà ngoại. Elizabeth liên lạc với mẹ để xin cho con gái đi gặp. Mẹ hỏi cô có tha thứ cho mẹ chưa. Cô trả lời rằng không, mà chỉ muốn làm theo yêu cầu của con gái thôi. Mẹ nói như vậy thì chẳng cần gặp làm gì, hãy nói nói với con là bà ngoại chết rồi!

Nhưng rồi cuối cùng thì Elizabeth cũng làm hòa với mẹ. Cô dắt con đi gặp bà ngoại ở thành phố Jackson Hole tiểu bang Wyoming xa xôi, lạnh lẽo. Cảnh gia đình đoàn tụ ở cuối phim như làm ấm lại khung cảnh tuyết phủ bên ngoài căn nhà. Bà ngoại nấu phở cho hai mẹ con cô ăn, và nói cũng đã từng nấu cho Elizabeth ăn những ngày cô còn nhỏ xíu. Bà nói cũng oán hận cha mình, vì ông bắt bà phải gánh trách nhiệm với gia đình lớn mà bỏ bê người con ruột của chính mình. Chỉ trong ba ngày, Elizabeth được nói chuyện với mẹ nhiều hơn mấy mươi năm cuộc đời.

Bên cạnh việc ghi nhận lại hiện tượng âm nhạc new wave, thông điệp quan trọng nhất của bộ phim New Wave mà nhiều khán giả cảm nhận được là sự hòa giải giữa hai thế hệ người Việt tị nạn. Cuối cùng thì những nhân vật thuộc thế hệ trẻ sau một thời nổi loạn cũng trở về với truyền thống gia đình Việt Nam, biết cảm thông hơn với ông bà, cha mẹ. Đó là niềm mơ ước của hầu hết mọi gia đình Việt đang sống xa quê cha đất tổ.   

Người Việt đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm đời sống tị nạn. Cộng đồng người Việt tị nạn ở Mỹ bắt đầu đạt được nhiều thành công ở những lĩnh vực khác nhau trên quê hương mới. Nhưng việc thế hệ gốc Việt trẻ sinh ra ở Mỹ tìm lại cội nguồn, tìm được sự cảm thông với thế hệ đi trước vẫn là thành tựu đáng mơ ước nhất của cộng đồng.

Doãn Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thời gian là thứ được người ta ví như vó câu, vụt một cái là biến mất, chẳng bao giờ trở lại, có muốn níu cũng vô ích. Họa sĩ Phan Nguyên không dại chi mà níu, anh ghi lại rồi mặc cho nó sổng ra chạy đi. Tôi muốn nói tới anh, một người đã âm thầm lưu giữ những mảnh vụn thời gian của giới văn học nghệ thuật bằng cách ghi lại trong “Mượn Dấu Thời Gian”, tên tiếng Pháp là “Emprunt Empreinte”. Anh tâm tình: “Là một “sân chơi” rất riêng của Phan Nguyên từ khá lâu với giới văn nghệ sĩ, thân hữu gần xa, trong và ngoài nước, không phân biệt tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, chính kiến gì cả, miễn là họ đã có những tác phẩm hay, đẹp để lại cho đời và cho thế hệ mai sau, miễn là họ đã đóng góp cái phần tinh túy nhất của con người, của chính mình cho văn học nghệ thuật Việt Nam hay thế giới nói chung”.
Để ta cùng vượt thời gian, không gian. Một trăm năm nữa, nếu có cơ duyên hội ngộ, vẫn chuyện trò tự nhiên, vui vẻ, như từng gặp gỡ tự bao giờ. Vui vẻ, vì cả đời chỉ thích viết văn, làm thơ. Viết văn, trừ trường hợp bất khả kháng, tôi vẫn cố gắng viết vui, cho bạn đọc đỡ nản. Nay tự nhiên lâm cảnh ngặt nghèo, phải đem chuyện vật lý, khoa học, Vũ trụ càn khôn, vừa nhàm chán vừa khó hiểu, ra trình làng… nên càng phải cố viết vui, viết giễu. Để may ra vớt vát được phần nào.
Trong lãnh vực sáng tác từ ngôn ngữ cho đến tác phẩm trực quan, các chuyên gia và các tác giả đang quan tâm đến khả năng sáng tạo của AI, sự hiện diện và tác dụng của trí thông minh nhân tạo sẽ làm thay đổi quan niệm và phương pháp, kỹ thuật và nghệ thuật truyền thống. Các chuyên gia về máy học dự đoán rằng AI sẽ "viết" một cuốn sách bán chạy nhất của tờ New York Times vào năm 2049 (Grace và cộng sự, 2018; Hall, 2018). Lãnh vực sáng tạo tính toán đã được xác định là biên giới tiếp theo trong nghiên cứu AI (Colton & Wiggins, 2012) và có ý nghĩa hấp dẫn đối với ngành công nghiệp văn học. Các thuật toán có khả năng tạo ra ngôn ngữ tự nhiên (Gatt & Krahmer, 2018) Các nghiên cứu về sáng tạo tính toán tập trung vào việc xác định các yếu tố cốt lõi của các hình thức sáng tạo (như văn học, nghệ thuật thị giác và âm nhạc) theo góc nhìn thuật toán, với mục đích sao chép hoặc kích thích sự sáng tạo của con người (Turner, 2014; Besold và cộng sự, 2015; Veale và cộng sự, 2019).
1)Tưởng niệm MC Phạm Phú Nam 2)Nhớ về cuộc di cư 1954. 3)Chiếu Phim Sài gòn trước 75 4)Chào đón minh tinh Kiều Chinh đến San Jose. Chiều ngày thứ bẩy 27 tháng 7 năm 2024 vừa qua chúng tôi đã có dịp nhân danh Viet Museum kịp thời trả những món nợ cho lịch sử. Số là anh chị em chúng tôi vẫn còn nhớ về chuyến di cư 1 triệu người từ Bắc vào Nam 70 năm xưa.
Anh Cao Huy Thuần vừa qua đời lúc 23giờ 26 ngày 7-7-1924 tại Paris. Được tin anh qua đời tôi không khỏi ngậm ngùi, nhớ lại những kỷ niệm cùng anh suốt gần 60 năm, từ Việt Nam đến Paris. Anh sinh tại Huế, học Đại Học Luật Khoa Sài Gòn (1955-1960) và dạy đại học Huế (1962-1964). Năm 1964 anh sang Pháp du học. Năm 1969 anh bảo vệ Luận án Tiến sĩ Quốc Gia tại Đại Học Paris, và giảng dạy tại Viện Đại Học Picardie cho đến khi về hưu.
Khi lần đầu tiên gặp một họa sĩ, tôi thường có khuynh hướng tìm vài nét tương đồng để liên tưởng đến một họa sĩ nổi tiếng nào đó thuộc những thế hệ trước. Với Nguyễn Trọng Khôi, tôi cũng làm như vậy nhưng trừ vài nét chung chung như được đào tạo ở trường ốc hay năng khiếu, tôi không tìm được gì đậc biệt. Nguyễn Trọng Khôi (NTK) không giống một họa sĩ nào khác.
Hồ Hữu Thủ cùng với Nguyễn Lâm, Nguyễn Trung của Hội Họa sĩ Trẻ trước 1975 còn sót lại ở Sài Gòn, họ vẫn sung sức lao động nghệ thuật và tranh của họ vẫn thuộc loại đẳng cấp để sưu tập. Họ thuộc về một thế hệ vàng của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Bất kể ở Mỹ như Trịnh Cung, Nguyên Khai, Đinh Cường… hay còn lại trong nước, còn sống hay đã chết, tranh của nhóm Hội Họa sĩ Trẻ vẫn có những giá trị mang dấu ấn lịch sử. Cho dù tranh của họ rất ít tính thời sự, nhưng cái đẹp được tìm thấy trong tác phẩm của họ lại rất biểu trưng cho tính thời đại mà họ sống. Đó là cái đẹp phía sau của chết chóc, của chiến tranh. Cái đẹp của hòa bình, của sự chan hòa trong vũ trụ. Cái mà con người ngưỡng vọng như ý nghĩa nhân sinh.
Westminster, CA – Học Khu Westminster hân hoan tổ chức mừng lễ tốt nghiệp của các học sinh đầu tiên trong chương trình Song Ngữ Tiếng Việt (VDLI) tiên phong của học khu. Đây là khóa học sinh đầu tiên ra trường và các em sẽ được ghi nhận tại buổi lễ tốt nghiệp đặc biệt được tổ chức vào thứ Ba, ngày 28 tháng Năm, lúc 6:00 giờ chiều tại phòng Gymnasium của Trường Trung Cấp Warner (14171 Newland St, Westminster, CA 92683).
Tháng Năm là tháng vinh danh những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho đất nước Hoa Kỳ mà trong đó tất nhiên có người Mỹ gốc Việt. Những đóng góp của người Mỹ gốc Á Châu và các đảo Thái Bình Dương cho Hoa Kỳ bao gồm rất nhiều lãnh vực, từ kinh tế, chính trị đến văn học nghệ thuật, v.v… Nhưng nơi đây chỉ xin đề cập một cách khái quát những đóng góp trong lãnh vực văn học của người Mỹ gốc Việt. Bài viết này cũng tự giới hạn phạm vi chỉ để nói đến các tác phẩm văn học viết bằng tiếng Anh của người Mỹ gốc Việt như là những đóng góp nổi bật vào dòng chính văn học của nước Mỹ. Điều này không hề là sự phủ nhận đối với những đóng góp không kém phần quan trọng trong lãnh vực văn học của Hoa Kỳ qua hàng trăm tác phẩm văn học được viết bằng tiếng Việt trong suốt gần năm mươi năm qua.
Vì hình ảnh ảm đạm, buồn sầu, như tiếng kêu đòi tắt nghẹn. Tôi, tác giả, đi giữa lòng thủ đô Hà Nội mà không thấy gì cả, không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Cờ đỏ là quốc kỳ. Mưa sa làm cho những lá quốc kỳ sũng nước, bèo nhèo, nhếch nhác, úng rữa. Một hình ảnh thảm hại. Hình ảnh thảm hại là dự phóng cho tương lai thảm hại. Và thất bại. Lạ một điều, người ta chỉ trích dẫn năm dòng thơ này, tổng cộng 14 chữ, mà không ai trích dẫn cả bài thơ, và hẳn là hơn 90% những người biết năm dòng này thì không từng biết, chưa bao giờ đọc, cả bài thơ, và tin rằng đó là những lời tâm huyết của nhà thơ Trần Dần nói về thời cuộc mà ông nhận thức được vào thời điểm 1955.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.