Địa cầu của chúng ta đang ngày càng ấm lên. Kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp (Industrial Revolution), con người đã sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ và khí đốt cho mọi thứ, từ các nhà máy cho đến các phương tiện đi lại. Điều này khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1 độ C (khoảng 2 độ F). Và cũng kề từ đó, địa cầu đã ấm lên 1 độ C (khoảng 2 độ F).
Mặc dù 1 độ C nghe có vẻ không đáng là bao, nhưng con số này đã góp phần khiến năm 2023 trở thành năm nóng nhất từng được ghi nhận. Ngoài ra, trong 10 năm qua thì cả 10 năm đều được đánh giá là có nhiệt độ cao kỷ lục.
Một nghiên cứu mới dựa trên mô phỏng nhiệt độ của Trái đất trong suốt 485 triệu năm qua cho thấy, mỗi khi nhiệt độ hành tinh tăng lên, sẽ dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (như giông bão, lũ lụt, hạn hán) và sau đó là sự tuyệt chủng hàng loạt của các loài sinh vật.
Đáng chú ý hơn, nghiên cứu nhấn mạnh rằng chưa có thời điểm nào trong toàn bộ lịch sử Địa cầu mà nhiệt độ lại tăng nhanh như hiện nay.
Biến đổi khí hậu (Climate change) và hiện tượng Địa cầu ngày càng ấm lên (Global warming) thường bị nhầm lẫn và sử dụng như những từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, các nhà khoa học thích sử dụng thuật ngữ “biến đổi khí hậu” khi nói về những thay đổi phức tạp đang tác động đến hệ thống thời tiết và khí hậu trên Địa cầu hơn.
Biến đổi khí hậu không chỉ là về sự gia tăng nhiệt độ trung bình, mà còn bao gồm nhiều hiện tượng khác như thiên tai, sự thay đổi môi trường sống của động vật hoang dã, mực nước biển dâng cao và nhiều tác động khác. Tất cả những thay đổi này bắt nguồn từ việc con người liên tục tạo ra các loại khí phát thải như carbon dioxide và methane, gây ra hiệu ứng giữ nhiệt và khiến hành tinh ấm lên.
Nguyên nhân nào gây ra hiện tượng Địa cầu ấm lên?
Khi chúng ta đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá, các loại khí thải này bay vào bầu khí quyển. Chúng làm thay đổi hóa học của khí quyển, cho phép ánh sáng mặt trời xuyên qua bầu khí quyển, nhưng lại ngăn cản lượng nhiệt bên trong bầu khí quyển thoát ra ngoài không gian. Điều này tạo ra hiệu ứng giữ nhiệt giống như trong nhà kiếng, khiến Trái đất ấm lên, và sự ấm lên này được gọi là hiệu ứng nhà kiếng (greenhouse effect).
Carbon dioxide (CO2) là loại khí nhà kiếng phổ biến nhất và chiếm khoảng 75% tổng lượng khí phát thải gây ra hiện tượng Địa cầu ấm lên. làm ấm khí hậu trong bầu khí quyển. CO2 được tạo ra chủ yếu từ việc khai thác và đốt cháy các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Khoảng một phần tư lượng CO2 phát sinh từ việc phá rừng để lấy gỗ hoặc làm đất nông nghiệp.
Methane (CH4) cũng là một loại khí nhà kiếng phổ biến khác. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 16% lượng khí phát thải, nhưng CH4 có thể giữ nhiệt mạnh gấp khoảng 25 lần so với CO2 và phân hủy nhanh hơn. Điều này có nghĩa là methane có thể nhanh chóng làm Địa cầu nóng lên. Tuy nhiên, vì methane tan biến nhanh hơn, nên nếu có thể giải quyết được tình trạng ô nhiễm khí thải methane, chúng ta sẽ nhanh chóng hạn chế được sự ấm lên trong bầu khí quyển. Nguồn phát thải methane chính bao gồm: từ nông nghiệp (đặc biệt là từ chăn nuôi gia súc), từ quá trình khai thác dầu khí, và chất thải từ các bãi rác.
Hiện tượng Địa cầu ấm lên gây ra những tác hại gì?
Một trong những tác hại đáng lo ngại nhất của sự ấm lên là nhiệt độ ấm hơn sẽ ảnh hưởng đến các vùng cực của Địa cầu và các dòng sông băng trên núi. Tại Bắc Cực, nhiệt độ đang tăng nhanh gấp bốn lần so với phần còn lại của thế giới. Sự ấm lên này làm giảm các khu vực băng quan trọng và gây rối loạn dòng chảy của luồng khí xoáy (jet stream), vốn là luồng gió mạnh trên cao đóng vai trò điều chỉnh thời tiết toàn cầu. Khi các luồng gió này bị xáo trộn, thời tiết sẽ trở nên khó lường và khắc nghiệt hơn.
Nhiệt độ tăng không chỉ khiến thời tiết nóng hơn mà còn khiến các hiện tượng mưa bão trở nên khắc nghiệt hơn. Mỗi khi nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, không khí sẽ giữ thêm khoảng 7% độ ẩm. Sự gia tăng độ ẩm trong bầu khí quyển có thể dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như lũ quét, những cơn bão lớn và mạnh hơn, và thậm chí, nghịch lý thay, những cơn bão tuyết cũng mạnh hơn.
Các nhà khoa học hàng đầu thế giới thường tổ chức các buổi họp để khảo xét những nghiên cứu mới nhất về sự thay đổi khí hậu trên hành tinh của chúng ta. Kết quả của các nghiên cứu này được tổng hợp thành các bản phúc trình của Ủy hội Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), được công bố định kỳ nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Một phúc trình mới đây đã chỉ ra mức độ tàn phá của sự gia tăng nhiệt độ đối với hệ sinh thái và môi sinh trên Địa cầu:
- · Các rạn san hô hiện đang là một hệ sinh thái bị đe dọa nghiêm trọng. Khi đối mặt với các áp lực môi trường như nhiệt độ cao, san hô sẽ đẩy loại tảo cộng sinh có màu sắc sặc sỡ ra ngoài và trở nên trắng bệch, hiện tượng này được gọi là “tẩy trắng san hô”. Trong trạng thái yếu ớt này, san hô rất dễ chết.
- · Cây cối đang chết dần do hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Hiện tượng chết hàng loạt của cây cối đang tái định hình toàn bộ hệ sinh thái rừng.
- Cháy rừng cũng ngày càng nhiều hơn và lan rộng hơn do nhiệt độ gia tăng và sự thay đổi trong mô hình lượng mưa. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng các đám cháy rừng hiện đang dịch chuyển đến khu vực phía Đông Hoa Kỳ, nơi trước đây hiếm khi xảy ra cháy rừng.
- Các cơn bão ngày càng mạnh hơn và mang theo nhiều mưa hơn, kéo theo nhiều thiệt hại thảm khốc hơn. Một số nhà khoa học còn cảnh báo rằng chúng ta nên chuẩn bị đối mặt với các cơn bão cấp 6, trong khi hệ thống phân loại bão hiện nay cao nhất là ở cấp 5.
Làm thế nào để giảm bớt sự hâm nóng Địa cầu?
Về mặt lý thuyết, giảm bớt hiện tượng Địa cầu ấm lên là việc khả thi; nhưng về mặt chính trị, xã hội và kinh tế thì lại là chuyện khác.
Để giảm bớt sự ấm lên, cần phải giảm bớt các nguồn phát thải khí nhà kính. Chẳng hạn, dầu mỏ và khí đốt – những nguồn chính để sản xuất điện và phục vụ cho các ngành công nghiệp – cần được thay thế bằng các công nghệ phát thải ròng bằng không (net zero emission), như năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Bên cạnh đó, giao thông vận tải cũng là một nguồn phát thải chính khác. Để giảm khí phát thải từ giao thông, chúng ta cần tăng cường sử dụng xe điện, phát triển hệ thống giao thông công cộng và thiết kế đô thị thông minh với các làn đường an toàn cho xe đạp và những khu vực dễ dàng đi bộ.
Một giải pháp cho vấn đề Địa cầu ấm lên mà trước đây từng được coi là xa vời nhưng giờ đây đang được cân nhắc nghiêm túc hơn: geoengineering (can thiệp vào bầu khí quyển nhằm làm giảm nhiệt độ trên toàn cầu). Loại công nghệ này hoạt động theo hai cách: chặn ánh sáng mặt trời bằng cách phun các hạt nhỏ vào bầu khí quyển để tạo thành một lớp mây mỏng, hoặc trực tiếp hút carbon dioxide ra khỏi bầu khí quyển.
Ngoài ra, tái khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên cũng có thể giúp giảm bớt sự ấm lên. Các hệ sinh thái tự nhiên như rừng rậm, đại dương và đầm lầy giúp hấp thụ bớt carbon, làm giảm lượng khí nhà kính trong bầu khí quyển. Nhưng khi những hệ sinh thái này bị tàn phá hoặc không còn nữa, khả năng chống lại biến đổi khí hậu cũng biến mất.
Cuối cùng, chúng ta sẽ cần phải tìm cách thích nghi với tình hình, chẳng hạn như xây dựng nhà cửa thì không chỉ phải theo tiêu chí “đông ấm, hạ mát” mà còn phải chống chịu được mưa bão, lũ lụt.
Nguồn: “How global warming is disrupting life on Earth” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn