Trong nhiều thập kỷ qua, người dân Trung Quốc luôn tin rằng tương lai sẽ tươi sáng hơn. Nhưng điều này không còn đúng nữa. Chính sách cứng rắn và việc tập trung quyền lực của Tập Cận Bình đã tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin lớn nhất đối với nền kinh tế trong 40 năm qua.
Các tỷ phú, công chức nhà nước, người tiêu dùng thông thường và cả một thế hệ trẻ đều lo lắng. Ngành bất động sản đang tê liệt, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao, và các nhóm xã hội khác nhau đều mất niềm tin vào hệ thống lãnh đạo. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt khoảng 5%, và các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn khỏi Trung Quốc.
Ngay từ đầu những năm 2010, các doanh nhân thành đạt ở Trung Quốc đã cảm thấy lo lắng khi đứng đầu danh sách của Hurun Global Rich. Người ta thường đùa rằng những ai giàu nhất đất nước sẽ sớm phải ngồi sau song sắt, bị buộc tội tham nhũng.
Trong những năm gần đây, sự dè dặt trong việc công khai mức độ giàu có ngày càng tăng. Gần đây, doanh nhân Colin Huang được nhắc đến như là người giàu nhất Trung Quốc. Không lâu sau đó, PDD, công ty đứng sau nền tảng Temu mà ông sáng lập và nắm giữ cổ phần, đã công bố dự báo lợi nhuận giảm.
Cổ phiếu lao dốc, và Huang mất một số tài khoản lớn chỉ sau một đêm. Thay vào đó, người đứng đầu danh sách là Zhong Shanshan, chủ sở hữu công ty thức uống giải khát Nongfu Spring — nhưng chỉ trong vòng 24 giờ sau, công ty này cũng công bố triển vọng tương lai ảm đạm, khiến giá trị tài sản của Zhong cũng tụt giảm, và ông không còn đứng đầu danh sách người giàu nhất.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, có nhiều lời bàn tán về việc liệu các lãnh đạo doanh nghiệp có cố tình làm giảm giá trị công ty của họ để tránh bị kiểm tra hay không. Việc trấn áp các doanh nhân giàu có là một phần trong chiến dịch của Tập Cận Bình nhằm tái phân phối tài sản trong nước.
"Giàu có ở Trung Quốc không còn là vinh quang nữa — mà là nguy hiểm," theo Financial Times.
Điển hình là Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã chỉ trích chính sách kinh tế của Đảng Cộng sản vào tháng 10 năm 2020. Ngay lập tức, giá trị cổ phiếu của Alibaba lao dốc, và Jack Ma bị “biến mất” khỏi công chúng như một cách để Tập Cận Bình khẳng định quyền lực của mình.
Bên cạnh đó, sự kiểm soát chặt chẽ quyền lực của Tập Cận Bình đã khiến các công chức nhà nước ở mọi cấp độ sợ hãi. Khoảng 4 triệu cán bộ Đảng và công chức đã bị trừng phạt trong hơn một thập kỷ qua, khiến họ không dám thực hiện nhiệm vụ mà họ được giao. Không ai muốn công khai nói rằng một trong những ý tưởng của Tập Cận Bình là thiếu suy nghĩ hoặc không hiệu quả, hay bị phát hiện sai sót trong việc phân bổ ngân sách. Kinh nghiệm cho thấy, tốt hơn hết là ngồi im và không hành động.Quyền lực của các công chức giảm sút, trong khi trách nhiệm và nguy cơ bị trừng phạt tăng lên, dẫn đến tình trạng tê liệt trong bộ máy hành chính.
Đối với người tiêu dùng, niềm tin cũng đang suy giảm. Một nghiên cứu cho thấy, trong năm 2014, 73% người tham gia khảo sát tin rằng họ có thể lạc quan về tương lai. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 47% vào năm 2023. Khi được hỏi liệu làm việc chăm chỉ có mang lại kết quả hay không, hơn 60% đồng ý vào năm 2014, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 28% vào năm ngoái. Người dân giờ đây tin rằng sự giàu có chủ yếu đến từ gia đình và mối quan hệ chứ không phải từ nỗ lực cá nhân.
Khi chính quyền Bắc Kinh tung ra các gói kích thích để cố gắng khởi động lại thị trường chứng khoán và bất động sản, niềm vui chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Mặc dù Tập Cận Bình đã tập trung vào hai nhóm lớn mà trước đây ông từng khiến họ sợ hãi. Ông kêu gọi các công chức ưu tiên khôi phục nền kinh tế và hứa hẹn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân, nhưng chính người tiêu dùng mới là nhóm nắm giữ giải pháp cho các vấn đề của Trung Quốc.
Về lý thuyết, nếu người dân bắt đầu chi tiêu nhiều hơn thay vì chỉ tiết kiệm, điều này sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề ở đây là họ không còn tin tưởng vào Đảng Cộng sản trong việc mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho họ. Cảm giác trước đây rằng "hầu như mọi thứ đều có thể" giờ không còn hiện hữu. Vì vậy, tâm lý mở ví để chi tiêu cũng không còn.
Có lẽ chỉ khi Trung Quốc cải thiện các hệ thống phúc lợi và lương hưu, người dân mới cảm thấy an toàn hơn. Nhưng đó là một công việc cần thời gian.
Nguyên Hòa tổng hợp
Gửi ý kiến của bạn