Phó Tổng thống Kamala Harris đã trình bày kế hoạch mở rộng chương trình Medicare nhắm vào việc bao gồm thêm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người cao niên. Kế hoạch này được bà chia sẻ trong chương trình talk show “The View.”
Harris giải thích rằng bà mong có thể giảm bớt gánh nặng cho những người thuộc “Thế hệ sandwich,” ám chỉ thế hệ trung niên vừa phải nuôi con vừa phải chăm sóc cha mẹ già. Chi phí cho các dịch vụ chăm sóc mở rộng sẽ được trang trải nhờ số tiền tiết kiệm từ việc đàm phán với các công ty dược phẩm để giảm số tiền Medicare phải trả cho thuốc theo toa. Harris cũng kêu gọi mở rộng bảo hiểm Medicare để bao gồm cả các dịch vụ khám và chữa trị tai và mắt.
Các chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc lâu dài (long-term care) Jane Tavares và Marc Cohen sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính khả thi và những lợi ích của kế hoạch này.
Tại sao các dịch vụ chăm sóc lâu dài lại quan trọng?
Chăm sóc lâu dài là một trong những khoản chi tiêu lớn nhất đối với người cao niên, bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau, từ việc giúp đỡ chuyện ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo và các hoạt động hàng ngày khác cho đến điều trị, săn sóc trong các cơ sở điều dưỡng.
Hiện nay, những người 65 tuổi có 70% sẽ phải cần được chăm sóc lâu dài theo cách nào đó trong mấy năm cuối đời. Trong số đó, 20% sẽ cần được chăm sóc lâu dài trong thời gian hơn 5 năm. Mà chi phí cho một năm chăm sóc lâu dài thôi cũng đã có thể trở thành gánh nặng khó lòng chi trả nổi đối với đa số mọi người.
Thí dụ, năm 2023, chi phí trung bình hàng năm cho một phòng riêng trong viện dưỡng lão là 116,796 MK. Nếu lựa chọn chăm sóc tại nhà, chi phí thuê một hộ lý đến chăm sóc sẽ là 33 MK/giờ, tương đương với 96,360 MK/năm (tám giờ/ngày).
Hội đồng Quốc gia về Người cao niên (National Council on Aging, NCA) đã cho biết 80% người cao niên sẽ không thể đối phó với những ‘cú sốc tài chính’ ập tới bất ngờ – chẳng hạn như việc cần đến chăm sóc lâu dài – và sẽ bị đẩy vào cảnh nghèo khó. Cụ thể, có khoảng 20% người cao niên không có tài sản nào, trong khi 60% chỉ đủ tiền chi trả cho nhiều nhất là hai năm chăm sóc tại nhà hoặc ở viện dưỡng lão. Tuy nhiên, thời gian trung bình mà một người cao niên cần chăm sóc dài hạn thường là hơn ba năm.
Hiện tại, Medicare không chi trả cho bất kỳ dịch vụ chăm sóc lâu dài nào, chỉ hỗ trợ cho dịch vụ chăm sóc ngắn hạn tối đa 21 ngày tại nhà và 100 ngày tại các cơ sở điều dưỡng sau khi nằm viện – đối với một số loại bệnh và chấn thương.
Medicaid chi trả khoảng 61% tổng chi phí chăm sóc lâu dài trên toàn Hoa Kỳ, và hơn 70% trong số đó là cho các dịch vụ chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, Medicaid có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về thu nhập và tài sản. Mỗi tiểu bang sẽ có quy định khác nhau về việc ai đủ điều kiện nhận trợ giúp từ Medicaid, nhưng nhìn chung, những người tham gia chương trình này phải có thu nhập ở mức nghèo hoặc thấp hơn (theo quy định của liên bang), với tài sản cá nhân dưới 2,000 MK, hoặc 3,000 MK cho các cặp vợ chồng.
Tính đến năm 2022, Hoa Kỳ chỉ có 15% người từ 65 tuổi trở lên được Medicaid chi trả cho các dịch vụ chăm sóc lâu dài.
Ngoài ra, còn có một vấn đề nghiêm trọng khác là tình trạng thiếu hụt nhân viên chăm sóc lâu dài. Năm 2022, khoảng 700,000 người nằm trong danh sách chờ của Medicaid đối với các dịch vụ chăm sóc tại nhà hoặc ở viện dưỡng lão. Trong số này, 10% phải nằm chờ trong bệnh viện vì các nhà dưỡng lão không còn chỗ.
Nhiều người cao niên được chăm sóc tốt thì sẽ có lợi ích gì?
Ước tính có khoảng 77% người cao niên muốn sống ở nhà mình khi về già, nhưng cứ 5 người thì có 1 người cần được trợ giúp trong sinh hoạt hàng ngày. Chi phí chăm sóc lâu dài cao mà bảo hiểm thì không có, phần lớn trách nhiệm chăm sóc thường rơi vào các thành viên gia đình, và dĩ nhiên là làm không công.
Nếu Medicare mở rộng phạm vi bảo hiểm để bao gồm dịch vụ chăm sóc lâu dài tại nhà, như Phó Tổng thống Harris đề nghị, người cao niên sẽ có thể được dưỡng già tại nhà, mà không phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Mà những thành viên trong gia đình lãnh phần việc chăm sóc họ cũng bớt được phần nào gánh nặng.
Mặc dù các chi tiết cụ thể vẫn chưa được công bố rõ ràng, nhưng nếu mở rộng phạm vi bảo hiểm ngoài những người tham gia Medicaid, nhiều người cao niên nghèo khó sẽ được chăm sóc tốt hơn. Chẳng hạn, được giúp đỡ trong những việc như ăn uống hoặc tắm rửa có thể ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến suy dinh dưỡng hoặc vệ sinh kém. Quan trọng hơn, điều này giúp giảm bớt áp lực cho các thành viên gia đình, nhiều người có thể phải bỏ công ăn việc làm, hoặc không thì phải gồng gánh thêm rất nhiều áp lực.
Chính phủ sẽ tốn bao nhiêu?
Chi phí của bất kỳ chương trình mới nào đều phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong trường hợp này, các yếu tố quan trọng bao gồm: ai sẽ đủ điều kiện được hưởng phúc lợi, những trường hợp nào thì sẽ được hưởng phúc lợi, và được hưởng tới mức nào.
Harris cho biết chi phí cho dịch vụ chăm sóc tại nhà sẽ lấy từ số tiền tiết kiệm được khi giảm giá thuốc của Medicare, với ước tính khoảng 6.3 tỷ MK vào năm 2026. Để có thêm nguồn tài chính cho các dịch vụ này, phó tổng thống còn dự định mở rộng các cuộc thương lượng giá thuốc, thắt chặt kiểm soát các bên nắm quyền hưởng lợi, các bên trung gian, công ty bảo hiểm và nhiều bên liên quan khác.
Tích cực thương lượng giá thuốc hơn có thể giúp Medicare tiết kiệm khoảng 450 tỷ MK trong 10 năm tới. Số tiền này đủ để trang trải cho khoản chi phí 40 tỷ MK theo ước tính của Viện Brookings để cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà theo dự định của Harris.
Kế hoạch của bà còn mở rộng phạm vi bảo hiểm của Medicare để bao gồm các dịch vụ khám tai và mắt định kỳ, giảm bớt chi phí mà người cao niên phải tự trả mà không làm tăng chi phí của Medicare quá nhiều. Chăm sóc tốt cho tai và mắt của người cao niên sẽ giúp họ đỡ bị các tai nạn như té ngã, va vấp, đỡ bị trầm uất và mất trí nhớ. Những tình trạng này cần chi phí chữa trị khá cao, nên Medicare sẽ có thể gián tiếp tiết kiệm phần nào chi phí.
Tại sao Medicare mãi vẫn chưa có bảo hiểm cho các dịch vụ chăm sóc tại nhà?
Khi được ra mắt lần đầu vào năm 1966, chương trình Medicare chủ yếu tập trung vào việc chi trả cho các dịch vụ cấp cứu. Khi đó, tuổi thọ trung bình của con người thấp hơn bây giờ, nên số người trên 65 tuổi đủ điều kiện hưởng phúc lợi của Medicare cũng ít hơn. Chỉ một số ít cần đến dịch vụ chăm sóc lâu dài.
Trong sáu thập niên qua, không có chương trình bảo hiểm công nào khác như Medicare được đưa ra để giúp mọi người chi trả cho loại chăm sóc này. Nhưng từ năm 1994, các nhà lập pháp đã bắt đầu đề nghị có các chính sách bổ sung dịch vụ chăm sóc lâu dài vào Medicare, nhưng hầu hết các nỗ lực này đều thất bại. Lý do chính là chưa có sự thống nhất về cách chi trả cho phúc lợi này và liệu ai cũng sẽ được hưởng hay chỉ những người có thu nhập thấp.
Vì chính phủ liên bang không hành động, một số bang đã đưa ra các chính sách của riêng mình. Washington là tiểu bang đi đầu trong nỗ lực này. Họ đã phát triển một chương trình bảo hiểm công cho các dịch vụ chăm sóc lâu dài. Chương trình này yêu cầu những cư dân đang làm việc tại Washington đóng góp một phần nhỏ thu nhập của họ vào một quỹ chung, và sau đó, những khoản này sẽ được dùng để thanh toán cho các dịch vụ chăm sóc mà họ cần.
Tuy nhiên, vấn đề này sẽ được mang ra cho cử tri Washington tự quyết định trong cuộc bầu cử tháng 11/2024, và chương trình có thể biến thành chương trình tự nguyện. Việc cho phép mọi người chọn không tham gia có thể khiến chương trình có nguy cơ bị giải tán, vì có thể ít người tham gia sẽ làm giảm nguồn quỹ.
California cũng đang có những bước tiến trong lĩnh vực này. Họ đã hoàn thành hai nghiên cứu để xem xét việc xây dựng một chương trình bảo hiểm chăm sóc lâu dài trên toàn tiểu bang. Ngoài ra, trong năm nay, California đã bãi bỏ giới hạn tài sản tài chính để tham gia Medicaid, với mục tiêu mở rộng chương trình này, giúp nhiều người cao niên trong tiểu bang được hưởng phúc lợi hơn.
Nguyên Hòa biên dịch
Nguồn: “Harris proposes that Medicare cover more in-home health care, filling a large gap for older Americans and their caregivers” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn