Một cuộc thăm dò của AI & Politics (AI & Chính trị) mới đây cho thấy ngày càng nhiều cử tri lo ngại về cách trí tuệ nhân tạo (AI) có thể gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 này.
Gần ba phần tư những người trả lời nói họ lo sợ ảnh hưởng của các sản phẩm ngụy tạo về chính trị: các đoạn ghi âm, hình ảnh hay video gần như thật đã bị nhào nặn bằng kỹ thuật tạo tác bằng AI để truyền tải những câu chuyện sai sự thật, kích động bất ổn dân sự, ảnh hưởng nhận thức công chúng, hay làm thuyên giảm số cử tri đi bầu.
Trong năm nay đã có nhiều trường hợp cử tri đụng phải những sản phẩm ngụy tạo về chính trị này. Vào tháng Giêng, một vụ gọi điện thoại tự động đã giả mạo giọng nói Tổng thống Biden để khuyến khích các cử tri Dân Chủ tại New Hampshire đừng đi bầu trong kỳ sơ bộ để họ có thể “để dành” phiếu bầu cho tháng 11.
Cựu tổng thống Donald Trump cũng đã đăng lại vài sản phẩm ngụy tạo trên các danh khoản mạng xã hội để ủng hộ chiến dịch của ông, gồm cả một tấm hình ngụy tạo của Phó Tổng thống Kamala Harris nói chuyện tại một buổi tụ tập của cộng sản tại Chicago và một loạt hình ảnh ngụy tạo ám chỉ rằng Taylor Swift ủng hộ ông ta tranh cử tổng thống.
Hồi tháng Năm, Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã cảnh báo các quan chức tiểu bang và địa phương về gia tăng nguy cơ thao túng cử tri bởi công nghệ AI đã tiến nhanh kể từ cuộc bầu cử 2020. Bọn bất lương trên mạng chỉ cần một đoạn ghi âm ngắn hơn ba giây để nhân tạo hóa giọng nói một ai đó nhờ kỹ thuật tạo tác bằng AI, và ai cũng có thể dùng các dịch vụ miễn phí như ChatGPT để nhanh chóng tạo ra các sản phẩm ngụy tạo với chất lượng cao.
Hai phần ba trong số những người trả lời thăm dò cho biết họ không tin rằng cử tri có đủ khả năng phân biệt các nội dung tạo ra bởi AI, và nghiên cứu đã xác nhận mối lo ngại này. Một nghiên cứu vào 2021 cho thấy rằng đa số dân chúng tự đánh giá quá cao khả năng nhận biết các video ngụy tạo. Một nghiên cứu khác vào 2018 cho thấy rằng càng xem các nội dung ngụy tạo nhiều lần, người ta càng nghĩ rằng đó là thật.
Các nhà nghiên cứu cũng bận tâm về cách AI có thể ảnh hưởng các cuộc bầu cử nhỏ hơn cấp địa phương. Một video tạo bởi AI về Thống đốc Utah Spencer Cox được lan truyền trên mạng xã hội vào tháng Sáu, trình bày sai sự thật rằng ông ta thừa nhận đã thu thập chữ ký một cách gian lận trong cuộc đua tranh chức thống đốc. Nhiều nhân vật tên tuổi tại tiểu bang đã đăng lại video này.
Các sản phẩm ngụy tạo cũng có thể nhắm vào danh tánh của một người tổ chức chính trị trong khu phố, hoặc len lỏi vào Listservs (các nhóm email) tại các thành phố nào đó để gửi các tin nhắn tạo bởi AI đến các cộng đồng thiểu số. Chẳng hạn, người ta có thể lấy dữ liệu về một địa điểm bầu cử địa phương để gửi tin nhắn rằng địa điểm bầu cử đã thay đổi đến mọi người.
Tim Harper, một nhà phân tích chính sách cao cấp tại Center for Democracy and Technology (Trung tâm Dân chủ và Công nghệ), đã cho hãng tin Washington State Standard (Tiêu chuẩn Tiểu bang Washington) hay rằng chiến thuật này có thể rất công hiệu, bởi vì “dân chúng không quen nghĩ rằng tin giả sẽ nhắm trực tiếp để gửi đến họ.”
Làm sao tôi có thể tự vệ để khỏi bị thao túng bởi AI?
Cách tốt nhất để chống lại tin giả là kiểm tra bất cứ tuyên bố nào với những nguồn thông tin đáng tin cậy đã biết, kể cả các dịch vụ kiểm tin và các trang Web của chính phủ. CanIVote.org là một trang Web chính thức về thông tin bầu cử của Hoa Kỳ. Công cụ tìm ngược hình ảnh của Google đôi khi có thể được sử dụng để truy tìm nguồn gốc nguyên thủy của tấm ảnh. Bà Anya Williams thuộc Viện Nghiên cứu Truyền thông Poynter khuyên rằng: “Luôn cố gắng tìm ra nguồn gốc của tài liệu nhận được. Dùng một lệnh tìm kiếm bằng từ khóa và đọc thêm [so sánh thông tin từ nhiều nguồn] để xem thử video có bị chỉnh sửa trước khi tin vào những gì bạn xem.”
Đừng tin vào thông tin chỉ thấy trên mạng xã hội, ngay cả khi tin ấy có vẻ được đưa đến từ một nguồn chính thống. Các công cụ và giải thuật tìm kiếm từng được biết đã duy trì tin giả. Chẳng hạn, nhiều bộ trưởng hành chính đã viết thư cho Elon Musk vào tháng Tám khẩn nài ông ta cải tiến công cụ hỗ trợ tìm kiếm bằng AI trên mạng X (trước đây là Twitter) sau khi X đưa tin sai lệch đến hàng triệu người sử dụng rằng Phó Tổng thống Harris không đủ tiêu chuẩn để có tên trên phiếu bầu tổng thống tại chín tiểu bang.
Ngoài chính trị ra, có những nguy cơ nào khác liên quan đến AI mà tôi cần đề phòng?
Lừa gạt qua điện thoại và gian lận tài chính đang lan tràn hơn bao giờ hết. Đừng bao giờ nhấn vào các link liên kết từ các số điện thoại hay email bạn không nhận ra, và tránh trả lời tin nhắn hay điện thoại từ những người không quen biết. Nếu bạn nhấc máy và nhận ra đó là một cú gọi rác, hãy gác máy ngay lập tức. Chúng muốn lấy càng nhiều thông tin từ bạn càng tốt. Nếu nhận một cú điện thoại có vẻ khả nghi từ một người bạn quen biết, hãy tìm cách xác nhận đúng đương sự bằng cách vấn hỏi xem lần cuối họ nói chuyện với bạn là lúc nào.
Những kẻ bất lương trên mạng cũng có thể để lại lời nhắn hoặc gởi tin nhắn đến từ những số điện thoại quen thuộc. Ngay cả khi bạn nhận ra số điện thoại mà qua đó tin nhắn được gửi đến, hãy gọi lại chính đương sự để xác nhận bất kỳ thông tin nào trước khi hồi đáp.
Hãy nhấn vào mã số QR để ghi danh cùng chúng tôi tham gia vào cuộc đấu tranh cho một tương lai mà những người tỵ nạn gốc Việt đã liều mạng đánh đổi. Đó là cách chúng ta có thể tôn vinh và tưởng nhớ tiền nhân.
Web:www.pivotnetwork.org Facebook: https://www.facebook.com/PIVOTorg/ Twitter: @PIVOTorg
Web: VietFactCheck.org Facebook: facebook.com/vietfactcheck Instagram: @vietfactcheck
Twitter: @vietfactcheck YouTube: youtube.com/@vietfactcheck
Gửi ý kiến của bạn