Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Nụ Tầm Xuân Đã Thành Điều Thiêng Liêng *

11/10/202400:00:00(Xem: 631)

VÀ EM LỄ KHẤN DÒNG
( Đọc “ Và em, lễ Khấn dòng...” của Francis Assisi Lê Đình Bảng)
 
“ VÀ EM, LỄ KHẤN DÒNG” ( VE,LKD) là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Đình Bảng, sau 23 tác phẩm đã xuất bản gồm các sách Giảng văn, Giáo trình sách giáo khoa, Thơ, Văn, Bút ký... xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Sách dày 110 trang gồm 63 bài thơ và lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, do nhà Xuất bản Tuổi Hoa Publishing, Hoa Kỳ ấn hành tháng 8 năm 2024, với tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Hà và ký họa chân dung tác giả của họa sĩ Chóe.

Mở đầu lời giới thiệu thi phẩm VE,LKD, Bùi Vĩnh Phúc đã viết: “ Và em, lễ Khấn dòng” thơ tình hay thơ đạo, của Lê Đình Bảng là một tập thơ có một nét đẹp khó tìm thấy, trong dáng nét và thể loại riêng của nó...” ( trang 5, VE,LKD)

Nhà thơ LÊ ĐÌNH BẢNG
Nhà thơ Lê Đình Bảng
VE,LKD là tựa đề tập thơ và cũng là tên bài thơ ở trang 36 trong tập thơ, khá ấn tượng và thu hút sự tò mò của người yêu thơ, nhất là những độc giả “ngoại đạo”. Đó là “lễ Khấn dòng”. Vậy “lễ Khấn dòng” có nghĩa là gì? Theo “ Giáo luật Công giáo. Com”, “ Khấn dòng” được định nghĩa là: “Khấn dòng được diễn tả như một giao ước được thực hiện một cách cá nhân giữa tu sĩ và Đức Kitô, để được nên đồng hình đồng dạng với Ngài qua đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Khấn dòng được định nghĩa như một quà tặng là dâng hiến chính mình cho Thiên Chúa hầu chu toàn trọn vẹn Thánh ý của Người trong sự thông hiệp với anh em...” Điều này, độc giả cũng sẽ cảm nhận và đồng cảm cùng nhà thơ, khi ông viết: “ Bây giờ, ngày tháng ra Giêng/ Em là của Chúa, của riêng nhà dòng/ Mỗi lần ra đứng, trông mong/ Gửi hương cho gió vào trong tường rào ...” (trang 36), “ Em” của nhà thơ, chính là nữ tu, đã “dâng hiến” chính mình cho Thiên Chúa, em là “Nụ tầm xuân”, cũng “ nở ra xanh biếc” trong trái tim si tình của tác giả, song “ nụ tầm xuân” ấy đã “ Thành điều thiêng liêng”, “em như thánh nữ” trong ngưỡng phục của tâm hồn thi sĩ. Nhẹ nhàng, thanh thoát và cũng thật rưng rưng!

Cũng theo nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, “cái đẹp lạ lùng của tập thơ là ở chỗ nó đi thong dong giữa hai bờ, hai cõi. Cõi trần, cõi bụi và cõi đạo, cõi bát ngát hương hoa... Thơ Lê Đình Bảng phản ánh cái “chập chờn” nửa đời, nửa đạo. Cái nửa bụi, nửa trong...”. Thật ra, “đạo” và “đời” trong thơ ông cũng chỉ là những xúc cảm thuần thành của một thi sĩ đạo gốc, yêu đời và kính Chúa. Bởi phàm là con người hiền lương, trong mọi cảm xúc, dù lúc hoạn nạn, khổ đau, hay khi sung sướng, hạnh phúc đều nghĩ đến Chúa ( Phật). Chính vì vậy, mà nhà thơ Hàn Mặc Tử, có lúc đã thảng thốt kêu lên: “ Maria linh hồn tôi ớn lạnh...”, hay như “ Lạy Bà là Đấng trinh toàn thánh vẹn/ Giàu nhân đức, giáu muôn hộc từ bi...” ( Thánh nữ đồng trinh Ave Maria), khi cuối đời cùng căn bệnh nan y, khao khát sống và khao khát cứu rỗi. Hay như nhà thơ Kiên Giang- Hà Huy Hà, khi yêu một người con gái có đạo và ông đã “thú nhận”: “ Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo/ Nhưng tin có Chúa ngự trên trời/ Trong lòng con, giữa màu hoa trắng/ Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi!” ( Hoa trắng thôi cài trên áo tím, 1957). Hay như cảm xúc thật chan hòa, đầm ấm lẫn uất nghẹn của thi sĩ Vũ Anh Khanh, khi đứng trước một xóm Đạo hiền hòa, bị chiến tranh tàn phá: “ Đây Tha La xóm đạo/ Có trái ngọt cây lành/ Tôi về thăm một dạo/ Giữa mùa nắng vàng hanh.../... Tha La giận mùa thu/ Tha La hận quốc thù/ Tha La hờn quốc biến.../... Lạy Đức Thánh Cha/ Lạy Đức Thánh Mẹ/ Lạy Đức Thánh Thần...” ( Tha La, 1949).

VÀ EM LỄ KHẤN DÒNG 1
Trở lại với thi phẩm “ VE, LKD” của Francis Assisi Lê Đình Bảng với 63 bài thơ là 63 bông hoa tươi thắm, được ông chăm sóc kỹ lưỡng với ân tình của một tín đồ rất mực kính Chúa, yêu đời và là một vị Giáo Sư dạy Quốc Văn của nhiều trường Công giáo nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975. Ngôn ngữ chỉn chu, chắt lọc, song cũng bình dân, dễ hiểu, với hương sắc dân dã của các loài hoa: Hoa xoan, hoa bưởi, hoa sứ, hoa khế, hương nhu, hoa cối xay, hoa quế... hay đượm một chút thanh tân đài các như quỳnh, ngọc lan, mẫu đơn, huệ trắng...Đó là: “ Lệ mùa rơi đóa Thu phong ấy/ Hương ngọc lan ủ dưới gối nằm/ Chợt nửa khuya mơ hồ tỉnh giấc/ Đêm thơm như là đóa từ tâm” ( Ngọc lan hương, trang 35). Hay như: “ Nhớ vàng bông cải, câu kinh sớm/ Nhớ tháng Giêng, đồng bãi cỏ non.” ( Trong vườn ngọc lan, trang 31), và rồi: “ Về đây, vào lễ hương. Em nhé/ Xin hái dùm tôi một đóa hoa/ Này, mẫu đơn kề bên cửa sổ/ Một chùm xinh nở trước hiên nhà” (Mẫu đơn, trang 56).

Điều thú vị và khá đặc biệt, trong thi pháp của Lê Đình Bảng, độc giả bắt gặp phần lớn các bài thơ trong thi phẩm đều có cái kết “mở”, có nghĩa là nhà thơ không tự mình “ép” độc giả phải đồng tình và xúc cảm cùng với cái kết bài thơ của mình, mà có thể còn mở ra thêm... một câu thơ, một khổ thơ hay một cái kết khác theo tâm ý và xúc cảm của người đọc? Có thể lẫy ra đây một vài ví dụ: Ở bài thơ “Dấu yêu” trang 17, khổ cuối: “ Và khi ngọn khói hương tan/ Ta lơ đễnh giữa muôn vàn dấu yêu/ Ấy, ai về tận lam kiều/ Vin nhành sương sớm, nhắn chiều giá băng”. Nhắn gì với chiều giá băng, hay giá băng như thế nào? Độc giả có thể tự tìm cho mình câu trả lời! Hay như bài “ Mùa trăng Vu lan” trang 19, nhà thơ kết: “ Cứ mỗi mùa Vu lan, cúng quả/ Chùa làng bên mở huệ, tuần chay/ Dọc đường, ra nghĩa trang. Em bảo: “ Mẹ ngủ trong gò đất cỏ may/ Thành bụi, thành tro than lãng đãng/ Vầng trăng tơ mọc giữa ban ngày” và điều gì cảm xúc nữa? Cũng có thể nối vào! Tương tự bài thơ “ Bên ấy bên đây” trang 23, hai câu kết: “ Bắt xuồng theo nước ra sông/ Đang mùa cá chạy trắng đồng, lũ dâng” v.v...

Tình yêu trong thơ Lê Đình Bảng, như trên đã viết. Trước hết, trong sâu thẳm và trái tim ông là niềm tin yêu luôn kính Chúa: “ Lạy Chúa,/ nhậm lời con khấn nguyện/ Dù con,/ sau trước, chỉ là không/ Dù con/ như cánh hoa đầu gió/ Tan tác/ về nơi đâu, bão giông” ( Lời dâng, trang 40), hay như “ Nhiều khi, trong cõi phiêu linh/ Chỉ mình Chúa ngự và... mình Em thôi” ( Chiêm bao, trang 46), và chỉ có niềm tin mới khiến người thi sĩ, viết ra những câu thơ gan ruột: “ Những gì tôi có riêng tôi/ Chẳng qua, là của Chúa Trời ban cho...” ( Ơn Trời, Trời cho, trang 68).

Bên cạnh niềm tôn kính Chúa là tình mẹ dạt dào, cao cả, nuôi nấng tác giả và hồn thơ ông : “ Mẹ ngồi / trước mái tây hiên/ Ru con ru cả/ người bên kia nhà/ Đầy vườn, cây bưởi ra hoa/ Đọc kinh/ cầu nguyện, kẻo sa linh hồn” ( Tôi ru tôi một đời, trang 26). Mẹ luôn là người ông đã tâm sự: “ Mẹ ôi/ vừa mới hôm qua/ Người yêu con/ đã đi xa, xa rồi...( Gửi về nơi xa lắm, trang 59), và tác giả luôn ghi nhớ: “ Con đi học đạo, xa nhà/ nhớ câu kinh muộn, tiếng gà ban trưa/ Nhớ từng đường chỉ, mau thưa/ Những manh áo vá vải thô bạc màu.../...Gạo cơm từng bữa. ăn đong/ Chắt chiu, lưng dạ đỡ lòng, cho qua/ Thế rồi ngã bảy, ngã ba/ Con đi học đạo, xa nhà đã lâu...” ( Con đi học đạo xa nhà, trang 70).

Tình yêu riêng tư, trai gái thường tình trong thơ Lê Đình Bảng luôn bàng bạc trong từng bài thơ của thi phẩm, có lúc ấm áp, dịu dàng: “ Bao giờ, Em ở bên tôi,  nhỉ/ Bên ấy, bên này, thôi cách xa/.../ Trời ơi, hạnh phúc êm đềm quá/ Giấu để riêng mình, không nói ra” ( Bao giờ và chẳng bao giờ, trang 58), có khi là sự xao xuyến lặng thầm: “ Lặng thầm/ trong / mỗi câu kinh/ Mà Em/ thì vẫn đinh ninh/ như là.../ Những ngày xưa, mới lên ba/ Khi lên ở phố/ xa nhà, xa quê.” ( Chuyện lòng, trang 42. Cái rất riêng của thơ ông, là “Em” luôn được viết hoa, được trân trọng, nâng niu và dành giữ, bởi: “ Vì em thở đẫy mùi thơm ngát/ Mỗi ngón tay là mỗi búp hoa/ Mà sợi lạt giang, chưa buộc chặt?/ Cơ hồ ai muốn gỡ bung ra” ( Tĩnh tâm, trang 20). Điều đơn giản là ông đã nhận ra: “ Có phải, Em về từ cõi khác/ Hiện hình Thánh nữ Tê rê sa/ Làm mưa hoa hồng xuống, mưa đều khắp/ Cả thế gian, vui hưởng thái hòa” ( Ngày mai, lễ Khấn dòng, trang 22). Đó là: “ Em về bên ấy/ trăng soi/ Chắp tay hạnh nguyện/ một đời ẩn tu” (Hương nhu, trang 27). Một tình yêu buồn, đôi khi thi sĩ cũng muốn... phá cách, mượn một hình ảnh khác qua ca dao mà bộc bạch tâm trạng mình: “ Những chiều buồn, đứng co ro/ Nhác trông khói nước, lưng bờ, chênh chao/ “  Nàng ơi, tu ở chùa nào/ Cho tôi, làm tiểu, xin vào tu chung” ” (Em lễ chùa nào, trang 41). Song tất cả đều là “hạnh nguyện” là thực tế: “ Em là của Chúa, của riêng nhà dòng” và thi sĩ chỉ là: “ Em như Thánh nữ, ta người trần gian...” (Và em lễ Khấn dòng, trang 37). Cuối cùng thì “ Nụ tầm xuân” xưa, dấu yêu một thời “ Không đi lấy chồng” mà  “ đã thành điều thiêng liêng” “ Người của Chúa”. Cảm xúc đã từ con tim, hóa thành thơ, ấn tượng, mãi không phai nhòa.

Để khép lại bài viết, người viết xin được đôi dòng Vĩ thanh: “ Hơn 50 năm trước đây, tôi chưa có cái duyên làm học trò của Nhà giáo, thi sĩ Lê Đình Bảng, song được cái may mắn và vinh dự được ông chọn thơ, điểm thơ trên Bán nguyệt san Ngàn thông ở Sài Gòn khi tôi vừa chập chững con đường văn chương. Nay lại được “tri ngộ” ông qua thơ ông, xin được mạo muội “múa rìu qua mắt thợ”, mong được ông và độc giả lượng thứ, nếu có điều chi sai sót. Xin được vạn lần đa tạ và chỉ bảo...
 
Katy, TX October, 6/2024

TRẦN HOÀNG VY   
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đọc Trịnh Y Thư là đọc một nghệ thuật viết tiểu thuyết vừa siêu hình vừa hiện thực. Nó thực thực hư hư đầy bất ngờ ở những bước ngoặt tình tiết. Độc giả thoạt thấy câu chuyện là như vầy, nhưng đoạn sau nó lại mở ra một cảnh mới, nhân vật cũ mà cảnh thì khác. Lối sắp xếp câu chuyện, dàn cảnh như trong phim trường. Tác giả dẫn dắt khán giả như đang xem một cuốn phim mà nhà đạo diễn đổi cảnh quay, đổi đề tài, đổi tâm tính mà vẫn luôn giữ khán giả ở lại với nhân vật của truyện, của con người Việt Nam trong suốt ba cuộc bể dâu...
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024. Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.
Sách mới "Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ" của Nguyễn Viện, do NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành, 2024. Gồm 2 truyện kịch: VÀ, HẮN ĐÃ ĐẾN & Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Ở phía đông âm phủ” độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam… Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc. Nhà nghiên cứu lý luận Ngu Yên đúc kết: Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.
Kề từ khi bệnh tật tận tình thăm hỏi, Khánh Trường đã cho ra đời: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Số tác phẩm đồ sộ này, ít ai, kể cả những tác giả sung sức nhất, làm nổi. Đúng là…kỳ vĩ! Cuốn “Cùng Nhau Đất Trời” này có chút khác với các cuốn trước vì tác giả ghi ngay ngoài bìa sách là “du ký tiểu thuyết”. Chuyện mới à! Mới nhưng truyện của Khánh Trường chằng bao giờ thoát ra khỏi tình. “Cùng Nhau Đất Trời” cũng vậy, đây là một truyện tình. Nhân vật chính không còn trẻ, đã 38 tuổi, chưa chồng con. Ông bố sốt ruột: “Cô tưởng cô còn trẻ lắm sao? Kén cá chọn canh mãi, mai mốt thành gái già, hối không kịp”.
Nhận được cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm nhận cho tác phẩm của ông...
Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.
Ngôn Ngữ đặc biệt về “tác giả tác phẩm”, cuốn này hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc, một cây bút tài danh đã viết và thành công trong hầu hết trong nhiều bộ môn văn học nghệ thuật qua bốn thập niên. Tác giả đó là nhà văn Trịnh Y Thư. Ông tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, du học và hành nghề điện tử viễn thông tại Hoa Kỳ cho đến khi hưu trí vào năm 2018. Như đã thượng dẫn, Trịnh Y Thư là một người đa tài, chúng tôi xin giới thiệu đại khái về từng bộ môn ông đã sinh hoạt. Trong bộ môn văn, ông đã viết và phổ biến rộng qua sách in từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, khảo cứu, nhận định văn học, tùy bút, tạp bút, tạp luận. Với bộ môn thi ca, ông có một số ít bài theo phong cách vần điệu nhưng không cùn mòn. Chúng tôi nghĩ ông rất hứng thú và chuyên về trường ca, hoặc những bài viết có số lượng câu không quá ngắn hoặc quá dài, và ông cũng sử dụng cả lối thơ Hokku với chỉ 3 câu cho từng khổ.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.