LIÊN HIỆP QUỐC – Hôm thứ Hai (30/9), Bắc Hàn cho biết họ không có ý định quay lại với kiểu ngoại giao cá nhân (personal diplomacy) mà Kim Jong Un từng có với cựu Tổng thống Donald Trump, bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ ngày 5 tháng 11 sắp tới, theo Reuters.
Song Kim, đại sứ Bắc Hàn tại LHQ, phát biểu trong buổi họp Đại hội đồng LHQ ở New York: “Chúng tôi sẽ chỉ làm việc với Hoa Kỳ như một thực thể quốc gia, chứ không phải với một chính phủ tạm thời. Tương tự, bất kỳ chính quyền nào của Hoa Kỳ cũng sẽ phải đối mặt với DPRK, khác với những gì mà Hoa Kỳ từng nghĩ,” DPRK ám chỉ tới tên gọi đầy đủ và chính thức của Bắc Hàn.
Gần đây, một nhà ngoại giao cấp cao của Bắc Hàn đã đào tỵ sang Hàn Quốc và tiết lộ thông tin rằng Bình Nhưỡng muốn tái khởi động các cuộc đàm phán nguyên tử với Hoa Kỳ nếu Trump tái đắc cử. Hiện tại, họ đang làm việc để đưa ra một chiến lược đàm phán mới cho tình huống này.
Trong nhiệm kỳ trước, Trump đối phó với Bắc Hàn theo kiểu “vừa đấm, vừa xoa,” “lúc mềm, lúc cứng,” – tạo nên kiểu ngoại giao chưa từng có giữa 2 quốc gia.
Nhà ngoại giao đào tỵ, Ri Il Gyu, cho biết chính quyền Bình Nhưỡng đang tính toán xây dựng chiến lược trong trường hợp Trump đánh bại Phó Tổng thống Kamala Harris và tái đắc cử. Các mục tiêu mà họ đang hướng tới là gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với chương trình vũ khí, ngừng bị Hoa Kỳ coi là quốc gia tài trợ khủng bố, và tìm cách thu hút viện trợ kinh tế.
Trước đó, vào năm 2019, cuộc gặp giữa Kim Jong Un và Trump ở hội nghị thượng đỉnh tại VN không thu được kết quả khả quan do những bất đồng về vấn đề lệnh trừng phạt. Hoa Kỳ yêu cầu Bắc Hàn phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử, trong khi Bắc Hàn muốn Hoa Kỳ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước. Kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, Bắc Hàn đã không đáp lại những nỗ lực của Washington nhằm tái khôi phục các cuộc đàm phán.
Trong cuộc tranh luận vào tháng 6, Trump cho rằng các nhà lãnh đạo của TQ, Bắc Hàn, và Nga không “tôn trọng” Biden và cảnh báo rằng Tổng thống đương nhiệm đang đẩy Hoa Kỳ “vào nguy cơ Thế Chiến III.”
Tháng 8, Trump tiếp tục rao rằng Kim Jong Un “rất thích tôi” và “không thích cái nhóm hiện tại,” ám chỉ đến chính quyền Biden-Harris, và rằng “Chúng ta đang đứng trước nguy cơ rất lớn là bị cuốn vào Thế Chiến III.”
Song Kim nhấn mạnh, chính sự thù ghét và mối đe dọa nguyên tử kéo dài hơn 70 năm từ phía Hoa Kỳ đã buộc Bắc Hàn phải phát triển và sở hữu vũ khí nguyên tử. Ông cũng dẫn lời Kim Jong Un rằng: “Chúng ta có thể lựa chọn đối thoại hoặc đối đầu, nhưng cần phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho kịch bản đối đầu.”