HOA KỲ – Hôm Chủ Nhật (29/9), Thống đốc California Gavin Newsom đã phủ quyết một dự luật liên quan đến an toàn trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, AI) gây nhiều tranh cãi và vấp phải sự phản đối kịch liệt từ các công ty công nghệ; họ lo ngại rằng luật này có thể khiến các công ty AI phải rời khỏi tiểu bang và cản trở sự thay đổi, theo Reuters.
Newsom giải thích rằng dự luật này chưa đủ cụ thể, vì “không tính đến việc hệ thống AI có được khai triển trong những môi trường nhiều nguy cơ, có liên quan đến việc hoạch định quyết sách hoặc sử dụng dữ liệu nhạy cảm hay không,” mà chỉ áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, ngay cả đối với những việc cơ bản nhất, miễn là được khai triển bởi một hệ thống lớn nào đó.
Thống đốc Newsom cho biết đã yêu cầu các chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo tổng quát (generative AI) hợp tác với California để “phát triển các biện pháp bảo vệ hiệu quả và hợp lý, dựa trên nghiên cứu khoa học và thực nghiệm.” Ông cũng chỉ đạo các cơ quan có trách nhiệm mở rộng khảo xét những nguy cơ xảy ra các tình huống xấu nhất liên quan đến AI.
AI tổng quát ngày càng phổ biến, trí tuệ nhân tạo hiện đại này có thể tạo ra các nội dung dạng chữ (văn bản), dạng hình ảnh và cả clip theo yêu cầu của người dùng. Tuy nhiên, nhiều người lo sợ rằng công nghệ này có thể khiến rất nhiều người mất kế sinh nhai, can thiệp vào các cuộc bầu cử, và thậm chí vượt ra khỏi tầm kiểm soát của nhân loại, dẫn đến những hậu quả thảm khốc.
TNS Scott Wiener, tác giả của dự luật, nhấn mạnh rằng dự luật này là cần thiết để ngăn chặn những hiểm họa tiềm tàng từ AI trước khi công nghệ này trở nên khó giám sát hoặc vượt khỏi tầm kiểm soát. Ngành công nghiệp AI ở California đang phát triển rất nhanh, và nếu không có quy định kịp thời, tương lai của các công ty AI có thể trở nên khó lường.
Wiener cũng bày tỏ lo ngại rằng việc phủ quyết dự luật sẽ khiến California trở nên nguy hiểm hơn, “vì các công ty được tự do phát triển công nghệ AI mạnh mẽ mà không bị ràng buộc bởi quy định hay luật lệ nào,” và rằng “các cam kết tự nguyện của ngành không có tính ràng buộc và hiếm khi mang lại hiệu quả cho công chúng.”
Newsom đồng ý rằng việc không chờ đến “mất bò mới lo làm chuồng” là đúng, nhưng không nên vội vàng thông qua một dự luật mà chưa có phân tích khoa học đầy đủ về tác động của các hệ thống AI. Thống đốc cam kết sẽ làm việc với cơ quan lập pháp để ban hành các quy định về AI trong kỳ họp tiếp theo, nhất là khi các nỗ lực lập pháp liên bang đang bị đình trệ và chính quyền Biden đang thúc đẩy giám sát AI. Ông cũng lưu ý rằng “California sẽ có quyết định riêng nếu Quốc hội liên bang không hành động.”
Tổ chức Chamber of Progress ca ngợi quyết định phủ quyết của Newsom, cho rằng “sự cạnh tranh và cởi mở là chìa khóa giúp nền kinh tế công nghệ của California phát triển mạnh mẽ.”
Dự luật ban đầu muốn yêu cầu kiểm tra an toàn đối với các mô hình AI tiên tiến nhất, đặc biệt là những mô hình tốn hơn 100 triệu MK để phát triển hoặc cần sử dụng một lượng lớn sức mạnh tính toán. Các nhà phát triển phần mềm AI hoạt động tại tiểu bang cũng cần phải nêu rõ phương pháp tắt các mô hình AI trong trường hợp khẩn cấp, về cơ bản có thể hiểu là một “cái nút tắt.”
Dự luật cũng đề nghị thành lập một cơ quan có trách nhiệm để giám sát việc phát triển các mô hình AI tiên tiến hơn nữa, được gọi là “Frontier Models.” Những mô hình này thông minh hơn cả các hệ thống AI thông minh nhất hiện nay.
Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều công ty lớn như Google, OpenAI và Meta vì lo ngại rằng các quy định này sẽ hạn chế sự phát triển của AI. Một số DB Dân chủ, bao gồm cả DB Nancy Pelosi, đã phản đối dự luật này. Trong khi đó, những người ủng hộ dự luật, như Elon Musk, CEO của Tesla và Anthropic, một công ty AI được Amazon hậu thuẫn, thì cho rằng dự luật sẽ có lợi nhiều hơn là hại.
Newsom cũng đã ký một đạo luật riêng, yêu cầu tiểu bang khảo xét các mối đe dọa mà AI tổng quát có thể gây ra đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của California. Các cuộc khảo xét này đang tập trung vào lĩnh vực năng lượng, và trong tương lai sẽ được mở rộng sang các lĩnh vực khác như truyền thông.