Dị ứng thực phẩm có thể đe dọa tính mạng: nổi mề đay, nôn mửa, khó thở, và huyết áp tụt nhanh bất ngờ là những phản ứng nghiêm trọng mà một số người mắc có thể gặp khi ăn phải những loại thực phẩm không phù hợp. Tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, dị ứng có thể xảy ra rất nhanh và đôi khi cần được điều trị khẩn cấp.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng bệnh CDC, khoảng 8% trẻ em bị dị ứng với một số loại thực phẩm, 6.2% ở người lớn. Các chuyên gia y tế đang nghiên cứu những phương thức giúp giảm bớt những phản ứng nhạy cảm này, hoặc thậm chí là ngăn ngừa ngay từ đầu.
Trước đây, các bậc phụ huynh thường được khuyên là nên tránh cho trẻ ăn những loại thực phẩm có thể gây dị ứng. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã chỉ ra điều ngược lại: cho trẻ tiếp xúc với các chất gây dị ứng từ sớm thực sự có thể giúp giảm nguy cơ bị dị ứng về sau. Đối với những trẻ đã có dấu hiệu dễ bị dị ứng thực phẩm, các liệu pháp miễn dịch mới đang được phát triển để giúp loại bỏ hoàn toàn các phản ứng nguy hiểm do dị ứng gây ra.
Dị ứng thực phẩm là gì?
Rất khó xác định chính xác số người bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, vì có nhiều trường hợp nhạy cảm với thực phẩm có triệu chứng giống như dị ứng nhưng thực ra không phải là bị dị ứng. Thí dụ, không tiêu hóa được đường sữa (lactose) có thể gây đau bụng giống như triệu chứng dị ứng, nhưng thực chất đây là vấn đề của hệ tiêu hóa chứ không phải dị ứng với sữa. Đi bác sĩ để được khám và chẩn đoán là cách tốt nhất để biết chắc một phản ứng xấu với thực phẩm có phải là dị ứng hay không. Phải biết chắc chắn rằng đó là dị ứng thực phẩm, thì mới có thể tìm phương thức điều trị phù hợp.
Dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với một loại protein vô hại mà cơ thể nhầm lẫn là mối nguy hiểm, chẳng hạn như protein trong đậu phộng. Các loại protein gây dị ứng được gọi là chất gây dị ứng (allergen). Để chống lại các chất gây dị ứng, cơ thể chúng ta sẽ tạo ra một loại kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE).
Các kháng thể IgE kết nối với một số tế bào miễn dịch như bạch cầu ưa acid eosinophils, tế bào mast cells, và bạch cầu ưa kiềm basophils. Khi các tế bào này được kích thích, sẽ sản sinh ra histamin, gây ra phản ứng dị ứng ở bốn hệ thống cơ quan chính trong cơ thể: ruột, da, phổi và tim. Các triệu chứng thường thấy bao gồm ngứa ngáy, phát ban, co thắt trong phổi, nôn mửa và tiêu chảy.
Khi có hơn một trong bốn hệ thống bị ảnh hưởng – chẳng hạn như khi bệnh nhân có triệu chứng nôn mửa (ruột) và khó thở (phổi) – thì tình trạng này được gọi là phản vệ (anaphylaxis). Trường hợp này rất nguy hiểm, có thể sẽ cần tiêm thuốc EpiPen để giúp thư giãn các bắp thịt trong phổi và mở rộng đường thở, giúp bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
Dị ứng thực phẩm không có nhẹ hay nặng, chỉ có phản ứng của cơ thể ở mức độ nặng hay nhẹ. Phản ứng của cơ thể có thể khó dự đoán. Một chất gây dị ứng đã từng gây ra phản ứng nhẹ, nhưng ở lần tiếp xúc tiếp theo lại có thể gây ra phản ứng nặng hơn và ngược lại.
Tại sao ngày càng có nhiều trường hợp dị ứng thực phẩm?
Có hai nguyên nhân gây ra dị ứng thực phẩm: di truyền và môi trường. Yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến nguy cơ bị dị ứng, nhưng chỉ riêng yếu tố này không phải là nguyên nhân gây ra sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp dị ứng thực phẩm. Nguy cơ dị ứng ở trẻ em cao hơn nếu cả hai phụ huynh của trẻ đều có các vấn đề về hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như bị dị ứng theo mùa (seasonal allergies) hoặc bị phong ngứa trên da (eczema).
Trong khi đó, hiện nay có hai giả thuyết chính cho rằng các yếu tố môi trường dẫn đến dị ứng thực phẩm. Giả thuyết đầu tiên là về vệ sinh, cho rằng ngày nay xã hội quá chú trọng vào việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, khiến cho mọi người không được tiếp xúc với các chất gây dị ứng từ sớm. Kết quả là hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể phản ứng quá mức với các protein vô hại và gây ra dị ứng.
Ở nhiều nơi trên thế giới, trẻ em ngày nay ít tiếp xúc với môi trường tự nhiên như đất, bụi và gia súc so với trước đây. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các khu vực đô thị có tỷ lệ dị ứng thực phẩm cao hơn so với các khu vực nông thôn.
Gupta giải thích: “Giai đoạn 100 ngày đầu đời hoặc năm đầu tiên của trẻ rất quan trọng để cơ thể trẻ làm quen với nhiều tác nhân khác nhau, như nghịch đất bẩn hoặc tiếp xúc với các loại thực phẩm đa dạng.” Nhưng vì lo sợ con mình có thể bị dị ứng, nhiều phụ huynh đã trở nên quá cẩn trọng trong việc giới thiệu thực phẩm cho trẻ.
Tuy nhiên, thuyết vệ sinh không hoàn toàn giải thích được tại sao ngày càng nhiều trường hợp bị dị ứng. Một số nghiên cứu cho thấy, việc tiếp xúc quá nhiều với một loại thực phẩm cụ thể (như nhiều loại hải sản ở Á Châu) có thể làm tăng nguy cơ bị dị ứng với loại thực phẩm đó. Hiện tượng này có thể được giải thích bằng giả thuyết tiếp xúc nhiều lần (dual exposure). Theo giả thuyết này, nguy cơ bị dị ứng thực phẩm sẽ tăng lên nếu trẻ tiếp xúc với các dấu vết của chất gây dị ứng, chẳng hạn như hít thở hoặc dính lên da, trước khi ăn thực phẩm chứa chất gây dị ứng đó.
Robert A. Wood, trưởng khoa Dị ứng và Miễn dịch học tại Johns Hopkins Children's Center, đưa ra một thí dụ như sau: khi phụ huynh thoa kem dưỡng da cho con mình mà trên tay bị dính một ít xíu bơ đậu phộng, thì có thể sẽ làm tăng nguy cơ em bé dễ dị ứng với đậu phộng về sau.
Hai giả thuyết này là những giả thuyết đang được nghiên cứu nhiều nhất. Ngoài ra, còn có các giả thuyết khác liên quan đến cách trồng trọt và quá trình đóng gói thực phẩm, cũng như tác động của biến đổi khí hậu.
Những bước tiến mới trong phòng ngừa dị ứng
Các liệu pháp miễn dịch bao gồm việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng nào đó từ sớm, có thể rất có lợi về lâu dài.
Một thí dụ tiêu biểu cho điều này là nghiên cứu LEAP, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc cho trẻ ăn thực phẩm có chứa đậu phộng trước khi thôi nôi có thể giảm đáng kể nguy cơ bị dị ứng đậu phộng sau này; tính tới khi trẻ lên 5 tuổi thì có thể giảm tới 81% so với những trẻ kiêng hẳn đậu phộng.
Năm nay, một nghiên cứu tiếp theo trên hơn 500 trẻ em đã tham gia nghiên cứu LEAP cho thấy các biện pháp phòng ngừa sớm, như việc cho trẻ tiếp xúc với đậu phộng từ khi còn nhỏ, vẫn có hiệu quả bảo vệ lâu dài khi các em đã bước sang tuổi vị thành niên.
Ngăn ngừa dị ứng ngay từ ban đầu là mục tiêu lớn mà các nhà nghiên cứu đang theo đuổi. Nhưng khi số trường hợp bị dị ứng ngày càng tăng nhanh và một số phương pháp phòng ngừa không còn hiệu quả, chúng ta cần thử các phương pháp điều trị mới để “huấn luyện lại” cho cơ thể dễ chấp nhận những thực phẩm vốn vô hại.
Chẳng hạn như trước đây, dị ứng thực phẩm chỉ có thể được điều trị bằng cách hoặc là tránh xa chất gây dị ứng, hoặc là ban đầu ăn một lượng nhỏ rồi tăng từ từ cho đến khi cơ thể có thể chịu đựng được.
Còn hiện nay, có một số loại thuốc đã được FDA chuẩn thuận có thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi các nguy cơ do vô tình tiếp xúc với chất gây dị ứng. Chẳng hạn như kháng thể omalizumab, còn được biết với nhãn hiệu thuốc Xolair. Thuốc này hoạt động bằng cách gắn kết với kháng thể IgE trong máu và ngăn không cho IgE kích thích các tế bào miễn dịch gây ra phản ứng dị ứng.
Trong các thử nghiệm lâm sàng, 68% người bị dị ứng đậu phộng sử dụng thuốc Xolair đã có thể ăn đậu phộng bình thường, nhưng cũng có 17% người dùng thuốc mà vẫn bị dị ứng đậu phộng. Vì vậy, các chuyên gia cảnh báo là dù có thuốc điều trị đi nữa thì vẫn nên tránh xa các chất gây dị ứng.
Những tiến bộ trong công nghệ CRISPR cũng đã cho phép các khoa học gia chỉnh sửa và loại bỏ các gen gây dị ứng. Điều này có thể giúp ngăn chặn hoặc giảm thiểu phản ứng dị ứng thực phẩm trong tương lai.
Nguồn: “As food allergies rise, new treatments are on the horizon” được đăng trên trang Nationalgeographic.com.
Gửi ý kiến của bạn