Westminster (Bình Sa) – Tại hội trường Đài Truyền Hình Việt Ngữ Asian World Media số 7400 Hazard Ave Ste # B, Thành Phố Westminster, vào tối Thứ Năm ngày 19 tháng 9 năm 2024, Đài Truyền Hình Việt Ngữ Asian World Media đã long trọng tổ chức lễ Giỗ Tổ ngành Sân Khấu 2024, đông đảo nghệ sĩ tên tuổi trong giới cải lương, tân nhạc, tài tử và các bộ môn văn nghệ cổ truyền, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ cùng đồng hương thân hữu ở Quận Cam, Nam Cali, một số các cơ quan truyền thông đến dự Lễ Giỗ Tổ Sân Khấu.
Buổi lễ giỗ tổ sân khấu được Đài Truyền Hình Việt Ngữ Asian World Media trực tiếp truyền hình. Điều hợp chương trình do Nghệ Sĩ Đỗ Thanh. Mở đầu buổi lễ, ban nghi lễ cung nghinh Tam Vị Thánh Tổ vào lễ đài, trong lúc nầy 3 hồi chiêng trống được khởi lên, mọi người đều đứng dậy trang nghiêm để đón Tổ.
Sau khi các vị tổ được an vị, Nghệ Sĩ Đỗ Thanh mời các vị nghệ sĩ lên sân khấu niệm hương cúng tổ theo nghi thức cổ truyền. Sau nghi thức lễ, ban tổ chức mời các nghệ sĩ: Bảo Quốc, Thúy Uyển, Hương Lan, Lê Bá Chư, Trần Quang cùng lên sân khấu, sau khi niệm hương tế tổ, những vị nầy lần lượt phát biểu, trong lời phát biểu những vị nầy đã cảm ơn Ban tổ chức, Đài Truyền Hình Việt Ngữ Asian World Media đã tạo điều kiện để anh chị em nghệ sĩ có dịp gặp gở nhau, trong tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” “Tôn Sư Trọng Đạo” mặc khác cùng là dịp để anh em nghệ sĩ cùng ôn lại những kỷ niệm buồn vui trong đời nghệ sĩ trình diễn.
Sau phần nghi thức lễ tế tổ, các anh chị em nghệ sĩ lần lượt trình diễn những màng cải lương, tân cổ giao duyên, tân nhạc, đây là một chương trình đặc sắc do nhiều anh chị em nghệ sĩ tên tuổi tại Quận Cam trình diễn.
Hằng năm cứ đến ngày 11, 12, 13 Tháng Tám Âm lịch, trong ba ngày này được gọi là Ngày Giỗ Tổ Sân Khấu, các nghệ sĩ đều đến cúng bái Tổ để cầu được may mắn, được hanh thông trên con đường nghệ thuật, các anh chị em ca nghệ sĩ rất vui mừng, vì đây chính là ngày Giỗ Tổ Nghệ Thuật Sân Khấu. Họ được tề tựu với nhau để hàn huyên tâm sự và cùng hướng tâm về Tổ Nghiệp. Có thể nói, ngày này là ngày hội Tết của ca nghệ sĩ, và những người hành nghề nghệ thuật khác.
Theo truyền thuyết thì đời xưa có vị hoàng tử con vua rất mê coi ca hát và vị này qua đời vào ngày 12 tháng 8 âm lịch trong một lần đi coi hát. Dù qua đời nhưng linh hồn của vị hoàng tử vương vấn trên sân khấu; độ trì cho giới cầm ca. Cho nên các nghệ sĩ thờ cúng vị này, coi là Tổ Sân Khấu.
Tại quê nhà thời xưa, người ta không cho khán giả mang trái thị vào rạp hát vì họ tin rằng mùi thơm của trái thị sẽ làm cho Ông Tổ Sân Khấu, vốn còn trẻ, mê thích mà quên hộ trì cho các nghệ sĩ trình diễn và dễ xảy ra các vụ trục trặc trên sân khấu.
Chương trình văn nghệ, các nghệ sĩ cải lương trong trang phục cổ truyền trình diễn các tiết mục sân khấu xưa và nhiều màn đơn ca vừa vọng cổ vừa tân nhạc- đúng là Tân Cổ Giao Duyên.
Ngày giỗ tổ sân khấu cũng là dịp để giới ca nhạc sĩ trình diễn, nhất là bộ môn cải lương, gặp gỡ nhau, cùng ca hát và giới khán giả yêu nghệ thuật ngồi thưởng thức. Cho nên không khí rất vui vẻ, ấm cúng và trang trọng, có sự hài hòa giữa nghệ thuật và tâm linh.
Theo ban tổ chức, tại hải ngoại, nơi nào có tiếng nói Việt Nam, còn được nghe câu ca vọng cổ, còn nghe được làn điệu cải lương, còn nghe những bài ca tiếng hát tân nhạc, điệu hò dân tộc trên sân khấu, thì nơi đó còn hồn quê dân tộc.
Lễ Giỗ Tổ Sân Khấu không chỉ dành cho nghệ sĩ cải lương, hát bội, tân nhạc, hay kịch nghệ, điện ảnh… mà còn dành cho tất cả những người làm việc có liên quan đến nghệ thuật như hóa trang, hậu đài, họa sĩ, nhạc sĩ…
Mọi chi tiết liên lạc: (866) 904-7546.
Gửi ý kiến của bạn