Quận Cam (VB) - Kể từ sau đại dịch Covid-19, các hình thức mạo danh lừa đảo (scam) qua email, điện thoại tăng mạnh ở Mỹ, gây thiệt hại hàng tỉ đô cho những người dân cả tin. Những kẻ mạo danh thường tự nhận mình thuộc một cơ quan chính phủ như Ủy Ban Thương Mại Liên Bang (FTC) hoặc Cơ Quan An Sinh Xã Hội; hay một công ty lớn như ngân hàng, Amazon, Microsoft... Chúng dùng nhiều thủ thuật gieo rắc sợ hãi, hoang mang cho đối tượng, với mục đích sau cùng là lấy được tiền của nạn nhân.
Vào ngày 20 tháng 9 2024, Tổ Chức Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS) kết hợp cùng FTC tổ chức một cuộc họp báo qua zoom, nhằm cung cấp thông tin về những dạng lừa đảo mạo danh hàng đầu hiện nay, cách mà người dân nhận diện ra chúng, và cách báo cáo chúng với các cơ quan thực thi pháp luật.
Các diễn giả của cuộc họp báo:
Kati Daffan, trợ lý giám đốc, FTC, Washington D.C
Emma Fletcher, chuyên viên cấp cao nghiên cứu dữ liệu, FTC
Các diễn giả đưa ra những con số cho thấy mức độ phổ biến và nghiêm trọng của các vụ scam mạo danh lừa đảo. Chỉ trong nửa đầu năm 2024, FTC ghi nhận hơn 360,000 vụ được báo cáo. Cũng cần lưu ý rằng con số báo cáo là thấp hơn số vụ thực sự xảy ra nhiều lần. Những vụ được báo cáo có tổng số tiền thiệt hại lên đến hơn $1.3 tỉ. Số tiền trung vị của một vụ scam này vào khoảng $800; tuy nhiên có những trường hợp lên đến con số $10,000! Trong số này, dạng lừa đảo mạo danh các công ty và chính quyền là tăng mạnh nhất, với con số gây thiệt hại cho nạn nhân lần lượt là $751 triệu và $618 triệu.
Trong những năm gần đây, bọn lừa đảo thay đổi các phương pháp ngày càng hữu hiệu hơn nhằm lấy được tiền của nạn nhân nhiều hơn, nhanh hơn. Hai cách tiếp xúc nạn nhân phổ biến nhất là qua tin nhắn điện thoại và email, kế đến là gọi điện thoại trực tiếp. Những kẻ lừa đảo chọn vị thế khó phân biệt giữa nhân viên chính phủ và công ty, khiến cho nạn nhân tin rằng chúng đang bảo vệ quyền lợi của họ.
Một nạn nhân đã báo cáo trường hợp của mình, khá điển hình cho các vụ mạo danh lừa đảo. Bà nhận được một tin nhắn giả mạo từ Amazon hỏi rằng có ủy quyền thanh toán $1,499 cho một chiếc máy tính xách tay Apple Mac Book Pro không? Vì lo sợ thông tin cá nhân bị đánh cắp, bà gọi điện thoại đến số đó nói rằng không hề ủy quyền. Kẻ lừa đảo nói rằng thông tin cá nhân của bà đã bị đánh cắp, bảo bà giữ máy để được kết nối với văn phòng an sinh xã hội. Bà được kết nối với một nhân viên giả mạo; người này cho bà mã số hồ sơ của vụ án, và nói rằng cần kết nối bà với văn phòng cảnh sát liên bang.
Sau đó, bà được kết nối với một sĩ quan cảnh sát liên bang. Khi bà yêu cầu xác minh, bà được hướng dẫn tìm kiếm cảnh sát liên bang Hoa Kỳ trên Google có tên của kẻ giả mạo này. Người này cho biết số SSN của bà đã bị đánh cắp. Nhiều tài khoản ngân hàng đã được mở dưới tên bà, đang được sử dụng để buôn bán ma túy và rửa tiền. Một vụ án đang chờ xét xử ở Texas chống lại bà. Bà có thể bay sang Texas và thuê một luật sư để bảo vệ mình, hoặc để cảnh sát liên bang giúp. Bà chọn phương án nhờ cảnh sát liên bang vì nghĩ rằng đó là hợp pháp. Sau đó, bà được yêu cầu rút tiền và gửi vào một máy ATM đặc biệt của chính phủ, mà sau này bà biết đó là máy Bitcoin ATM. Bà đã làm theo chỉ dẫn, và bị lừa gạt mất tiền!
Như vậy, có thể thấy những kẻ lừa đảo đã chuẩn bị một kích bản công phu để làm cho nhiều người bị mắc bẫy vì sợ hãi và thiếu kinh nghiệm.
Theo FTC, năm loại lừa đảo mạo danh hàng đầu hiện nay là:
1. Cảnh báo tài khoản bị đánh cắp (ví dụ: tài khoản ngân hàng hoặc Amazon)
2. Gia hạn đăng ký giả mạo (ví dụ: Geek Squad)
3. Dùng các vụ tặng quà miễn phí, giảm giá lớn để dụ nạn nhân cung cấp thông tin.
4. Các vấn đề giả mạo với pháp luật (ví dụ: SSN của nạn nhân có liên quan đến buôn lậu ma túy hoặc rửa tiền)
5. Các vụ giao hàng (qua Amazon) không có thực
Để có thể mạnh tay truy tố, trừng phạt những kẻ mạo danh lừa đảo, FTC bắt đầu thiết lập các qui định về các tội danh liên quan đến việc mạo danh nhân viên chính phủ hay các các công ty thương mại. Những qui định mới này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 2024. Hiện nay, FTC đang dùng qui định này để truy tố những kẻ lừa đảo về vấn đề nợ sinh viên, là dạng lừa đảo phổ biến trong vài năm qua. Những kẻ lừa đảo đã mạo danh Bộ Giáo Dục để thu phí nhiều người để được giúp đỡ xoá nợ sinh viên.
Các diễn giả đưa ra những dấu hiệu để nhận dạng những vụ lừa đảo mạo danh. Những thông tin hữu ích có thể tìm thấy trên trang mạng https://consumer.ftc.gov/features/how-avoid-imposter-scams . Thí dụ, FTC không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, thanh toán bằng tiền ảo, hoặc thẻ quà tặng. Chỉ có những kẻ lừa đảo mới làm điều này! Những kẻ lừa đảo thường hay sử dụng các ngôn ngữ kiểu như “Phải hành động ngay!”, “Chỉ nói những gì tôi yêu cầu”, “Phải hành động ngay nếu không sẽ bị bắt”, “không được cúp điện thoại”… Kẻ lừa đảo hay khuyên nạn nhân thực hiện một trong những hành động sau:
- Chuyển tiền trong tài khoản đi để bảo vệ chúng.
- Rút tiền để đưa cho một ai đó.
- Đến bỏ tiền vào Bitcoin ATM.
- Mua thẻ quà tặng.
Những người tham dự họp báo đặt ra nhiều câu hỏi. Thí dụ, có những qui định luật pháp nào dành cho những máy bitcoin ATM được đặt tại nơi công cộng, là nơi bọn lừa đảo thường sử dụng để nhận tiền từ nạn nhân? Câu trả lời là chưa, và hiện nay FTC đang chuẩn bị đưa ra một số qui định mới về vấn đề này. Một số người thắc mắc bọn lừa đảo thường là ai? Là những cá nhân hay những công ty chuyên lừa đảo? Chúng ở tại Mỹ hay ở nước ngoài? Câu trả lời là tất cả những dạng kể trên. Hiện nay, chính quyền Mỹ đang làm việc với chính quyền các quốc gia khác để có sự phối hợp quốc tế chống tội phạm mạo danh lừa đảo.
Các diễn giả khuyên nạn nhân nên báo cáo các trường hợp bị scam lừa đảo để giúp chính quyền truy tố bọn lừa đảo, ngăn chặn chúng tiếp tục với các nạn nhân tiếp theo. Để báo cáo có thể vào trang mạng: https://reportfraud.ftc.gov/ .