Ở trong thời đại “Fake News” ngày nay, nhiều người chỉ nhìn người khác bằng những định kiến có sẵn, hoặc dựa trên những thông tin dễ tìm trên các trang mạng xã hội mà không cần kiểm chứng. Thí dụ như thông tin về người Mỹ gốc Mỹ Latin. Nhiều người trong cộng đồng Việt khi nghĩ về “người Mễ” thì thường dùng những từ ngữ như “cắt cỏ”, “làm việc chân tay không trí tuệ”, hay “kiếm tiền đủ để đi uống bia chứ không cầu tiến”… Còn những người cực hữu chống di dân thì rêu rao “người di dân Nam Mỹ cướp đi việc làm của người Mỹ trắng!”
Nếu dùng những số liệu xác thực để kiểm chứng, những định kiến kiểu này hoàn toàn sai lệch.
Theo một bản tin ghi ngày 12/09/2024 trên trang mạng của Dịch Vụ Truyền Thông Sắc Tộc (EMS), nếu người Mỹ gốc Latin ở Hoa Kỳ được xem như một quốc gia độc lập, họ sẽ đại diện cho nền kinh tế lớn thứ năm thế giới dựa trên GDP. Lớn hơn Ấn Độ, lớn hơn Vương Quốc Anh. Đó là những kết luận rút ra từ một nghiên cứu mới được công bố vào đầu tháng 9 2024 về sản lượng kinh tế của người Mỹ gốc Latin tại Hoa Kỳ. Dữ liệu cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng người Mỹ gốc Latin trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ, trái ngược với quan điểm của phe cực hữu về vai trò tiêu cực của những người nhập cư Nam Mỹ.
Matthew Fienup thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Và Dự Báo Kinh Tế tại Đại học California Lutheran là đồng tác giả của nghiên cứu, báo cáo GDP của người Mỹ gốc Latinh tại Hoa Kỳ. Đồng tác giả thứ nhì của báo cáo là David Hayes-Bautista, người chỉ đạo Trung Tâm Nghiên Cứu Sức Khỏe & Văn Hóa Người Mỹ Gốc Latin tại UCLA.
Ông Fienup phát biểu: “Thành thật mà nói, sức sống của nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung phụ thuộc vào hoạt động và cường độ của người Mỹ gốc Latin.” Đây là thông điệp trái ngược với câu chuyện được đưa ra bởi các lãnh đạo Đảng Cộng Hòa, những người liên tục tìm cách hạ thấp và bôi nhọ các cộng đồng người nhập cư.
GDP của người Mỹ gốc Latin tại Hoa Kỳ vào năm 2022 được ghi nhận là $3.7 nghìn tỷ, tăng từ $2.8 nghìn tỷ vào năm 2019, và $1.6 nghìn tỷ vào năm 2010. Các con số được lấy từ những nguồn khả tín, bao gồm Cục Phân Tích Kinh Tế, Cục Thống Kê Lao Động và Cục Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ.
Một con số gây ấn tượng khác: tốc độ tăng trưởng 63% GDP của người Mỹ gốc Latin trong giai đoạn từ 2010 đến 2022 hơn gần ba lần so với tốc độ tăng trưởng của những người không phải gốc Latinh tại Hoa Kỳ, và là tốc độ tăng trưởng cao thứ ba trên thế giới.
Theo tác giả Fienup, điểm cốt lõi của thành tựu này là câu chuyện về sự tích lũy vốn con người. Người Mỹ gốc Latin tự cải thiện bản thân, và bằng cách đó tạo ra sự tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích cho toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ.
Thật vậy, nếu chỉ xét đến trình độ học vấn, khoảng 90% người gốc Latin sinh ra ở Mỹ tốt nghiệp trung học; một nửa trong số đó tiếp tục lên đại học. Đa số họ lớn lên trong song ngữ, nghĩa là có khả năng giao tiếp tốt hơn với nhiều cộng đồng cư dân hơn.
Có lẽ thời gian đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ ràng nhất về những đóng góp kinh tế của người Mỹ gốc Latin cho Hoa Kỳ. Vào thời điểm đó, sản lượng quốc dân của người Mỹ gốc Latin trở thành xương sống cho một nền kinh tế quốc dân đang trì trệ. Thu nhập của người Mỹ gốc Latin tăng 11.5% trong những năm xảy ra đại dịch, so với chỉ 1.2% của nhóm dân số không phải người Mỹ gốc Latin.
Điều này cho thấy vai trò to lớn của người Mỹ gốc Latinh trong việc duy trì nền kinh tế trong những ngày đen tối nhất của đại dịch Covid 19. Người Mỹ gốc Latinh không chỉ là động lực tăng trưởng, mà còn là sức sống của cả nền kinh tế, mang lại lợi ích cho tất cả người Mỹ.
Những đóng góp lớn lao này hoàn toàn trái ngược với những tổn thất nặng nề mà người Mỹ gốc Latin phải gánh chịu do đại dịch gây ra, khi tỷ lệ nhiễm bệnh và tử vong vượt xa người da trắng. Điều này có thể giải thích rằng người Mỹ gốc Latin là lực lượng lao động chính của nước Mỹ trong đại dịch, cho nên họ dễ bị lây nhiễm hơn. Họ đã trả giá đắt để giữ được đất nước này vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Một điều đáng buồn cho nước Mỹ là có nhiều người chỉ thích nhìn vào những gì không ổn với người Mỹ gốc Latin và các nhóm thiểu số khác. Khi nói về nguyên nhân khiến cộng đồng người Mỹ gốc Latin chết nhiều trong đại dịch, họ cho rằng đó là do họ quyết định kinh tế kém cỏi, hay lựa chọn lối sống nghèo nàn. Những định kiến này đã góp phần thúc đẩy các giả định rằng sự mất mát lớn của người Mỹ gốc Latin trong đại dịch một phần do chính họ tạo ra!
Tuy nhiên, không có giả định nào trong số những giả định đó có cơ sở thực tế. Trên thực tế, trước đại dịch, người Mỹ gốc Latin có tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim và ung thư thấp hơn 30%, và có tuổi thọ cao hơn 3 năm so với người da trắng. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là do một phong cách sống lành mạnh của người Mỹ gốc Latin.
Trong khi đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người Mỹ gốc Latin vẫn mạnh mẽ, với hai người Mỹ gốc Latin gia nhập lực lượng lao động thay cho mỗi một người rời đi. Con số này là chưa đến một người cho mỗi người da trắng rời khỏi lực lượng lao động. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng dân số người Mỹ gốc Latin, đạt 64 triệu người vào năm 2022, tăng từ 14.7 triệu người vào năm 1980. Trong khi người Mỹ gốc Latin nhập cư giữ trách nhiệm trong việc xây dựng "nền kinh tế lớn thứ năm thế giới" như hiện nay (đề cập đến GDP), thì những người gốc Latin sinh ra ở Mỹ nay đang tiếp nhận vai trò này từ thế hệ đi trước.
Tác giả của báo cáo kết luận rằng khi nước Mỹ tiến đến tương lai, có nhiều triển vọng rằng sự tăng trưởng GPD của người Mỹ gốc Latin sẽ giúp Hoa Kỳ duy trì vị thế thống trị về kinh tế thế giới trong suốt thế kỷ 21. Kết luận này đáng cho nhiều người gốc Việt suy gẫm, đặc biệt là những người vẫn có cái nhìn đầy thành kiến về người di dân đến từ Nam Mỹ. (vb)
Gửi ý kiến của bạn