Hôm nay,  

PGHH Nam California Trang Nghiêm: Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An

19/09/202422:47:00(Xem: 433)

01_nghi-thuc-PGHH

Nghi thức tôn giáo.


SANTA ANA (VB) -- Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo miền nam California đã trang nghiêm tổ chức Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An vào sáng Chủ Nhật ngày 15-9-2024 tại Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo số 2114 W. McFadden, Santa Ana, Ca 92704.

Trong Ban tổ chức buổi lễ của Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo có ông Nguyễn Thanh Giàu, HT BTSTU/GHPGHH/Hải Ngoại; ông Trần Văn Tài, HT BTSGHPGHH/Miền Nam California; ông Ngô Văn Ẩn, TB Phổ Thông Giáo Lý, nhiều viên chức và đồng đạo khác. Trong các quan khách tham dự, đặc biệt có Dân biểu tiểu bang Tạ Đức Trí (địa hạt 70) và phu nhân, cùng với nhiều phóng viên báo và đài, như Phan Đại Nam, Lâm Hoài Thạch…

Ban tổ chức giải thích qua bài khai mạc của ông Ngô Văn Ẩn rằng đây là "một buổi lễ rất quan trọng của tín đồ PGHH. Đó là lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, người đã sáng lập Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương năm 1849, và là nguồn gốc của Phật Giáo Hòa Hảo hiện nay. Đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ và tri ân công đức của Ngài, người đã đem lại ánh sáng của Phật pháp và tình yêu thương đến đồng bào và nhân loại. Đức Phật Thầy Tây An là biểu tượng của từ bi, trí tuệ, và sự hy sinh. Chúng ta hãy cùng nhau tri ân công đức của Đức Phật Thầy Tây An, và tiếp tục thực hiện theo lời dạy của Ngài. Khoảng năm 1851, sau khi lập làng Hưng Thới và Xuân Sơn, Đức Phật Thầy có truyền một trong 12 vị đệ tử của Ngài, là Đức Cố Quản Trần Văn Thành, đi cắm những cây thẻ chung quanh vùng núi Thất Sơn. Đức Phật Thầy tiên tri dãy Thất Sơn hùng vĩ này sẽ là hoa địa, trong đó có tích tụ nhiều địa huyệt hiển linh. Ngài cho cắm các thẻ để trấn áp, ngăn ngừa sự phá hoại và cũng để giải trừ sự linh nghiệm của những loại bùa hay ếm của nhiều nhà địa lý người Tàu, với mục đích bảo vệ cho vùng địa linh nhân kiệt thuộc dãy Thất Sơn và Cửu Long Giang."

Trong phần nghi thức tôn giáo, do ông Lê Hữu Ky hướng dẫn, ông Trần Văn Tài, HT BTSGHPGHH/Miền Nam California; và các chức sắc cao niên đến trước Ngôi Tam Bảo để làm lễ.

Trong phần giới thiệu quan khách, MC Trung Bạch cho biết trong buổi lễ có  hiện diện của Dân Biểu TB Trí Tạ (địa hạt 70) và phu nhân, và có Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, , người sẽ trình bày một cái nhìn về công đức của Đức Phật Thầy Tây An đã đóng góp cho tôn giáo dân tộc.

Tiếp theo, cô Hồ Thanh Ngân tuyên đọc Lời Khuyên Bổn Đạo của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Kế tiếp, bà Thái Mỹ Nĩ đọc bài Chư Phật Có Bốn Đại Đức của Đức Thầy. Sau đó, ông Trang Văn Mến, Thủ Bổn Ban Trị Sự, nói về Ý nghĩa Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Tiếp theo là phần Diễn ngâm Sấm Giảng do hai đồng đạo Nguyễn Sum và Nguyễn Kim, với bài Mười điều khuyến tu  của Đức Phật Thầy Tây An.

Kế tiếp, Dân biểu tiểu bang Trí Tạ được mời phát biểu. Dân Biểu nói rằng khi còn thơ ấu, đã có cơ duyên tiếp cận Phật Giáo Hòa Hảo, vì cụ Lê Quang Liêm, một vị Trưởng lão PGHH tại VN nhiều thập niên trước, thỉnh thoảng ghé thăm thân phụ của Dân Biểu này. Dân Biểu Trí Tạ nói lời cảm ơn diễn giả Trang Văn Mến vừa đọc bài Ý nghĩa Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, trong đó cho thấy cuộc đời của hai vị Đức Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Giáo Chủ đều cùng dạy giáo lý Học Phật Tu Nhơn, đặc biệt là lời dạy về Tứ Ân, tức là Bốn Ơn Sâu, đã là động cơ cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo kiên trì trong công cuộc chống Pháp và rồi cho cuộc chiến vì dân chủ, tự do.

Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải được mời lên nói chuyện. Nội dung bài phát biểu có nhan đề "Đức Phật Thầy Tây An và Dòng Sử Phật" trong đó phân tích về bài thơ Mười Điều Khuyến Tu của Đức Phật Thầy Tây An. Trong đó, Cư sĩ Nguyên Giác nhận định:

Chữ Thầy trong Điều thứ nhất có thể hiểu là hiển lộ của Pháp, không nhất thiết chỉ vào vị Thầy xương thịt, vì thân tứ đại của vị Thầy có thể tan rã, nhưng Phật, khi hiểu theo nghĩa hiển lộ của Pháp, thì trường tồn, bất kể thế gian này có tan rã. Bởi vì lòng trung kiên muôn thuở là chỉ cho Pháp, là trọn đời giữ lòng tin và tu theo “lý cao siêu của Thầy,” tức là  tu theo vận hành của Pháp. Đức Phật Thầy Tây An dạy rằng hãy tu giải thoát, vì “việc chi còn ở trần gian” (tức là pháp hữu vi) đều là pháp như huyễn, “là điều huyễn hoặc chớ mang trong lòng.” Thấy như huyễn thường trực, tức là lià tâm si mê.

Trong Phât giáo, thường trực nhìn thấy pháp “như huyễn” là chứng ngộ pháp ấn vô thường, vô ngã, là giải thoát. Như thế, ngay trong Điều thứ nhất, Đức Phật Thầy Tây An dạy phải tín (tin vào lý cao siêu của Pháp), phải tấn (trung kiên muôn thuở), phải giới (chớ mang trong lòng bất kỳ chuyện gì còn ở trần gian, phải lìa pháp hữu vi), phải định (không bỏ lý cao siêu) và phải huệ (chứng ngộ rằng tất cả các việc trần gian đều là huyễn hoặc). Thường trực giữ tâm trong tín, tấn, giới, định, huệ là giải thoát.”

Sau đó là phần diễn ngâm Quyển nhì “ Kệ Dân của Người Khùng” do Mai Thị Huyền và Bích Thuận thực hiện. Sau Lời cảm tạ của Ban tổ chức là buổi cơm chay thân mật do đoàn phụ nữ PGHH khoản đãi. Sau đây là bài “Ý Nghĩa Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An” do ông Trang Văn Mến đọc.

… o …
 
Kính thưa quý vị niên trưởng cùng quý vị đồng đạo.

Vừa rồi trong nghi thức hành lễ của Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH), nếu quý vị để ý sẽ thấy trong bài nguyện trước ngôi tam bảo, có câu đầu như sau: “Nam mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca  Mâu Ni Phật (3 lần) Nam Mô Thập Phương Phật, Nam Mô Thập Phương Pháp , Nam Mô Thập Phương Tăng, Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần…” Ở đây, chữ Phật Thầy là để nói về Đức Phật Thầy Tây An, cũng là giáo tổ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH).

02_Nguye-Thanh-Giau_Tri-Ta_-Tran-Van-Tai

Từ trái: ông Nguyễn Thanh Giàu, DB/TB Trí Tạ, ông Trần Văn Tài.


Vậy PGHH với BSKH liên hệ ra sao mà Ngài được tín đồ PGHH trân trọng tôn kính và hằng ngày nguyện noi theo quý Ngài để tu hiền theo Phật Đạo và hằng năm cứ đến trung tuần tháng tám âm lịch, chúng ta lại long trọng tổ chức đại lễ vía Ngài như quý vị đã thấy.

Để giải đáp thắc mắc ấy, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày thân thế của Ngài và sự liên quan của Ngài đối với ĐHGC hay nói cách khác là tiểu sử của Ngài và sự tương quan của môn phái BSKH với nền đạo PGHH và những di sản Ngài để lại .

Ngược dòng thời gian, được biết Đức Phật Thầy (ĐPT) ra đời nhằm ngày rằm tháng 10 năm Đinh Mão (1807) tại làng Tòng Sơn tỉnh Sa Đéc. Theo bài vị ở chùa Tây An núi Sam thì Ngài tên là Đoàn Minh Huyên. Thật ra, về gia thế của ĐPT thì đến nay vẫn còn mù mờ khó mà biết đích xác được vì cách xa chúng ta đến hơn 200 năm và những chuyện xảy ra lúc bấy giờ thường do các môn nhân đệ tử của Ngài thuật lại .

Bình sinh , Ngài cũng sống đời sống bình thường như bao nhiêu dân làng khác, nghĩa là mỗi ngày vẫn lo việc cày cấy, không có gì đáng nói, nhưng đến năm 43 tuổi, bỗng nhiên Ngài thay đổi trạng thái mà người đời cho Ngài là khùng hay điên, vì Ngài tỏ ra khác thường về hành động và ngôn ngữ .

Ngài không còn lo làm ăn nữa và Ngài nói ra toàn những giọng nửa hư nửa thực, khi phàm khi thánh. Mặc dù Ngài ra đời tại làng Cái Tàu Thượng nhưng dân làng ở đây hình như không có nhân duyên với Ngài, nên vào một ngày mùa thu năm Kỷ Dậu (1849) trên một chiếc xuồng con, Ngài vượt rạch Cái Tàu Thượng để qua rạch Xẻo Môn đến làng Long Kiến tỉnh Long Xuyên.  Ngài mới bắt đầu gây được sự chú ý cho ít kẻ hiếu kỳ với câu chuyện cây đa to ở bên Đình bị trốc gốc ngã làm tắc nghẽn con rạch Tòng Sơn và tất cả trai tráng trong làng cùng hiệp lực kéo cây đa lên nhưng cây đa vẫn không nhúc nhích. Ngài đã dùng huyền năng kéo cây đa ấy lên một cách nhẹ nhàng để ghe xuồng qua lại lưu thông dễ dàng mà về sau người ta mới hiểu vị kéo cây đa ấy chính là Đức Phật Thầy Tây An (ĐPT TA).


Từ độ ấy, người ta thấy Ngài trú ngụ tại mái hiên đình Tòng Sơn, ban ngày thì chặt sậy làm cỏ, đêm đến lại quét lá đa để làm lửa nấu nước uống. Kế đến bệnh dịch tả nổi lên nên chức việc làng cùng dân chúng xúm lại tại đình làm heo gà cúng vái và đóng bè để tống gió trừ bệnh . Ngài liền khuyên mọi người không nên sát sanh hại vật mà cúng dâng thần thánh vì thần thánh không bao giờ ăn hối lộ. Hương chức trong làng bác bỏ lời Ngài và truyền lệnh cho người đến xua đuổi Ngài, lấy cớ rằng trong làng không chứa chấp những người lạ mặt.

 ĐPT nhận lời, nhưng trước khi ra đi Ngài yêu cầu quan Thị Sự mua hộ Ngài một đôi đèn cầy để Ngài long trọng tổ chức buổi lễ công khai tuyên bố lý lịch của Ngài cho mọi người cùng nghe. Ngài kể rõ ông bà cha mẹ mình là ai, bà con dòng họ có những người nào. Sau đó, Ngài tự xưng mình là Đoàn Minh Huyên, lại có sự hiện diện của hai người anh em chú bác ruột, đó là ông Đoàn văn Điểu và Đoàn văn Viên.

 Ngài kể rõ từ nhỏ lúc Ngài ra đi cho đến khi trở về quê hương. Nghe xong, mọi người mới vỡ lẽ, riêng ông Điểu bước tới ôm ĐPT mà khóc, mọi người mới khuyên Ngài nên ở lại quê hương đừng đi nữa .

Thế nhưng theo lời đã hứa.Trước khi đi Ngài giảng giải đạo lý cho dân chúng nghe, rồi Ngài xuống chiếc xuồng bần, bơi chậm rãi bằng một miếng tre nhỏ thế mà năm người bơi xuồng theo không kịp. ĐPT đi ngược dòng rạch Tòng Sơn đổ lên Cái Tàu Thượng đến ranh Tà Bư, Ngài dừng lại lên bờ, vẹt đế sậy che một cái lều con để ở tạm .Ông Điểu và dân làng khẩn thiết yêu cầu Ngài trở lại để cứu độ cho bá tánh trong cơn bệnh thời khí đang hoành hành trong dân gian mà trong giảng xưa đã tả :

“Tháng tám ôn dịch rất nhiều .
Thiệt năm Kỷ Dậu dương trần liêu điêu."
Ngài đã dùng giấy vàng, tro nhang, nước lã để trị bệnh mà bệnh chi cũng hết như giảng xưa đã nhắc :
“Dầm trời thiên hạ như mưa.
Ban trưa đến tối phát chưa hết bùa.
Người đi đến trước vô chùa.
Mấy người đến trễ lạy đùa ngoài sân.”

Trong bối cảnh ấy, ĐPT ra đời trị bệnh tại đình Kiến Thạnh  thuộc rạch Chùn Đùn trên lòng sông ông Chưởng. Mỗi khi chữa bệnh nào Ngài cũng luôn luôn dặn dò:

"Dặn cùng già trẻ gái trai,
Giữ lòng niệm Phật lâu dài đừng quên.
Thảo ngay nhân nghĩa cho bền,
Thờ cha kính mẹ tưởng trên Phật Trời.
Nói cho lớn nhỏ ghi lời,
Nhứt tâm niệm Phật, Phật Trời độ cho.”

ĐPT chữa bệnh không lấy tiền mà bất cứ bệnh nào cũng cứu khỏi, nên những thầy bùa, thầy pháp không còn đất dụng võ, họ phao truyền Ngài là gian đạo sĩ và mật báo với nhà cầm quyền nên ĐPT bị bắt.

03_Hinh-luu-niem-PGHH

Hình lưu niệm.


Nhưng sau khi trải qua nhiều cuộc thử thách cam go, quan trấn tỉnh An Giang thấy sự mầu nhiệm và huyền diệu của Ngài nên đã làm sớ tấu về triều đình để nhìn nhận Ngài như là một đại đức chân tu và yêu cầu triều đình phong chức cho Ngài để chính thức phổ hoá giáo lý và cứu thế độ dân .

Từ đó, Ngài đi vân du khắp nơi, mở rộng môn phái học Phật tu nhân. Sau cùng Ngài trở về núi Sam, rồi chẳng bao lâu tịch vào giờ Ngọ ngày 12 tháng 5 năm Bính Thìn (1856) lúc Ngài 50 tuổi.

Kính thưa quý vị , sau này trong Sấm giảng thi văn giáo lý , ĐHGC đã dạy :

“Những sấm truyền xưa của Phật Thầy,
Dân ráng kiếm mà truy thì biết.
Xưa để lại nhiều câu thảm thiết,
Mà nào ai có biết để lòng.”

Được biết ĐPT khi vừa mở đạo Ngài đã dùng phương pháp trị bệnh để cứu vớt chúng sanh, Ngài đã hiểu rõ căn cơ của chúng sanh, cho nên muốn cứu vớt cho họ, Ngài không thể đem ngay giáo lý cao siêu của Phật ra khai thị mà phải nương vào tấm lòng tín phục của họ để dìu dắt họ từ chỗ mê tín đến nơi chánh tín.

Không có phương pháp nào làm cho họ tín phục bằng dùng huyền diệu chữa bệnh, vì rằng người đời có cái tâm nặng tham dục nên lúc nào cũng sợ chết. Thế nên, khi mà họ thấy cái chết hiện ra trước mắt, nếu có ai có thể cứu họ thoát chết thì dầu với điều kiện khó khăn nào bắt họ làm, họ cũng vâng lời ưng thuận.

Bệnh thời khí phát sinh chính là cơ hội cho ĐPT hoá độ những người thiển căn ấy, để Ngài dẫn dắt họ vào con đường đạo hạnh. Cũng tương tự , trong bài Sứ mạng, ĐHGC đã viết: "Nên phương pháp của Ta, tuỳ trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam, trên thì nói Phật pháp cho kẻ có lòng mộ đạo quy căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy Tổ, dưới dùng huyền diệu của tiên gia độ bệnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng từ bi của chư vị với trăm quan.” Và cả hai vị lúc truyền giảng thường tự xưng mình là khùng lả điên như:

Bởi chữ khùng của Phật của Thầy.
Chớ chẳng phải của người lãng trí."
Các Ngài đều mong muốn:
Dốc lòng vạch ngút mây mù.
 Đặng dìu bạ tánh đường tu chen vào."
Nên ĐPT khi độ đời thường khuyên bá tánh chuyên cần tu niệm:
“Việc chi dầu quá cần cù,
Cũng nhân vài phút tập tu nguyện cầu.
Khi rảnh việc đồng sâu chợ búa,
Xem pháp kinh kệ của Thầy ban.
Học cho thông thuộc đôi hàng,
Ngâm nga trong lúc thanh nhàn bâng khuâng.
Và ĐHGC cũng đã dạy:
“Viết cho bá tánh ít tờ,
 Ai làm ruộng rẫy bỏ hờ theo xem."
 
Còn xét về nghi thức thờ phượng, ta thấy ĐPT dạy môn đồ thờ ba ngôi là cửu huyền thất tổ, ngôi tam bảo và bàn thông thiên, đặc biệt là trên ngôi tam bảo chỉ treo bức trần đỏ, không thờ tượng cốt và ĐHGC cũng đã dạy như vậy:

“Ngôi tam bảo hãy thờ trần đỏ.
 Tạo làm chi những cốt với hình."
 
Vì những lý do vừa trình bày nên nhiều người tin tưởng rằng ĐHGC là hậu thân của ĐPT hay nói cách khác ĐPT là tiền thân của ĐHGC vậy. Đặc biệt, trên bước đường hoàng hóa đạo pháp ĐPT còn lưu lại những di tích cho đời nay chiêm ngưỡng gồm có:

1/ Tây An cổ tự ở làng Long Kiến (mà quý vị nhìn ngược ra sau sẽ thấy bức hình treo trên vách):
“Có ai  đến Tây An Cổ Tự, cũng lấy làm lạ mắt đủ điều
Sự thờ phượng hay cách biểu nêu, Điều có chỗ vô vi huyền bí.”

2/ Chùa Tây An ở núi Sam, mà trên trụ cửa có ghi hai câu đối:
Phách vãng Tây Phương,
Bật thảo điêu tàn du vị tử .
Hồn qui thọ vực,
Đàm hoa lạc khí hữu dư hương.”

3/ Trại ruộng ở Thới Sơn, muốn tới đó phải đi theo con lộ từ núi Sam vô Nhà Bàn, độ 10 cây số gọi là lộ Văn Giáo. Tại đây khách có thể viếng hai ngôi mộ của ông Đình Tây và anh của ông là ông Tăng Chủ. Hai ngôi mộ ấy chôn gần bên chùa.

4/ Trại ruộng Láng Linh thuộc làng Thạnh Mỹ Tây, tỉnh Châu Đốc, nằm cách sông Hậu Giang độ 10 cây số đi theo đường kinh Xáng Vịnh Tre. Cũng tại đây Ngài cho trồng 4 cây thẻ mà người đời sùng kính thường gọi là Ông Thẻ.

Ngoài những chi tiết vừa kể, những đệ tử của Ngài đã được liễu đạo và có thể thay Thầy mà dìu dắt những người chưa giác ngộ , được người đời biết đến phải kể là ông Cố Quản, ông Tăng Chủ, ông Đình Tây, ông Đạo Xuyến, ông Đạo Lập, ông Đạo Sĩ, ông Đạo Thắng, ông Đạo Chợ, ông Đạo Đọt và nhiều người nữa.

Kính thưa quý vị , mong rằng với bài ý nghĩa của ngày vía ĐPT TA hôm nay sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về:

"Lời của người di tịch núi Sam
Chớ chẳng phải bày điều huyễn hoặc”

 mà quý vị có:

Duyên lành rõ được khùng điên,
 Chẳng qua kiếp trước thiện duyên hữu phần.”

Trước khi dứt lời, một lần nữa xin chân thành cảm ơn quý vị, chúc quý vị mau thăng tiến trên bước đường tu học.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Nam mô A Di Đà Phật.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ Nhật 13 tháng 10, 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều tại Freedom Hall, Mile Square Park. Tham khảo với bác sĩ nội khoa hay chuyên môn miễn phí.
Trong cuối tháng 9, trong một nỗ lực phát tán những thông tin sai lệch về vaccine, Bộ Y Tế Florida đã yêu cầu người cao niên Florida, những người có nguy cơ mắc covid-19 cao, không nên chích ngừa Covid-19 lập lại trong năm nay. Joseph Ladapo, người đại diện Bộ Y Tế Florida , nói rằng những loại vaccine này không có hiệu quả, thậm chí có khả năng gây nguy hiểm cho con người! Ngay lập tức, nhiều bác sĩ và các nhà khoa học y tế trên toàn quốc đã lên án thông điệp này. Họ cho rằng Bộ Y Tế Florida đang gây ra sự gây hoang mang với động cơ chính trị, làm sói mòn niềm tin của người dân về vaccine Covid nói riêng, cũng như các loại vaccine cần thiết khác.
Khi tôi vào làm ở học khu năm 2002, tôi thấy rằng học khu có 33% phụ huynh gốc Việt, khác biệt về văn hóa, và không hiểu nhiều về hệ thống giáo dục ở đây, cộng với 50% phụ huynh là gốc La Tinh, cũng tương tự như người Việt Nam, có nghĩa là không hiểu rõ hệ thống giáo dục ở đây, không hiểu tiếng Anh nên ngại tiếp xúc với nhà trường. Tôi cũng nghĩ về chính cá nhân của tôi đã từng học ở Bolsa Grande, tôi không nhận được sự trợ giúp gì hết, phải tự bon chen với nhau, học sinh chúng tôi tự chỉ bảo nhau, do nhà trường và học khu không hiểu rõ nhu cầu của mình. Do đó, tôi đã đề nghị với học khu trong suốt 20 năm qua, phải gia tăng sự tương tác giữa phụ huynh và nhà trường, giải thích các chương trình và tài liệu sang tiếng Việt hoặc tiếng Tây Ban Nha. Có nhiều phương tiện giao tiếp với cộng đồng, cộng đồng giao tiếp với học khu, và nhờ đó phụ huynh giao tiếp với nhà trường, thầy cô nhiều hơn.
Tại Hội Quán Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California, Thành Phố Santa Ana vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 29 tháng 9 năm 2024, Ban Trị Sự Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California đã long trọng tổ chức lễ giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. Tham dự lễ giỗ ngoài qúy vị chức sắc trong Ban Trị Sự Miền Nam Cali còn có Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Hội Trưởng Trung Ương PGHH Hải Ngoại, quý đồng đạo, thân hữu, về phía quan khách có Giáo Sư Nguyễn Trung Quân, một số các cơ quan truyền thông…
Chúa Nhật ngày 29/9/2024, lúc 1 giờ, tại 14361 Beach Blvd., thành phố Westminster, linh mục Andrew Nguyễn Hữu Lễ, đến từ New Zealand, có buổi tâm tình và ký tặng sách "I Must Live" ("Tôi Phải Sống") cho quý đồng hương. Sách tiếng Việt đã được tái bản nhiều lần, năm nay tặng sách bằng tiếng Anh. Độc giả từng đọc ấn bản bằng tiếng Việt "Tôi Phải Sống" đã cảm động và khóc khi đọc tác phẩm này
Tổ chức Mindfulness Practice Center (So Cal MPC) thông báo mời quí vị đồng hương ghi danh tham gia khóa thực tập Chánh Niệm qua Zoom, dành cho các phụ huynh muốn học phép sống tỉnh thức để có sự hài hòa, hạnh phúc với các thành viên trong gia đình. Khóa học có chủ đề là “Con đường Hạnh Phúc” Được biết khóa thực tập sẽ kéo dài trong năm buổi qua zoom, mỗi ngày từ 6:00 PM đến 7:30 PM, trong những ngày Thứ Sáu 25/10, 8/11, 22/11, 6/12 và 20/12/2024. Các buổi thực tập được hướng dẫn bởi quí tăng ni tu viện Lộc Uyển (Escondido, California). Các học viên sẽ học cách truyền thông (Communicate) tốt hơn với con em, cải thiện các mối quan hệ gia đình, học các “kỹ thuật” để sống hạnh phúc hơn.
Tại phòng hội Thư Viện Việt Nam, Thành Phố Garden Grove vào lúc 10 giờ sáng thứ Năm, ngày 26 tháng 9 năm 2024, Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH đã tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả thu, chi trong Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa kỳ thứ 18 đã được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 năm 2024 tại QD Venue,Westminster
Trong một nỗ lực phát tán những thông tin sai lệch về vaccine, Bộ Y Tế Florida đã yêu cầu người cao niên Florida, những người có nguy cơ mắc covid-19 cao, không nên chích ngừa Covid-19 lập lại trong năm nay.
“Trước khi làm linh mục, tôi là người Việt Nam”. Đó là lời phát biểu của linh mục Nguyễn Hữu Lễ trong buổi ra mắt Bút ký Tôi Phải Sống bằng tiếng Anh (I Must Live do Austin Macauley Publishers xuất bản) tại Little Sài Gòn, quận Cam, Hoa Kỳ chiều 29 tháng 9, 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.