BEIJING – Tại khu chợ Panjiayuan, chợ đồ cổ lớn nhất Bắc Kinh (BK), giữa những bức tượng Mao, áp phích và sách cũ, là những biển cảnh báo nghiêm cấm buôn bán các ấn phẩm có chứa nội dung chứa bí mật quốc gia hoặc “tuyên truyền phản động,” theo Reuters.
Một số biển báo còn kèm theo số điện thoại để người dân có thể gọi báo cáo cho các cơ quan có trách nhiệm nếu phát hiện hành vi buôn bán bất hợp pháp.
Trước đây, các chợ trời và chợ đồ cổ ở Trung Quốc (TQ) từng là nơi các nhà sử học có thể tìm thấy nhiều tài liệu quý giá. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình kiểm soát quá gắt gao và chặt chẽ đã khiến cho việc nghiên cứu về lịch sử Trung Hoa trở nên khó khăn hơn.
Một mặt, BK muốn thúc đẩy giao lưu, trao đổi hàn lâm (academic exchange), như việc Tập Cận Bình (TCB) mời 50,000 sinh viên Hoa Kỳ đến TQ trong 5 năm tới – một bước nhảy vọt so với con số khoảng 800 sinh viên hiện nay, nhưng vẫn chưa thể nói chắc liệu kế hoạch này có thành công hay không.
Các học giả nghiên cứu lịch sử TQ hiện đại lo ngại rằng sự kiểm soát ngày càng gắt gao và chặt chẽ đang chặn đứng mọi con đường nghiên cứu độc lập về quá khứ của đất nước này, đặc biệt là về Cách mạng Văn hóa (Cultural Revolution) 1966-1976 – giai đoạn nhạy cảm nhất trong lịch sử ĐCS TQ. Đây là thời kỳ mà Mao tuyên bố “chiến tranh giai cấp,” đẩy đất nước chìm vào hỗn loạn và bạo lực.
Nhà sử học nghiên cứu về lịch sử TQ hiện đại từ trường University of Freiburg, Daniel Leese cho biết: “Tôi nghĩ cái thời chạy tới chạy lui mấy chợ sách cũ để đào kho báu gần như đã kết thúc.”
Việc tìm kiếm tài liệu ở các chợ trời bây giờ trở nên quá phức tạp, khó khăn và thậm chí nguy hiểm. Do đó, nhiều học giả trẻ nước ngoài ngày càng phải dựa vào các tài liệu từ các nguồn tài liệu, dữ liệu ở bên ngoài TQ để tiếp tục nghiên cứu về lịch sử Trung Hoa.
TQ đã kiểm soát tất cả các ấn phẩm, bao gồm sách, truyền thông và Internet kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) năm 1949, nhưng mức độ gắt gao thì cũng tùy thời.
Dưới thời TCB, vấn đề duyệt xét (censorship) ngày càng nghiêm ngặt hơn vì cho rằng “chủ nghĩa hư vô lịch sử” (historic nihilism) – những “phiên bản” lịch sử khác với “phiên bản chính thống” – là nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ.
Trong những năm gần đây, một loạt các các luật lệ mới liên quan đến an ninh quốc gia và chống gián điệp đã khiến các nhà nghiên cứu lịch sử TQ phải cẩn trọng hơn khi sử dụng những nguồn tài liệu không “chính thống.” Một số nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người từng công bố các nghiên cứu liên quan đến chủ đề nhạy cảm hoặc thách thức quan điểm chính thống của BK, đã bị từ chối cấp thị thực vào TQ.
James Millward, nhà sử học tại Đại học Georgetown, Hoa Kỳ, cho biết ông đã bị từ chối cấp visa vào TQ nhiều lần sau khi tham gia viết cuốn sách “Xinjiang: China's Muslim Borderland” (xin tạm dịch là “Tân Cương: Biên giới Hồi giáo của TQ”) vào năm 2004. Sau đó, ông vẫn được cấp visa ngắn hạn vài lần, nhưng quá trình này rất mất thời gian và phức tạp.
Tình hình chính trị hiện nay cũng đang ảnh hưởng lớn đến cách mà các nhà sử học lựa chọn đề tài nghiên cứu. Một nhà sử học ẩn danh tại Hoa Kỳ cho biết đã chọn nghiên cứu những chủ đề không mang tính nhạy cảm để còn được ra vào TQ.
Bộ Giáo Dục TQ không trả lời yêu cầu bình luận của tờ Reuters về thông tin này, còn Bộ Ngoại Giao cho biết họ không hay biết về những trường hợp các nhà sử học nước ngoài gặp phải khó khăn khi xin visa.
Leese cùng các nhà sử học nước ngoài khác cho biết họ từng tìm thấy nhiều tài liệu quan trọng tại các chợ trời và chợ đồ cũ ở TQ, có cả hồ sơ về những trí thức bị đàn áp và các tài liệu mật của ĐCS. Những tài liệu này thường được người thân của các viên chức quá cố tặng lại, hoặc được các hiệu sách cũ thu gom từ mấy trung tâm tái chế gần các cơ quan chính phủ, sau khi nhiều cơ quan bị giải thể trong các đợt cắt giảm nhân sự vào những năm 1990.
Tuy nhiên, từ năm 2008, chính phủ đã thắt chặt kiểm soát các chợ trời và nguồn cung cấp sách báo cũ. Người mua bị bắt giữ, người bán bị phạt, và các trang web bán sách cũ đã bị xóa sạch các mặt hàng nhạy cảm liên quan đến chính trị.
Thí dụ, năm 2019, một nhà sử học Nhật Bản bị giam giữ hai tháng vì cáo buộc làm gián điệp chỉ vì mua cuốn sách về Chiến tranh Trung-Nhật 1930 từ một hiệu sách cũ.
Hai năm sau, một người thích sưu tầm sách ở TQ bị phạt 280,000 nhân dân tệ (khoảng 39,000 MK) vì bán các ấn phẩm của các nhà xuất bản ở Hồng Kông và Đài Loan mà không có giấy phép.
Và trong năm nay, hai công nhân tại một trung tâm tái chế bị trừng phạt vì bán tài liệu mật liên quan đến quân sự.
Hiện nay, để tránh bị giám sát và kiểm soát, người mua sách báo nhạy cảm về lịch sử ở TQ thường phải có quen biết với người bán và trao đổi với nhau qua WeChat, thay vì mua trực tiếp tại các chợ sách cũ.
Các nhà sử học cũng nhận xét rằng việc tìm xem tài liệu trực tiếp ở hầu hết các kho lưu trữ chính quyền địa phương đã bị hạn chế từ năm 2010. Rất nhiều tài liệu đã được chuyển sang dạng kỹ thuật số, giúp các cơ quan duyệt xét dễ dàng chỉnh sửa hoặc xóa bớt nội dung trước khi cho phép công khai.
Một số nhà sử học ở nước ngoài nói thêm rằng, với tình hình hiện tại, các đồng nghiệp của họ ở đại lục chỉ có thể cất giữ, bảo quản tài liệu để lại cho hậu thế tìm tòi thay vì đem ra nghiên cứu. Dù vậy, không phải tất cả đều bi quan.
Giảng sư lịch sử Yi Lu tại Đại học Dartmouth cho hay: “Ngay cả dưới thời TCB, các học giả TQ vẫn đang cố gắng tìm cách nghiên cứu, mở rộng hiểu biết về lịch sử của Trung Hoa. Cũng không phải là đã mất sạch tất cả.”