Hiếm ai có thể hình dung cơn bão tin giả (fake news) hoành hành khắp nước Mỹ trong tám năm qua, từ cuộc bầu cử 2016, lại thổi đến từ Veles – một thị trấn xa xôi nằm phía tây nam châu Âu, ở North Macedonia, trên dòng sông Vardar êm ả. Không nói cũng không ai biết. Những câu chuyện trong bóng tối này mãi mãi không bước ra ánh sáng, hoặc cũng chỉ rất ít người biết đến, thấu rõ đường đi nước bước của thánh địa tin giả này, cho đến khi cuốn sách “The Book Of Veles” của nhiếp ảnh gia Jonas Bendiksen được xuất bản. Ông là người Na-Uy, thành viên của hội nhiếp ảnh danh giá Magnumphoto.
Đó là vào khoảng giữa năm 2022. Vốn là “tín đồ” của Magnumphoto, tôi biết về cuốn sách của Jonas khá sớm qua email giới thiệu ngày ra mắt sách vào Tháng Tư của hội nhiếp ảnh. Jonas Bendiksen chinh phục, khám phá thị trấn Veles, North Macedonia để tìm hiểu và thực hiện thử những công đoạn “sản xuất tin giả” bằng cách kết hợp nhiếp ảnh và thần thoại Slav cổ đại.
Nhưng thú vị hơn là ý nghĩa của công trình nghệ thuật này. Tôi tìm cách liên lạc với Jonas qua mạng xã hội và email, chỉ với mục đích muốn hỏi ông: thánh địa tin giả đó có liên quan gì đến những nguồn tin lan truyền vô căn cứ trong cuộc bầu cử Mỹ vừa qua không? Thật không ngờ, đó cũng chính là mục đích Jonas tìm đến Veles.
Jonas gửi cho tôi câu trả lời mà ông đã chuẩn bị để cho biết vì sao cuốn sách “The Book Of Veles” ra đời: “Trong suốt thời kỳ của Trump, tôi sôi sục, tức giận vì tất cả những lời nói dối và thông tin sai lệch trên phương tiện truyền thông. Tôi đã đọc về các vụ tấn công mạng của Nga, vai trò của Facebook và Twitter, hoán đổi sự thật và cách thức hoạt động của các thuật toán. Đến khi, tôi thấy một chi tiết đề cập rằng Veles đã trở thành trung tâm của tin tức sai lệch mà chúng ta không thể ngờ tới, phát tán tin giả trong cuộc bầu cử của Trump năm 2016.”
Khi mọi người bắt đầu nhận ra đó là nơi phát tán hàng trăm trang web tin tức giả mạo, rất nhiều công ty truyền thông lớn đã đến để đưa tin. Ngay cả cựu Tổng Thống Obama cũng nhắc đến thị trấn này. Jonas thú nhận bản thân ông cũng bị cuốn hút bởi chi tiết những thiếu niên ở North Macedonia xa xôi đột nhiên đóng một vai trò “then chốt” trong bối cảnh chính trị của Hoa Kỳ. Chủ ý của của họ hoàn toàn phi chính trị. Ở một thị trấn có quá nhiều người thất nghiệp, những thiếu niên này chỉ cần kiếm một ít tiền. Họ trở thành tin tặc khi họ tìm ra một cách sáng tạo để kiếm tiền, hơn là mong muốn gây ra sự hỗn loạn ở Hoa Kỳ.
Jonas bắt đầu tìm kiếm, thu thập tài liệu về thị trấn Veles và nhanh chóng phát hiện ra từng có một người ở thị trấn này cùng tên, đó là thần cổ đại Veles. Trong thần thoại, ông là một vị thần vô cùng xảo quyệt: một người luôn biến hóa thành nhiều hình dạng, một vị thần của hỗn loạn, ma thuật và sự lừa dối.
“Vì vậy, tôi nghĩ ông ta sẽ rất phấn khởi về tất cả những tin tức giả mạo xuất phát từ thị trấn mang tên ông,” Jonas viết trong thư.
Trong quá trình nghiên cứu về các vị thần Slavic của thị trấn cổ, ông phát hiện cuốn Book Of Veles, một bản thảo cổ trên những tấm gỗ bị cháy do một sĩ quan quân đội Nga, Fyodor Izenbek, tìm được vào năm 1919. Sau đó, một nhà khoa học người Nga tên là Yuri Mirolyubov cuối cùng đã giải mã dòng chữ viết nguyên thủy Cyrillic trên tấm gỗ thành công, và ông phát hiện ra đó là một câu chuyện sử thi về người Slavic thời kỳ đầu và chính Thần Veles. Nó được xem là kinh thánh của nhiều nhóm dân tộc chủ nghĩa Slavic.
Tuy nhiên, Jonas cho biết ngày nay, hầu hết các nhà sử học và ngôn ngữ học đều kết luận rằng toàn bộ Book Of Veles là sản phẩm giả mạo của Izenbek và Mirolyubov tạo ra.
Cũng chính Jonas phát hiện ra Book Of Veles đã được dịch sang tiếng Anh vào năm 1973, bởi một người của đại học Ohio State University. Dĩ nhiên, người này không biết đó vốn dĩ là sản phẩm lừa gạt nhân loại.
Ông chợt nghĩ đến thảm họa khủng khiếp của những “fake news” đang hoành hành khắp nước Mỹ từ năm 2016 và trong tương lai. Ông nhìn lại công việc của mình và các đồng nghiệp, tự hỏi các công nghệ kỹ thuật số thời đầu thế kỷ 20 sẽ bị cuốn trôi như thế nào trước cơn sóng thần của công nghệ mới? Những video giả sẽ nghiễm nhiên tự tại xuất hiện trên không gian mạng và truyền thông một cách thuyết phục hơn thời kỳ đầu của kỹ thuật ghép ảnh. Ông tự hỏi “chúng ta sẽ mất bao lâu để có thể phân biệt được một bức ảnh giả và thật, một video giả và thật, một con người giả và thật?” Và mất bao lâu để các thanh niên ở Veles sản xuất ra một “fake new”?
“Tôi sợ hãi trước câu trả lời sẽ như thế nào đến nỗi nó thôi thúc tôi thực hiện hai chuyến đi đến Veles. May là chuyến đi kết thúc khi chỉ còn một tuần nữa là Châu Âu đóng cửa vì Covid-19.”
Jonas đến Veles. Ông không tiếp cận với bất kỳ ai mà giành toàn bộ thời gian để chụp không gian, nhà cửa, bàn ghế, công viên hoặc bất kỳ bối cảnh nào ông thấy cần thiết. Tuyệt đối không có người trong khung hình. Ông chụp bằng những thiết bị chụp ảnh hiện đại, kỹ thuật phơi sáng đặc biệt và thế giới kỹ xảo FX tốt tân nhất, kết hợp với những mô hình 3D đã mua sẵn từ các trang công nghệ.
Bước kế tiếp là sự trợ giúp của trí tuệ thông minh nhân tạo AI. Nhiếp ảnh gia Jonas đã cung cấp cho hệ thống này những bài viết về công nghiệp tin giả ở Veles mà các phương tiện truyền thông từng đưa tin, sau đó AI viết thành nội dung dài 5.000 từ. Jonas không viết một từ nào trong cuốn sách của ông. Jonas chỉ việc lựa chọn, sắp xếp nội dung đó phù hợp với những bức ảnh và hình nhân đã mua trên trang web cho đúng cảm xúc, tư thế, ánh sáng. Thế là ông có một The Book oF Veles.
‘Đại học’ đào tạo chuyên viên tin giả ở Veles
Từ câu chuyện của Jonas Bendiksen, tôi lục tung internet vì muốn biết thêm về thánh địa tin giả Veles. Thì ra, năm 2017, một nhóm ký giả của CNN cũng đã từng khám phá nơi này. Nghĩa là sau cuộc bầu cử 2016 một năm, truyền thông đã có rất nhiều nguồn tin về nơi sản xuất tin tức đánh phá bầu cử Mỹ.
CNN đã từng một lần thẳng thừng chỉ đích danh: “Tin giả về chính trị Hoa Kỳ là một ngành kinh doanh lớn ở Macedonia – và họ đã chuẩn bị cho năm 2020” và họ gọi người lao động ở Veles là “những cổ máy sản xuất tin giả.” Mỗi một cái “click” chuột của người đọc vào những trang web giả mạo đó, không cần biết họ tin hay không tin, tài khoản của người điều hành lại tăng thêm vài con số. Theo CNN, trong những tuần cuối chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, có tới hơn 100 website từ thị trấn lãng mạn này tung ra hàng loạt các tin tức giả mạo.
Một ‘level’ cao hơn nữa, đó là nghề đào tạo cho các thanh thiếu niên ở Macedonia, và trên khắp thế giới, nếu muốn, trở thành “master” trong công nghệ làm tin giả. Trang mạng Columbia Journalism từng có một bài “nghiên cứu” về nhân vật này: Mirko Ceselkoski – ‘thần dân’ của thánh địa Veles. Mirko Ceselkoski có hẳn một danh thiếp với dòng chữ in đậm: “THE MAN WHO HELPED DONALD TRUMP WIN US ELECTIONS” (người đã giúp Trump chiến thắng bầu cử 2016), sau đó là dòng chữ in nhỏ nhằm giải thích rõ hơn: “me and my students from Veles” (tôi và các học sinh của tôi từ Veles). Trang mạng xã hội Facebook của “trường đại học” của Mirko có tên: Facebook Marketing University.
Chính Mirko đã nói với tác giả bài điều tra của Columbia Journalism rằng các chính trị gia khắp thế giới đã tìm đến ông ta để nhờ ông ta giúp cho chiến dịch tranh cử của họ. Mỗi tháng, các “sinh viên” của Master Mirko kiếm được ít nhất 1.000 euro (khoảng $1.200) từ website giả mạo của họ. Hiện có khoảng 100 sinh viên của Mirko đang điều hành các trang web tin tức chính trị của Mỹ. Khoảng bốn người trong số này giờ đã là triệu phú.
Igor Bosillovski, người viết phóng sự điều tra về Mirko đã hẹn gặp ông ta ở một quán cà phê nhỏ ở thủ phủ của North Macedonia. Mirko chẳng có gì đặc biệt. Ông ta chẳng có “hai sừng” như vị thần xảo quyệt Veles thời cổ đại. Ngược lại, Mirko lại thấp người, điềm đạm, đôi mắt nhỏ nhưng sống động sau cặp kính cận dày ra dáng vẻ của một người tri thức. Mirko đặt hai điện thoại cầm tay trên bàn, nói rằng đó là phương tiện để liên lạc với “khách hàng Mỹ.”
Nước Mỹ đã oằn mình chống chọi với cơn bão tin giả (FAKE NEWS) từ năm 2016, khi Donald Trump “bất thình lình” xuất hiện trên bản đồ chính trị nước Mỹ. Cuộc chiến này ngày càng nặng nề hơn, khó khăn hơn, “đoạn trường khó đi” hơn khi nó có sự tiếp tay của cơn lốc công nghệ kỹ thuật AI. Nó cuốn phăng tất cả những tiêu chí, nền tảng, và cách thức xây dựng một bản tin hay một câu chuyện của truyền thông. Nó đưa con người đến một thói quen nhận định vấn đề cũng nhanh như tên bắn.
Có thể tùy mỗi người tiếp nhận câu chuyện của thánh địa Veles với một phản ứng khác nhau. Nó giống như niềm tin của con người, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là kiến thức và nhân cách. Nếu lý trí mạnh, kiến thức vững, chúng ta dễ dàng phủ nhận tất cả những tin giả mạo khi nó vừa chớm xuất hiện, hoặc chí ít cũng lăn xả đi tìm những mảng tối phía sau còn nhiều nghi vấn. Nếu bản lĩnh, chúng ta chấp nhận niềm tin trước đó của mình là sai trái khi đã biết sự thật. Còn nếu không, ngược lại tất cả những điều này, chúng ta sẽ tin một cách tuyệt đối, tin mù quáng, tin đến cuồng si.
Tuy Bộ Tư Pháp Mỹ đã vào cuộc, cáo buộc Nga về nỗ lực liên tục tác động đến bầu cử 2024, nhưng không ai có thể đưa ra viễn kiến về tương lai của những tin tức giả, những hình ảnh, video được tạo ra từ thánh địa Veles để phá hoại cuộc bầu cử Mỹ.
Đây là nền công nghệ được chào đón bởi chính phủ Veles. Thị trưởng Veles Slavcho Chadiev từng nói ông ta tự hào vì cái tên Veles đã xuất hiện trên bản đồ thế giới.
Kalynh Ngô
Gửi ý kiến của bạn