Câu chuyện luật pháp: HOA THƠM ANH ĐÁNH CẢ CỤM
Luật gia, Phó tế Nguyễn Mạnh San
Trong đời sống thường nhật, nhất là trong một xã hội được coi là văn minh nhất thế giới đã có nhiều sự việc éo le ngang trái xẩy ra thật quá bất ngờ, hoàn toàn vượt trên sự dự đoán và điều ước muốn tốt đẹp của mọi người, tạo nhiều hoàn cảnh bi thương đầy nước mắt mà đôi khi những người ở trong cuộc phải âm thầm, chịu đau khổ pha lẫn mối uất hận hoặc đau khổ pha lẫn với niềm ân hận triền miên trong suốt cả cuộc đời còn lại của mình.
Nhưng không phải tất cả những trường hợp éo le, ngang trái bất ngờ đó xẩy ra đều vượt trên sự dự đoán và điều ước muốn tốt đẹp của mọi người đâu. Xét cho cùng trong nhiều trường hợp, chẳng qua cũng tại một phần lớn vì người ta quá tự tin vững chắc vào khả năng hiểu biết và sự suy luận chủ quan của lòng mình để thực thi một công việc gì hay để giúp đỡ một người nào đó, nhưng kết quả lại bị người ta hiểu lầm mình hoặc chính mình lại là nạn nhân của sự việc, đúng như câu nói: Làm ơn nên oán hay làm phúc phải tội.
Trong câu chuyện luật pháp số này, chúng tôi xin cống hiến đến quý đọc giả một câu chuyện khá éo leo, thương tâm với đày nước mắt của một nhân vật chính trong câu chuyện, chỉ vì muốn thể hiện lòng thương người như thể thương thân. Nhưng có lẽ vì một phần thiếu sự suy tính kỹ càng và không chịu tham khảo ý kiến với bạn bè thân thuộc trước khi thực thi ý định của mình, nên tự mình chuốc lấy đau khổ vì đã lỡ dại đi vẽ đường cho hiêu chạy như câu chuyện dưới đây.
Chị Thu Cúc đến văn phòng nhờ tôi góp ý kiến để giúp chị giải quyết một vấn đề rắc rối trong gia đình chị như sau: Cách đây hơn một năm, chị có cô em gái cùng Cha khác Mẹ kém chị 5 tuổi, còn kẹt lại ở Việt Nam. Trong khi Cha Mẹ của chị và Mẹ kế của chị cũng đã qua đời cả rồi tại quê nhà và thấy em gái mình vẫn sống đơn độc, tối ngày than khóc với chị trong điện thoại để nhờ cậy chị giới thiệu cho bất cứ ai, trẻ đáng tuổi em út hay già đáng tuổi chú bác, người Việt hay Mỹ ở đây bằng lòng lấy cô ta làm vợ, để bảo trợ cho cô ta được sang Hoa Kỳ theo diện hôn thê (Fiancee) hay theo diện vợ chồng (Spouse) vừa nhanh chóng và chắc chắn hơn, thay vì phải chờ đợi từ 8 cho đến 10 năm nữa mới có thể sang đây đoàn tụ với chị theo diện anh chị em ruột bảo trợ cho nhau.
Nhận thấy sáng kiến của em mình đưa ra rất hữu lý nên chị quyết tâm giúp đỡ em mình sang đây sớm chừng nào tốt chừng ấy theo đúng như sáng kiến của em mình. Nhưng liên tục gần 2 năm trời, chị kiếm mỏi mòn con mắt cũng chẳng tìm ra một ai, kể cả người Mỹ da mầu và đã có lần chị hớn hở tìm ra được hai nhân vật người Mỹ gốc Việt, bằng lòng với điều kiện chỉ giả vờ lấy em chị làm vợ, chứ không chịu lấy thiệt. Một phần cả hai vị này tuổi đã cao niên và một phần tối quan trọng khác là biết rõ ngọc thể của mình đang trong tình trạng hôn mê đã lâu năm, không có một thứ thuốc men nào có thể giúp hồi sinh được. Ngoài trừ có một thứ thuốc có thể giúp được nhưng bác sĩ khuyên chớ có dùng loại thuốc này, uống vào là có thể đi tầu suốt luôn vì cả 2 đương sự đang bị bệnh tim mạch.
Biết tình trạng mình có thể về chầu Chúa không bao xa mà 2 nhân vật này vẫn làm cao, tỏ vẻ ta đây vẫn còn quí giá hơn món đồ cổ nhiều, đòi hỏi phải có của hồi môn ứng trước toàn phần; phải chi nếu họ chấp nhận ứng trước nửa phần của hồi môn, phần còn lại xin được trả góp hàng tháng sau khi cô em gái của chị đã sang tới đây, thì chị đã bằng lòng ngay rồi. Nhưng khổ một nỗi họ vẫn nằng nặc đòi phải ứng trước toàn phần trong khi của hồi môn lại quá cao, cho dù chị có phải vét sạch chương mục checking và chương mục tiết kiệm đã để dành được 5 năm qua của cả hai vợ trong ngân hàng đi chăng nữa, thì cũng không đủ để trang trải toàn phần của hồi môn này.
Thế rồi vì quá thương yêu em mình, chị đã nghĩ ra được một phương kế tựu kế mà chị cho là thượng sách nhất, vừa hợp pháp đúng theo luật di trú Hoa kỳ quy định mà lại vừa đưa được em gái mình sang đây một cách nhanh chóng, không phải tốn một đồng xu cắc bạc nào. Thực thi vấn đề này không có gì khó khăn cả, chỉ làm sao thuyết phục được chồng chị bằng lòng làm theo lời yêu cầu của chị là xong hết mọi chuyện như đã dự tính.
Vào một buổi tối cuối tuần, sau khi chị đã lo săn sóc cho 3 đứa con còn nhỏ tuổi, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa thứ nhì 8 tuổi, đứa út 4 tuổi ăn uống xong đâu đó và đưa chúng nó vào phòng ngủ của chúng, chị mới tâm sự những sự việc diễn tiến vừa kể trên cho chồng chị nghe về tình trạng cô em gái của chị và tiếp theo chị mạnh dạn bầy tỏ ý định của chị với chồng, là xin anh hãy thương em, bằng lòng để cho em nhờ luật sư nạp đơn xin ly dị anh ở tòa án và chúng mình chỉ giả vờ ly dị nhau trên giấy tờ mà thôi, vẫn sống chung với nhau một nhà, không có gì thay đổi hết, để tình trạng anh trở thành độc thân, rồi sau khi bản án ly dị ban hành đã được ở lại đây hợp pháp để chờ có thẻ thường trú. Sau khi nó có thẻ thường trú và ở đây đủ 2 năm rồi, anh sẽ nạp giấy tờ tòa án xin ly dị nó, tới lúc đó anh và em lại tái lập hôn thú với nhau có sao đâu. Nếu anh bằng lòng chiều theo ý em làm công việc bác ái này, tức là anh sẽ để phúc đức lại cho các con chúng ta sau này.
Mới thoạt nghe xong vợ mình đưa ra ý kiến như vậy, lòng anh rất sửng sốt và anh từ chối ngay ý kiến của vợ. Anh giải thích cho vợ hiểu rằng làm như thế, là gian dối với pháp luật Hoa Kỳ, vi phạm tội hình sự, nếu cơ quan chính quyền biết được sự thật gian dối này, cả hai chúng ta sẻ bị truy tố ra tòa và sẽ bị ngồi tù nhiều năm, suốt thời gian ngồi tù, 3 đứa con của chúng ta sẽ bị Bộ an sinh Xã Hội mang giao cho cha mẹ nuôi dưỡng chúng nó. Thế là em và anh đã trực tiếp làm cho các con của chúng ta trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ. Vậy em có điên khùng không mà đi xúi dục anh làm chuyện gian dối này? Em hãy nên nhớ rằng, ở đời có nhiều cách để giúp đỡ tha nhân, có nhiều cách để làm công việc bác ái, cách này không được thì phải đi tìm cách khác, chứ cách của em đưa ra không thực tế và còn nguy hiểm cho bản thân chúng ta nữa. Anh nghĩ có lẽ em đang hay sắp bị bệnh tâm thần rồi, anh sẵn sàng đưa em đi khám bệnh với bác sĩ tâm thần nếu em muốn. Như em cho biết đã gần 2 năm em cố gắng tìm mọi cách để giúp cho em gái em sang đây cho mau mà không được, thì bây giờ em nên nạp giấy bảo trợ cho nó đi, dù nó có phải chờ đợi thêm 8 hay 10 năm nữa mới sang được là ngoài ý muốn và khả năng của em, nó đâu có lý do gì để trách móc chị của mình được.
Nhưng vài ngày sau, vì quá thương yêu em gái mình, chị lại tỉ tê cố gắng thuyết phục chồng mình làm theo ý chị, bằng cách viện ra lý lẽ cho rằng chuyện gian dối này chỉ có 3 người trong cuộc biết mà thôi, đó là anh, em và cô em gái và cả 3 người không nói ra chuyện này cho bất cứ ai nghe, thì em hỏi anh làm sao cơ quan chính quyền có thể biết được sự gian dối này và tất cả chúng ta đều hiểu rõ sự nguy hiểm đến tính mạng của mỗi người, nếu nói ra là cả 3 người đều bị ở tù nên điên khùng gì mà đem chuyện bí mật của gia đình mình kể cho người khác nghe để hại vào thân. Lần này nghe vợ mình giải thích một cách hữu lý như vậy, làm anh siêu lòng và anh bằng lòng để vợ xúc tiến mọi chuyện như nàng muốn.
Thế là chỉ vài tháng sau cả 2 vợ chồng đều nhận được bản án ly dị của tòa án gửi tới. Giai đoạn kế tiếp là chị phải ở nhà một mình trông nom săn sóc 3 đứa con để chồng đi về Việt-Nam, trước là giúp cho cô em vợ lo liệu các thủ tục giấy tờ tại địa phương, sau là phải chụp hình chung với cô em vợ để làm bằng chứng hai người là tình nhân với nhau, để khi anh trở vềø lại Hoa Kỳ, sẽ kèm theo những tấm hình trông thơ mộng này với mẫu đơn bảo trợ diện hôn thê tại Sở di Trú.
Không đầy 8 tháng sau cô em gái điện thoại từ Việt-Nam báo tin vui cho chị biết là em đã được gọi đi phỏng vấn và đã được cấp giấy chiếu khán vào Hoa Kỳ, bây giờ em chỉ còn thu dọn nhà cửa, chờ đi khám sức khỏe và mua vé may bay nữa là xong hết mọi sự, để lên đường qua Hoa Kỳ xum họp với chị. Chị Thu Cúc rất mừng rỡ khi nghe được em gái của mình báo cho chị tin vui này. Nhưng đồng thời chị lại cảm thấy lo lắng cho cô em thân gái một mình, đường xá xa xôi hàng ngàn dặm, không biết nói tới một câu tiếng Mỹ nào, có thể đi lạc cổng lên máy bay mỗi khi phải chuyển máy bay tại phi trường quốc ngoại 1 lần và 2 lần. Nghĩ tới đó, để đề phòng trường hợp như vậy có thể xẩy ra cho cô em gái, chị lại đưa ý kiến với chồng là nếu anh đã hết phép thường niên rồi, thì anh hãy xin sở cho anh nghỉ một tuần lễ không ăn lương để về Việt-Nam lo chuyện khẩn cấp gia đình của anh. Như đã có ma đưa lối quỉ đưa đường, cứ tìm những lối dặm trường mà đi nên anh chấp nhận ngay lời đề nghị này của chị. Một lần nữa chị lại phải hy sinh ở nhà một mình trông nom săn sóc 3 đứa con thơ trong một tuần lễ.
Tới đúng ngày đúng giờ quay trở về của chồng cùng cô em gái như đã ghi trong 2 vé máy bay, chị vui sướng dẫn 3 đứa con thơ theo chị lên phi trường, chờ đợi sớm hơn 2 tiếng đồng hồ trước khi máy bay tới, để mừng đón chồng và để chào đón cô em gái cùng cha khác mẹ với chị mà lòng chị đã ấp ủ tình thương yêu, lo lắng, săn sóc gửi tiền về giúp đỡ em mình hàng tháng trong những năm qua như một người mẹ thương con. Nhưng hỡi ôi, có ai học được chữ ngờ bao giờ, máy bay đã tới, tất cả các hành khách trên chuyến bay đã bước ra khỏi máy bay, đôi mắt chị nhìn về tứ phía mà vẫn chẳng thấy bóng dáng người chồng yêu qúi của mình đâu cả, cũng chẳng thấy bóng dáng cô em gái thân thương của chị đâu hết. 3 đứa con thơ cầm tay nối đuôi nhau chạy nhanh theo chân mẹ đến quầy hàng bán vé máy bay, để chị hỏi thăm tin tức.
Tại đây chị được một nhân viên của hãng máy bay cho biết là có tên của 2 người này trong danh sách, nhưng không hiểu tại sao không thấy 2 người này đến trình diện để lên máy bay, có thể là 2 người nay trình diện trễ sau khi máy bay đã cất cánh chăng? Vậy muốn biết chắc 2 người này sẽ đổi vé đến vào ngày mai không, thì sáng sớm mai hãy điện thoại cho họ để được xác nhận, vì giờ này đã khuya, không còn chuyến máy bay nào khác tới đây nữa.
Như linh tính báo cho chị biết một điều bất hạnh đang xẩy đến cho chị. Vì nếu trễ chuyến máy bay, chồng chị đã phải điện thoại cầm tay cho chị biết và chị đã điện thoại cầm tay nhiều lần cho chồng từ trước khi ra phi trường cho đến lúc này, nhưng vẫn không thấy anh kêu lại. Mặc dù mỗi lần chị gọi, chị đều có để lại lời nhắn tin gọi lại chị khẩn cấp. Rồi niềm đau đớn trộn lẫn trong uất ức từ từ dâng lan tràn trong tâm hồn chị, nước mắt chị cứ tuân trào ra như thác nước đổ, cố lau cho khô đi bao nhiêu thì nước mắt lại tuân trào ra bấy nhiêu.Cuối cùng không thể kìm hãm nỗi xúc động rung chuyển trên toàn thân thể, từ trên đầu lan xuống dưới đôi chân, làm đôi chân chị lạnh run lên, gần như bước đi không nổi, chị đã khóc cạn nước mắt cho đến sáng sớm cố gắng ngồi dậy, chị soi gương thấy đôi mắt mình đỏ ngầu như hai hòn máu, không thấy lòng trắng đâu hết, hai mí mắt sưng húp lên như hai trái banh, không còn nhìn thấy rõ những cảnh vật ở chung quanh.
Đến giờ phút này chị mới nhận ra là vì chị quá tự tin vào sự suy nghĩ của mình, không chịu bàn thảo hay hỏi ý kiến với một ai trước khi yêu cầu chồng mình làm chuyện này, nên chị đã vấp phạm một điều sai lầm khủng khiếp, trong niềm đau xót tận cõi lòng, hối tiếc cho việc làm hết sức ngu xuẩn của mình thì đã quá muộn, không còn cách nào để cứu vãn được tình thế nữa; rồi có những phút cảm xúc, buồn tủi nghẹn ngào trong nước mắt, và mối tức giận căm thù dâng lên tới cuống họng, làm chị gần như bị nghẹt thở đứng tim như người mất hồn, cũng tại vì cô em gái yêu tinh, tàn nhẫn đã cướp đi mất người chồng yêu quí của chị, đã cướp đi người cha yêu dấu của 3 đứa con còn thơ dại, đang sống dưới sự đùm bọc của một người mẹ quá đau khổ, mà giờ đây, người mẹ đó chính là chị đang phải trả một cái giá quá đắt, đắt hơn gấp trăm ngàn lần so với cái giá của hồi môn của hai vị cao niên đòi hỏi chị trước đây; rồi chị lại tự an ủi thân phận mình, cho rằng đây là Thánh ý Chúa định và đối với những người không thuộc cùng tôn giáo với chị, thì có lẽ cho rằng đây là ý Trời, Định Mệnh an bài hay còn gọi là Nghiệp Chướng.
Chị vẫn còn ghi nhớ rõ trong tâm trí của chị những câu mà chồng chị đã nói với chị ngay lúc ban đầu khi chị yêu cầu chồng chị hãy làm công việc này cho chị: Em hãy nên nhớ, ở đời có nhiều cách giúp đỡ tha nhân, có nhiều cách để làm công việc bác ái, cách này không được thì phải đi tìm cách khác, chứ cách của em đưa ra không thực tế và còn nguy hiểm cho bản thân chúng ta nữa, anh nghĩ có lẽ em đang hay sắp bị bệnh tâm thần rồi, anh sẵn sàng đưa em đi khám bệnh với bác sĩ tâm thần nếu em muốn. Bây giờ chị mới hiểu được chồng chị nói rất đúng, vì quá thương yêu em gái mình mà trở nên mù quáng trong tư tưởng lẫn việc làm, vô tình chính chị là người đã vẽ đường cho hươu chạy, để ngày nay chị mất chồng, các con mất cha. Chị tự hỏi lòng mình thế thì lỗi về ai đây, lỗi mình chứ còn lỗi ai vào đây nữa.
Đúng một tuần lễ sau ngày chị và 3 con thơ trở về nhà từ phi trường, chị nhận được lá thư của chồng chị, nói những lời tạ tội với chị: anh đã phản bội em, xin em hãy rộng lòng tha thứ những lỗi lầm và hành động đáng ghê tởm của anh đối với em như hiện nay.Anh không còn xứng đáng làm chồng của em nữa và anh cũng không còn xứng đáng làm cha của 3 đứa con của chúng ta nữa, xin em hãy can đảm tiếp tục nuôi dưỡng và dậy dỗ các con để sau này chúng nó sẽ trở thành những người có tư cách, gương mẫu trong xã hội, đừng để chúng nó giống tính cha nó sau này. Sở dĩ anh không dám quay trở về với em và với con cái là vì cô em gái của em đã dính bầu tâm sự với anh đã lâu mất rồi, kể từ lần đầu tiên anh đến Việt-Nam lo thủ tục giấy tờ cho cô nàng mà anh đã làm theo lời yêu cầu của em. Vì thế anh và em gái em còn mặt mũi nào để quay trở về gặp em và các con của anh nữa, mong em thông cảm cho tình trạng trớ trêu này của anh. Tiện đây anh cũng xin nhắc lại là trong bản án ly dị, có ghi rõ anh phải cấp dưỡng tài chánh cho các con của anh hàng tháng. Điều này anh xin hứa danh dự với em, là ngay sau khi anh có việc làm, anh sẽ gửi tiền hàng tháng về cho em. Anh biết chắc trong chương mục tiết kiệm của anh và của em, vẫn còn dư tiền cho em chi tiêu hàng tháng ít nhất cả một năm nữa mới hết. Vậy em đừng lo lắng về vấn đề tài chánh vì tháng tới là anh đã có việc làm rồi, thì anh sẽ gửi tiền về ngay cho em.
Đọc xong lá thư, lòng chị cảm thấy xót xa, sẵn lòng tha thứ lỗi lầm của chồng mình, nhưng sự tức giận và lòng hận thù cô em gái lại tràn ngập trong lòng chị, không thể nào tha thứ cho đứa em gái vô ơn bạc nghĩa - ăn cháo đá bát, nhẫn tâm đã cướp đi người chồng yêu quí của chị, đã cướp đi người cha yêu dấu của 3 đứa con còn thơ dại, nên chị quyết tâm tìm cách trả thù bằng mọi giá, để làm sao trục xuất đứa em gái yêu tinh này phải quay trở về mái nhà xưa nghèo đói khổ sở ở Việt-Nam, cho hả dạ nỗi lòng đau khổ của chị, để không còn phải ôm mối sầu hận suốt cuộc đời còn lại của chị trên thế gian này.
Sau khi chị Thu Cúc đã kể cho tôi nghe hết tất cả các sự việc diễn tiến từ đầu đến cuối câu chuyện ngang trái thương tâm như tôi vừa mới trình bầy trên đây, chị liền hỏi ý kiến tôi là chị có nên đến Sở Di Trú để khai hết sự thật đầu đuôi câu chuyện của vợ chồng chị với cô em gái yêu tinh hay không, để nơi đây thụ lý sự việc và áp dụng luật lệ về di trú để trục xuất đưa em gái yêu tinh phải trở về Việt-Nam, dù hai vợ chồng chị có bị đi ở tù cũng dược, các con có bị giao cho Cha Mẹ nuôi, nuôi dưỡng chúng thì cũng chẳng sao, vì tội ai làm người đó chịu, đó là lẽ công bằng phải trả mà Thiên Chúa đã phán dậy bảo con cái của Ngài và cũng là lẽ công bằng của pháp luật được áp dụng trong một xã hội văn minh đã quy định.
Trước khi tôi đi sâu vào chi tiết để trả lời về ý kiến của chị hỏi tôi, mà trong đó có 2 phương diện khác nhau, một phương diện về tâm lý tình cảm và một phương diện về pháp lý thực dụng. Nghĩa là áp dụng vào luật di trú Hoa Kỳ hiện hành, thì việc đầu tiên tôi xin nhắc lại lời nói của chị ở trên: Nào là Thánh ý Chúa định, nào là ý Trời, nào là Định Mệnh an bài hay còn gọi là Nghiệp Chướng. Nếu nói như thế là để an ủi, làm vơi bớt được nỗi buồn khổ trong tâm hồn chị, thì đó là điều tốt; chứ chực ra trường hợp của chị không phải là do Thánh Ý Chúa định mà là do chính chị định. Vì chị đã tự biết và tự thú nhận rằng tại quá tự tin vào sự suy nghĩ của mình, không chịu bàn thảo hay hỏi ý kiến ai về chuyện này nên chị đã gây ra một lỗi lầm khủng khiếp này. Có rất nhiều người mỗi khi gặp phải sự đau khổ cũng thường nói những câu y như chị nói để tự an ủi mình; tuy nhiên chị vẫn còn sáng suốt hơn nhiều người, là biết nhận ra lổi lầm của mình làm.
Để quay trở lại trả lời vế ý kiến của chị đưa ra hỏi tôi, thì trước tiên trên phương diện tâm lý tình cảm, nếu có người đàn bà hay cô gái nào bị người yêu phụ bạc, thì có lẽ hầu hết họ cũng đều có những ý nghĩ và những phản ứng tương tự như của chị. Ai cũng hiểu câu: Giận quá mất khôn, đúng thế, chị hãy cố gắng bình tâm suy nghĩ lại và thử tự hỏi lòng mình xem: Ai là người khởi xướng vụ ly dị? Ai là người thuyết phục chồng chị chấp nhận để chị giả vờ ly dị anh ấy? Ai là người thúc đẩy chồng chị đi về Việt-Nam lần thứ nhất để giúp đỡ lo thủ tục giấy tờ cho cô em gái của chị bằng cách đóng kịch là tình nhân với cô em gái của chị? Rồi ai là người xúi giục chồng chị qua Việt-Nam lần thứ hai để đón cô em gái chị qua đây? Chẳng cần trả lời thì chị cũng biết người đó là ai rồi.
Chị cần nhìn sơ qua vào tấm hình chồng chị chụp chung với cô em gái của chị mà chị vừa đưa cho tôi xem, thì tôi phải nói thẳng với chị một câu rằng: Vô tình chị đã xúi giục anh ấy đi thám hiểm hai quả núi Hỏa Diệm Sơn lộ thiên cao vút lên trời như thế, thì không riêng gì chồng chị mà bất cứ ai đã cả gan dám đến đó một mình, nếu không bị chết thiêu thì cũng khó tìm được lối thoát thân trở về nhà an toàn; hoặc giả dụ nếu cô em gái của chị đang đóng vai một trong hai vị nữ anh hùng Trưng Trắc hay Trưng Nhị mà đang cưỡi trên lưng voi, thì con voi đó cũng phải toát mồ hôi dù ngoài trời đang lạnh. Chắc chị thường nghe người ta nói: “ Hoa Thơm anh Đánh Cả Cụm”. Nhưng nếu đem áp dụng câu nói này vào trường hợp của chồng chị, thì tội nghiệp cho anh ấy. Vì các dữ kiện xẩy ra cho thấy chồng chị không phải là người chủ động làm công việc này từ đầu đến cuối, chẳng qua anh ta đã phải chiều lòng theo ý của chị, để thi hành một công tác mà cả chị lẫn anh ấy không tiên liệu được những điều gì sẽ xẩy đến bất lợi cho gia đình mình. Vì lần đầu tiên thân trai dặm trường, xa vợ xa con, từ quốc ngoại trở về quê hương, được đứng trước một pho tượng nữ thần tình ái Venus bằng xương bằng thịt, với một thân hình nẩy lửa tràn đầy nhựa sống của cô em vợ như tôi vừa đề cập ở trên, thì làm sao ông anh rể có thể tránh khỏi hành động trao bầu tâm sự cho cô em vợ của mình được.
Theo sự suy luận của riêng tôi, trong câu chuyện éo le này, chị và cô em gái của chị mới là 2 nhân vật đáng trách nhất. Vì lòng ngây thơ vô tình của chị đã thúc đẩy anh ấy trở về Việt-Nam thân trai một mình, không có chị đi hộ tống bên cạnh, cộng với sự chào đón quá nồng thắm của người em gái đang độ tuổi thanh xuân, nên rất dễ dàng dẫn đưa hai người cùng rủ nhau vào vườn địa đàng rong chơi, hóng mát và chồng chị thật sự đã đóng vai ông Adong, còn em chị đã đóng vai bà Evà như sự việc đã xẩy ra. Nói tới đây, chị Thu Cúc gật đầu nhiều lần, tỏ vẻ tán đồng quan điểm với tôi. Chị còn nói câu: Tội ai làm người đó chịu, nhưng chị đã quên đi mất một điều, là trong vấn đề này, 3 đứa con của chị có làm gì đâu mà chúng phải bị chia lìa xa cha mẹ ruột thương yêu của chúng, để đến ở với cha mẹ nuôi nếu vợ chồng chị bị đi ở tù.
Tiếp theo tôi xin giải thích vấn đề này trên phương diện pháp lý: Cho dù chị có đến Sở Di Trú khai ra tất cả sử thật, Sở Di Trú không ở trong cương vị có thẩm quyền tài phán nội vụ của chị khai ra. Vì vấn đề rõ rệt ở đây, là chồng chị đã có nạp chứng từ ly dị với chị do tòa án cấp, đầy đủ các giấy tờ và hình ảnh đòi hỏi bời đơn xin bảo trợ mà chồng chị đã nạp đầy đủ hồ sơ cho sở Di Trú,. Đó là những bằng chứng hiển nhiên, xác nhận em gái chị là tình nhân của người chồng cũ của chị, cho dù người tình nhân này là em gái ruột của chị di chăng nữa, pháp luật không hề ngăn cấm người chồng ly dị vợ được quyền bồ bịch hay cưới người em gái ruột của người vợ cũ về làm vợ, miễn sao đương sự không vi phạm tội đa thê là được. Giấy tờ bảo trợ hôn thê (fiancee) của người chồng cũ của chị đã được Sở Di Trú duyệt xét và chấp thuận và người hôn thê này đã được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ hay Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt-Nam phỏng vấn và đã cấp giấy chiếu kháng cho phép đương sự được quyền nhập cảnh Hoa Kỳ để được phép cư ngụ tại đây trong vòng 90 ngày.
Nếu vì lý do gì khác, người đứng tên bảo trợ không chịu làm giấy hôn thú với người hôn thê, thì tới lúc đó, người hôn thê này mới phải quay trở về nguyên quán của mình mà thôi. Hoặc giả thử sau khi cưới nhau rồi trong khoảng thời gian 2 năm, nếu có sự tố giác của người chồng kèm theo những bằng cớ cụ thể, chứng minh là người vợ chỉ giả vờ lấy anh vì anh có quốc tịch Hoa Kỳ, để được phép sang đây mau chóng, mà khi sang tới đây rồi lại không chịu ăn ở với anh như là vợ. Vì cô nàng có những lý do thầm kín riêng tư, thì người vợ này sẽ bị trục xuất về nguyên quán. Trái lại người chồng có quốc tịch mà giả vờ lấy cô ta về làm vợ qua trực tiếp cá nhân với nhau hay qua trung gian những tổ chức dịch vụ thương mại mua bán tình yêu. Nghĩa là cô ta trả tiền trực tiếp cho anh này hoặc trả tiền cho anh qua trung gian cơ quan dịch vụ để được nhập cảnh Hoa Kỳ. Nhưng trên thực tế hai người không hề sống chung với nhau như vợ chồng. Trường hợp như vậy, nếu cơ quan chính quyền biết được có bằng cớ cụ thể, thì cả hai đường sự sẽ bị truy tố ra tòa: Một người bị trục xuất trả về nguyên quán, còn một người có quốc tịch có thể vừa bị phạt vạ bằng hiện kim và vừa bị lãnh án tù ở nhiều năm hay ít năm tùy theo tội trạng của đường sự.
Trường hợp của chồng chị và cô em gái của chị sẽ không nằm trong các lý do vi phạm luật lệ vừa kể trên, vì chị đã chính thức ly dị chồng chị trước tòa án nên anh ấy đã trở thành độc thân, có quyền lấy vợ khác và cô em gái chị độc thân đã được cấp giấy chiếu khán vào Hoa Kỳ để gặp lại người yêu là chồng cũ của chị, và để hai người sẽ làm hôn thú với nhau khi cô em gái chị sang tới đây. Như thế không có điều gì bị coi là bất hợp pháp cả và câu chuyện của chị theo tôi, có thể điển hình bằng 2 câu ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa mà người ta thường nói: “Cõng Rắn Cắn Gà Nhà “ hoặc “Rước Voi Về Dầy Mồ“.
Để kết thúc câu chuyện của chị, tôi xin chia sẻ cùng chị một vài ý tưởng thâm thúy mà tôi vẫn còn nhớ những lời chân thành, ân cần nhắn nhủ đến các học trò của một vị Linh Mục khả kính, cũng là thầy dậy học tôi khi tôi còn ở bậc trung học như sau: Sự thù hận mà cứ ôm ấp lâu ngày trong tâm hồn sẽ làm nguy hại cho tinh thần lẫn thể xác của con người. Trái lại chỉ có sự tha thứ sẽ là một liều thuốc bổ vô giá cho sức khỏe của con người. Vì nó sẽ đem lại sự bình an đến trong tâm hồn mỗi người chúng ta và nhờ vào sự bình an này, chúng ta sẽ sống lâu sống khỏe cho tới ngày Chúa gọi về với Ngài.
Luật gia. Nguyễn Mạnh San
Phó Tế Giáo Hội Công Giáo Oklahoma, Tuyên Úy Trại Tù