NEW ORLEANS – Hôm thứ Năm (12/9), bão Francine đã đổ bộ vào khu vực phía Nam của tiểu bang Louisiana, gây mưa lớn và gió mạnh cho New Orleans và đe dọa toàn bộ Vùng Vịnh Gulf Coast với nguy cơ nước dâng cao rất nguy hiểm, hàng ngàn người dân trong khu vực đã được lệnh di tản, theo Reuters.
Trung Tâm Báo Bão Quốc Gia (National Hurricane Center, NHC) cho biết bão Francine có sức gió mạnh lên tới 75 mph (120 km/h) sau khi tâm bão tiến sâu vào trong đất liền, cách New Orleans khoảng 50 miles (80 km) về phía tây-tây nam.
Ngay trước khi đổ bộ, bão Francine đã được NHC nâng xếp loại cấp độ bão từ Cấp 1 lên Cấp 2, theo thang đo bão 5 cấp Saffir-Simpson. Nhưng ngay cả khi còn được xếp ở Cấp 1, sức gió của cơn bão vẫn đã rất mạnh và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng. Toàn bộ khu vực Vùng Vịnh Gulf Coast, từ Louisiana đến Mississippi, đều được cảnh báo về nguy cơ nước dâng cao nghiêm trọng đến mức có thể đe dọa tính mạng.
Theo thông tin từ PowerOutage.us, hơn 200,000 hộ gia đình và xí nghiệp trên toàn tiểu bang Louisiana đã bị mất điện
Khu phố cổ nổi tiếng French Quarter ở New Orleans đã bị phong tỏa, hiện chỉ còn lác đác vài người, và khá đông cảnh sát viên. Trên Phố Bourbon, Gina Kralek, nhân viên của quán Clover Grill, cho biết cô đang làm thay cho hai đồng nghiệp đã di tản trước khi bão đến. Kralek chia sẻ: “Thường thì tôi cũng sẽ di tản khi có bão, nhưng lần này thì không thể vì còn kẹt ba em chó cưng. Không phải nơi trú ẩn nào cũng chịu nhận cả tôi và mấy đứa nó.”
Thống đốc Louisiana Jeff Landry và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp để chuẩn bị ứng phó với cơn bão, giúp các cơ quan có trách nhiệm có thể huy động nguồn lực cần thiết để ứng phó và chuẩn bị hỗ trợ tài chính nếu có thiệt hại nghiêm trọng xảy ra.
Theo tổ chức nghiên cứu tài chính Moody's Ratings, có hơn 78,000 bất động sản thương mại, với tổng giá trị khoảng 143 tỷ MK, nằm trong đường đi trực tiếp của bão. Các tòa nhà này có hơn 50% nguy cơ bị ảnh hưởng bởi gió mạnh, với vận tốc tối thiểu là 50 mph (80 km/h), đủ để gây ra một số thiệt hại.
Nhiều quận ven biển của Louisiana đã ra lệnh di tản bắt buộc. Sở Giao thông Vận tải tiểu bang thì ban hành bản đồ hướng dẫn di tản. Thành phố New Orleans cũng đã phân phối các bao cát tại năm điểm.
Mỗi khi có bão lớn tới gần Louisiana, mọi người thường hồi tưởng lại cơn bão Katrina năm 2005, đã tàn phá New Orleans và các vùng lân cận, làm gần 1,400 người thiệt mạng và gây thiệt hại lên tới 125 tỷ MK.
Nước từ hồ Pontchartrain, nằm ở phía bắc thành phố New Orleans, đã bắt đầu dâng lên và tràn qua bờ đê. Nhưng kể từ sau bão Katrina, chính phủ liên bang đã đầu tư xây dựng một hệ thống bảo vệ đê trị giá 14.5 tỷ MK, bao gồm các cổng thoát nước có thể giúp ngăn lũ tràn vào các kênh thoát nước trong nội thành thành phố, nhiều chỗ đã bị hư hại nặng nề trong bão Katrina.
Chiều tối, các cửa hàng tạp hóa đã đóng cửa để chuẩn bị đón bão, nhưng người dân cũng đã kịp thời mua sắm thực phẩm và nhu yếu phẩm cần thiết. Steve Rodriguez, đã sinh sống ở New Orleans từ năm 1983, cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ đồ hộp và các vật dụng cần thiết,” khi ráng mua thêm một số đồ đạc trong giờ chót.
Bão bùng cũng gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất năng lượng và xuất cảng nông sản từ khu vực Vùng Vịnh Mexico (U.S. Gulf of Mexico). Tổng cộng 171 dây chuyền sản xuất và 3 giàn khoan khai thác đã được di tản để đảm bảo an toàn.