Vào hạ tuần tháng 8/2024 nhà báo Ngô Nhân Dụng (nhà thơ Đỗ Quý Toàn) từ Little Saigon sang Phần Lan thăm nhà thơ Nguyễn Bá Trạc, nhân dịp nầy sang Thụy Điển thăm vợ chồng nhà thơ, nhà báo Trần Dạ Từ và nhà văn Nhã Ca. Cuộc hội ngộ nầy Nguyễn Bá Trạc chia sẻ trên Facebook của ông. Sau 3 năm vắng bóng ở Little Saigon, nay mừng Trần Dạ Từ vào tuổi thượng thọ với bảy “thập nhị chi”.
Năm 1988, nhờ sự vận động của PEN quốc tế và PEN Thụy Điển (Chủ Tịch Văn Bút Thụy Điển: Agneta Pleijel), và qua Thủ Tướng Evan Carson, gia đình Trần Dạ Từ được định cư tại Thụy Điển. Năm 1992 gia đình sang định cư tại Little Saigon (hai cô con gái, trưởng nữ và con nuôi ở lại Thụy Điển). Sau ba thập niên vợ chồng ông sinh hoạt báo chí và văn học nghệ thuật nơi nầy, họ trở lại Thụy Điển an sống tuổi già, tại quê hương đã đưa Trần Dạ Từ ra khỏi ngục tù Cộng Sản và đón tiếp cả gia đình Ông đến xứ tự do.
Trong bài phỏng vấn của Vĩnh Phúc, nhà văn Nhã Ca cho biết sang Thụy Điển năm 1998 nhưng các bài viết ghi năm 1989 (có lẽ là lỗi đánh máy). Và nay, có lẽ bà không trở lại Mỹ vì tình trạng bệnh tim, con cái cho biết bác sĩ khuyên Bà không nên di chuyển bằng phi cơ. (Từ trước đến nay khi giao tiếp, tôi thường gọi anh/chị nhưng trong các bài viết gọi ông/bà, với bạn bè cùng trang lứa và nhỏ hơn vẫn gọi anh/chị).
Trải qua gần bảy thập niên, từ cuối thập niên 1950’ đến nay, trong lãnh vực báo chí và văn chương, tên tuổi Trần Dạ Từ, Nhã Ca nổi bật, quen thuộc với giới báo chí, văn nghệ sỹ và độc giả từ miền Nam Việt Nam ở hải ngoại. Với nhiều bài viết về Trần Dạ Từ trên nhiều khía cạnh trong sự nghiệp và sáng tác nên nếu viết cũng là sự lặp lại, vì vậy trong bài viết nầy trích dẫn bạn văn, bạn tù đã sống gần gũi nhau đã viết về ông, nhất là bạn tù. Khi sống trong lao tù, với người lính VNCH đã từng xông pha nơi chiến trận, vào sinh ra tử, chịu đựng cam khổ đã quen nên khi lâm vào hoàn cảnh nghiệt ngã, bi đát vẫn “uy vũ bất năng khuất” với tinh thần và ý chí. Trong khi đó nhà thơ, nhà báo chưa bước vào “ngưỡng cửa quân đội”, chưa trải qua “đoạn đường chiến binh”, chưa bị gian lao khổ cực mà thể hiện tinh thần bất khuất, nhân cách của người tù trải qua 12 năm, với tôi, cảm nhận được hình ảnh đó để viết.
* Tự thân vào đời với năng khiếu
Nhà thơ Du Tử Lê, bạn thân lâu năm, viết nhiều bài nhất và phỏng vấn về Trần Dạ Từ trong những thập niên qua.
Trong bài viết Mùa xuân và, “Đêm-từ-biệt… Trần” của Du Tử Lê với thời điểm sau năm 1954 di cư vào Nam Ông đã viết: “Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, ra sao, thế nào khi đứng trước khu rừng có quá nhiều những gốc lạ, quý? Khu rừng thuộc quyền sở hữu của người dựng thành đêm-từ-biệt… Trần…
Từ điểm khởi này, tôi xin được bắt đầu truyện ký đêm-từ-biệt người con gái họ Trần (tức Trần Thy Nhã Ca) “giải mã” từ ba chữ: Trần Dạ Từ. Thi sĩ…
Tôi muốn nói, tuổi thơ dữ dội của một Lê Hà Vĩnh / Trần Dạ Từ. Thi sĩ. Chủ nhân khu rừng quá nhiều những gốc cây lạ, quý…
Khi chuyến tầu chở trẻ “mồ côi” cập bến Bạch Đằng, từ trên boong cao, nhìn về khu Majestic, cuối đường Catinat đèn mầu, rực rỡ, thay vì như hàng trăm thiếu niên đồng hành với mình, chờ được đưa về Trại Học Sinh Phú Thọ (nơi tập trung tất cả những trẻ mồ côi di cư từ miền Bắc, được chính phủ nuôi ăn, chăm sóc, ngõ hầu tương lai trở thành những giáo sư, sĩ quan, công, tư chức thành công trong xã hội…)
Lê Hà Vĩnh đã lặng lẽ tách lìa đám đông, làm lấy cho mình một lên đường riêng. Lên đường hay phiêu lưu đơn độc của Lê Hà Vĩnh, từ bước chân miền Nam thứ nhất này, với tôi, cũng là một chỉ dấu cho chuỗi dài những thử nghiệm phiêu lưu đơn độc khác, sau này của họ Lê. Đây là giai đoạn khởi đầu của những bài thơ viết sớm, bút hiệu Hoài Nam… (Ghi chú thêm: Nhạc sĩ Hoài Nam (Trần Hoài Nam sinh 1942, Sóc Trăng) tác giả số ca khúc như Ba Tháng Quân Trường, Chín Tháng Quân Trường, Tình Bạn Quang Trung…)
Những ngày tháng thứ nhất đối đầu với định mệnh cheo leo chỉ bằng vào đôi chân trần, đôi tay không, công việc đầu tiên của Lê Hà Vĩnh, để sinh tồn là nghề xếp báo, giao báo cho các sạp báo… Với tuổi 14, chỉ một thời gian ngắn, họ Lê đã sớm tự hỏi mình, tại sao không mua đứt một số lượng báo nào đó, xong, đem tới từng người đọc trên đường phố, để có được một khoản lợi tức nhiều lần hơn công việc thụ động kia?
Cất tiếng hỏi, có ngay câu trả lời! Cậu bé Lê Hà Vĩnh đã thành công với sáng kiến mới mẻ của mình. Thời đó, thời Sài Gòn 1954, 1955, có thể nói họ Lê là người đầu tiên đưa báo xuống đường phố. Chàng cũng là người đầu tiên đưa báo tới tận ga xe lửa, bước lên từng toa tầu cho những hành khách có nhu cầu nguôi quên thời gian đợi chờ tầu lăn bánh. Cũng từ bước đi mới mẻ này, họ Lê trở thành người bạn nhỏ dễ thương của những ông xếp ga. (Nhờ sự trở thành này, Lê Hà Vĩnh có được cho mình, cơ hội đi khắp cùng đất nước.)
Phần thưởng cụ thể Lê Hà Vĩnh nhận được cho những sáng kiến của mình là, những ngày tháng dư giả tiền bạc, giầu có kinh nghiệm đi, sống. Bất ngờ, một “sự cố” như một bỡn cợt của định mệnh, đã cột chân con tiểu thiên lý mã kia ở thành phố Đà Lạt. Thơ mộng.
Thời gian tạm “dừng bước giang hồ” này, cũng là thời gian Lê Hà Vĩnh lại có sáng kiến khác. Sáng kiến giao báo tới tận nhà người đọc…
Nhờ sáng kiến vừa kể, Lê Hà Vĩnh có nhiều thời gian hơn nữa để đọc, viết, nghiền ngẫm văn chương, cảm thụ thiên nhiên với trưa Mekong, chiều Shanghai (hai nhà hàng nổi tiếng nhất Đà Lạt, thuở đó) và, quần áo bỏ giặt như nếp sống của một… “ông Hoàng nhỏ”.
Tại đây, họ Lê khởi sự bước vào thi ca với hàng trăm bài thơ được viết xuống. Nhuần nhuyễn các thể loại thơ cầu kỳ như Đường Luật, Liên Hoàn, Hát Nói hay, loại thơ đòi hỏi khả năng dài hơi và rung cảm rạt rào, như loại thơ “Trăm câu một vần”, như “trường khúc” v.v…
Cũng từ xuất phát khi còn rất nhỏ, Lê Hà Vĩnh đã khuấy động không gian êm ả của sinh hoạt thi ca miền Nam qua sự kiện một mình chàng (với nhiều bút hiệu khác nhau) đã trúng ba giải: Nhất, Ba và Bảy của cuộc thi thơ Mùa Xuân do đài phát thanh Pháp Á, Sài Gòn, tổ chức cuối năm 1956…
Số là ban giám khảo không thể nghĩ được rằng thí sinh trúng giải nhất tên Đoàn Minh Tuấn lại là một thiếu niên, chứ không phải một… lão niên. Thứ đến, tác giả Lê Hà Vĩnh, bút hiệu Đoàn Minh Tuấn (của giải nhất) và hai bút hiệu khác của hai giải còn lại, không có một bằng chứng, một giấy tờ gì khả dĩ thuyết phục được ông Hoàng Cao Tăng cũng như ban giám khảo trao số tiền thưởng trên 3,000 đồng (quá lớn thời đó,) cho một thiếu niên không ai biết mặt!...
Nhưng, như đã nói, vì không có một chứng cớ cụ thể nào khả dĩ khiến đài Pháp Á có thể giao toàn bộ số tiền thưởng cho Lê Hà Vĩnh; cuối cùng nhà thơ Hồ Đình Phương quyết định triệu tập toàn ban giám khảo họp tại trụ sở đài Pháp Á, với sự hiện diện của “thí sinh tự nhận trúng 3 giải thưởng” Lê Hà Vĩnh và, giám đốc Hoàng Cao Tăng, để… thực chứng tài làm thơ của thiếu niên đặc biệt này…
Một điều đáng nói nữa là sau sự việc vừa kể, nhà thơ Hồ Đình Phương đã viết một loạt bài ba kỳ về “Thần Đồng Thi Ca” Hoài Nam (bút hiệu chính thức, đầu tiên của Lê Hà Vĩnh), trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong. Loạt bài này đem đến cho chàng không biết bao nhiêu thư ái mộ! Cũng từ đấy, Hoài Nam trở thành bạn thơ nhỏ tuổi, thân ái nhất của thi sĩ Hồ Đình Phương…
“Thần đồng thi ca” Hoài Nam tự thấy phải có cho mình một công việc khác. Một công việc liên quan tới chữ, nghĩa. Bởi thế, họ Lê phải bắt đầu con đường mưu sinh bằng cách viết truyện ngắn cho các nhật báo như Ngôn Luận, Lẽ Sống… Tuy nhiên nhuận bút truyện ngắn nhận được mỗi tháng, không cách gì đủ cho chàng duy trì nếp sống phong lưu trước đó. Chưa kể khi đã thành một “nhà thơ lớn” họ Lê cũng không thể sống dưới mức sống tối thiểu của một... “danh sĩ”...
Trở lại với “Thần đồng thi ca” Hoài Nam, thoạt tiên, chàng được nhận làm việc ở tòa soạn Văn Nghệ Học Sinh trong vai trò “Thầy Cò” (sửa lỗi chính tả). Sau một thời gian, họ Lê được giao phó phần vụ trả lời thư bạn đọc, trước khi trở thành phụ tá Tổng thư ký Giang Tân, trong việc đọc, chọn bài nhận được…
Cuối năm 1957, khi chính phủ khánh thành đường xe lửa nối liền Sài Gòn - Huế, với sự “cổ võ” của bằng hữu, “Thần đồng thi ca” Hoài Nam là một trong những hành khách đầu tiên, bước lên chuyến xe lửa “định mệnh” này; sau khi đã báo trước cho “Ngọn cờ đầu” Trần Thị Thu Vân biết, chàng sẽ ghé thăm họ Trần, chiều Mồng Một Tết. 1958.
Nhiều năm sau, trong “Hồi ký một người mất ngày tháng”, Nhã Ca ghi lại những cảm xúc choáng, ngất đầu đời mình, như sau: “Tầu hỏa đang hú còi vào ga. Ghê quá. Anh ta tới rồi đấy. Tầu từ Đà Nẵng ra đúng sáng Mùng Một Tết. Còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ trưa, sẽ đi qua cổng. Bẩy giờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh ta báo trước vậy.
Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh ta. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh ta? Anh ta vậy há? Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi? kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh ta đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát”…
(Du Tử Lê)
Sau thời gian gặp gỡ nhau qua những mẩu đối thoại, gặp nhau và chia tay, mỗi người mang theo hình bóng kẻ ở người đi cho đến khi nên duyên vợ chồng.
Sau các bài thơ với bút hiệu Hoài Nam, Đoàn Minh Tuấn, Vĩnh Cửu… Bút hiệu Trần Dạ Tứ xuất hiện với Thơ Cũ Của Nàng trên tạp chí Gió Mới, số 1, năm 1957. (Sau nầy nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc Người Đi Qua Đời Tôi rất nổi tiếng)
Sau bốn thập niên (1957-1998) trong Hồi Ký Nguyên Sa do Đời, California, xuất bản năm 1998, ở phần Hai, chương Nồi Niêu Soong Chảo, thi sĩ Nguyên Sa đã đề cập tới phần đời làm báo đầy biến động, nhiều đương đầu hào hứng sau năm 1963 của nhóm ký giả trẻ: Nhóm Nồi Niêu Soong Chảo do nhà thơ Trần Dạ Từ đại diện.
“Những ngày Sáng Tạo có tiền kiếp. Thời gian bỏ đi có tiền kiếp của nó. Những ngày ở Sống với Chu Tử là một tiền kiếp khác, xôn xao Lương Sơn Bạc. Tờ Sống ra được có một số thì bị đình bản, anh em báo Sống với Đằng Giao, Tú Kếu, Trần Dạ Từ nhóm ký giả trẻ gọi là ‘nồi niêu soong chảo’ lếch thếch nồi soong ra đi đầu quân, khi thì ở Tiền Tuyến với ông chủ nhiệm Đỗ Công Dụng, khi thì Hòa Bình với linh mục Trần Du, khi khác là Tranh Đấu của chủ nhiệm Ngô Đức Mão, một đệ tử của cụ Nguyễn Thế Truyền, Mai Châu bỏ tiền…
Trần Dạ Từ là một tiền kiếp khác. Phải rồi, Trần Dạ Từ là tiền kiếp. Tiền kiếp đẩy tôi tới nhà in, tôi vẫn đội mũ nguyên trên đầu, Trần Dạ Từ dắt tới trước mặt tôi chủ nhân của nhà in nói đây là ông anh tôi, liệt kê các loại võ nghệ tài chính và xã hội, kể từ hôm nay ông anh sẽ lo mọi vấn đề tiền bạc. Tôi gật đầu bảo chứng người em tiền kiếp, tôi nói tôi trả tiền, cứ in, ngày nào thanh toán ngày đó, không cần để tới sáng ngày mai. Viên quản lý vui vẻ ngay, máy in đang chờ, thợ in đang chờ, có người lãnh nhận việc trả tiền là bật đèn xanh…”. (Kết quả, “đại gia” Mai Châu đã phải “tung khăn” đầu hàng “Ông đội mũ! - Trần Dạ Từ thường gọi Nguyên Sa)
Năm 1957 Nguyên Sa (Trần Bích Lan) dạy triết lớp Đệ Nhất trường trung học Chu Văn An, học sinh di cư vào Nam lớn tuổi hơn Trần Dạ Từ, trong khi đó nguyệt san Gió Mới (Nguyên Sa chủ bút) mời Trần Dạ Từ cộng tác.
Tạp chí Văn số 82, tháng 4, 1989, đặc biệt Chào Mừng Trần Dạ Từ - Nhã Ca tới Thụy Điển, Nguyên Sa viết bài Hãy Tưởng Tượng:
“Hai mươi năm của mười lăm năm trước, chúng tôi sống với nhau hơn là hai anh em ruột, hơn là hai người bạn thân. Từ ở (tạp chí) Hiện Đại từ ngày khởi đầu (1960), với tuổi trẻ cần thiết cho tờ báo, với thơ Từ, thơ Nhã. Từ và tôi đồng chủ nhiệm tờ báo văn nghệ cuối cùng, tờ Nhà Văn, ra được ba số thì mất nước.
Từ, với tôi, không phải là một người em vì tri kỷ, hơn một người bạn vì sớm tối gần suốt cuộc đời. Từ của tôi là tấm gương, tấm gương đó soi chiếu cho tôi thấy báo chí, thấy văn nghệ, thấy văn bút, thấy nhạc, thấy thơ, thấy đủ thứ cuộc đời mà tôi vắng thiếu. Tôi tự ý chọn nếp sống cô độc, không tiếp xúc, tôi không muốn đối đầu, tôi không đủ thì giờ. Sự xô đẩy của tình cờ, sự quyết định của thời thế, vì sao, tôi không biết, nhưng sự kiện là tôi khô héo trong cô lập.
Tôi đã chết lâu rồi nếu không có chất nước mầu nhiệm đó, tôi đã mù lòa nếu không có tấm gương đó.
Tôi biết rõ báo hàng ngày vì Từ làm báo hàng ngày. Tôi viết cho Sống, cho Độc Lập, cho đủ thứ báo vì có Từ ở đó. Từ đứng bên chiếc bàn lớn, khoanh những mảng đen đậm, chỗ dành cho Ao Thả Vịt, chỗ dành cho tin chiến sự, vụ buôn lậu thuốc lá, vụ sì căng đan ở quốc hội. Từ không phải là chủ nhiệm, không phải chủ bút, nhưng ở tờ báo nào bạn tôi cũng là “đại ca thủ lãnh”...
Từ có một khả năng tiếp nhận và dung nạp hết sức lớn lao. Học ở đời sống, học trong nghề nghiệp, học ở bằng hữu, học trong sách vở đã mang lại cho Từ một óc phân tích rất “cạc tê diêng”. Thơ bắt nguồn từ sâu thẳm Việt Nam mang lại cho bạn tôi tình tự mênh mông. Trí có tình làm tươi mát, tình có trí làm ranh giới, cho nên bằng hữu của Từ đông đảo hơn bất cứ nhà văn nào. Vũ Hoàng Chương, Thanh Lãng gần gũi Trần Dạ Từ. Mai Thảo, Nguyên Sa vừa yêu vừa trọng người bạn, người bạn đứng ở trước mặt, xa bao nhiêu cũng không xàm xỡ. Và, với những người bạn cùng tuổi, Trần Dạ Từ đứng ở điểm giữa của một trục quay có lực hướng tâm”.
(Nguyên Sa)
* Bạn tù
Sau một năm, chiến dịch tổng truy lùng của chính quyền cộng sản ngày 3 tháng 4 năm 1976 gán cho cái tội “Những Tên Biệt Kích Cầm Bút”! Cuốn sách nầy do Trần Văn Giàu, Lữ Phương, Vũ Hạnh... viết về 10 tác giả miền Nam như bản cáo trạng trong cuộc truy lùng bắt giam văn nghệ sỹ do Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt), tổng biện tập báo Công An chủ xướng.
Bài viết Ở Tù Với Trần Dạ Từ & Bạn Hữu của nhà báo Hồ Văn Đồng
(Nhà báo Hồ Văn Đồng từng là tổng thư ký, chủ bút, chủ nhiệm nhiều nhật báo danh tiếng của miền Nam. Sáng lập, tổng thư ký Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt, chủ tịch Hội Chủ Báo. Sau tháng Tư 1975, ông hai lần bị Cộng Sản bắt giam, cộng chung 12 năm. Năm 1989, sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, ông vượt biển, định cư tại Virginia).
“Ngày 3 tháng Tư, 1976, khi công an cộng sản mở chiến dịch hốt gọn văn nghệ sĩ Sài Gòn, tôi đang ở Phan Rang, ngụp đầu trong một cánh đồng mía…
Ngày 9 tháng 3, khi tôi xách cái bị lát nông dân từ Phan Rang về Sài Gòn thăm nhà, công an cộng sản đã rình sẵn từ bao giờ, còng tay cái rụp.
Tại sở công an thành phố, trước là trụ sở Nha Cảnh Sát đô thành, đường Trần Hưng Đạo, khi cánh cửa sắt nặng nề của phòng giam mở ra, tôi nghe nhiều tiếng cười. Một giọng nói vui vẻ vang lên: “A, Anh Đồng đen đây rồi. Đi đâu giờ này mới chịu mò tới. Nhờ anh tí, bắt anh em chờ mãi”… Giọng nói quen thuộc lại vang lên. Một anh chàng thấp lùn phe phẩy quạt giấy, mặt mũi vêu vao, đang ngoác miệng ra cười, vẫy vẫy về phía tôi. Tôi nhận ra anh bạn phóng viên Anh Quân. Bên cạnh là anh Doãn Quốc Sỹ, anh Đằng Giao, anh Trần Dạ Từ… Phòng giam nêm chặt kiểu cá mòi đóng hộp, dưới mái tôn nóng điên người, tất cả đều cởi trần, mồ hôi nhễ nhại…
Khi công an bắt văn nghệ sĩ, nghe kể, họ bắt luôn vợ chồng Đằng Giao - Chu Vị Thủy và cháu nhỏ mới sinh bẩy ngày... Khi tôi bị bắt vô sở công an, chị Chu Vị Thủy đã được cho mang cháu nhỏ về quản thúc tại gia. Trong số văn nghệ sĩ nằm tù cộng sản, chỉ có chị Nhã Ca là phụ nữ duy nhất. Suốt thời kỳ ở sở công an, chị bị nhốt cát sô. Anh Nguyễn Mạnh Côn cười, bảo tôi: “Con mụ dữ quá”. Tuy cười, anh rất quan tâm việc này.
Một bữa, sau buổi “đi làm về”, có nghĩa là bị gọi đi hỏi cung, khi trở về phòng, anh kể với chúng tôi: “Moa bảo họ là bao nhiêu tai to mặt lớn ở miền Nam này, đâu có người nào cách mạng bắt đi tù cả chồng lẫn vợ như trường hợp Trần Dạ Từ và Nhã Ca. Nhốt bà mẹ của 6 đứa con nhỏ, có đứa còn chập chững tập đi, thì vẻ vang gì. Nói thật, bà ta chỉ là một bà viết văn bình thường, chẳng hiểu biết gì về chính trị. Nếu sách bà ta có chống cộng, ấy là do tôi mà có. Thả bà ta về, rồi muốn tôi làm trâu làm chó gì cũng được” (Nhà văn Lý Thụy Ý (Nguyễn Thị Phước Lý, chủ bút tờ Văn Nghệ Tiền Phong) cũng bị bắt đi tù lao động ở rừng Bô La 3 năm. Lý Thụy Ý, vợ họa sĩ Chóe (Nguyễn Hải Chí) bị bắt trong đợt nầy và bị tù 9 năm).
Nhà văn Nhã Ca với hồi ký Giải Khăn Sô Cho Huế năm 1969, được giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc năm 1970 trở thành “bản án” sau năm 1975. Tác phẩm sau nầy “bị” trưng bày ở “Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy”. Đúng ra, tội của bà nặng hơn Trần Dạ Từ nhưng vì 6 con còn nhỏ dại nên bị tù 2 năm.
Lý do Nguyễn Mạnh Côn gọi Nhã Ca “Con mụ dữ quá”. Nhân đây trích bài viết của Đặng Hoàng Hà (5/2023) “Trong cuộc trò chuyện với anh Từ, anh cho biết, nhẽ ra chị Nhã Ca không bị nhốt vào cachot, nhưng vì bọn chấp pháp ăn nói mất dạy quá, chúng nói, trong miền Nam theo họ chỉ có hai loại phụ nữ. Một là đánh đĩ bằng thể xác. Hai là đánh đĩ bằng tâm hồn. Chị là người đánh đĩ bằng tâm hồn. Nghe thấy nói thế chị giận quá đứng dậy nói:
- Tôi không biết bác và đảng của các anh ra sao nhưng riêng anh là một thằng khốn nạn mất dạy, vô giáo dục. Anh không xứng đáng nói chuyện với một người như tôi.
Nói xong, chị bước ra khỏi phòng và đi thẳng ra ngoài. Tên chấp pháp đứng dậy chạy theo kêu, Ơ, chị này đi đâu? Tôi còn đang làm việc với chị. Chị đi tiếp và không thèm quay lại. Vì lý do trên nên bọn chúng nhốt chị vào cachot”.
Trở lại bài viết của Hồ Văn Đồng “Nhưng cũng ngay thời gian ở sở công an, anh Nguyễn Mạnh Côn bắt đầu nói về cái chết. Một bữa, anh bàn với tôi: “Lần này, sống mà về được, hai anh em mình phải xuống Thủ Đức, tìm một khu đất riêng, làm sẵn một “sanh phần” cho bọn mình, ông ạ”.
Sanh phần là ngôi mộ làm sẵn. Thấy chúng tôi bàn hoài chuyện trồng cây, đào huyệt cho mình, anh Trần Dạ Từ gạt đi, kêu là thời của bọn đỏ mà tính chuyện vớ vẩn.
Anh Côn nói với anh Từ:
“Không vớ vẩn đâu, cậu ạ. Đỏ đen gì cũng chỉ là nhất thời. Thời của họ cũng chẳng lâu lắt gì. Các cậu sẽ được nhìn thấy nó phải sụp đổ như thế nào. Ở tuổi của Từ, điều này chắc như đinh đóng cột. Thế hệ các cậu, chính cậu, sẽ phải góp phần làm cho nó đổ, rồi rán mà gánh vác lấy việc thu dọn sau đó. Còn tớ với ông Đồng đen, bọn tớ già rồi, xong phần mình rồi. Bọn tớ nhất định cứ đi tìm đất làm sanh phần như thường…”.
(Ghi chú thêm: Về cái chết của Nguyễn Mạnh Côn, trong bài viết của tôi Nguyễn Mạnh Côn, Nhà Văn Can Đảm Chọn Cái Chết Trong Tù ở trại tù Xuyên Mộc, sau 3 năm, ông phản đối “chính sách học tập 10 ngày, 1 tháng” nên tuyệt thực, chúng không cho uống nước. Ông bị bỏ đói bỏ khát, mặc cho kêu gào ngày đêm cho đến lúc suy kiệt… Ngày 1 tháng 6 năm 1979, ông trút hơi thở cuối cùng!...)
“Tôi thú thật không hề biết gì về văn thơ. Về thơ Trần Dạ Từ cũng vậy. Chỉ biết anh trong nghề làm báo. Tờ nhật báo cuối cùng của anh Từ, trước khi đóng cửa vì luật báo chí VNCH đòi chủ báo thế chân 20 triệu, in trong nhà in của tôi ở đường Võ Tánh. Vị trí làng báo Sài Gòn dành cho Trần Dạ Từ làm tôi ngạc nhiên, cứ tưởng anh phải là một người lớn tuổi hơn. Khi gặp, tôi mới biết anh sinh năm 1940. Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cả miền Nam chỉ có 9 nhật báo. Năm 1962, anh Trần Dạ Từ (Phật Giáo) đã là Tổng thư ký nhật báo Dân Việt, một tờ báo gốc Thiên Chúa Giáo cánh Bắc. Anh Chu Tử viết truyện dài và mục Ao Thả Vịt nổi tiếng, là từ báo này. Sau 1964, bộ biên tập bạn hữu của Từ sẽ còn điều khiển các tờ báo có lúc có số bán vượt mức như Sống, Hòa Bình, Độc Lập…
Sau khi bị cầm tù thời Phật Giáo tranh đấu năm 1963, ra tù, Trần Dạ Từ vẫn tiếp tục làm tờ Dân Việt, nay đã đổi tên thành Việt Báo, do anh Phương Linh làm chủ nhiệm. Tôi còn nhớ đây là lúc thịnh thời nhất của Phật Giáo miền Trung…
Chính lúc đó trên tờ Việt Báo xuất hiện loạt bài ký rõ tên Trần Dạ Từ, minh danh “hỏi thăm” anh em nhóm Lập Trường ở Huế, từng điểm một rành rọt. Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, phần quan điểm thời cuộc do anh Nguyễn Mạnh Côn, thường viết với bút hiệu Đằng Vân Hầu, gọi việc anh Từ ký rõ tên cho loạt bài này là sự dại dột đáng kính trọng của người làm báo. Còn nhớ, lãnh tụ sinh viên nổi danh thời 1964 là anh Nguyễn Trọng Nho, tuyên bố tán thành các luận cứ của Trần Dạ Từ. Làng báo Sài Gòn bắt đầu hưởng ứng. Báo Lập Trường im, một thời sau, tự đóng cửa…
Sống với nhau trong tù, nhất là qua anh Nguyễn Mạnh Côn lúc đầu, biết thêm về anh Trần Dạ Từ, tôi càng ngạc nhiên hơn. Hóa ra anh Từ còn lạ hơn tôi tưởng. Thấy anh hồi ngoài hai mươi tuổi đã làm tổng thư ký một tờ nhật báo Công Giáo, lại là người cùng viết hồi ký của Linh Mục Cao Văn Luận đưa lên báo Độc Lập, tôi đinh ninh anh phải là Công Giáo thì anh lại là một Phật Tử. Trong bộ biên tập anh Từ điều khiển và bạn hữu anh, nhiều người là đại khoa bảng. Tôi đinh ninh anh phải là người học hành ghê lắm, hóa ra anh chưa học xong tiểu học. Tiếng Tây, tiếng Mỹ bập bẹ, cùng lắm chỉ đủ để đoán mò ra nội dung bản tin viễn ký hàng ngày, trước khi trao cho người phiên dịch trong tòa báo. Thì ra, người bạn đồng nghiệp trẻ của chúng tôi, vốn xuất thân chỉ là cậu bé bán báo, mười bốn tuổi đã sống ngoài lề đường…
Hồi hai anh em cùng nằm một chiếu ở trại khổ sai Gia Trung, đến phiên tôi dạy anh Từ học thêm tiếng Pháp. Lại có thêm một chuyện buồn cười. Không khá gì hơn ông thầy Nguyễn Mạnh Côn, anh Từ lại phải tộng cho bằng hết toàn văn Lê Nin bằng tiếng Tây, nhờ hình Lê Nin, mà sách gửi được vô trại tù.
Tụng kỹ Lê Nin quá, có lần anh Từ nói: “Có dịp, anh em mình phải chú giải lại Lê Nin bằng sự việc ông ạ. Tức cười thật, thì ra trí tuệ phương tây bị chữ nghĩa bắt nạt, chả hiểu gì cả”.
Năm 1977, cũng tại trại tù Gia Trung, chị Nhã Ca đi cùng vợ tôi lên thăm, sau đó anh Từ cho tôi biết anh Mai Thảo, sau cả năm bị lùng bắt, đang trốn ở trong nhà chị Nhã Ca trên đường Tự Do. Tôi với anh Doãn Quốc Sỹ nhìn nhau, không biết nói sao…
Suốt cả năm không có tin nhà, chả biết vợ con sống chết ra sao, anh Từ không hề hé răng nói một câu lo lắng, vẫn bình tĩnh tụng Lê Nin toàn tập. Anh Doãn Quốc Sỹ sau này, trong tù, sẽ thay tôi đọc cả chục bài thơ của Trần Dạ Từ, bằng tiếng Tây…
Được rời khỏi đội khổ sai nặng nề nhất trại tù, bị gọi là đội trừng giới, với nhiều người, là cái may. Với tôi, thì vậy là phải xa anh Từ và bạn hữu. Trong tù, anh Từ là người lặng lẽ, không bao giờ chịu hái một cây rau cọng cỏ hoặc kiếm thêm củ khoai củ sắn, chính tôi vẫn thường lo cho anh”
(Hồ Văn Đồng)
Nhà báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (bạn thân với Hồ Văn Đồng từ ngày ở Hà Hội). Ông là nhà báo kỳ cựu, ông là Tổng Thư Ký cùng Nguyễn Ngọc Linh (Tổng Giám Đốc Việt Nam Thông Tấn Xã) mở lớp huấn luyện phóng viên. Ông dạy môn báo chí tại Đại Học Vạn Hạnh, Chính Trị Kinh Doanh… Ông bị tù 12 năm cùng với Trần Dạ Từ, với kiến thức uyên bác chia sẻ với Trần Dạ Từ hiểu biết thêm nhiều lãnh vực. Sau nầy, ông đảm trách mục “Trước Thời Cuộc” của tờ Việt Báo rất ăn khách.
Về lãnh vực báo chí thì Hồ Văn Đồng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh đã nổi danh ở Hà Nội vào thập niên 1940’ khi Trần Dạ Từ còn nhỏ nhưng trở thành đồng nghiệp sau nầy.
Nhà văn Văn Quang trong bài viết Tết Trong Trại Tù Cùng Bạn Bè:
“Tôi đã sống như thế suốt 12 năm. Khoảng 8-9 năm, khi đã là “tù cũ”, có lẽ tụi cai ngục cũng “xuê xoa” cho một đôi phần, không còn xiết chặt cùm kẹp như mấy năm đầu nữa. Tôi bị đưa từ trại tù miền Bắc vào miền Nam, bởi hồi đó miền Bắc dân đói quá thiếu mọi thứ thực phẩm kể cả ngô khoai sắn, không thể nuôi thêm tù. Chúng tôi bị cùm hai tay suốt ba ngày hai đêm trên xe. Cho đến khi vào đến trại Hàm Tân mới được tháo cùm…
Nơi chúng tôi được chuyển tới là trại tù Hàm Tân, mang ký danh Z30… Tôi ở trại tù này chẳng nhớ bao lâu thì bỗng một ngày năm 1985, thấy mấy anh cai tù đưa một đoàn tù từ nơi khác đến. Đám tù này còn rách rưới, gầy còm xanh xao hơn chúng tôi nhiều. Tôi là tù cũ nên tiến lại gần khi tù mới vừa được ngồi xuống bên hàng rào. Lúc đó tôi mới biết đó là những người bạn tù ở các trại tù tận Pleiku, Kontum và ở những trại tù nổi tiếng là “ác ôn” nhất như Gia Trung, Bù Gia Mập… Tôi nhận ra trong đó có nhiều ông bạn văn nghệ sĩ đã từng là bạn thân khi chúng tôi còn viết báo và làm trong các đài Phát Thanh ở Sài Gòn…
Người đầu tiên tôi gặp là ông Thái Thủy với cặp kính cận mất gọng, chỉ có hai sợi dây vải buộc vào mắt kính. Câu đầu tiên tôi hỏi là “đói không?” Thái Thủy chỉ gật…
Sau đó tôi mới được gặp lại một loạt các ông Nguyễn Viết Khánh, Trần Dạ Từ, Mặc Thu, Nguyễn Sỹ Tế, Thảo Trường. Ông nào cũng đói trơ xương. Mấy hôm sau, trại bán thịt heo, tôi chỉ còn đủ tiền mua đúng một kí lô thịt heo mang cho Trần Dạ Từ, nhưng ông này lại bảo “tớ còn chịu đựng được, ông dưa cho ông Nguyễn Sỹ Tế đi”. Thế là tôi lại phải tìm cách gặp ông Nguyễn Sỹ Tế…
Cho đến tháng 9 năm 1987 chúng tôi mới được tha về, nhưng Thảo Trường còn phải nằm lại trong tù thêm mấy năm nữa cho đủ 17 năm… Chúng tôi được chở trên xe từ trại tù Hàm Tân về trại giam Chí Hòa.
Vào buổi chiều tháng 9 năm 1987. Khi đoàn xe thả tù cải tạo bị giữ lại nhà giam Chí Hòa nghe các ông quan chức trấn an về số phận chúng tôi khi được trở về, khoảng hơn 5 giờ chiều chúng tôi mới được thoát ra khỏi cánh cửa sắt nhà tù Chí Hòa. Ngay từ cổng trại tù đã có đoàn quay phim đợi sẵn để quay cảnh “vui mừng đoàn tụ” của tù nhân, chắc là để chứng tỏ cái sự “khoan hồng bác ái” của nhà nước cho những thằng may mắn không chết trong ngục tù.
Thấy cái cảnh sẽ bị quay phim, Trần Dạ Từ kéo tôi lên vỉa hè đi lẫn trong đám thân nhân được vận động ra đón tù cùng những người dân tò mò nhìn “cảnh lạ”. Tránh được cái máy quay phim, chúng tôi đi gần như chạy ra khỏi con phố nhỏ này. Ra đến đường Lê Văn Duyệt, chúng tôi đi chậm lại, nhìn đường phố mà cứ thấy đường phố nhìn chúng tôi với một vẻ xa lạ và xót thương?”
(Văn Quang)
* Thơ Tù
Ngày 16/11/2018 tại hội trường Việt Báo ra mắt tuyển tập Sáu Mươi Năm Thơ Trần Dạ Từ gồm hai thi phẩm phổ biến tại Sài Gòn trước năm 1975: Thủa Làm Thơ Yêu Em (1960) tái bản nhiều nhất trước năm 1975, Tỏ Tình Trong Đêm (1965), và sau nầy Yêu Em Yêu Loài Người (CD Nụ Cười Trăm Năm)… Trong hai tập thơ ở trong nước, có những bài thơ được Cung Tiếng, Phạm Đình Chương, Phạm Duy… phổ nhạc. Những ca khúc phổ nhạc đã được đề cập nhiều qua các bài viết.
Có nhiều thi sĩ làm thơ trong tù như Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh, Tô Thùy Yên… Trong trại tù Gia Trung năm 1979, Trần Dạ Từ đã viết bài thơ Ném Con Cho Giông Tố, trích bốn câu cảm thấy xúc động vô cùng:
“Em có lũ con thơ
Bị quê hương ruồng bỏ
Từ bóng tối hận thù.
Em nghiến răng...
Ném con cho giông tố...”
Đặc biệt với Trần Dạ Từ trong bài thơ Hòn Đá Làm Ra Lửa. Bài thơ nầy làm trong đầu từ trại tù Gia Trung & Hàm Tân (1979-1988) tác giả ghi nhớ trong đầu và lần đầu đăng trong tạp chí Văn của Mai Thảo tháng 2/1989. Bài thơ dài hơn bốn trăm câu, đánh số thứ tự từ 1 đến 12. Bản dịch Anh ngữ của Hòn Đá Làm Ra Lửa do GS Nguyễn Tự Cường, Hoa Thịnh Đốn. Người tổ chức và giới thiệu Trần Dạ Từ trong buổi đọc thơ là ông Jim Webb, nhà văn cựu chiến binh, nhà làm phim, từng là thứ trưởng Quốc Phòng. Bài thơ được đọc tại trụ sở quốc hội Hoa Kỳ ngày 28/1/1992.
Đầu bài thơ:
“Đen đúa. Sần sùi. Không đáng một xu
Dzụt gốc xoài. Quạ không thèm mổ
Quăng tận ổ. Kiến không thèm bu
Phơi giữa trại tù, kẻ thù không ngó
Đó là một trong hai hòn đá cổ sơ
Chỉ có em và tôi cất giữ
Rời nhau ra. Lặng lẽ. Dư thừa
Hợp đôi lại, chúng làm ra lửa”
Với 5 câu cuối bài thơ:
“Không thứ cờ quạt nào vấy nhơ nổi bầu trời
Không thứ chủ nghĩa nào bôi bẩn được trí nhớ
Đồi núi và em mặc chung áo nắng vàng
Suối nước và em đi chung từng bước chân
Giản dị thôi. Như ngày nào. Em tới
Tới và nói chung với cây cối một lời”
Nhân đây, viết đôi dòng về tờ Việt Báo. Sau 3 năm ở Thụy Điển, tuy là một trong những nước tốt nhất thất giới về An Sinh Xã Hội, Y Tế, Giáo Dục (học miễn phí từ tiểu học đến đại học)… Nhưng vợ chồng Trần Dạ Từ, Nhã Ca (có lẽ) khi sống nơi xứ sở tự do với hoài bão năm xưa nên đến Little Saigon (Orange County) cái nôi của làng báo Việt ngữ hải ngoại. Ngay khi đặt chân đến nơi nầy, được sự hỗ trợ và tiếp tay của thân hữu, tuần báo Việt Báo Kinh Tế ra đời (ngày 6/9/1992) trong garage bởi Nhã Ca (chủ nhiệm) và Trần Dạ Từ trong “hậu trường sân khấu” và sau nầy sáng tác nhạc. Năm 1995 trở thành nhật báo Việt Báo (cùng tên với tờ báo trước năm 1975 ở Sài Gòn) và có các ấn bản địa phương (San Jose, Seatle, New York và Houston – Texas...)
Trong thập niên 1980, 1990’ hầu hết báo Việt ngữ đều in ở Westminster Press, Việt Báo (tòa soạn ở đường Moran, thành phố Westminster) có nhà in riêng ở góc đường Sullivan & First, thành phố San Anna (Có thời gian tôi layout tuần báo Trách Nhiệm in tại đây). Với website của Việt Báo được thực hiện sớm nhất trong các tờ nhật báo ở Little Saigon, đặc biệt tác giả bài viết đăng trên website nầy, vào google gõ tên tác giả sẽ xuất hiện nhiều bài viết phổ biến trên https://vietbao.com.
Trong mùa dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tác hại mọi sinh hoạt nên nhật báo Việt Hải trở lại tuần báo, phát hành vào ngày Thứ Sáu, tuy nhiên trang web vẫn thực hiện thường xuyên mục văn học nghệ thuật cho độc giả khắp nơi. Nhà văn Phan Tấn Hải thường gọi là “nhân vật trụ trì” vì gắn liền với tờ báo trong suốt vài thập niên qua. Vì lý do sức khỏe nên không còn đảm nhận trách biệt chủ bút, nhà văn Trịnh Y Thư thay thế trên 4 năm qua, nhưng nay sức khỏe cũng yếu và chăm sóc người bạn đời nên giao công việc chủ bút cho cháu Nina Hòa Bình, kiêm chủ bút lẫn chủ nhiệm. Người bạn cố tri của tôi (nhà báo Nguyễn Thanh Huy) tuy nay đã 82 tuổi nhưng vẫn tiếp tục công việc hơn hai thập niên qua. Tuy các bậc “cao niên” lùi lại hậu trường, nhưng vẫn đảm nhiệm bài vở hàng tuần trên tờ báo giấy và trên website Việt Báo.
Việt Báo thành công trong mục Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, mỗi năm tổng kết trao trên $30,000 cho gần 20 người, tuyển chọn và in thành sách VVNM mỗi năm. Giải VVNM là một giải viết văn trường kỳ nhất từ xưa nay trong nước lẫn ngoài nước, bước vào năm thứ 24, được sự đóng góp của nhiều tác giả dự thi nhất ở hải ngoại. Sách VVNM cũng được lưu trữ trong Thư Viện Library of Congress của Hoa Kỳ.
Trước đây, tôi đã từng cộng tác với nhật báo Người Việt trong mục Tiếng Việt Mến Yên vào Thứ Năm và trong thời gian chúng tôi thực hiện tờ KBC Hải Ngoại (2002-20
05), Nguyên Huy, Lê Tường Vũ và tôi phụ trách Trang Chiến Hữu vào Thứ Tư hàng tuần. Nay vẫn còn đảm trách tờ nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa c
ủa công ty nầy (độc lập về bài vở và layout). Với Việt Báo, tôi không phụ trách mục nào vì vậy, bài viết với tinh thần khách quan.
Như đã đề cập ở trên, nhà thơ, nhà báo Trần Dạ Từ không viết hồi ký trải dài qua nhiều thập niên từ thuở di cư vào Nam, việc dấn thân vào báo chí, thi ca trải qua nhiều biến động (ở tù năm 1963, sau năm 1975 với 12 năm tù) cùng những thăng trầm trong cuộc sống và xã hội… Vì vậy khi trích đăng những nhà văn, nhà thơ, nhà báo ngoài Du Tử Lê (1942-2019 cùng trang lứa), những người đã trưởng thành trước Trần Dạ Từ như Nguyên Sa (1932-1998), Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979), Văn Quang (1933-2022), Hồ Văn Đồng (1923-2006), Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh (1921-2012) là những khuôn mặt tên tuổi, nhân cách viết về Trần Dạ Từ, với tôi, trung thực và xứng đáng. Những nhân vật trên nay đã ra người thiên cổ với người còn lại (Trần Dạ Từ) an hưởng tuổi già nơi xứ lạnh Bắc Âu.
Vương Trùng Dương
Little Saigon, September 2024