Hôm nay,  
DAVEMIN.COM

Vài cảm nhận nhân đọc tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của Trịnh Y Thư

07/09/202408:50:00(Xem: 823)

 TYT_DVTP_PreOrder

 

Nhận được cuốn tiểu thuyết Đường về thủy phủ của nhà văn Trinh Y Thư, nghiền ngẫm đọc mấy hôm và suy nghĩ viết đôi lời cảm nhận cho tác phẩm của ông.
    Tiểu thuyết Đường về thủy phủ gồm 3 chương gần như là 3 truyện vừa kết hợp theo xu hướng mà tác giả nêu “trên mặt hình thức, bước sang thời Hiện đại, tiểu thuyết không nhất thiết phải duy trì tính dài hơi của một truyện dài. Cái thắt buộc cuốn tiểu thuyết ở đây không còn là cốt truyện hay nhân vật mà là phạm trù ý niệm, hoặc thông điệp hoặc cả hai”.
    Tiểu thuyết Đường về thủy phủ có bối cảnh là trước và sau chiến tranh Việt Nam. Xuyên suốt tiểu thuyết của ông mà phần đầu là những gì khốc liệt trong chiến tranh, phần 2 là hậu chấn với những dư âm gặm mòn bản chất con người và phần 3 vẫn không thoát khỏi “chiến tranh” len lỏi trong cuộc sống dù ở nơi đâu. Tuy vậy, tác giả của tiểu thuyết khẳng định, ông không viết về lịch sử hay chiến tranh mà viết cảm nhận của ông về chiến tranh, mượn nó làm phông nền cho những gì hư cấu trong tiểu thuyết. Như nhà văn Pháp gốc Tiệp Milan Kundera có nói: “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia”
 
Phần I: Ký ức của loài bò sát
 
Loài bò sát làm ta liên tưởng đến cá sấu, rắn rết… phải chăng là cách nói ẩn dụ về tính “thú”của con người. Như câu nói của cô gái trong tiểu thuyết “…tại sao con người lại ác độc với con người như thế hả anh? Em không hiểu được”. Câu hỏi này thật ra cũng không có gì lạ, nó nằm trong phạm trù triết học mà từ xưa nay chưa có lời giải đáp chính xác và thỏa đáng nhất. Nhà triết học người Pháp Blaise Pascal cũng đã từng nói: “Con người vừa là vinh quang vừa là cặn bã của vũ trụ” như một cách đúc kết con người có thể vừa yêu thương vừa căm ghét, có thể vừa nhân ái vừa ác độc. Trong tiểu thuyết thì nhân vật “Gã” trả lời cô gái là do ý thức hệ, đó là câu trả lời một phần đúng trong những tội ác của chiến tranh chăng!? Và vì cái ý thức hệ đó mà cảnh tàn khốc nhất, hung bạo nhất “thua cả loài cầm thú” (sự thật có khi còn hơn) lại làm ta truy ngược vấn đề “Ký ức của loài bò sát” phải chăng là còn hiền hơn so với con người bây giờ???
    Nói gì thì nói, mạch truyện vẫn là Đường về thủy phủ. Ở cuối phần này, cô gái người dân tộc H’Mông cùng cả buôn bản bị giết bên bờ suối khi cô đang mang thai. Hành trình trở về của cô cùng đứa con là cuộc nói chuyện khi đang trôi dần về thủy phủ. Đi theo cô là cả buôn làng cũng yên lặng lờ đờ trôi đi nơi sẽ gặp lại người thân trong tình yêu thương, “thủy phủ ở xa lắm, mãi ngoài biển, nhưng bố dặn mẹ con mình cứ xuôi dòng nước này là đến.”[…] “là nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi”.
 
Phần II: Dưới những gốc nho biển
 
Một cái tiêu đề lãng mạn như muốn xoa dịu những thảm khốc của cuộc chiến ở Phần I, và những thảm cảnh không kém đớn đau hơn ở Phần II mà kiếp người phải trải qua trong thời hậu chiến. Nhân vật “Cô” trong câu chuyện mang tâm bệnh, “bị kẹt cứng trong bi kịch đời sống, bị đè bẹp bởi tấn bi kịch lịch sử khốc liệt mà thế hệ cô gánh chịu”, trở nên bất lực trước những giá trị cuộc đời dần mất đi khiến con người trở nên tàn phế đến mức vô cảm mọi sự, miễn nhiễm với mọi nỗi đau, bình thản chấp nhận sống để chờ chết, mặc nhiên sống có gì vui, chết có gì khổ rồi cuối cùng tìm đến “thủy phủ” như một nơi chốn trở về.
    Ở chương này, người phụ nữ trầm luân ấy đi về phía biển, ngồi chờ vô định dưới những gốc nho biển… với một nỗi buồn vô tận và cô quyết định bước lên chiếc thuyền không thể trở lui của định mệnh rồi biến mất trong làn nước sâu thẳm để về thủy phủ, nơi cô tìm được sự an tĩnh, thoát khỏi bị kịch đời sống. “Nó là tiếng gọi từ cõi xa xăm huyền bí kêu réo cô hãy trở về thủy phủ".
 
Phần III: Đường về thủy phủ
 
Là tiêu đề chính của tiểu thuyết. Ở phần này tác phẩm có vẻ mang phong thái tự do hơn. Những suy tưởng, những tâm niệm được diễn biến phức tạp và mâu thuẫn nhưng lại vô cùng thoải mái thi triển. Hai nhân vật: Gã Nhà Văn, Tôi, có khi là Cô lúc hòa nhập làm một, lúc lại tách ra khiến tác phẩm hư hư thực thực, rất hấp dẫn. Đó cũng là tính mâu thuẫn nội tại trong mỗi con người thể hiện một thái độ khắc khoải, một thái độ phản kháng, một thái độ an phận chấp nhận. “Và bởi tôi chỉ là ảo ảnh. Tôi chỉ hiện hữu trong thần trí tưởng tượng của gã”. Ở phần III này tính triết lý rất cao, sự dằn vặt nội tâm, truy cứu đến cùng sự cô đơn của con người “[…]tôi thốt nhiên hiểu ra cô đơn không phải sự trừng phạt, mà là một trạng thái tự nguyện có thể dẫn đến sự giải thoát trong tâm hồn. Thế nhưng, nó là một nghịch lý, bởi nỗi buồn sâu thẳm tự đáy lòng không thể nào tan biến đi được”.
    Một điểm thú vị khác là nhân vật nữ trong Phần III chính là đứa con gái bị thất lạc năm 3 tuổi của nhân vật nữ trong Phần II. Khi cô con gái từ bên kia đại dương trở về và quyết định ở lại quê hương tìm lại nguồn gốc, tìm lại người mẹ đã khuất và đã thất lạc không còn nhớ mặt như một thôi thúc tìm kiếm quá khứ của bản thân để chính bản thân được an yên. Bởi bản thân cô là một người có trạng thái bất định về tâm thần, thường mơ những giấc mơ kinh khiếp và có những hành động điên rồ mất kiểm soát. Nhiều đoạn viết về mối liên hệ xuất thần giữa hai mẹ con: “Tôi có cảm tưởng mẹ tôi lúc nào cũng ôm ấp, vuốt ve và an ủi tôi. Ôi, tình thương của mẹ, chẳng có gì quý báu hơn. Nhờ tình thương đó, tôi không còn mơ những giấc mơ hãi hùng nữa.”
    Thủy phủ ở phần này chính là ngôi đền thờ người mẹ mà tín ngưỡng của dân làng nơi ấy đã dựng lên, cũng là sự gắn kết tình mẹ con, tình bố con (dù chỉ là bố dượng). “ Em sẽ về sống trong ngôi đền thờ mẹ em ở Cống Liệp… Em sẽ trông nom ngôi đền và ngày đêm ở cạnh mẹ em. Em chỉ ước ao chừng ấy”. […] “Hai người, một già một trẻ, từ bãi cát níu nhau đi vào trong đất bằng hướng về phía ngôi đền le lói ánh đèn trên mỏm đất cao” . Ở đây có cả sự gắn kết cuối cùng mới nhận ra giữa cô gái và “gã nhà văn khi ông ta chết sớm vì bạo bệnh”. Hai kẻ thất lạc trong cõi trần, đến lúc chia tay ra đi không trở lại. Ở ý nghĩa nào đó, tôi cũng ra đi như gã”. Nghe như cô gái ấy đã về thủy phủ nương tựa nơi người mẹ và cả ở nơi người đàn ông của đời cô.
 
***
 
Toàn bộ tiểu thuyết Đường về thủy phủ có vẻ hơi nặng nề với những nỗi thống khổ của con người về thể xác lẫn tinh thần, những cảnh giết chóc ghê rợn, ám ảnh, những cảnh nhục dục nhu cầu, những dằn vặt bản thân như câu hỏi muôn đời “ta là ai, ta từ đâu đến, ta đi về đâu”. Nhưng xuyên suốt tác phẩm vẫn là sự nhân bản thể hiện qua những đoạn văn dạt dào tình cảm miêu tả cảnh đẹp quê hương, những địa danh, những xóm làng nơi tác giả đi qua dù là hòa bình hay trong chiến tranh, những trò tinh nghịch thuở thiếu thời, tình yêu đầu đời, tình bạn bè, tình thân và cuối cùng nhắm đến vẫn là CHÂN-THIÊN-MỸ cho dù đó chỉ là hy vọng, là đốm lửa yếu ớt trong đêm đen mịt mù… Con người vẫn sẽ hạnh phúc khi không đánh mất đi sự cảm nhận CÁI ĐẸP của tình người trong kiếp sống này. Đó chính là sự cân bằng trong tác phẩm cũng như sự cân bằng đời sống của chính tác giả: “Tôi vừa đạp xe vừa cố nhìn lần chót những hình ảnh của Hà Nội mà chẳng biết bao giờ mới có dịp về nhìn lại. Hồ Hoàn Kiếm vẫn xanh biếc với tháp Rùa, cầu Thê Húc, đình Trấn Ba. Đường Hoàng Gai, nơi bán đèn Trung Thu mà hằng năm mẹ tôi dắt chị em tôi ra mua đèn về chơi. Trường nữ học Đồng Khánh với những tà áo bay. Rồi vườn trại Ngọc Hà với chợ hoa những ngày cận Tết, những con ngõ nhỏ như ngõ Phất Lộc, ngõ Cấm Chỉ phố Hàng Bông gần nhà, nơi tôi hay ngồi ăn quà buổi sáng… Rồi năm Cửa Ô, cửa nào cũng có vết chân tôi…”
    Và trong thời gian lưu lạc thuở thiếu thời, nhân vật “Tôi” có con ngựa nhỏ đặt tên là Tiểu Thố, người và vật quý mến nhau một cách đặc biệt và con ngựa nhỏ đã đưa nhân vật “Tôi” đi khắp vùng đồi núi Yên Bái, nhìn ngắm những cảnh đẹp, những địa danh như cánh đồng Mường Lò, hồ Thác Bà, thác Pú Nhu, Mù Cang Chải… nơi có những cánh rừng thưa, những thửa ruộng bậc thang và tất nhiên những người Tày, người H’Mông chất phác. “Tôi gặp những người dân hiền lành, có những cô gái môi má đỏ au như thoa son, trên người mặc quần áo thổ cẩm, thường là màu đen có những hoa văn lạ mắt, đầu chít khăn màu hoa rừng, lưng đeo gùi mà họ gọi là “lù kở”, nối đuôi nhau đi thành đoàn sáu, bảy cô trên con đường đồi gập ghềnh uốn lượn, xa xa là cánh đồng màu vàng mượt mà, óng ả.”
    THỦY PHỦ, một địa danh tín ngưỡng dân gian (nơi ở của thủy thần dưới đáy biển, đáy sông – theo từ điển Chữ Nôm). Tiểu thuyết Đường về thủy phủ mượn địa danh ảo này để ngụ ý sự trở về của con người, rửa sạch mọi đau khổ, mọi dơ bẩn chốn trần gian. Tại sao không phải là địa phủ như bình thường nơi có thể là núi non trùng điệp, cánh rừng thâm u, cánh đồng vô tận... mà lại là thủy phủ. Có lẽ tác giả mượn chữ THỦY, ý nói đến sự gột rửa. Ở đây ta có thể liên tưởng đến nghi thức rửa tội của Cơ đốc giáo bằng cách dìm mình hoặc ngâm mình xuống nước để sám hối tội lỗi, để được ân sủng, cứu độ từ Đấng Tối Cao. Nói như thế để hiểu Thủy phủ ở đây là sự trở về một cách thanh sạch, trong lành, nó không mang ý nghĩa là thiên đàng, mà đơn giản chỉ là chốn BÌNH AN, là nơi con người được TÁI SINH.
 
– Đỗ Anh Hoa
(TP.HCM ngày 5/9/2024)
 
Đỗ Anh Hoa là một họa sĩ từng có nhiều cuộc triển lãm ở Việt Nam và quốc tế. Hiện chị là giảng viên Đại học Công Nghiệp TP. HCM.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“ VÀ EM, LỄ KHẤN DÒNG” ( VE,LKD) là thi phẩm thứ 24 của nhà thơ Lê Đình Bảng, sau 23 tác phẩm đã xuất bản gồm các sách Giảng văn, Giáo trình sách giáo khoa, Thơ, Văn, Bút ký... xuất bản từ năm 1962 ở Sài Gòn và hải ngoại cho đến nay. Sách dày 110 trang gồm 63 bài thơ và lời giới thiệu của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc, do nhà Xuất bản Tuổi Hoa Publishing, Hoa Kỳ ấn hành tháng 8 năm 2024, với tranh bìa của họa sĩ Nguyễn Hà và ký họa chân dung tác giả của họa sĩ Chóe.
Hiếm có một tiểu thuyết như Đường về thủy phủ của Trịnh Y Thư. Không phải là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng lại làm người đọc phải bâng khuâng nghĩ về những chặng đường đã trải qua của dân tộc. Không phải là một tiểu thuyết diễm tình, nhưng lòng độc giả sẽ chùng xuống khi khép trang sách lại và ngậm ngùi cho những mối tình tan vỡ. Bạn có thể đọc xong, tuần sau đọc lại, vẫn còn thấy có những gì như cần đọc nữa. Chữ của Trịnh Y Thư như dường không cũ tí nào, vì nó luôn luôn gợi tới những gì sâu thẳm trong tim mỗi người, những ước mơ về một mối tình rất mực kỳ ngộ, rất mực dị thường.
“Ở Phía Đông Âm Phủ” là một trong hai truyện tạo thành tập truyện có cùng tựa đề “Ở Phía Đông Âm Phủ” của nhà văn Nguyễn Viện. Sách dày 184 trang do Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2024. Ở âm phủ, dĩ nhiên, để bị trừng phạt và đền tội, nếu vậy, ngụ ý của tác giả là tội gì, đối với các nhân vật trong truyện, những lãnh tụ có thật đưa vào hư cấu, mang máu lịch sử, tạo ra những khúc quanh lớn cho dân tộc, chôn hàng hà sa số xương thịt của người dân, dù có ý định tốt đẹp? Đối với lãnh đạo, lý tưởng và hành động là hai bạn đồng hành, nếu họ yêu nhau, chuyện tốt đẹp sẽ xảy ra; nếu họ phản bội nhau, chuyện xấu xa sẽ xuất hiện sau mặt nạ son phấn của tuyên truyền.
Sách mới "Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ" của Nguyễn Viện, do NXB Tiếng Quê Hương (Mỹ) ấn hành, 2024. Gồm 2 truyện kịch: VÀ, HẮN ĐÃ ĐẾN & Ở PHÍA ĐÔNG ÂM PHỦ. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng nhận định: “Ở phía đông âm phủ” độc đáo ở chỗ tác giả không miêu tả trực tiếp nhân vật, mà để cho họ nói năng như trên sân khấu, như trong một vở kịch. Hình thức tiểu thuyết - kịch rất hiếm trong văn học Việt Nam… Những quan sát của anh sắc bén, và trong một ngôn ngữ đẹp, giản dị, tinh tế, dí dỏm, tôi thiết nghĩ anh đã thành công trong việc đánh thức ý thức lịch sử và xúc cảm cá nhân nơi người đọc. Nhà nghiên cứu lý luận Ngu Yên đúc kết: Trên con đường văn chương Việt, Nguyễn Viện trở thành một trong số ít nhà văn phiêu lưu, dọ dẫm vào miền văn học lạ lẫm.
Kề từ khi bệnh tật tận tình thăm hỏi, Khánh Trường đã cho ra đời: Truyện ngắn Khánh Trường (2016), Chuyện Bao Đồng (tạp bút, 2018) và các tiểu thuyết: Tịch Dương (2019), Dấu Khói Tàn Tro (2020), Bãi Sậy Chân Cầu (2020), Có Kẻ Cuồng Điên Khóc (2020), Xuyên Giấc Chiêm Bao (2021), Đừng Theo Dông Bão (2021). Nắng Qua Đèo (2021), Năm Tháng Buồn Thiu (2023), Cùng Nhau Đất Trời (2024) và cuối cùng là tập Thơ Khánh Trường (2024). Số tác phẩm đồ sộ này, ít ai, kể cả những tác giả sung sức nhất, làm nổi. Đúng là…kỳ vĩ! Cuốn “Cùng Nhau Đất Trời” này có chút khác với các cuốn trước vì tác giả ghi ngay ngoài bìa sách là “du ký tiểu thuyết”. Chuyện mới à! Mới nhưng truyện của Khánh Trường chằng bao giờ thoát ra khỏi tình. “Cùng Nhau Đất Trời” cũng vậy, đây là một truyện tình. Nhân vật chính không còn trẻ, đã 38 tuổi, chưa chồng con. Ông bố sốt ruột: “Cô tưởng cô còn trẻ lắm sao? Kén cá chọn canh mãi, mai mốt thành gái già, hối không kịp”.
Tôi đã đọc bản thảo “Dòng Đời” khá là chậm. Đôi khi tôi đọc lại môt số đoạn, một số trang. Khi đọc lại toàn văn bản thảo lần thứ nhì, tôi lấy giấy ra ghi chú về các nhân vật, các mốc thời gian, những chuyển biến khi các nhân vật dời đổi từ bên dòng sông này qua thị trấn miền núi kia. Tất cả như một cuốn phim về một quê nhà đang tìm hướng đi trong thời kỳ hậu thực dân Pháp, nơi lối rẽ của tranh chấp để con sông trở thành đôi bờ và rồi người lái đò (trong tiểu thuyết này là người có tên là ông Ba Đò) trở thành người hai mặt, bị buộc cung cấp tin cho cả hai lực lượng thuộc hai ý thức hệ khác nhau.
Ngôn Ngữ đặc biệt về “tác giả tác phẩm”, cuốn này hân hạnh được giới thiệu đến quý bạn đọc, một cây bút tài danh đã viết và thành công trong hầu hết trong nhiều bộ môn văn học nghệ thuật qua bốn thập niên. Tác giả đó là nhà văn Trịnh Y Thư. Ông tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm 1952 tại Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, du học và hành nghề điện tử viễn thông tại Hoa Kỳ cho đến khi hưu trí vào năm 2018. Như đã thượng dẫn, Trịnh Y Thư là một người đa tài, chúng tôi xin giới thiệu đại khái về từng bộ môn ông đã sinh hoạt. Trong bộ môn văn, ông đã viết và phổ biến rộng qua sách in từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dịch, khảo cứu, nhận định văn học, tùy bút, tạp bút, tạp luận. Với bộ môn thi ca, ông có một số ít bài theo phong cách vần điệu nhưng không cùn mòn. Chúng tôi nghĩ ông rất hứng thú và chuyên về trường ca, hoặc những bài viết có số lượng câu không quá ngắn hoặc quá dài, và ông cũng sử dụng cả lối thơ Hokku với chỉ 3 câu cho từng khổ.
Trong số truyện ngắn của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” trong tập truyện Gìn Vàng Giữ Ngọc có lẽ là tác phẩm được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Dựa trên câu chuyện cơ cực có thật của chính gia đình mình trong thời toàn quốc kháng chiến chống Pháp, Doãn Quốc Sỹ đã kể lại với một cách nhìn nhân bản, kết thúc với đoạn văn được những người hâm mộ trích lại nhiều nhất: “…Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành…”
"Dòng Đời", tác phẩm thứ sáu của nhà văn Lê Lạc Giao, lấy cảm hứng từ sự tuôn chảy của một dòng sông để phác họa nhiều dòng chảy khác sâu kín, phức tạp, đa chiều trong nội tâm của Hiểu, nhân vật chính trong tiểu thuyết. Hiểu lạc trôi theo vận nước, bước qua những tàn tích của lịch sử, qua những bóng ma quá khứ, những khoảnh khắc cô đơn tuyệt vọng để tìm lại bản thân, hội nhập, đối diện với những thử thách mới trong hiện tại và tương lai.
Suy nghĩ về thơ, Đặng Toản đã viết: “ ... Thơ chấp nhận mọi sự đẽo gọt và không đẽo gọt, từ vi tế đến thô ráp, từ dân gian đến bác học và các thành phần tham gia vào chiếu thơ có mặt phu xe và tể tướng, gã ăn mày và đại phú hộ...” ( Nghĩ về thơ, trang 258). Do đó sẽ càng thú vị hơn, khi ta bắt gặp những hình ảnh thơ, những câu thơ với những ngôn ngữ “nghề nghiệp” song cũng đầy mới lạ và ấn tượng của “gã thợ tiện’ bên những tia laser cắt... ống sắt!
DAVEMIN.COM
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.