PARIS – Hôm thứ Năm (5/9), sau hai tháng tình hình chính trị rối ren và bất ổn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã quyết định bổ nhiệm Michel Barnier làm tân Thủ tướng, theo Reuters.
Barnier, cựu trưởng đoàn đàm phán của EU về vấn đề Brexit (Anh tách ra khỏi EU), đã cam kết sẽ hợp tác với tất cả các đảng phái chính trị trong Quốc hội Pháp, nhưng chưa tiết lộ nhiều về kế hoạch cụ thể của mình sau khi nhậm chức. Ông là một chính trị gia bảo thủ kín tiếng, dù từng giữ nhiều chức vụ bộ trưởng nhưng ít được biết đến ở Pháp.
Tân thủ tướng Pháp sẽ phải đối mặt với thách thức lớn, là làm thế nào để thông qua các dự luật khó khăn trong một Quốc hội không có đa số rõ ràng, chẳng hạn như dự luật về ngân sách năm 2025. Cùng với đó là nguy cơ bị lật đổ bất cứ lúc nào.
Số phận của cả Barnier và Macron phụ thuộc vào Đảng cực hữu National Rally (RN) của Marine Le Pen, đảng này đã tạm thời ủng hộ việc bổ nhiệm Barnier làm Thủ tướng. Tuy nhiên, RN cũng cảnh báo rõ ràng rằng họ có thể rút lại sự ủng hộ bất cứ lúc nào nếu các vấn đề họ quan tâm, như nhập cư, an ninh và kinh tế, tài chính không được giải quyết ổn thỏa.
Phát biểu tại Điện Matignon, Barnier khẳng định sẽ dùng nhiệm kỳ của mình để cố gắng giải quyết những thách thức mà Pháp đang phải đối mặt, từ sự phẫn nộ, nỗi đau, cảm giác bị bỏ rơi và sự bất công, những vấn đề đang lan rộng ở nhiều thành phố, vùng ngoại ô và khu vực nông thôn trên khắp cả nước.
Ở tuổi 73, Michel Barnier trở thành thủ tướng cao niên nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của Pháp, kế nhiệm Gabriel Attal, người giữ danh hiệu thủ tướng trẻ tuổi nhất. Sau cuộc bầu cử không có đảng nào giành được đa số, phải mất hai tháng để Tổng thống Macron quyết định bổ nhiệm Barnier.
Barnier cam kết sẽ lắng nghe tất cả các nhóm chính trị, bất kể họ thuộc đảng phái nào. Đồng thời, ông nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng được ưu tiên bao gồm y tế, an ninh, việc làm và giảm bớt gánh nặng nợ công của quốc gia. Ông cũng hiểu rằng người dân Pháp đang mong muốn một chính phủ có thể mang lại sự tôn trọng, đoàn kết và hòa hợp trong xã hội.
Phe cánh tả, dù giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử nhưng không đạt được đa số tuyệt đối, tuyên bố sẽ đấu tranh quyết liệt chống lại Barnier. Nhà lãnh đạo cực tả Jean-Luc Melenchon cho biết: “Cuộc bầu cử đã bị đánh cắp khỏi tay người dân Pháp,” và kêu gọi mọi người tham gia biểu tình vào thứ Bảy. Nhà lập pháp cực tả Mathilde Panot cũng lên tiếng, gọi việc bổ nhiệm Barnier là một “cuộc đảo chính dân chủ không thể chấp nhận được.”
Nhà lập pháp của Đảng RN Laurent Jacobelli cho biết điều kiện để đảng này không bỏ phiếu chống lại Barnier là Quốc hội phải được giải tán càng sớm càng tốt, tức là vào khoảng đầu tháng 7 năm sau.
Trong khi đó, Chủ tịch Đảng RN Jordan Bardella đã yêu cầu chính phủ phải giải quyết những vấn đề mà phe cực hữu đang lo ngại. Ông cảnh báo: “Nếu trong những tuần tới mà những vấn đề này không được giải quyết đâu ra đó, chúng tôi sẽ dùng tới tất cả phương tiện và biện pháp mà mình có.”
Barnier là một chính trị gia ôn hòa và ủng hộ Âu Châu. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, ông luôn ủng hộ sự hợp tác sâu rộng trong EU. Tuy nhiên, vào năm 2021, khi tranh cử làm ứng viên Tổng thống của đảng mình, ông đã thay đổi quan điểm và có những phát biểu cứng rắn hơn về vấn đề nhập cư, cho rằng tình trạng nhập cư đã bị mất kiểm soát.
Barnier bắt đầu sự nghiệp chính trị khi mới 27 tuổi và đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong các chính phủ Pháp, bao gồm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nông nghiệp. Trong 15 năm qua, ông chủ yếu làm việc tại trụ sở EU ở Brussels, dẫn dắt các cuộc đàm phán về việc Anh tách ra khỏi EU (Brexit).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gửi lời chúc Barnier mạnh mẽ và thành công trong vai trò Thủ tướng, trong khi Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen bày tỏ niềm tin rằng Barnier sẽ luôn để tâm đến lợi ích của EU và Pháp.
Tổng thống Macron đã cân nhắc nhiều ứng viên cho vị trí Thủ tướng, nhưng không ai có đủ sự ủng hộ để lãnh đạo một chính phủ ổn định.
Việc bổ nhiệm Barnier đã gây ra phản ứng tích cực từ thị trường tài chính. Cổ phiếu của các ngân hàng Pháp tăng nhẹ, chi phí vay của chính phủ giảm chút ít và đồng euro cũng tăng giá.
Giờ đây, sự chú ý sẽ chuyển sang việc Michel Barnier chọn lựa các bộ trưởng trong chính phủ của ông, những đề nghị bổ nhiệm này sẽ cần được Tổng thống Emmanuel Macron chuẩn thuận.
Theo công ty phân tích chính trị Eurasia Group, có thể một số bộ trưởng sắp mãn nhiệm sẽ tiếp tục làm việc trong chính phủ mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính hiện tại, Bruno Le Maire, có thể sẽ không nằm trong số đó. Eurasia Group cho biết: “Việc Barnier đưa ai lên làm Bộ trưởng Tài chính sẽ là quyết định rất quan trọng, để trấn an Brussels và các thị trường tài chính rằng Pháp có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị và tài chính đan xen trong ba tháng tới.”